“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 22, 34-40)
Khi ấy, những người biệt phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại, đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?”
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Luật Yêu Mến ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Điều Răn Trọng Nhất Của Cựu Ước Thế Còn Tân Ước Là Điều Nào? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Thắp Lửa Yêu Thương Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Đôi Cánh Để Bay Lên Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Giới Luật Tình Yêu Hạt Nắng Trg 10
Chữ YÊU Của Chúa Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Xin Cho Con Biết Yêu M. Madalene Hoa Ngâu Trg 12
Đôi Cánh Tình Yêu Nắng Sài Gòn Trg 13
Đôi Cánh Tình Yêu A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Luật Yêu Mến
Người Do Thái có quá nhiều luật lệ. Họ lại có thái độ duy Lề Luật. Nên tỉ mỉ tuân giữ tất cả mọi điều. Không còn biết điều nào là chính điều nào là phụ nữa. Hôm nay, nhân một câu hỏi. Chúa Giêsu đã cho ta biết chỉ có một điều luật quan trọng: LUẬT YÊU MẾN. Luật này có 2 khía cạnh.
1) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Nghĩa là yêu mến hết khả năng, hết sức lực. Ta phải yêu mến Chúa như thế thật hợp tình hợp lý.
Vì Chúa đáng yêu đáng mến vô cùng. Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện hảo. Ngài là toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ. Nơi Ngài không có một tì vết, khuyết điểm nào. Trong đời sống ai cũng yêu thích những gì tốt đẹp. Chúa là Đấng vô cùng tốt đẹp. Yêu mến Ngài là điều tự nhiên. Ai hiểu biết cũng đều yêu mến Chúa.
Hơn nữa Chúa còn là Đấng sinh thành ra ta. Chính Chúa ban cho ta tất cả. Ta có mặt ở đời này là do ý định của Chúa. Tất cả nhừng gì chúng ta có và chúng ta là đều bởi Chúa. Chúa là vị ân nhân lớn nhất của ta. Yêu mến Chúa là việc làm không những tự nhiên mà còn là bổn phận nữa.
2) Yêu người thân cận như chính mình. Đó là điều răn thứ hai mà Chúa Giêsu nói cũng giống như điều răn thứ nhất. Thực ra đó chỉ là một điều răn vì những lý do sau:
Yêu Chúa và yêu người là hai khía cạnh của một tình yêu. Tình yêu chân thật là tình yêu không có giới hạn, không có loại trừ. Vì thế đã yêu Chúa thì phải yêu người. Nếu tình yêu bị giới hạn, có loại trừ thì sẽ trở thành giả tạo.
Tình yêu đối với tha nhân kiểm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ nơi Người: Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Còn hơn thế nữa. Ai yêu anh em là yêu chính Chúa. Vì Chúa ở trong anh em. Hơn thế nữa, Chúa ẩn thân trong những anh em bé mọn nhất. Vì thế trong ngày phán xét Chúa nói với ta rằng: “Ta bảo thật cho các người: mỗi lần các người làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25-40).
Tất cả mọi điều răn khác đều quy về hai điều răn này. Nếu ta giữ trọn vẹn giới răn này, không những ta chu toàn Lề Luật mà còn góp phần xây dựng một thế giới mới, thế giới chan hòa yêu thương, chan hòa tình người. Và đó chính là khởi điểm của thiên đàng mai sau.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn. Bạn thấy điều này có hợp tình hợp lý không?
2) Tại sao ta phải yêu tha nhân?
3) Bạn có cảm nghiệm được niềm vui khi ta yêu thương không?
4) Bạn nghĩ thế nào về một thế giới trong đó chỉ có những người yêu thương nhau.
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Điều Răn Trọng Nhất Của Cựu Ước
Thế Còn Tân Ước Là Điều Nào?
“Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Câu hỏi thầy thông luật trong nhóm Pharisêu đặt ra cho Đức Giêsu không khó trả lời, cũng như câu trả lời của Đức Giêsu cũng chẳng có gì mới lạ, vì tất cả đã được ghi rõ trong lề luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Đệ Nhị Luật 6:5)… Ngươi phải yêu người cận thân như chính mình… (Lê-vi 19:18)” Đối với những ai vốn thông hiểu lề luật như các Pharisêu, thì câu trả lời của Đức Giêsu là quá hiển nhiên và đầy đủ, chẳng thêm thắt được gì nữa; thế nhưng cũng qua câu giải đáp này, Đức Giêsu lại muốn xác định thêm một điều mà các sách luật chưa nêu rõ, đó là hai điều răn quan trọng nhất ấy có quan hệ mật thiết với nhau, và “tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Nếu vậy, ta phải tự hỏi: trong tâm tư của Người, thật sự Đức Giêsu đang muốn khẳng định điều gì? Còn tác giả Matthêu khi ghi nhận các điều này, chắc hẳn phải nhận ra một điều gì đó quan trọng và mới mẻ lắm, điều mà ông thao thức muốn truyền đạt lại cho các Kitô hữu tiên khởi gốc Do Thái của ông.
Quả vậy, khi nhóm Pharisêu đặt vấn nạn này cho Đức Giêsu, chắc hẳn họ đã ngầm nhận thấy trong sứ điệp Người rao giảng, có một điều gì đó rất xa lạ đối với nội dung truyền thống của Luật Môsê mà họ đang trung thành nắm giữ. Câu trả lời của Đức Giêsu tự nó chẳng giải đáp gì cho thắc mắc họ muốn biết, vì họ thấy nó hoàn toàn đúng, căn cứ theo Luật Môsê và các sách ngôn sứ Cựu Ước mà họ đã quá quen thuộc. Thế nhưng đối với các môn đệ của Đức Giêsu thì đây lại chính là chìa khóa để hiểu ‘điều răn mới’ Người đang muốn truyền đạt.
Bất cứ người Do Thái nào cũng đều biết là, họ phải tôn thờ và yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn, lý do của bổn phận này là, chính cha ông họ đã ký kết bền chặt một giao ước với Đức Chúa để được Ngài cho hưởng mọi điều họ mong muốn. Điều kiện căn bản của khế ước này là họ phải hết lòng tôn thờ và yêu mến Đức Chúa ‘hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’, trên hết mọi sự. Lịch sử đã chứng minh rằng mọi cái cha ông họ có được, đều là nhờ Đức Chúa; Ngài giải cứu, đã cho cha ông họ được chiến thắng kẻ thù, được ban đất hứa làm gia nghiệp…; chính vì thế mà cha ông và chính họ có bổn phận phải yêu mến tôn thờ Ngài hết lòng. Đối với Đức Chúa đã là như thế, thì đối với cận thân cũng phải như vậy: yêu cận thân cũng phải sòng phẳng như Đức Chúa sòng phẳng với cha ông họ. Yêu người thân cận như yêu chính mình có nghĩa là: làm ơn để được hàm ơn lại, còn gây oán sẽ bị báo oán. ‘Răng đền răng và mắt đền mắt’ là thế, là có đi có lại, là sòng phẳng! Đúng là hai giới luật này liên quan chặt chẽ với nhau, và toàn bộ Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều đặt nền trên giao ước sòng phẳng này trong tương quan của Dân Riêng với cả Đức Chúa lẫn với cận thân đồng bào.
Giao Ước Mới mà Đức Giêsu rao giảng vượt xa cái giới hạn của Cựu Ước, khi mà Đức Chúa Mới không chỉ ban sự sống và ân huệ mà trao ban chính mình cho những ai trung thành với Giao Ước. Giao Ước mới hệ tại ở việc Thiên Chúa trao nộp chính Con Yêu Dấu Người cho loài người tội lỗi bất trung; giao ước mới đó không còn đặt nền trên sòng phẳng ‘do ut det – hòn đất ném đi hòn chì ném lại’ mà là trên lòng nhân ái xót thương, vì Người ban ơn cứu độ cách nhưng không. Trong Tân Ước, việc yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức sẽ không được coi như một bổn phận áp đặt ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…’, mà như một ân huệ đón nhận trong ân tình của người con gọi Thiên Chúa là ‘Abba, Cha ơi!’. Cũng vậy, yêu người cận thân sẽ đi xa hơn rất nhiều cái tính toán của ‘thương người như thể thương thân’, trong đó tính sòng phẳng của ‘răng đền răng mắt đền mắt’ ‘hàm ơn trả oán’ vẫn luôn ám ảnh. Trong Tân Ước yêu cận thân sẽ trở thành ‘Hãy thương yêu nhau như chính Thầy yêu thương anh em’, ‘Yêu và làm ơn cho cả kẻ thù…, tha thứ cho kẻ xúc phạm tới mình đến bảy mươi lần bảy…’. Nếu đúng là trong Cựu Ước, toàn bộ Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều qui về hai giới luật ‘phải yêu mến Đức Chúa hết lòng… phải yêu người thân cận như chính mình’, thì trong Tân Ước điều răn ‘mến Chúa yêu người’ mới chỉ có thể hiểu được trong nội dung Thập Giá của Đức Kitô Giêsu mà thôi; bởi vì chỉ nơi Thập Giá chứ không phải qua“Luật Môsê và các sách ngôn sứ”, mới cho thấy được cái khác lạ đích thực và tính ưu việt vượt trội của giới luật yêu thương mới. Do đó chiêm ngắm và cử hành Thập Giá trở thành quan trọng bậc nhất trong Giao Ước Mới này. Chẳng trách gì mà Phaolô mạnh dạn tuyên bố: ông chỉ muốn biết duy nhất có một Đức Giêsu Kitô Thập Giá mà thôi (1 Cr 2:2 và Gl 6:14)!
Và tôi, một linh mục của Giao Ước mới, tôi cần tự vấn xem mình vẫn rao giảng ‘mến Chúa yêu người’ trong nội dung luật Môsê và các sách ngôn sứ, hay trong nội dung của Thập Giá Đức Kitô tự hiến? Việc hàng ngày cử hành hy tế Thập Giá có giúp tôi và các tín hữu lãnh hội được Điều Răn Mới cách sâu xa hơn hay không, và thường ngày đem ra sống như nét độc đáo nhất của Tin Mừng chúng tôi muốn rao giảng cho hết mọi người hay không?
Lạy Chúa, nếu không chiêm ngắm Thập Giá, con sẽ chẳng bao giờ có thể yêu mến với tâm tình con thảo như Chúa muốn, đồng thời tình yêu mến tha nhân của con cũng sẽ chỉ luẩn quẩn trong tính toán hơn thua hạn hẹp. Xin dạy con để, mỗi khi cử hành Thánh Lễ, bài học yêu thương như chính Chúa đã yêu thương và tự hiến như chính Chúa đã tự hiến cho các tội nhân sẽ được con học thuộc và đem ra sống, để chính con cũng dần được biến đổi nên của lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Thắp Lửa Yêu Thương
Trong một bài luận văn về bệnh cô cảm của em Phan Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An, Hà Nội, đã gây ấn tượng mạnh trong xã hội hôm nay. Bài văn được viết như sau: “Có được một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ đại của con người. Một trong số đó chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ hơn làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống.
Chỉ lạ một điều: Ðó là trong khi các nhà khoa học đang “vò đầu bứt tóc” không biết làm sao có thể tạo ra một con chip “tình cảm” để khiến “những cỗ máy vô tình” biết yêu, biết ghét, biết thương, biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ ơ với mọi sự xung quanh. Ðó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội – bệnh vô cảm.
Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?”
Đây là vấn nạn của thời đại hôm nay. Nhiều lần ta thấy trên mạng xã hội lan truyền những clip về sự vô cảm của con người. Có những người bị tai nạn nằm bất động trên vỉa hè nhưng hàng chục người đi qua, thậm chí dừng lại mà không ai giúp đỡ, … Rất nhiều vụ đánh ghen trên đường phố một cách giã man làm kẹt đường phố nhưng không ai can ngăn . . . Rất nhiều những người già, người khuyết tật lê thê trên đường phố bán vé số hay rau quả nhưng không có cơ quan nào đưa về nuôi họ mà dường như họ phải tự lực cánh sinh …!
Có ai đó nói rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Vàdường như xã hội chúng ta sống đang thiếu đi hơi ấm tình thương mà thay vào đó là cả một bầu không khí lạnh bao trùm xã hội.
Tình người được nuôi dưỡng, dạy dỗ từ rất sớm trong mỗi con người, vậy mà biểu hiện về sự vô cảm lại hiện hữu ngày càng nhiều hơn.
Hôm nay Chúa bảo với chúng ta giới răn quan trọng là Mến Chúa – Yêu Người. Phải chăng đây là lúc chúng ta phải làm sống lại Tin Mừng cho thế giới đang chết về tình người? Phải chăng xã hội hôm nay đang rất cần những men Tin Mừng để làm dậy lên nếp sống yêu thương, chia sẻ, bác ái, cảm thông với nhau?
Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính của người môn đệ Chúa là “yêu mến tha nhân như chính mình”. Vì tình yêu là lẽ sống, là hơi thở của người Kitô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho Tin Mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.
Đây chính là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tinh yêu tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu.
Ước gì giữa một thế giới đang lạnh giá về tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Đôi Cánh Để Bay Lên
Máy bay cần phải có hai cánh mới có thể bay lên không trung. Nếu máy bay bị hỏng mất một hoặc cả hai cánh thì tất nhiên phải nằm lì một chỗ, chẳng thể nào cất cánh được.
Các loài chim cũng thế. Nếu bị cắt mất một cánh, chúng không thể bay lên.
Tương tự như thế, con người muốn được “bay” về thiên đàng thì cũng phải có đủ hai cánh.
Vậy thì hai cánh mà mỗi người chúng ta cần phải có để bay lên tới thiên đàng là gì?
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết hai cánh đó là lòng mến Chúa và yêu thương người. Ngài nói rõ điều này với người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).
Và qua dụ ngôn về “cuộc phán xét cuối cùng”, Chúa Giêsu dạy rằng những ai có lòng mến Chúa yêu người, được thể hiện qua việc quan tâm chăm sóc những người nghèo khổ chung quanh thì sẽ hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên quốc; còn ai không có lòng mến Chúa yêu người, thể hiện qua việc thờ ơ, vô cảm trước những nỗi bất hạnh của người khác, thì phải bị sa vào chốn cực hình muôn đời muôn thuở (Mt 25, 35-36).
Như thế thì lòng mến Chúa yêu người chính là đôi cánh tối cần đưa ta về cõi thiên đàng vinh hiển. Người nào không có hai cánh này, chẳng những không được hưởng phúc thiên đàng mà còn phải sa vào hoả ngục.
Ảo tưởng
Tuy nhiên, có một số người lầm tưởng rằng: Chỉ cần thờ phượng Thiên Chúa, chủ yếu là tham dự Thánh lễ các ngày Chúa nhật và lễ trọng, cùng đọc kinh sáng tối… là đủ để lên thiên đàng.
Sống đạo như vậy thì chưa đủ, chưa đúng như Chúa yêu cầu. Thực hành như thế khác gì muốn bay lên thiên đàng mà chỉ cần có một cánh.
Đức thánh Cha Bênêđíchtô 16 nhắc nhở chúng ta phải thực hành đầy đủ hai phần: Vừa thờ phượng Thiên Chúa vừa yêu thương mọi người và không thể thiếu một trong hai.
Ngài nói: “Việc thực thi bác ái đối với các goá phụ và trẻ mồ côi, với các tù nhân, với các bệnh nhân và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thuộc về bản chất của Hội Thánh cũng y như việc phục vụ Bí tích và rao giảng Phúc âm. Hội Thánh không thể lơ là trong việc thực thi bác ái cũng như lơ là trong việc ban các Bí tích và Lời Chúa. ”
Tóm lại, nếu chúng ta muốn cất cánh bay về Thiên đàng thì phải trang bị cho mình 2 cánh sau đây:
– Một là yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự;
– Hai là bày tỏ lòng yêu thương người khác bằng việc chăm sóc, phục vụ mọi người.
Nếu chúng ta không thờ phượng Thiên Chúa, cũng chẳng quan tâm săn sóc giúp đỡ những người bất hạnh chung quanh… thì chúng ta như máy bay không có cánh, chẳng thể bay lên.
Nếu chúng ta chỉ thờ phượng Thiên Chúa mà thờ ơ, vô cảm đối với những người bất hạnh… thì chúng ta chỉ như máy bay bị gãy mất một cánh, không thể bay tới thiên đàng.
Nếu chúng ta vừa siêng năng thờ phượng Thiên Chúa vừa yêu thương phục vụ những người bất hạnh chung quanh, thì chúng ta như máy bay có đầy đủ hai cánh, chắc chắn sẽ “bay” lên tới thiên đàng.
Lạy Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã cho loài chim có đôi cánh để chúng có thể bay vút lên cao và tung cánh khắp bốn phương trời.
Chúa cũng cho mỗi người chúng con có đôi cánh tuyệt vời là quy luật mến Chúa yêu người để chúng con sử dụng mà bay lên thiên đàng hưởng phúc muôn đời với Chúa.
Xin cho chúng con đừng bao giờ cắt bỏ đôi cánh Chúa ban, vì khi làm như thế, chúng con không thể bay về với Chúa mà lại bị trầm luân trong cõi chết muôn đời.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Giới Luật Tình Yêu
CN XXX TNA – (Mt 22, 34 – 40)
Sống đạo trọn tình luật mến yêu
Tha nhân, Thiên Chúa vẹn hai chiều
Nhân ái lan tỏa không toan tính
Mến Chúa muôn trùng chẳng đổ xiêu
Ghét ghen, loại trừ điều giả dối
Tình thương, đón nhận nghĩa cao siêu
Chu toàn lề luật hoa thơm nở
Thế giới chan hòa ngập nắng yêu.
Hạt Nắng
Chữ YÊU Của Chúa
CN XXX TNA – (Mt 22, 34 – 40)
Một thế giới chan hòa nắng ấm,
khi cuộc đời thấm đậm tình yêu.
Lề luật Thiên Chúa huyền siêu,
tặng ban nhân loại giới điều dạy răn.
Yêu Thiên Chúa vĩnh hằng trọn dạ,
hết tâm hồn hết cả trí khôn.
Tôn thờ Thiên Chúa độc tôn,
trung thành kính mến trường tồn không lay.
Yêu tha nhân, lòng say tình mến,
như chính mình hòa quyện tâm giao.
Như xưa Chúa đổ máu đào,
tình yêu thập giá dạt dào chứng minh.
Sống trọn đạo tâm tình con thảo,
bước theo đường, chỉ giáo Chúa ban.
Giữa bao nghịch cảnh trần gian,
trung thành, tin tưởng, vững vàng niềm tin.
Hai khía cạnh tình yêu là một,
ngọn lửa tình đốt nóng con tim.
Chu toàn lề luật trung trinh,
Thiên Chúa đón nhận ân tình lễ dâng.
Chữ “YÊU” là dấu biệt phân …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Xin Cho Con Biết Yêu
CN XXX – TNA – (Mt 22, 34 – 40)
Từ hạt bụi hư vô, Chúa đưa con vào đời,
ân sủng của đất trời, nuôi con nguồn sống mới.
Ngài thầm lặng hy sinh, tình cao quí anh linh,
giang tay trên thập hình, ôm con và thế giới.
Từ hạt bụi hư vô, Chúa đưa con vào đời,
thông hiệp với muôn người, tim yêu tình phơi phới.
Họa ảnh một tình yêu, tình Thiên Chúa cao siêu,
yêu thương là giới điều, cho con bước vào đời.
Xin cho con biết yêu, yêu mến một Thiên Chúa huyền siêu,
Yêu hết tâm hồn, hết trí khôn, tôn thờ một Chúa.
Xin cho con biết yêu, yêu tha nhân tình nồng chan chứa,
Yêu như chính mình, theo gương tình Chúa đã hy sinh.
Từ hạt bụi hư vô, Chúa đưa con vào đời
Làm con của Chúa Trời, anh em của thế giới
Thầm lặng một tình yêu, làm men, muối hy sinh
Tim ôm một khối tình, yêu thương bước vào đời.
M. Madalena Hoa Ngâu
Đôi Cánh Tình Yêu
CN XXX TNA – (Mt 22, 34 – 40)
Con sinh ra đời, trong suối tình Thiên Chúa bao la,
bầu trời chim ca, hoa lung linh trong nắng chan hòa.
Thánh ân tuôn tràn, cho đời con vui say nguồn sống,
Chân – Mỹ – Thiện toàn.
yêu mến Ngài trọn linh hồn, trọn trí khôn con.
Con sinh ra đời, trong ân tình phụ mẫu yêu thương,
dãi dầu gió sương, bao hy sinh, gian khó dặm trường.
Tình thương gia đình, cho đời con vui say nguồn sống,
anh em một nhà,
yêu thật lòng, sống chân tình, vun đắp yêu thương.
Mến Chúa – Yêu Người,
Đôi cánh chim cho con vào đời,
cho tình con tung bay khắp trời,
nguyện tri ân, nguyện đáp đền, ghi khắc tim hồng.
Mến Chúa – Yêu Người,
là tình yêu cho con vào đời,
đem Tin Mừng chân lý rạng ngời,
của Chúa Trời, đến với mọi người, đi khắp muôn nơi.
Con đi vào đời, giữa đất trời, sống với tha nhân,
kết giao tình thân, ai cô đơn, thiếu thốn, bạc phần.
Chúa nên đồng hình, trong kiếp nghèo, gian nan cuộc sống,
Mến Chúa – Yêu Người,
cánh chim bằng, trọn khối tình, khúc hát vang ngân.
Nắng Sài Gòn
Đôi Cánh Tình Yêu
CN XXX TN.A –(Mt 22, 34 – 40)
Nắng chiều vương nhẹ con lang thang,
Tiếng gió vi vu tựa cung đàn.
Ru mát hồn hoang lời nhân ái,
Tim yêu rạo rực, phút miên man.
Trầm lắng tâm hồn con suy tư,
Lắng nghe Lời Chúa rất nhân từ.
Sứ điệp Tin Mừng nơi trần thế,
Yêu thương cốt tủy, lời chúc thư.
Mẫu gương sống động, hãy yêu thương,
Chúa đã dạy con, sáng nẻo đường.
Yêu Chúa – Yêu người luôn sáng tỏ,
Đôi cánh nhịp nhàng bay muôn phương.
Tuân phục một lòng Vâng Ý Cha,
Chết treo thập giá, mối giao hòa.
Sẵn sàng hiến mạng vì nhân thế,
Nối kết ân tình ơn thứ tha.
Tình yêu đòi hỏi biết hy sinh,
Thử thách, gian nan, vác thập hình.
Phục vụ quên mình, tình dâng hiến,
Của lễ ân tình luôn trung trinh.
“Yêu mến như Thầy yêu anh em”,
Tình yêu tuyệt hảo, sáng như đèn.
Bài ca đức ái Thầy dạo khúc,
Nhân loại hiệp lòng tấu Amen.
AP. Mặc Trầm Cung