“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 1, 7-11)
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần.”
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nazareth xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Sứ Mệnh Của Người Đã Chịu Phép Rửa Tội ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Phép Rửa: Biến Cố Hiển Linh Vĩ Đại Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tình Liên Đới Trong Đại Dịch Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chúa Chịu Phép Rửa Vì Tội Lỗi Muôn Dân Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Điểm Hẹn Hạt Nắng Trg 10
Đáp Lời Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Tình Bao La M. Madanena Hoa Ngâu Trg 12
Bài Học Vào Đời Nắng Sài Gòn Trg 13
Bài Học Khiêm Nhu A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Sứ Mệnh Của Người
Đã Chịu Phép Rửa Tội
1) Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ
Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.
2) Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời
Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.
3) Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.
4) Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.
Từ xưa trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.
Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế. Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.
Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn bí tích Rửa Tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.
CÂU HỎI CHIA SẺ
1) Bạn có dễ dàng nhận lỗi không?
2) Bạn đã thực sự sống như một người con hiếu thảo đối với Chúa chưa?
3) Ơn phép Rửa Tội là gì? Bạn đã sống ơn phép Rửa Tội chưa?
4) Bạn đã thực sự là Tin Mừng cho những người chung quanh chưa?
5) Chúa Giêsu chịu phép rửa trình bày cho ta những hình ảnh nào về Chúa?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Phép Rửa: Biến Cố Hiển Linh Vĩ Đại
Biến cố Đức Giêsu hòa nhập cùng đám đông dân chúng bước xuống sông Giócđan để được Gioan rửa, theo nghi thức sám hối thịnh hành vào thời đó, đã được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đồng tường thuật. Chắc chắn đối với các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai sự kiện này phải có một ý nghĩa trọng đại lắm, căn cứ vào sứ điệp mà Người dùng để khởi sự sứ vụ rao giảng công khai: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!” Và tầm quan trọng của nó càng được phô diễn khi chính Chúa Cha đã cho xuất hiện các ấn dấu để làm bắng chứng: ‘trời mở ra… Thần Khí ngự xuống… tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”.
Đối với Gioan cũng như dân chúng thời đó, thì nghi thức xuống dòng sông dìm mình chỉ đơn thuần là một dấu hiệu của thống hối tội lỗi, của cải tà qui chính. Đối với phần đa người Do Thái thì việc tẩy rửa này không chỉ mang nội dung mang tính luân lý mà còn cả tôn giáo nữa, vì nó biểu hiện việc tái lập lòng trung thành với giao ước Sinai. Còn riêng đối với Đức Giêsu thì sao, khi chính người chủ động tìm đến để dìm mình xuống dòng nước Giócđan? Đối với Người, tôi thiết nghĩ, thì việc chịu phép rửa bởi tay Gioan không đơn thuần chỉ là một hành vi tự hạ, mà còn hàm chứa một nội dung hết sức lớn lao. Sau này khi đặt câu hỏi với Giacôbê và Gioan: “các anh có chịu nổi phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:38), xem ra Người muốn gợi ý về cái nội dung này.
Như thế, đối với Đức Giêsu, phép rửa chính là hành vi đón nhận trọn vẹn tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, là đưa lòng thương xót của Thiên Chúa vào thân phận thấp hèn của con người tội lỗi (cũng như đối với tất cả những ai tin theo Người sau này, “phép rửa Thầy sắp chịu anh em cũng sẽ chịu”). Đức Giê-su không vướng tội, nhưng một khi đã mặc lấy thân phận con người, Người cũng phải thực hiện nơi mình chính điều mà Người hằng rao giảng: hãy ném mình vào Tin Mừng thương xót của Thiên Chúa như điều kiện để lãnh nhận được ơn cứu độ. Phép rửa mà Người sẽ đạt tới cao điểm và thể hiện cách hoàn hảo trên thập giá, lúc mà, trong tư cách người phàm, Người đã trọn vẹn phó thác mình cho lòng thương xót từ bi của Thiên Chúa “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Và i này chính là tâm điểm của Tin Mừng nên nó là kết qu và ả trung thực nhất của Thần Khí (Thần hành vKhí ngự xuống), nó mở rộng cửa trời (Trời mở ra),nó biến con người tội lỗi thấp hèn thành ‘con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’. Đức Giê-su Ki-tô, trưởng tử trong các anh em sống kiếp con người, đã tự nguyện bước xuống dòng sông Gióc-đan và tắm rửa là để nói lên sự hoàn toàn chấp nhận lòng thương xót từ ái của Cha.
Như vậy phép rửa của Giao Ước Mới, được thể hiện nơi Đức Giê-su – A-đam mới, là hành vi cần thiết mà bất cứ kẻ tin nào đón nhận Tin Mừng của tình yêu tha thứ đều phải thực hiện. Chẳng thế mà việc đón nhận Tin Mừng Cứu Độ đã được Đức Giê-su và các tông đồ đồng hóa với việc chấp nhận lòng thương xót nhiệm mầu qua biểu tượng bên ngoài là lãnh nhận ‘Phép Rửa’: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19). Hành vi thanh tẩy của Phép Rửa từ đó trở thành một bí tích của giao ước mới do Đức Kitô Giêsu thiết lập (và có thể nói, chính Người trong tư thế ‘con người giống chúng t mọi đàng’, đã là người đầu tiên lãnh nhận tại sông Giócđan). Tất cả những ai muốn được cứu raỗi đều cần thực hiện ‘Phép Rửa’ đó trong thẳm sâu con người mình. Cũng như Đức Giêsu, nó được khởi sự thực hiện trong ngày đầu của niềm tin vào ơn cứu độ, tức ngày người Kitô hữu lãnh bí tích rửa tội, và sẽ chỉ thành toàn trong tiếp nhận trọn vẹn ngày ‘con phó linh hồn con trong tay Cha’.
Như vậy hôm nay quả là ngày chúng ta ghi nhớ sự Hiển Linh trọng đại nhất của con người Giêsu, không chỉ trong thần tính, mà nhất là trong nhân tính của niềm tin. Và cùng với Người, mỗi Kitô hữu chúng ta cũng mừng ngày hiển linh của con người được cứu chuộc qua bí tích Rửa Tội chúng ta lãnh nhận, hiển linh lòng từ ái cứu vớt của Thiên Chúa, và hiển linh ơn cứu độ Chúa đã trao ban cho chúng ta cách nhưng không. Và cùng với mừng sự hiển linh rực rỡ này, cũng như Giêsu gục chết trên thập giá, chúng ta cũng ôm ấp và thề nguyền đưa việc hiển linh này tới thành toàn trong giờ phút quyết liệt nhất của cuộc đời: giờ phút chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng trong vòng thay nhân ái của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết dìm mình trong lòng từ bi thương xót vô biên của Chúa, qua việc con thành tâm sám hối, tức là chân thành nhìn nhận sự yếu hèn tột cùng của mình. Nếu từ ngày được rửa tội cho tới nay con đã không làm điều này cho đủ, thì thời gian còn lại của cuộc đời, xin cho con dành trọn để đón nhận và tri ân lòng thương xót Chúa; làm như thế con mới thật sự sống bí tích Rửa Tội suốt đời con. Amen
Lm.. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Tình Liên Đới Trong Đại Dịch
Trong năm đại dịch Covid người ta thấy rất nhiều câu, nhiều cách đề xướng tình liên đới để chung tay đẩy lùi dịch bệnh và liên đới chia sẻ cứu giúp nhau trong cơn đại họa này.
Tại một nhà tù bên Ý, các tù nhân đã thực hiện một biểu ngữ: “Chúng tôi ở bên trong, xin các bạn hãy ở nhà”. Những tù nhân đã đau khổ vì phải sống cách ly xã hội, nay do đại dịch các buổi thăm trực tiếp của gia đình và người thân bị đình chỉ. Họ đã nêu cao biểu ngữ này để nhắc nhở người thân hãy ở nhà để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện vào tháng 12/2019 nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai bị nhiễm bệnh mới phải cách ly. Thế rồi, dịch bệnh mỗi ngày một lan rộng trong cộng đồng, thì người ta mới biết đến một sự liên đới của toàn thể xã hội. Người bệnh được cách ly tại bệnh viện. Người không bệnh thì cách ly tại nhà. Đây là sự liên đới trách nhiệm để cùng nhau ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Với biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan tại sông Giordan là một khởi đầu cho một chuỗi những liên đới với tội nhân. Ngài đã chấp nhận đứng chung với tội nhân để gánh lấy hậu quả của tội lỗi nhân gian. Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, là sự chết. Chúa Giêsu đã gánh lấy tội nhân loại khi phải sống kiếp người đầy thăng trầm và khổ đau. Ngài gánh lấy tội nhân loại khi bị kết án, tẩy chay loại trừ. Ngài còn gánh lấy tội nhân gian khi bị chết treo trên thập giá để đền thay tội lỗi nhân gian. Ngài hiến dâng mạng sống mình thành của lễ giao hòa với Thiên Chúa Cha. Qua cuộc Tử Nạn và phục sinh của Ngài mà nhân loại chúng ta được giao hòa với Chúa Cha, được gọi Thiên Chúa là Cha, và được thừa tự phần phúc thiên đàng do công phúc của Chúa Giêsu.
Vâng, Đức Giêsu thành Nazareth là Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện vô cùng đã mặc lấy thân xác con người. Ngài đã trở nên giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài tự nhận mình là tội nhân khi hòa mình vào dòng người tới nhận phép rửa của Gioan. Hành vi này như muốn dạy con người chúng ta hãy biết liên đới trách nhiệm với tha nhân. Liên đới để giúp nhau thăng tiến. Liên đới để sống cảm thông chia sẻ với nhau. Tình liên đới sẽ giúp con người chung sống hòa bình với nhau và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Nếu cuộc đời con người biết sống có tình liên đới thì cuộc đời đẹp biết bao! Người ta sẽ “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”…
Nếu cuộc đời ai cũng có trách nhiệm liên đới với người nghèo, người bệnh tật, người bất hạnh thì cuộc đời hạnh phúc biết bao! Người ta sẽ không có thái độ dửng dưng với nhau nhưng biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, và chắc chắn sẽ không có những phận người cô đơn buồn tủi.
Nếu cuộc đời ai cũng cảm thấy có trách nhiệm với cả những lỗi lầm của người khác thì xã hội sẽ thăng tiến biết bao. Vì ai cũng nỗ lực sống chu toàn bổn phận của mình, sống gương mẫu và chắc chắn sẽ không làm gì để gây gương mù gương xấu cho tha nhân.
Ước gì tình liên đới của con người luôn là mối dây hiệp nhất yêu thương để tình người mãi gắn kết và cùng nhau xây dựng một xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Chúa Chịu Phép Rửa Vì Tội Lỗi Muôn Dân
Giờ đây, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, cùng đến bên bờ sông Giođan để chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Xin hãy nhìn xem:
Đấng tạo dựng vũ trụ càn khôn cao sang vô lượng, quyền phép vô song, vua chúa trần gian chỉ như cát bụi trước mặt Ngài… đang hòa mình với loài thụ tạo mọn hèn thấp kém để chờ được thanh tẩy trong dòng sông Giođan;
Đấng tinh tuyền, thánh thiện và rất đỗi tốt lành… đang đứng chung với những người đê hèn, tội lỗi bày tỏ lòng ăn năn sám hối;
Con Người hoàn toàn vô tội và rất cao cả ấy đã khiêm tốn nài xin một người phàm như Gioan làm phép Rửa cho mình! (Ga 3, 13).
Tại sao Chúa Giêsu lại hạ mình đến thế?
Những người thu thuế, trộm cướp, tội lỗi đến xin Gioan tẩy giả làm phép rửa cho mình vì họ là những người có tội; còn Chúa Giêsu thì có tội gì mà phải chịu phép rửa?
Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì tội lỗi của muôn người mà Ngài đã mang vào thân; cũng như Chúa Giêsu chịu khổ nạn quá đỗi đau thương và chịu chết thê thảm trên thập giá không phải vì tội lỗi của Ngài mà vì để đền tội thay và chết thay cho muôn người.
Sự kiện Chúa Giêsu chấp nhận chịu phép Rửa nói lên tâm nguyện Ngài sẵn sàng vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, chấp nhận mang tội lỗi của nhân loại vào thân, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đền tội thay cho muôn người, nhờ đó, nhân loại được giao hòa với Chúa Cha và được sống đời đời trên nơi vinh hiển…
Điều này khiến Chúa Cha rất đỗi hài lòng. Thế là các tầng trời bị đóng lại từ khi nguyên tổ phạm tội giờ được mở ra; Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Chúa Giêsu và Chúa Cha bày tỏ niềm hoan lạc của Ngài và long trọng tuyên bố: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Ngài” (Mt 3,17).
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng chặt lại vì tội bất phục tùng của Ađam cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì ngay trong giờ phút lịch sử này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Ađam mới là Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại. Từ đây tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, Trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa là Nguồn Cội của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Hình ảnh Chúa Giêsu vô cùng tốt lành thánh thiện mà lại hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Giođan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa của Gioan là một lời mời gọi mỗi người chúng con phải xóa bỏ cái tôi kiêu căng tự phụ của mình để biết nhận tội và thành tâm sám hối.
Chúa đã mang lấy tội lỗi chúng con, chịu thanh tẩy và chịu chết vì chúng con thì xin cho chúng con cũng chấp nhận chịu đựng khó khăn gian khổ hằng ngày với Chúa và hợp tác với Chúa trong việc cứu rỗi các linh hồn.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Điểm Hẹn
(Chúa Giêsu chịu Phép Rửa )
Điểm hẹn ân tình Ngài chờ con
Dòng sông thánh tẩy trao tình son
Thiên linh tỏ hiện bừng tinh tú
Phàm tính vui mừng rạng núi non
Thiên Chúa tuôn ân lòng vững bước
Phàm nhân đón nhận giữ vuông tròn
Bước theo Thần Khí gieo chân lý
Loan báo Tin Mừng đáp nghĩa ơn.
Hạt Nắng
Đáp Lời
(Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Ham lạc thú, tiền tài, danh vọng,
mê quyền uy, bổng lộc trần gian.
Sa chân, lỡ bước, lạc đàng,
tủi sầu vương vấn nát tan cõi lòng.
Hồn lắng đọng cậy trông ơn Chúa,
nâng đỡ con tu sửa tâm hồn.
Dòng sông thánh tẩy thông ơn,
sám hối tội lỗi ban nguồn ơn thiêng.
Ơn thắng vượt tình riêng vị kỷ,
không đua tranh chỉ biết riêng mình.
Sống quảng đại, biết hy sinh,
bên tòa cáo giải hồi sinh cuộc đời.
Sống can đảm giữa đời loan báo,
nguồn thần thiêng Thiên Chúa rất gần.
Bạn ơi! Mau hãy nhanh chân,
thành tâm sám hối nhận phần thiên linh.
Quyết sống lại tâm tình con Chúa,
thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương.
Sống bác ái, sống khiêm nhường,
vui làm nhân chứng tình thương giữa đời.
Ba Ngôi Thiên Chúa gọi mời….
Bâng Khuâng Chiều Tím
Tình Bao La
(Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Lạc bước giữa đời, con vắng xa tình Chúa,
vui thú đam mê, con quên mất đường về.
Đời tăm tối, ngập chìm trong tội lỗi,
đời đắng cay, lặng nhìn áng mây bay.
Đôi mắt lệ nhòa, con ngước trông tìm Chúa,
tình Chúa bao dung, thương con kiếp khốn cùng.
Gội sạch tội lỗi, bên dòng sông sám hối.
hồn trinh trong, giã từ kiếp long đong.
Chúa chính là dòng sông sám hối,
rửa sạch hồn con, vết hoen ố cuộc đời.
Rửa sạch bợn nhơ, sạch hết những u mê,
sạch mọi tái tê, Chúa dìu bước con về.
Vui bước vào đời, loan báo ân tình Chúa,
tình Chúa bao la, thương nhân thế đọa đày.
Lòng Thương Xót, Chúa gọi mời sám hối,
về bên Cha, đón nhận ân tình thứ tha.
M. Madalena Hoa Ngâu
Bài Học Vào Đời
(Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Chúa đến bên con, dìu con từng bước đường trần,
phủ nắng hồng ân, khi đường đời con gục ngã.
Ngài dắt con qua, đưa về dòng sông sám hối,
giũ sạch bụi đời, trong nguồn suối thánh ân.
Thương xót tha nhân, bên sông Ngài đứng đồng hàng,
dòng nước Gordan, dìm mình thanh tẩy tội lỗi.
Nhờ nước cuốn trôi, bức tường màn đêm ngăn cách,
Chúa mang xác phàm, hòa đồng kiếp sống nhân gian.
Chúa đã dạy con, bài học vào đời,
Chúa đã nêu gương, sống kiếp làm người.
Bài học khiêm nhu, chân thành sám hối,
hòa nhịp dòng đời, dẫu suối lệ rơi.
Chúa đã vì yêu, ôm nặng tình người,
cái chết đồi cao, gánh lấy tội đời.
Tẩy sạch oan khiên, máu hồng dâng hiến ,
Phép Rửa kiện toàn, ban tặng dòng suối bình an.
Tắm suối trường sinh, cho con sức sống từng ngày,
giao ước tình yêu, con vào đời, tim bừng cháy.
Ngài dắt con đi, loan truyền hồng ân cứu rỗi,
hiến dâng cuộc đời, cùng Ngài sánh bước ra khơi.
Nắng Sài Gòn
Bài Học Khiêm Nhu
(Chúa Giêsu chịu Phép Rửa)
Tội lỗi giam chặt con người trong bóng tối,
thân phận bụi tro ngụp lặn chốn u mê.
Trời đất phân ly, trần gian nhơ uế, não nề,
Gioan kêu gọi thống hối, mong chờ ơn giải thoát.
Bên dòng sông Giođan bao tâm hồn khao khát,
sám hối, ăn năn mong rửa sạch tội tình.
Thật nhiệm mầu! Con Thiên Chúa uy linh,
hòa nhập cùng nhân loại,
chia sẻ kiếp người,
khiêm nhường thống hối.
Chiên Thiên Chúa ghé vai ,
tự nguyện gánh lấy bao tội lỗi.
Trời đất giao hòa niềm hy vọng vươn lên,
gieo mầm sống trường sinh,
tình yêu nguyện đáp đền,
cửa trời vén mở tuôn trào muôn ân phước.
Phép Thánh Tẩy tái sinh nhận chìm con trong nước,
suối Thần Linh rửa con sạch những bợn nhơ.
Xé toạc màn đêm, mở rộng cõi trời mơ,
được kết hiệp cùng Ba Ngôi Thiên Chúa,
trong công trình cứu chuộc.
Xây dựng xã hội thế trần mời gọi con nhập cuộc,
đem hạnh phúc Nước Trời chia sẻ đến tha nhân.
Đời sống chứng nhân mau mắn góp phần,
thực thi Thánh Ý,
loan báo Tin Mừng ơn cứu độ.
Thiên Chúa khiêm nhu, một tình yêu tỏ lộ,
cứu chuộc tội đời hầu thăng tiến nhân sinh.
AP. Mặc Trầm Cung