“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 5, 1-12a)
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:”Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.”Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Niềm Hy Vọng Hạnh Phúc ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nên Thánh Bằng Cách Nào? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Nên Thánh Thời Công Nghệ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Tâm Hồn Siêu Thoát Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Nguồn Hạnh Phúc & Báo Hiếu Tình Yêu A.P Mặc Trầm Cung Trg 10
Niềm Hy Vọng Hạnh Phúc
Những lời Chúa nói hôm nay thật lạ lùng. Khác hẳn với những gì người đời thường nói. Nhưng đem đến cho ta biết bao niềm hy vọng.
Trước hết là niềm hy vọng hạnh phúc. Cuộc sống trần gian có nhiều khổ đau đến nỗi nhiều người gọi trần gian là thung lũng nước mắt. Ai cũng mơ ước được hạnh phúc. Nhưng hầu như hạnh phúc luôn ở ngoài tầm tay con người. Với những lời chúc phúc hôm nay, Chúa cho ta biết Chúa đã dựng nên con người để được hạnh phúc. Dù hiện nay ta còn phải chịu nhiều đau khổ, ưu phiền, khốn khó, nhưng những đau khổ, ưu phiền khốn khó đó sẽ qua đi. Vì cuộc sống này chỉ là tạm bợ. Hạnh phúc Chúa hứa sẽ vĩnh cửu vì cuộc sống đời sau không bao giờ tàn úa.
Tiếp đến là niềm hy vọng Nước Trời. Hạnh phúc ta được không ở tại đời này, nhưng ở trên Nước Trời. Trên Nước Trời ta được hạnh phúc vì được làm chủ nhân Nước Trời. Và trên Nước Trời, ta sẽ được an ủi, được thương xót, được làm con Chúa, được thấy mặt Chúa. Đó là hạnh phúc tuyệt đối không gì có thể so sánh được.
Sau cùng là niềm hy vọng được chính Chúa. Qua những lời chúc phúc. Chúa cho ta hiểu rằng Chúa chính là nguồn mạch sự sống của ta, là tất cả ý nghĩa đời ta, là hạnh phúc của ta. Được Chúa là được tất cả. Chúa là sản nghiệp lớn lao sẽ khiến ta trở nên giàu có. Chúa là niềm an ủi khiến ta không còn sầu khổ. Chúa là hạnh phúc tuyệt đối khiến ta thỏa chí toại lòng không còn khao khát gì nữa. Còn gì hạnh phúc hơn khi ta được chiêm ngưỡng Chúa tỏ tường, được làm con Chúa, được Chúa yêu thương.
Tuy nhiên để đạt được Chúa, bản thân ta phải được thanh luyện theo con đường Tám Mối Phúc. Chính Chúa Giêsu đã đi vào con đường đó. Người đã sống nghèo, đã sống hiền lành khiêm nhường, đã chịu giết hại vì rao giảng Tin Mừng. Người đã mở đường đi về hạnh phúc.
Các thánh là những người đã đi theo Chúa Giêsu trên con đường thanh luyện. Các ngài đã giặt áo trong máu Con Chiên nên áo của các ngài trắng như tuyết. Các ngài được hưởng hạnh phúc Nước Trời vì các ngài đã chịu thanh luyện trong cuộc sống trên trần gian. Các ngài được chính Chúa vì các ngài đã từ chối không ham mê dính bén những của cải trần gian.
Vì thế, lễ các thánh là lễ của niềm vui. Chúng ta vui mừng vì các thánh chính là thân nhân của chúng ta, là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè chúng ta.
Lễ các thánh là lễ của niềm hy vọng. Các thánh là người như chúng ta với tất cả những thiếu thốn, những yếu hèn. Các ngài đã đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Như thế chúng ta hy vọng cũng sẽ được hạnh phúc Nước Trời như các ngài. Chúng ta còn hy vọng hơn nữa, vì Chúa đã hứa cho ta được hạnh phúc Nước Trời làm sản nghiệp. Lời hứa của Chúa là niềm hy vọng của chúng ta.
Nhưng lễ các thánh cũng là lễ của phấn đấu. Con đường dẫn ta tới Nước Trời là con đường Tám Mối Phúc. Đó là con đường phấn đấu từ bỏ mình, từ bỏ những ham hố tranh dành, chiếm hữu, thống trị. Phấn đấu sống khiêm nhường và nhất là yêu thương xây dựng hòa bình. Khi phấn đấu sống như thế, ta xây dựng Nước Trời từ trần gian, biến trần gian thành nơi hạnh phúc, biến mọi người thành anh em. Khi phấn đấu xây dựng Nước Trời như thế, ta góp phần xây dựng hòa bình trên trần gian.
Lạy các thánh nam nữ ở trên trời, xin cầu cho chúng con.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1) Tám mối phúc của Chúa đem đến cho ta những niềm hy vọng nào?
2) Lễ các thánh gợi cho ta những tâm tình nào?
3) Làm thánh là giúp xây dựng xã hội. Bạn nghĩ gì về ý kiến này?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Nên Thánh Bằng Cách Nào?
Tôi rất thích câu chuyện hóm hỉnh: “Trong một lớp giáo lý, vị linh mục hỏi nhóm trẻ con có ai biết định nghĩa thế nào là một vị thánh. Nhớ tới những ô cửa kính mầu có vẽ hình các thánh mà em rất thích nhìn ngắm mỗi khi đi lễ nhà thờ xứ, một em nhỏ giơ tay lên xin trả lời: ‘Thánh là người để cho ánh sáng chiếu xuyên qua mình”. Tôi thấy câu trả lời đơn sơ ấy quả là tuyệt vời và sâu sắc! Nếu thánh không tự mình có nguồn sáng mà chỉ là người có khả năng để cho ánh sáng chiếu xuyên qua, thì ta có thể đặt thêm hai câu hỏi khác nữa: ánh sáng nào chiếu qua, và làm thế nào để ánh sáng có thể chiếu qua được?
Ánh sáng nào chiếu qua? – Đương nhiên là ánh sáng của Chúa rồi! Thế nhưng Chúa cũng có nhiều thứ ánh sáng lắm đấy. Ánh sáng của Chúa có thể là quyền phép, là toàn thiện, là khôn ngoan, là sức mạnh… những thứ ánh sáng ấy đã được Cựu Ước (và có lẽ cả các tôn giáo khác nữa) đề cập tới cách khá thường xuyên và rành rẽ. Nhưng còn một thứ ánh sáng khác nữa của Thiên Chúa mà chỉ duy Đức Kitô khi cất công xuống thế làm người và chịu chết mới chỉ cho nhân loại thấy được: đó là ánh sáng của một Thiên Chúa tình yêu, đầy từ tâm và hay xót thương. Các Thánh của Tân Ước và của Hội Thánh phải là những vị có khả năng để cho thứ ánh sáng này của Thiên Chúa chiếu xuyên qua, cả khi họ còn sống lẫn khi họ đã qua đời. Nói ‘xuyên qua’ tức là đứng từ góc độ người khác nhìn vào các ngài và nhận ra, miễn là họ không bị bưng kín trong lối suy nghĩ cố hữu; còn về phần Các Thánh, vì là những người đã tiếp nhận trọn vẹn Tin Mừng của Đức Kitô, chắc chắn các ngài, cách này hay cách khác, đã nhận ra và thâm tín điều này, vì biết rằng:“Họ đã giặt áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14). Chỉ cần nhìn sâu vào tâm tình của Đức Maria hay của bất kỳ vị thánh nào đã từng có dịp diễn tả tâm tình riêng tư của mình, như Âu Tinh hay Têrêxa Hài Đồng chẳng hạn là ta nhận ra ngay. Nên chú ý là: nếu chiêm ngưỡng các Thánh mà chỉ thấy nơi các ngài toàn là ánh sáng của quyền phép (phép lạ) của toàn thiện (nhân đức, khổ chế) của khôn ngoan (tiến sĩ) hay can đảm mạnh bạo (tử đạo) là ta chưa thực sự hiểu các ngài. Nói cách khác, chúng ta đang làm các ngài thất bại trong việc để cho ánh sáng đích thực của Đức Kitô lọt qua.
Làm cách nào để ánh sáng có thể chiếu qua? Đừng có lo! Đức Giêsu đã khảng định: chỉ cần là một Kitô hữu thấp hèn nhất là ta đã có thể tỏa sáng cơ mà: “anh em là ánh sáng… là ngọn đèn…” (Mt 5:13-16). Thế nhưng để có thể tiếp nhận ánh sáng đích thực của Đức Kitô, ta vẫn cần phải hội đủ một số điều kiện và nắm được một bí quyết; chính bài Tin Mừng ngày hôm nay đang vạch ra các điều kiện và bí quyết này, khi trình bày các mối phúc được Đức Giêsu công bố. Các mối phúc đâu phải là một lối tu đức mới hầu làm cho con người nên hoàn thiện hơn! Chúng sẽ chẳng có giá trị gì nếu không phải là những ‘điều kiện’ (hay đúng hơn, những ‘dịp may’) để ta có thể lãnh hội được ánh sáng của Tin Mừng tình yêu. Tất cả các vị thánh đều là những người đã từng sống các mối phúc, cách này hay cách khác, và vì thế đã có khả năng tiếp nhận và chiếu tỏa ánh sáng của Đức Kitô.
Nếu quả là như thế thì chúng ta đừng có mơ tới một sự trọn lành qua luyện tập như một ánh sáng tự phát! Điều này có thể một số vị nào đó đã đạt được, trong số họ có cả các bậc thánh hiền của các tôn giáo khác hay các vĩ nhân anh hùng của các học thuyết ngoài Kitô giáo. Không! các Thánh Kitô hữu sẽ giản dị hơn nhiều: các ngài là những người đã không ngừng tiếp nhận ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa vào cuộc sống mình. Và đôi khi qua chính những thất bại, các đổ vỡ tinh thần hay yếu đuối sa ngã, điều mà người đời thường coi là ‘bất hạnh’, thì các ngài lại coi chúng như những ‘dịp may’ được cống hiến để tiếp nhận và làm tỏa sáng tình yêu xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Đức Kitô hôm nay long trọng công bố thái độ này như một bí quyết (chìa khóa) để đi vào vương quốc tình yêu: “vì Nước Trời là của họ… đất hứa làm gia nghiệp…”.
Do đó Lễ Các Thánh nhắc nhở và mời gọi từng người chúng ta, qua việc chiêm ngắm các ngài, thể hiện cái bí quyết này trong cuộc sống đời thường của mình. Qua Các Thánh (và lòng sùng kính chân thực đối với các ngài) chúng ta càng dễ dàng hơn nhìn thấy và tiếp nhận luồng ánh sáng của Đức Kitô, để nó chiếu soi vào con người mình, lọt qua và làm những người chung quanh cũng có thể nhìn thấy được thứ ánh sáng đó.
Nếu suy nghĩ vậy, ta có thể thâm tín: tất cả chúng ta đều có thể nên thánh! Vì ‘dịp may’ không thiếu và bí quyết đã được trao tay. Chỉ cần chúng ta vượt qua nghi ngại của một quan niệm sai lầm rằng: nên thánh là điều quá xa vời… Hãy nhớ rằng: ánh sáng tình yêu nhân ái và hay thương xót của Thiên Chúa đang chờ đợi để chiếu sáng trên tất cả chúng ta. Quả vậy, các Thánh cũng như sự thánh thiện của các ngài gần gũi chúng ta biết là dường nào, và trong tầm tay với của mọi Kitô hữu, kể cả những người yếu đuối tội lỗi nhật!
Kính lạy hết thảy Các Thánh Nam Nữ trên trời, chắc hẳn các ngài có rất nhiều điều để dạy dỗ con, và đời sống các ngài cũng có nhiều gương sáng để con học đòi bắt chước; thế nhưng các điều đó chẳng mấy ích lợi cho con, nhất là trong hoàn cảnh sống rất khác biệt giữa con với các ngài. Con nghĩ rằng các ngài cũng chẳng muốn như thế đâu, vì đó đâu phải là mục tiêu các ngài nhắm tới khi còn sống. Vậy thì xin hãy dạy con đón nhận tình yêu thương xót của Chúa như các ngài đã từng đón nhận, và xin cho con cũng biết ca ngợi lòng thương xót Chúa như các ngài ca ngợi lúc này trên thiên quốc. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Nên Thánh Thời Công Nghệ
Ngày 10/10/2020 Đấng Đáng Kính CARLO ACUTIS đã được Giáo Hội tuyên phong chân phước, tức á thánh tại Acsisi, Ý.
Ngài là một vị thánh đầu tiên có email , một game thủ và một lập trình viên hay gọi tắt là IT của thời công nghệ 4.0. Con đường nên thánh của ngài dựa vào lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài biết vận dụng công nghệ Internet để quảng bá về tình thương của Chúa Giêsu qua các phép lạ từ Bí tích Thánh Thể. Ngài đi lễ hàng ngày. Ngài kết hiệp với Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Ngài đã nói:
“Đứng dưới mặt trời, chúng ta sẽ rám nắng, nhưng đứng trước Thánh Thể, chúng ta sẽ nên Thánh”
Sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991, Carlo Acutis qua đời ở tuổi 15 vào ngày 12 tháng 10 năm 2006 sau khi mắc bệnh bạch cầu.
Trong suốt cuộc đời của mình, ngài đã lập một trang web dành riêng cho các phép lạ Thánh Thể, và duy trì lòng sùng kính sâu sắc đối với Bí tích Thánh Thể.
Các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X cùng thời với ngài nói rằng: chàng trai người Ý thích chơi trò chơi điện tử này khiến họ muốn đến gần hơn với Chúa.
Cecilia Cicone, một cô gái 25 tuổi đến từ Delaware, nói với CNA rằng, Acutis là một ví dụ cho thấy những bạn trẻ thế hệ 9X và thế hệ Z nên sống cuộc sống của họ như thế nào trong thế giới hôm nay.
“Carlo đã cho thấy một cách cụ thể một vị thánh thích chơi trò chơi điện tử và truy cập internet là như thế nào. Cậu ấy thách thức tôi kiểm tra lương tâm của mình và nói, ‘Được rồi, tôi cũng được gọi là một vị thánh biết sử dụng Internet. Tôi có đang sử dụng Internet để làm cho tình yêu của Thiên Chúa được người ta biết đến không?”
Cô nói, Acutis là một mẫu gương cụ thể về “sự thánh thiện là như thế nào trong thế kỷ 21”.
“Với việc phong chân phước cho Carlo Acutis, lần đầu tiên tôi cảm thấy bình an và vui sướng khi nhận ra rằng tôi cũng có thể là một vị thánh của thế kỷ 21. Nó không còn là giả thuyết nữa”.
Cha John LoCoco, một linh mục của Tổng giáo phận Milwaukee, cùng sinh năm 1991. Ngài nói rằng: “Tôi nghĩ rằng những gì tôi yêu thích là những gì có vẻ như là bản tính rất dịu dàng của Carlo,” LoCoco nói. “Sự quan tâm của cậu ấy đối với những học sinh bị bắt nạt ở trường học, sự quan tâm của cậu ấy đối với những học sinh có cha mẹ ly hôn; Carlo dường như dành rất nhiều tình cảm cho cuộc sống của mọi người.”
Cậu ấy là xứng đáng là vị thánh của thời đại chúng ta.
Dường như qua việc phong chân phước cho tôi tớ Chúa Acutis đã giúp cho con người thời đại hôm nay nhận ra con đường nên thánh của thời đại chính là biết vận dụng những phương tiện hiện có để tôn vinh Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân. Tuy nhiên, một điều không thể thiếu chính là luôn yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu mến tha nhân như chính mình. Ở điểm này Acutis đã làm được điều đó.
Hôm nay chúng ta mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể.
Nếu nên thánh là để lại cho đời những gương sáng, những hy sinh, những khước từ ham muốn tầm thường. Con đường nên thánh không khó. Vì nên thánh chỉ đơn giản là làm theo ý Chúa. Ý Chúa dạy chúng ta phải trung thành với bổn phận là phải tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Ý Chúa dạy chúng ta đừng để danh lợi thú sai khiến mình làm hại tha nhân. Ý Chúa bảo chúng ta đón nhận mọi sự với niềm tín thác nơi Chúa. Ý Chúa mời gọi chúng ta vui sống với phận mình. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của tám mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.
Như thế, mừng lễ các thánh nam nữ là mừng mọi tín hữu đã đi qua dòng đời này và đã thả vào dòng đời biết bao gương sáng của yêu thương, của phục vụ, của dâng hiến. Họ là những người sống giữa đầm lầy của sự dữ nhưng vẫn giữ được nét thanh cao của con cái Thiên Chúa. Họ không để dòng đời làm vẩn đục tâm hồn họ bởi tham sân si. Họ đã vượt thắng tất cả để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn biết yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin cho từng bước chân của chúng ta luôn để lại cho đời những dấu ấn của tình yêu dám đi đến với mọi phận người khổ đau. Cách riêng cho những người trẻ hôm nay biết dùng công nghệ hiện có để loan truyền tình yêu Chúa, và can đảm nói không với những trang web xấu, biết sàng lọc những cái xấu để bỏ đi và học hỏi những cái hay của thời đại ngõ hầu tâm hồn của các bạn luôn xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Tâm Hồn Siêu Thoát
Trên cõi đời này hiếm có ai nghèo như Chúa Giêsu. Mặc dù Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền năng phép tắc, là bá chủ muôn loài muôn vật, nhưng Ngài đã hạ mình xuống thế, trở nên người phàm, chấp nhận sinh ra trong chuồng súc vật khốn hèn, sống kiếp nghèo không chỗ tựa đầu và cuối cùng, Ngài đã chọn chết nghèo, chết thảm vào bậc nhất trong thiên hạ.
Chúa Giêsu không chỉ sống nghèo mà Ngài còn là Đấng có tâm hồn nghèo khó và mong muốn chúng ta cũng có tâm hồn nghèo khó như Ngài. Khởi đầu bài giảng trên núi, một bài giảng quan trọng của mình, Ngài nêu lên 8 mối phúc mà mối phúc đầu tiên là có tâm hồn nghèo khó. Ngài nói:
“Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Qua lời này, Chúa Giêsu không nói là phúc cho ai nghèo khổ, nhưng Ngài nói: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó.”
Thế nào là có tâm hồn nghèo khó?
Người có tâm hồn nghèo khó là người ý thức rằng chẳng có gì là của riêng ta. Mọi sự ta có đều là ân huệ Chúa trao cho ta quản lý một thời gian, rồi mai đây Ngài sẽ lấy lại.
Thân xác ta thuộc về Chúa. Mai đây Chúa lấy đi, ta trở về cát bụi.
Sự sống của ta cũng thuộc về Chúa, khi Chúa lấy đi, ta không giành lại được.
Sức khoẻ ta có cũng do Chúa ban, nếu Chúa cất đi, ta trở thành người bại liệt hay tàn phế, nằm liệt giường không chỗi dậy nổi.
Tiền bạc ta có cũng do Chúa ban. Chúa lấy đi, ta chỉ còn 2 bàn tay trắng.
Và họ luôn tâm niệm lời dạy của Chúa Giêsu: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì!”
Biết như thế, nên người có tâm hồn nghèo khó không bám víu vào đời này nhưng bám chặt vào Chúa, không dựa vào tài năng sức lực của mình, mà hoàn toàn tựa nương vào Chúa, như con thơ nép vào lòng mẹ và nhờ đó họ được Thiên Chúa ấp ủ, yêu thương và ban cho họ hạnh phúc đời đời.
Thế là đúng như lời Chúa Giêsu dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Còn đối với những ai không có tâm hồn nghèo, họ xem tiền là Tiên là Phật, là chìa khóa vạn năng, là quyền lực vô song có thể giải quyết mọi vấn đề. Thế là họ cam phận làm nô lệ cho đồng tiền, tôn thờ đồng tiền, quay cuồng trong cơn lốc kiếm tìm tiền bạc. Họ lao vào tiền bạc như những con thiêu thân lao vào lửa. Và cũng như thiêu thân lao vào lửa, họ đốt cháy đời mình cách đau thương như lời thánh Phaolô nói: “Chung cục là họ sẽ phải hư vong” (Pl 3, 19).
Thánh Phaolô mô tả về tình trạng của hạng người này như sau:
“Chúa họ thờ là cái bụng và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian…” (Pl 3, 19).
Hôm nay, lời dạy sống tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta chọn lựa một trong hai điều này: Hoặc là tham lam, mê đắm tiền bạc và tôn nó lên ngôi để rồi phải hư mất đời đời; hay là siêu thoát khỏi mọi chi phối trói buộc của vật chất để chỉ bám víu vào Thiên Chúa mà thôi để được Nước Trời làm gia nghiệp.
Lạy Chúa Thánh Thần. Nếu không được Chúa soi sáng và ban ơn, không ai trong chúng con có thể siêu thoát khỏi mọi quyến rủ của vật chất để hướng tâm hồn về phúc lộc quê trời.
Xin ban cho chúng con đức khôn ngoan của Chúa, để chúng con nhận biết rằng chỉ những ai có tâm hồn nghèo khó, siêu thoát khỏi mọi trói buộc của tiền tài và hướng lòng về thượng giới, thì mới là người thật sự có phúc vì sẽ đạt được hạnh phúc thiên đàng mà thôi.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Nguồn Hạnh Phúc
Lễ Các Thánh Nam Nữ – (Mt 5, 1 – 12a)
Chúa mời gọi cuộc đời con nên thánh,
từ bỏ mình trở thành muối, thành men.
Nên chứng nhân sáng tỏ như ngọn đèn,
vác thập giá hằng ngày theo bước Chúa.
Sao hồn con vẫn mãi luôn sầu úa,
như con tàu mất phương hướng mục tiêu.
Tưởng quyền cao chức trọng hạnh phúc nhiều,
con lẩn quẩn trong nỗi sầu bất hạnh.
Đời giông tố mong trời quang mưa tạnh,
mong kiếm tìm nguồn cội của tình yêu.
Con lao đao mòn mỏi bước chân xiêu,
tìm hạnh phúc cho tâm hồn thanh thoát.
Mối phúc thật thỏa lòng con khao khát,
thanh luyện theo Tám Mối Phúc Chúa ban.
Chấp nhận khổ đau khốn khó chốn trần gian,
Gương Chư Thánh,
đã anh dũng,
vượt qua thung lũng sầu thương đầy nước mắt.
Niềm hy vọng trước gian nan thử thách,
hạnh phúc Nước Trời được diện kiến Thánh Nhan.
Bao thế hệ hiên ngang đang hưởng phúc thiên đàng,
can đảm giặt áo mình,
trong máu Con Chiên vô tội.
Khơi dậy trong con lòng ăn năn thống hối,
giặt áo linh hồn xuyên qua những khổ đau.
Xây dựng hòa bình công lý bền lâu,
con tự hào là dòng dõi,
của những người,
biết kiếm tìm chính Nguồn Hạnh Phúc.
A.P Mặc Trầm Cung
Báo Hiếu Tình Yêu
(Lễ Các Đẳng)
Cây có gốc mởi nở nghành sanh ngọn.
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta có gốc từ đâu,
Có cha có mẹ rồi sau có mình. (Ca dao)
***********************
Tháng tình yêu đất trời hiệp nhất,
lòng hiệp lòng chất ngất tình yêu.
Đượm tình Thiên Chúa cao siêu,
thương hồn thanh luyện ban nhiều hồng ân.
Hồn khắc khoải mong tình thầm lặng,
người trần gian trao tặng câu kinh.
Hãm mình, cầu nguyện, hy sinh,
giúp hồn gội rửa lửa tình sắt son.
Tháng tri ân trọn tình lo liệu,
tháng đền ơn báo hiếu của hậu sinh.
Trầm hương quyện với lời kinh,
cầu cho cha mẹ phục sinh rạng ngời.
Giữ đạo hiếu suốt đời nhớ tới,
các vong linh tiền bối, tổ tiên.
Anh em, bạn hữu, láng giềng,
linh hồn côi cút ơn thiêng đợi chờ.
Đời trần gian bến bờ tạm bợ,
đời mai sau bến đỗ trường tồn.
Việc lành, cầu nguyện sớm hôm,
hiệp thông dâng Đấng Chí Tôn nhiệm mầu.
Tổ tiên ân nghĩa nặng sâu …
A.P Mặc Trầm Cung