SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 709, CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN – A, LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI, 04/10/2020

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 21, 33-43).
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?” Các ông trả lời, “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.
Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: ‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!’ Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

Đó là lời Chúa.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi
(Lc 1,26-38)
Khi ấy, Thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nazareth, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”.
Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với Thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”. Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Đấng Bà sinh ra, sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Eliasabeth chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên thần cáo biệt Bà.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Câu Chuyện Vườn Nho Câu Chuyện Đời Ta
Maria – Người Nữ Thánh Thể ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 3
Thu Và Nộp Hoa Lợi &
Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách nào? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 7
“Khôn Quá Hóa Dại” & Mẹ Khổ Vì Con Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 11
Biết Ơn Người Chỉ Lỗi Cho Mình Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 14
THƠ TIN MỪNG
Tá Điền Vườn Nho Hạt Nắng Trg 16
Hoa Lợi Dâng Ngài Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 17
Trái Ngọt Dâng Cha M. Madalene Hoa Ngâu Trg 18
Trở Lại Vườn Xưa Nắng Sài Gòn Trg 19
Câu Chuyện Tá Điền & Chuỗi Ngọc Mân Côi A.P Mặc Trầm Cung Trg 20

Câu Chuyện Vườn Nho
Câu Chuyện Đời Ta

Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để thính giả dễ hiểu điều Chúa nói về Nước Trời. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau. Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai khiến các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ. Nhưng họ có biết đâu rằng nếu để Chúa là chủ thì vườn nho còn được bảo vệ, được chăm sóc và họ còn được hưởng hoa lợi. Nhưng từ chối quyền làm chủ của Chúa, vườn nho rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn hoa trái. Và vì thế cuộc đời họ cũng bị diệt vong.
Câu chuyện vườn nho không chỉ nói với người Do Thái mà còn nói với tất cả chúng ta, đặc biệt các sinh viên học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Sinh viên học sinh là những cây nho được Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của Chúa. Vườn nho đó là Nước Chúa, là Giáo Hội, là gia đình, là trường học. Các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ trung là những cây nho non mơn mởn được Chúa chăm sóc tưới bón trong tình thương bao la của cha mẹ, trong sự tận tâm của thày cô giáo, trong sự nhiệt thành quên mình của các linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúa đặt lương tâm như tháp canh để cảnh báo những nguy cơ đe dọa tàn phá vườn nho. Để ngăn chặn thú dữ tàn phá, trẻ con nghịch ngơm, kẻ thù quấy phá, Chúa cẩn thận rào dậu vườn nho. Rào dậu là đặt ra những quy tắc luật lệ. Kỷ luật là phên dậu vững chắc bảo vệ những cây nho còn non yếu, bảo vệ hoa lợi khỏi kẻ thù đến phá hoại. Kỷ luật giúp bảo vệ cuộc đời của các con. Không chỉ bảo vệ sự sống mà còn tất cả những hoa trái tốt đẹp của sự sống. Bảo vệ tương lai của các con. Chúa xây bồn ép nho. Bồn ép nho là nơi làm việc. Quả nho phải trải qua quá trình ép, lọc, ủ mới lên men thành thứ rượu nho thơm lừng làm đẹp cho xã hội. Cũng vậy các con phải lao động vất vả qua nhiều công đoạn mới trở nên hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội. Có thể nói cuộc đời của mỗi người các con là một kỳ quan về tình yêu thương của Chúa. Chúa tạo dựng nên các con để các con được hạnh phúc. Chúa đã định sẵn cho các con một định mệnh tốt đẹp cao quý trong thánh ý Chúa.
Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỷ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.
Các con, sinh viên học sinh thân mến.
Đầu năm học mới là dịp các con chỉnh đốn lại vườn nho tâm hồn các con. Hãy để Chúa làm chủ cuộc đời các con. Hãy tin tưởng định mệnh Chúa dành cho các con là định mệnh tốt đẹp nhất. Tương lai Chúa dọn sẵn cho các con là tương lai tươi sáng không gì có thể so sánh được. Hãy đón nhận tình yêu thương của cha mẹ, thày cô giáo, và các bề trên trong Giáo Hội. Tình yêu thương chăm sóc của các ngài là nước mát tưới cho cây đời các con xanh tươi. Hãy tuân theo sự hướng dẫn của tháp canh lương tâm để các con biết phân biệt thật giả, trắng đen, thiện ác giữa lúc vàng thau lẫn lộn, biết chọn lựa con đường tốt đẹp cho tương lai. Hãy sống theo sự hướng dẫn của luật lệ, luật xã hội, luật học đường, luật sự sống, luật Giáo Hội. Đó chính là cách tự bảo vệ trước những lực lượng xấu, trước những cơn cám dỗ ngọt ngào đang rình chờ trói chặt những cuộc đời ẻo lả, mềm yếu, buông tuồng. Hãy làm việc trong bồn ép nho. Sự siêng năng chăm chỉ, lòng say mê học tập chính là chìa khóa của sự thành công.
Năm học mới là một ân huệ nhưng cũng là một trách nhiệm. Các con được ban nhiều, các con sẽ bị đòi hỏi nhiều. Năm học mới được ban tặng để các con sinh lợi. Sinh lợi để xứng đáng với tình thương của Chúa. Sinh lợi để xứng đáng với xã hội, quê hương đất nước. Sinh lợi chính là thăng tiến bản thân, làm lợi cho chính các con trước hết.
Xin Chúa ban phúc lành cho năm học mới để các thày cô giáo, các học sinh sinh viên thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần thăng tiến bản thân, gia đình, Giáo Hội và xã hội. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Chúa đã ban cho bạn sự sống và còn đặt biết bao người, biết bao phương tiện, hoàn cảnh để nuôi dưỡng và phát triển sự sống đó. Bạn có nhận biết điều này không?
2. Bạn có nhìn nhận Chúa làm chủ đời mình và có thái độ xứng hợp không?
3. Phát triển là một trách nhiệm. Bạn có chu toàn trách nhiệm đó không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Maria – Người Nữ Thánh Thể
(Lễ Đức Mẹ Mân Côi)

Bài Tin Mừng tường thuật cuộc truyền tin kết thúc bằng hai tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ. Với hai tiếng “Xin Vâng”, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn thay đổi. Từ nay Mẹ không còn sống cho mình nhưng hoàn toàn sống cho Thiên Chúa. Mẹ kết hiệp chặt chẽ với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu. Và vì thế, Mẹ trở thành gương mẫu của lòng tôn sùng và thực hành bí tích Thánh Thể.

Thật vậy, với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ là gương mẫu trong việc đón nhận Thánh Thể. Khi đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào lòng, Mẹ hoàn toàn tin tưởng thịt máu của bào thai Mẹ được diễm phúc cưu mang trong lòng chính là Thiên Chúa. Như thế, Mẹ khuyên dạy ta khi đón nhận Mình Thánh Chúa, hãy tin vững vàng ta đã đón nhận Thịt Máu của Chúa Giêsu.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, tâm hồn Mẹ trở nên ngôi nhà chầu đầu tiên được đón tiếp, cất giữ Chúa Giêsu Thánh Thể. Đây chính là ngôi nhà chầu xinh đẹp nhất vì cung lòng thanh khiết của Mẹ là một đền thờ nguy nga lộng lẫy. Hơn nữa việc luôn ghi nhớ và suy niệm những điều thiên thần nói, giúp Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu trong lòng, biến Mẹ thành một người chầu Mình Thánh liên tục. Như thế Mẹ khuyên dạy ta hãy năng chầu Mình Thánh Chúa.

Sau khi thưa “Xin Vâng”, Mẹ vội và lên đường đi viếng bà thánh Elizabeth. Đây chính là cuộc rước kiệu Thánh Thể đầu tiên. Cuộc rước kiệu thật đơn sơ, không kèn trống, không đông đảo, nhưng đầy sốt sắng, đầy cung kính nên đã đem lại lợi ích phi thường: đem ơn cứu độ đến cho ông thánh Gioan Baotixita còn trong lòng mẹ, làm cho mọi người tràn đầy niềm vui. Như thế Mẹ nhắn nhủ ta kiệu Thánh Thể sốt sắng sẽ đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng.

Nhưng cũng với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ luôn hướng về Chúa Giêsu. Từ khi còn trong bào thai cho đến khi sinh ra trong hang đá Bêlem. Từ khi ấu thơ cho đến khi hoạt động công khai. Việc Mẹ tất tả đi tìm Chúa Giêsu trong đền thờ Giêrusalem nói lên sự gắn bó mật thiết. Mẹ coi Chúa Giêsu là lẽ sống. Mẹ không thể sống nếu thiếu vắng Chúa. Với lòng tha thiết tìm kiếm Chúa, Mẹ khuyên dạy ta hãy yêu mến đến khao khát Chúa. Vì Thánh Thể Chúa chính là nguồn sự sống của ta.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, không những Mẹ vâng lời Thiên Chúa hoàn toàn, mà còn dạy mọi người biết vâng lời Chúa. Nên tại tiệc cưới Cana, Mẹ khuyên nhủ gia nhân: “Người bảo gì các con hãy cứ làm theo” (Ga 2,5). Thái độ hoàn toàn vâng phục đã được Chúa thưởng công bằng phép lạ “nước lã hóa thành rượu ngon”. Hôm nay Mẹ cũng nhắc nhủ ta: Nếu Chúa đã dặn dò: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày” (Lc 22-19), thì hãy vâng lời Chúa, siêng năng tham dự thánh lễ, chầu Mình Thánh Chúa, chịu lễ, chắc chắn Chúa sẽ làm phép lạ đổi mới đời các con như biến nước lã thành rượu ngon.

Với hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ hoàn toàn kết hiệp với Chúa Giêsu, theo Chúa trên đường lên Núi Sọ và đứng dưới chân thánh giá để nên một với Chúa Giêsu trong việc dâng hiến chính bản thân mình, dâng những đau đớn khổ cực làm của lễ đền tội cho nhân loại. Ở đây Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tự hiến mình cho nhân loại. Như Chúa Giêsu, tấm lòng tan nát của Mẹ đã trở thành tấm bánh bẻ ra ban cho nhân loại sự sống mới. Như thế Mẹ dạy ta phải biết hiến thân chịu mọi đau đớn, vất vả trong đời sống để nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể. Việc kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể để hiến dâng thân mình sẽ đem lại hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Và với hai tiếng “Xin Vâng”, một lần cuối cùng Mẹ vâng lời Chúa, nhận thánh Gioan làm con. Nhận thánh Gioan là nhận cả nhân loại làm con. Vì thế Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể khi hiệp nhất với tất cả mọi người, nhận tất cả nhân loại vào gia đình mình, đón tiếp mọi người vào đồng bàn trong bữa tiệc Thánh Thể, và trong bữa tiệc Nước Trời. Hôm nay, Mẹ nhắn nhủ ta khi chịu lễ rồi hãy biết yêu thương đoàn kết vì tất cả chúng ta được đồng bàn với Chúa, cùng ăn một bánh, cùng uống một chén với nhau. Và tất cả chúng ta đều là các chi thể trong thân thể của Chúa. Tuy năm Thánh Thể đã kết thúc, nhưng việc yêu mến sùng kính và nhất là việc sống bí tích Thánh Thể vẫn tiếp diễn. Đặc biệt trong tháng Mân Côi, nếu ta yêu mến Đức Mẹ, ta càng phải yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì Mẹ chính là mẫu gương yêu mến Thánh Thể, đến nỗi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã gọi Mẹ là “Người Nữ Thánh Thể”. Nếu chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, chắc chắn Đức Mẹ sẽ hướng dẫn ta đến yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì tất cả các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi đều hướng về Chúa Giêsu. Và mầu nhiệm 5 Sự Sáng đưa ta trực tiếp tới bí tích Thánh Thể. Thật là đẹp khi ta lần hạt trước Thánh Thể. Vì như Đức Mẹ đã khấn cầu cho tiệc cưới Cana được ơn phúc thế nào, hôm nay, trước Thánh Thể, Đức Mẹ cũng khẩn cầu ơn phúc cho chúng ta như vậy.

Lạy Mẹ Mân Côi, xin dạy con biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và xin Mẹ khẩn cầu cho con bên tòa Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1. Lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ biểu lộ niềm tin. Bạn có giữ vững được niềm tin trong những lúc gặp thử thách để thưa “Xin Vâng” với Chúa trong đau khổ không?.
2. Gia nhân đã vâng lời Đức Mẹ “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” nên đã múc nước lã mà không hiểu gì. Bạn có sẵn sàng vâng lời Chúa làm những việc mà bạn không hiểu?
3. Khi hiện ra ở Fatima, Đức Mẹ đã mời gọi ta thực hiện 3 điều. Bạn có sẵn sàng “Xin Vâng” để thực hiện không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Thu Và Nộp Hoa Lợi

Ngụ ý của câu chuyện dụ ngôn xem ra không có gì khó hiểu cho lắm! Đức Giêsu kể nó cho đối tượng thính giả là các thượng tế và kỳ mục trong dân nói riêng, và cho toàn dân Do Thái nói chung, vì thái độ của họ thờ ơ khước từ các ân huệ mà Đức Chúa ban cho, hầu giúp họ chu toàn sứ mạng được trao phó trong tư cách là dân riêng. Sự chối từ đạt tới đỉnh điểm trong việc chối bỏ chính đầng Thiên Sai là Con Thiên Chúa được gởi đến với họ; “Đứa con thừa tự đây rồi, nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài nó!” Đó là lý do để dân riêng sẽ bị loại trừ và tiêu diệt trong đại họa lịch sử năm 70, và vườn nho sẽ được trao phó cho một dân khác. Dụ ngôn hàm ý như sau: một tập thể mới là Hội Thánh Chúa Kitô được hình thành để thay thế tập thể cũ là dân riêng Do Thái. Người đưa ra lý do để phế trừ là, họ đã không ‘nộp hoa lợi cho ông’, đồng thời cũng xác định lý do thành lập đoàn dân mới; ‘ông cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông’. Tư tưởng chung chung là như thế, nhưng ý nghĩ lởn vởn trong đầu tôi mấy ngày này lại là: ‘thu hoa lợi và nộp hoa lợi’ có nghĩa là gì, và có gì khác nhau giữa hai việc này? Chính dựa vào lời giải đáp vấn nạn trên mà tôi mới xác định được lý do của việc phế bỏ dân cũ và thiết lập dân mới, cũng có nghĩa là xác định được mục đích cũng như sứ mạng đích thực mà Hội Thánh (trong đó có tôi) phải chu toàn.

Để có hoa lợi, gia chủ đã ‘trồng một vườn nho: chung quanh vườn ông rào giậu; trong vườn ông khoét bồn đạp nho, và ông xây tháp canh…’ tức là ông đã làm mọi việc cần thiết để bảo đảm có được hoa lợi là sản xuất ra rượu nho thơm ngon. Khi phải ‘trảy đi xa’, ông chủ trao công việc chăm sóc cho tá điền, để chắc chắn vườn nho ông sinh hoa lợi; điều này đã được nhóm tá điền chu toàn, và có lẽ còn rất xuất sắc nữa là đàng khác. Họ thu được hoa lợi, rất nhiều hoa lợi là đàng khác, nhờ vào việc canh tác vườn nho của ông chủ. Vấn đề chính là ở chỗ: thu được nhiều hoa lợi như thế, nhưng các tá điền lại công khai từ chối ‘nộp hoa lợi’ lại cho ông chủ thứ mà ông chờ đợi. Họ chỉ muốn chiếm đoạt cho mình. Đây chính là sai lầm lớn cần bị trừng trị, thế nhưng ông chủ đã kiên nhẫn…. làm hết cách để thuyết phục họ không nên mắc phải sai lầm chết người đó. Đỉnh điểm của quá trình chống đối dai dẳng là khi, ‘ông sai chính con trai mình đến gặp chúng vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con trai ta”, nhưng họ đã ra tay hạ sát cậu con. Như vậy đã rõ ràng: không nộp hoa lợi là lý do chính để ông chủ buộc phải phế bỏ bọn tá điền bất lương, và trao vườn nho cho nhóm tá điều khác “để cứ đúng mùa họ nộp hoa lợi cho ông”.

Khi học bộ môn Kinh Thánh, giáo sư đã cho sinh viên chúng tôi biết: mọi biến cố lịch sử của dân Do Thái nói riêng và của toàn nhân loại nói chung đều hướng về mục tiêu duy nhất là làm cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ lộ và nhận biết (thứ rượu nho thơm ngon). Trong lối nhìn này ta hiểu ngay: Đức Chúa đã chọn một dân riêng (trồng vườn nho), bảo vệ dân đó (rào giậu), thử thách và tôi luyện họ (khoét bồn đạp nho), ra lề luật để canh giữ họ (xây tháp canh)…, rồi Ngài trao cho các thượng tế và kỳ mục trách nhiệm thi hành các điều trên (công việc chăm sóc vườn) chỉ là để tình yêu Người được nhận biết. Cho tới thời Đức Giêsu, các vị lãnh đạo dân chắn chắn đã duy trì được tất cả các điều đó, có nghĩa là, họ đã làm cho vườn nho dân riêng được bảo vệ, được phát triển và củng cố nhờ lề luật; chỉ có điều là…, chính khi Người muốn họ giao nộp lại cho Người thứ tình yêu nhân ái mà Người đã thực hiện – là điều mà Đức Chúa trong suốt lịch sử, đã luôn chờ đợi dân nhận biết và duy trì, thì…, họ lại từ chối. Các tiên tri hết đợt này tới đợt khác, được gởi tới để kêu gọi dân đón nhận Thiên Chúa thương xót cứu độ, thì thay thảy đều bị họ xử tệ; ‘Chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ’. Hoa lợi gia chủ yêu cầu và mong đợi đã không được họ giao nộp sòng phẳng.

Sau hết Con Một Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô đã được sai đến với sứ mạng rõ rệt là kêu mời họ nhận ra và đón lấy lòng thương xót Chúa, thì họ đã ‘bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho và giết đi’. Chính vì hành động khước từ dã man và độc ác này, mà gia chủ, ‘chu diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa họ nộp hoa lợi cho ông’. Như vậy mục tiêu để Thiên Chúa phế bỏ Dân Cũ và thiết lập Dân Riêng Mới chính là để được ‘nộp hoa lợi’. Hội Thánh nếu là Dân Riêng mới, sẽ có bổn phận chính là, hoàn lại cho Thiên Chúa tình yêu mà Người muốn bày tỏ và đã thi thố nơi trần gian, qua việc… Hội Thánh chứng tỏ mình là một tập thể tin vào Đức Kitô Giêsu, là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu, và đón nhận Người.
Nếu quả là như thế thì Hội Thánh được Đức Kitô thiết lập, nhất là các ‘thượng tế và kỳ mục mới’ của Hội Thánh này, sẽ không được coi việc xây dựng một nền luân lý cao đẹp vững chắc, hay một sự thánh thiện nào đó như là mục tiêu tối thượng của mình. Làm như thế họ mới chỉ đang chu toàn công việc canh tác vườn nho và làm nó sinh hoa lợi, là điều họ đương nhiên phải làm. Hội Thánh này không được phép đi vào vết xe đổ của Dân Cũ là cứ khư khư lo canh tác và thu hoa lợi vườn nho, qua việc làm cho giáo dân nắm giữ cặn kẽ các lề luật. Trên hết, các thượng tế và kỳ mục mới phải coi việc tin nhận Đức Kitô cứu độ và đón lấy lòng nhân ái xót thương của Người như hoa lợi mà mình phải giao nộp, đó mới là trách nhiệm chính mà các ngài phải chu toàn sau tất cả các công việc quản trị chăm sóc. Nếu không giao nộp thứ hoa lợi này lại cho Chủ, thì Hội Thánh, cho dầu có chăm sóc vườn nho tươm tất và trù phú tới mấy, cũng vẫn bị coi là bọn tá điền bất lương mà thôi.
Với chức linh mục được trao cho trong suốt hơn 40 năm qua, chính tôi là một ‘thượng tế và kỳ mục’ trong Dân Riêng Mới của Chúa Kitô. Tôi cũng đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm việc trong vườn nho Hội Thánh của Chúa suốt nhiều năm tháng…, tôi đã nỗ lực giúp các giáo hữu ăn ngay ở lành, giữ đạo đầy đủ…, nhưng thử hỏi, tôi đã thực sự trao nộp lại cho Chủ phần hoa lợi đích thực mà Người hằng mong đợi hay chưa? Nói cách khác: tôi có thật sự cùng với giáo dân đón nhận và ca ngợi lòng thương xót Chúa hay không? “Nghe những dụ ngôn Người kể. các thượng tế và người Pharisêu hiểu là: Người nói về họ”, vậy thì hôm nay, tôi có nhận ra là Chúa cũng đang nói cho chính tôi hay không?

Lạy Chúa là Gia Chủ đầy lòng nhân ái và xót thương, xin hãy soi sáng cho con biết rõ thứ hoa lợi mà Gia Chủ đang thực sự mong đợi con giao nộp lại cho Người là cái gì. Xin cho toàn thể Hội Thánh, nhất là các vị chủ chăn, hiểu được bài học Chúa muốn dạy qua dụ ngôn hôm nay, hầu xác định được rõ sứ mạng và mục tiêu tối hậu của việc mục vụ họ phải chu toàn. Xin đừng để con chỉ biết chăm sóc vườn nho cho thật tốt tươi, nhưng lại khước từ nộp cho Chúa phần hoa lợi mà chính Người Con chí ái đã đến để trần gian để nhắc nhở và thu gom, đó là Tin Mừng nhận biết Thiên Chúa xót thương và cứu độ nhân loại tội lỗi. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Việc Ấy Sẽ Xảy Ra Cách Nào?
(Lễ Đức Mẹ Mân Côi)

Bài Tin Mừng được chọn đọc trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi đề cập tới biến cố Truyền Tin; thế nhưng cá nhân tôi như thấy thiếu thiếu một điều gì, vì thật ra Truyền Tin chỉ là ‘mầu nhiệm’ thứ nhất trong số những 20 ‘mầu nhiệm Mân Côi’ được đem ra suy gẫm khi lần hạt? Phụng vụ muốn nói gì khi chọn đoạn Tin Mừng này, đặc biệt cho giáo dân Việt Nam khi mà Hội Đồng Giám Mục trong khóa họp tháng 4 năm 1991 đã quyết định cho phép mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi (vốn chỉ là ‘lễ nhớ’), và được dời qua ngày Chúa Nhật nếu muốn? Đặt vấn nạn như thế có nghĩa là đã xác định mục tiêu của việc lần hạt Mân Côi: một việc đạo đức được Đức Mẹ ưa thích, hay còn là một con đường sống Tin Mừng bình dân nhưng hữu hiệu và sâu sắc, như từng được nhiều người khảng định.

Người Công Giáo chúng ta vẫn biết rằng: giá trị của việc lần hạt Mân Côi hệ tại ở suy gẫm các sự kiện hay biến cố đã xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu và Mẹ Maria hầu giúp ta nhận ra ngày càng sâu sắc hơn hồng ân cứu độ. Tuy nhiên sự nhận biết này nhiều khi cũng chỉ dừng lại ở suy tư, ở cảm thức chung chung mang tính lý thuyết. Hoặc giả hồng ân cứu độ đó được coi là điều thuộc quá khứ, điều mà ta đã nhận lãnh một lần ngày rửa tội xa xưa. Biến cố Truyền Tin nói riêng, và mọi biến cố liên quan tới Đức Maria nói chung như tác giả Luca trình bày, cho thấy một khía cạnh khác nữa của lối sống Hồng Ân cứu độ, đó là: các sự kiện thường ngày cần được đưa vào quĩ đạo của ơn cứu độ Đức Kitô Giêsu đã thực hiện, nhất là khi chúng xem ra rất khó hiểu và xa lạ với kế hoạch từ nhân của Thiên Chúa. Đứng trước nhiều biến cố liên quan tới mình, tới tha nhân và tới xã hội loài người nói chung, trong tư cách Kitô hữu, biết bao lần tôi đã phải tự hỏi: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào?” câu hỏi này không nhằm lý giải cách hợp lý từng sự kiện, nhưng để Kitô hữu trong niềm tin, lờ mờ nhận ra lòng từ bi thương xót của Chúa đang được thực hiện qua các biến cố đó. Khi lần hạt Mân Côi, cùng với Đức Maria, tôi giáp mặt với cuộc sống thường ngày chứa đựng những niềm vui, những biến cố trang trọng mang nhiều ý nghĩa, cũng như các nỗi buồn bâng quơ, những chuyện vụn vặt vu vơ, những thành công hay thất bại, những kỳ vọng hay hoài bão, thậm chí cả các điều phi lý… Đối với một Kitô hữu: tất cả mọi biến cố bất luận đều có giá trị nếu được nhìn nhận và đưa vào tình yêu nhân ái của Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đối với Kitô hữu, sẽ không chỉ có vấn đề ‘thánh hóa hay làm phép’ các biến cố hàng ngày, dâng lên cho Thiên Chúa chỉ vì chúng thuộc lãnh vực phàm tục. Điều duy nhất mà Kitô hữu cần làm là: dìm mọi biến cố của cuộc sống hàng ngày ngập sâu trong hồng ân cứu độ.

Truyền tin, cũng như nhiều biến cố khác nữa đã được Đức Maria sống như thế đó: Mẹ đã ‘ghi nhớ tất cả các điều ấy… và suy đi nghĩ lại trong lòng’ (Lc 2:19.51). Maria đã không lần hạt, nhưng là Mẹ Mân Côi vì đã không ngừng khám phá và sống từng biến cố đời mình trong hồng ân cứu độ của Thiên Chúa.

Dành thời giờ mỗi ngày để dùng trí tuệ suy gẫm các ‘mầu nhiệm phép Mân Côi’ là điều tốt, nhưng rồi cũng có lúc trở thành nhàm chán xa xôi; chung qui đó vẫn còn là một việc đạo đức mang tính trí tuệ trừu tượng hay tình cảm tâm lý. Tuy nhiên việc lần hạt Mân Côi sẽ trở nên sống động hơn, hiện sinh hơn nếu qua đó, cùng với Mẹ ta nhìn nhận lòng từ ái của Chúa đang từng bước được thực hiện trong các biến cố của cuộc sống mình; mà các biến cố đời thường thì luôn thực tế, thiết thực và biến đổi không ngừng. Qua ‘xét mình’ ta phân loại các biến cố thành hai phần tốt / xấu dựa tiêu chuẩn luân lý. Qua khuynh hướng lấy mình làm trung tâm, ta lại phân loại chúng thành: hên / xui, thành công / thất bại, vui / buồn. Thế nhưng dưới ánh sáng hồng ân cứu độ của Thiên Chúa từ nhân thì các biến cố đó chỉ là một thực thể ân sủng duy nhất; chính vì thế khi lần hạt tôi không chỉ suy gẫm các mầu nhiệm cách rời rạc, đúng hơn tôi đang thống nhất đời sống mình. Tôi đang sống Mân Côi mỗi ngày, hay đúng hơn tôi đang đưa từng biến cố đời sống vào hồng ân cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa. Sống phép Mân Côi như thế sẽ rất thiết thực đưa tôi đạt tới một cuộc sống Kitô ngày càng Tin Mừng hơn, hiểu theo nghĩa, cho phép tôi ngày càng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nhân ái giầu lòng xót thương trong mọi tình huống cuộc đời. Và điều này chắc chắn sẽ mau mắn biến đổi đời tôi, không theo nghĩa ngày càng trở nên tốt lành thánh thiện hơn, nhưng chắc chắn ngày càng thâm tín sâu xa hơn rằng: tình yêu cứu độ của Chúa đang đổ xuống trên tôi, cũng như trên toàn thể nhân loại là vững chắc và bất tận, là không bao giời cạn kiệt, bất chấp tất cả những yếu đuối thiên hình vạn trạng của con người. Nhờ việc lần hạt, một điều khác chắc chắn phải gia tăng nơi tôi đó là, niềm vui cảm tạ trong tâm tình Magnificat của Mẹ Maria!

Sứ điệp Fatima về lần hạt Mân Côi sẽ không bao giờ mất đi ý nghĩa thâm sâu của nó, đó là, các Kitô hữu sẽ được hoán cải về Tin Mừng, chứ không chỉ là hoán cải về luân lý. Sứ điệp này đã vang vọng từ thời Thánh Đa-minh trong việc đưa bè rối Anbigen trở về với Tin Mừng, và sẽ còn tiếp tục vang vọng mãi qua mọi thời đại: “Hãy năng lần Mân Côi!” và tin vào Tin Mừng!

Lạy Mẹ Mân Côi! Cùng với Mẹ, con muốn sống mầu nhiệm Mân Côi hàng ngày. Qua việc lần hạt; xin cho con luôn tìm được giải đáp Tin Mừng thỏa đáng cho mọi tình huống và biến cố trong đời qua câu khảng định mà sứ thần Gáprien khi xưa đã nhắc nhở Mẹ: “Vì đối với Thiên Chúa (nhân lành) không có gì là không thể làm được’. Cùng với Mẹ, con mong rằng việc lần hạt Mân Côi hàng ngày cũng sẽ trở thành con đường Tin Mừng đích thực cho con, hầu giúp con nhận ra Chúa từ nhân không ngừng hiện diện, bất chấp mọi nghịch cảnh cuộc đời. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

“Khôn Quá Hóa Dại”

Người ta nói: “khôn quá hoá dại”. Đôi khi ta tưởng mình hơn người nhưng lại là lúc người đời đang cười về sự ngu dốt của ta. Đôi khi ta tưởng mình thắng người nhưng lại là lúc ta thất bại chua cay. Và đôi khi ta tưởng rằng với tài trí của mình có thể lừa được người khác, nhưng chính mình lại bị “gậy ông đập lưng ông”.

Có một nhà mua bán đồ cổ đến làng quê nọ, thấy bác thợ mộc có chiếc tủ cổ cũ kỹ mà hắn nghĩ là có thể đem về tỉnh bán lại với giá hơn chục ngàn, nhưng lại ma giáo, không muốn cho bác thợ mộc biết giá trị của chiếc tủ, hắn gạ mua với giá rẻ mạt:
– Tôi trả cho ông 5 francs chiếc tủ này, nó chẳng dùng đựng được gì cả, nhưng tôi chỉ cần củi để đốt lò sưởi thôi.
Sáng hôm sau, hắn hớn hở vác xe cam nhông đến để chở chiếc tủ, thì thấy đống gỗ cưa ngắn lù lù trước cửa, hắn ngạc nhiên hỏi:
– Cái gì thế này?
– Gỗ của ông đấy, bác thợ mộc đáp, hôm qua tôi hối hận qúa vì bán cho ông những 5 francs, nên bèn phải cưa nhỏ ra giúp ông!
Quả là khôn quá hoá dại. Có những việc trời cho mình hưởng nhưng vì quá ích kỷ, quá khôn ranh tưởng sẽ được nhiều hơn, ai ngờ lại trắng tay, như người ta nói “tham thì thâm”. Tay trắng lại hoàn trắng tay.

Người Do Thái năm xưa cũng được hưởng rất nhiều đặc lợi vì là dân được tuyển chọn, nhưng họ lại muốn nhiều điều hơn nữa. Họ muốn Thiên Chúa còn phải làm theo ý của họ. Họ muốn một Đấng Messia mang lại cho họ vinh dự bá vương thiên hạ và những vinh quang trần thế. Chính vì muốn Thiên Chúa làm theo ý mình, nên họ bắt bớ các ngôn sứ, hãm hại các ngôn sứ . . . Và cũng chính họ đã đóng đinh Con Thiên Chúa trên thập giá vì Ngài đã không làm vua theo ý họ.

Nói người cũng nghĩ đến ta. Con người ngày nay vẫn đang tính toán với Chúa. Họ nhận của Chúa rất nhiều nhưng lại ít nghĩ đến việc cảm tạ Thiên Chúa. Họ đến với Chúa để nài xin Chúa làm theo ý họ. Họ cầu nguyện để xin Chúa thực hiện những điều đẹp lòng họ. Họ được voi đòi tiên nên chẳng bao giờ bằng lòng về những gì mình đang có. Thế nên, khi việc chẳng xong, cầu chẳng được, họ lại hồ nghi về Chúa, có khi còn quay lưng lại với Chúa.

Con người ngày nay vẫn sống vô ơn khi tìm cách hãm hại các ngôn sứ là cách linh mục tu sĩ. Họ theo Chúa chỉ để tìm kiếm bổng lộc. Họ sẵn sàng vu khống, đặt điều đặt chuyện, tìm cách loại trừ những người đại diện của Chúa nếu quyền lợi của họ bị mất, điều họ muốn không thành.

Con người hôm nay luôn nhân danh quyền tự do để hành xử theo ý mình. Điều gì có lợi cho mình thì họ cho là ý Chúa, còn nếu bất lợi họ sẽ quay lưng lại với Chúa, có khi bỏ Chúa để sống theo ý riêng.

Con người ngày nay luôn cho mình là trung tâm, luôn lấy quyền lợi mình là trên hết, thế nên, xã hội loạn lạc vì tranh dành quyền lực, tiền tài và lợi lộc.

Con người ngày nay cũng như dân Do Thái xưa, vì ích kỷ bản thân mà sống xa rời Chúa và anh em, đôi khi còn làm hại lẫn nhau vì quyền lợi bản thân.

Xin cho chúng ta đừng quá tham lam ích kỷ, nhưng luôn khiêm tốn nhận ra tất cả là hồng ân để biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa. Ước gì đời sống chúng ta luôn là một lời tạ ơn vì biết bao ơn lành Chúa đã ban xuống trên cuộc đời chúng ta. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Mẹ Khổ Vì Con

Tiến sỹ Trần Mỹ Duyệt có lần đã viết rằng: “Nếu có tấm hình nào diễn tả được sự đau khổ của một người mẹ, thì đó là tấm hình chụp hoặc vẽ khi bà đang ngồi bất lực nhìn con hấp hối và chết trên tay của bà! Trong Phúc Âm, Thánh Gioan cũng đã chụp được những khoảnh khắc về một bà mẹ. Bà rất đau khổ theo con trên đường tới pháp trường, chứng kiến con bị đóng đinh, và đứng dưới chân thập giá để nhìn người ta dùng đòng đâm thấu trái tim của con bà, rồi đau đớn ôm lấy xác con trong vòng tay của mình (Ga 19:17-42). Người đàn bà đau khổ đó không ai khác hơn là Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ của chúng ta”.

Và hôm nay Mẹ Maria dường như cũng chết lặng khi thấy con cái Mẹ ở khắp nơi trên địa cầu đang bị thảm sát bằng nhiều cách. Ở Mỹ người ta đốt nhà thờ , đập phá tượng ảnh, tấn công người dự lễ. Ở Tàu người ta phá nhà thờ nếu không hát quốc ca trong thánh lễ. Ở nhiều nơi trên thế giới các nhà thờ thường xuyên bị khủng bố bằng bom đạn…

Đặc biệt với dịch bệnh Covid đã khiến cho nhân loại chìm đắm trong sợ hãi hoang mang vì sự dữ quá thảm khốc nặng nề. Sự dự đang thống trị trần gian. Nhân loại dường như bất lực trước sức mạnh của ma quỷ đang phá hoại sự bình an và nhận chìm sự thịnh vượng của nhân loại.

Thế giới hôm nay thật giống với thế kỷ 16, khi đội quân Hồi Giáo hoành hành, chém giết man rợ người Công Giáo. Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng hôm nay liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một “chuồng ngựa”. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ. Người Công giáo đã chiến thắng tại vịnh Lepant, chặn được sức tiến vũ bão của Hồi giáo. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.

Trong tháng Mân Côi, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy siêng năng cầm lấy Tràng chuỗi Mân Côi là khí giới, là thuẫn đỡ trong đời sống. Khi đọc kinh Mân Côi chúng ta cậy nhờ lời bầu cử của Mẹ, xin Chúa ban cho những kẻ tội lỗi được ơn trở lại, xin cho chúng ta ơn can đảm để chống lại những cám dỗ của ma quỉ, và theo gương Mẹ sống gắn bó và tuân hành thánh ý Chúa.

Bởi vì, kinh Mân Côi, đặt căn bản trên việc liên lỉ chiêm ngưỡng dung nhan của Đức Kitô, có Đức Maria đồng hành. Như hai người bạn thường xuyên đồng hành với nhau dần dà sẽ có những thói quen giống nhau thế nào, thì nhờ quen tiếp xúc với Đức Giêsu và Đức Nữ Đồng Trinh, qua suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta có thể học được từ những khuôn mẫu cao cả này một đời sống khiêm nhượng, nghèo khó, ẩn giấu, kiên trì và hoàn hảo (x. RVM 15b)

Có thể nói rằng, qua việc nghiêm túc thực hành kinh Mân Côi hàng ngày, Đức Trinh nữ Maria dạy chúng ta đọc, suy niệm và thực hành Lời Chúa như những đứa con quỳ dưới chân Mẹ, để được Mẹ huấn luyện, uốn nắn mỗi ngày nên dụng cụ mềm dẻo hơn cho ân sủng Chúa tác động, cho tới khi chúng ta đạt tầm vóc viên mãn trong đức Kitô (Eph 4, 13).
Nếu chúng ta sống đẹp lòng Chúa theo lời Mẹ “Người bảo gì thì anh em hãy làm như vậy”, thì chắc chắn Mẹ sẽ cầu bầu cùng Chúa ban muôn vàn ơn lành xuống trên chúng ta.

Vì thế trong tháng Mân Côi xin mỗi gia đình hãy dâng chuỗi Mân Côi hằng ngày để cầu cho gia đình, cho xứ đạo được bình an. Xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ thương đến nhân loại lầm than mà đẩy lùi sự dữ. Ước gì mỗi người trong giáo xứ chúng ta biết dâng những hy sinh, những lời kinh Mân Côi để đền bù lại những tội lỗi của con người hôm nay và qua đó lời cầu của chúng ta mới đáng được Chúa và Mẹ thương khấng nhận. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền.

Biết Ơn Người Chỉ Lỗi Cho Mình

Qua câu chuyện bọn tá điền giết hại các tôi tớ mà ông chủ vườn nho sai đến để thu hoa lợi, và giết luôn cả người con ông chủ, Chúa Giêsu phê phán những người Do Thái đã ra tay giết hại các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến với họ và thậm chí, sau này họ cũng giết luôn chính Ngài là Con của Thiên Chúa Cha.
Tại sao người Do Thái giết hại các ngôn sứ và giết cả Chúa Giêsu?
Vì Chúa Giêsu cũng như các vị ngôn sứ này đã vạch trần tội lỗi của họ nhằm kêu gọi họ ăn năn hoán cải (Lc 11, 53).

Người đời thường oán ghét những ai chỉ lỗi cho mình
Liên quan đến vấn đề này, Tin Mừng có thuật lại hai sự việc như sau:
Thứ nhất. Ông Gioan tẩy giả khuyên vua Hêrôđê đừng lấy người chị dâu là Hêrôđia làm vợ; đây là lời khuyên chính đáng, vậy mà vua không nghe lại còn tống giam Gioan vào ngục và sau đó, truyền cho lính chặt đầu Gioan (Mt 14, 3-12).

Thứ hai. Hôm ấy, Chúa Giêsu vào hội đường Nazareth vào ngày Sabát. Ngài đứng lên đọc sách và sau đó, Ngài nói cho dân thành Nazareth biết xưa kia vào thời ngôn sứ Êlia, khi dân Do Thái bị hạn hán suốt 3 năm 6 tháng, Thiên Chúa sai ngôn sứ Êlia đến cứu giúp bà góa thành Xarépta ngoại giáo mà không cứu giúp các bà góa Do Thái; cũng như thời ngôn sứ Êlisa có nhiều người phong cùi trong dân Do Thái không được Thiên Chúa cứu chữa mà chỉ có ông Naaman người Syri ngoại giáo được Thiên Chúa sai ngôn sứ Êlisa chữa lành.

Khi nghe những lời này, những người trong hội đường đầy phẫn nộ, nhất tề đứng dậy, xông tới túm lấy Chúa Giêsu, lôi Ngài ra khỏi hội đường rồi kéo ra khỏi thành.

Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn xô đẩy Ngài lên tận đỉnh núi, hòng xô Ngài xuống vực, cho Ngài nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Ngài khỏi cuộc sống, vì Ngài đã nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng liên quan đến cha ông họ (Lc 4, 21-30).

Hôm nay cũng thế, nhiều người đang sống quanh ta cũng nổi trận lôi đình khi có ai đó chỉ cho thấy những lầm lỗi, những yếu kém của họ. Thế là thay vì nhận lỗi và sửa sai, người ta quay ra oán hận người chỉ lỗi cho mình. Đáng tiếc biết bao!

Còn chúng ta, chúng ta phản ứng thế nào khi người khác chỉ lỗi cho mình?
Có bao giờ chúng ta oán ghét, giận hờn, không muốn nói chuyện, không muốn nhìn mặt người chỉ lỗi cho mình, không?

Nên nhớ rằng không có ai trên đời là người hoàn thiện. Bất cứ ai cũng mắc phải thiếu sót, lỗi lầm. Vì thế, nếu có người nhận xét rằng bản thân ta có lỗi lầm, có thiếu sót… thì đó là chuyện bình thường, đã là người thì phải như thế thôi; do đó, không đáng buồn, chẳng đáng giận, chẳng đáng trách.

Điều đáng tiếc là ta có lỗi mà lắm khi ta không nhận ra lầm lỗi của mình; ta khiếm khuyết mà không nhìn thấy khuyết điểm của ta, nên không thể cải thiện được bản thân mình.

Thế nên, nếu có người giúp ta thấy lầm lỗi, khiếm khuyết của mình để khắc phục, thì ích lợi cho ta biết bao. Vì thế, ta phải chân thành biết ơn người đó, thay vì oán ghét hay hận thù.

Lạy Chúa Giêsu. Ai trong chúng con cũng mắc phải lỗi lầm và thiếu sót mà lắm lúc không tự biết. Vì thế, mỗi người chúng con đều cần có người khác chỉ lỗi cho mình, nhờ đó, chúng con có thể sửa đổi cuộc đời, hoàn thiện cuộc sống.
Xin cho chúng con đừng oán ghét, giận hờn người chỉ lỗi cho, trái lại, luôn chân thành biết ơn những người ấy, vì nhờ họ mà đời sống chúng con có cơ may trở nên tốt đẹp hơn.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Tá Điền Vườn Nho
CN 27TNA – (Mt 21, 33 – 43)

Vườn Nho Giáo Hội giữa trần gian

Mưa nắng ơn trời Chúa thương ban

Rào giậu, ngăn ngừa loài thú dữ

Tháp canh, cảnh báo kẻ tham tàn

Tá điền trung tín dù giông tố

Nhân chứng thành tâm mặc sóng tràn

Hoa lợi thu về dâng kính Chủ

Nhận phần hưởng lộc phúc bình an.

Hạt Nắng

Hoa Lợi Dâng Ngài
CN 27TNA – (Mt 21, 33 – 43)

Đời tá điền trong vườn nho Chúa,
được thông ban chan chứa ơn lành.
Chăm lo cây cối tươi xanh,
mùa màng thu lợi lòng thành nộp giao.

Lòng trắc ẩn xuyến xao tư lợi,
đã nhẫn tâm phản bội tình Cha.
Chiếm hữu hoa lợi, sa đà,
gian tham, ích kỷ, hồn ra tật nguyền.

Phá rào giậu, đảo điên lạc thú,
đạp tháp canh, ru ngủ lương tri.
Mây mù giăng phủ lối đi,
bồn nho tôi luyện như chì nặng mang.

Hồn vất vưởng bên đàng cuộc sống,
ngày dần qua, bóng tối ùa về.
Ngày tính sổ đã gần kề,
hoang mang, hồi tỉnh trở về cùng Cha.

Hồn đắng đót, xót xa lầm lỗi,
dạ ngậm ngùi, bối rối, sầu lo.
Tình Cha quảng đại vô bờ,
Nhận con làm lại Vườn Nho của Ngài.

Vừng hồng vui tỏa nắng mai,
tá điền trung tín tương lai rạng ngời.
Vườn Nho hoa lợi dâng Người …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Trái Ngọt Dâng Cha
CN 27TNA – (Mt 21, 33 – 43)

Chúa ban cho con Vườn Nho cuộc đời,
gọi con vào đời canh tác, dẫu lệ rơi.
Rào giậu trung trinh, ươm mầm nho mới,
tháp canh giữ gìn, dù sóng gió trùng khơi.

Nho chín, rượu ngon, con dâng trót tâm tình,
lễ vật đầu mùa dâng Chúa, Chúa ơi!
Giọt mồ hôi tuôn, vườn nho xanh thắm,
hoa trái trĩu cành, ngọt ngào lung linh.

Xin dâng Cha, lao nhọc của đời con,
dẫu nhục nhằn gian lao, trọn một niềm yêu mến.
Xin dâng Cha, hoa lợi của đời con,
trái ngọt của tình yêu, tình Cha, con xin đáp đền.

Trung tín cần lao vui kiếp sống tá điền,
đời gieo buồn phiền hay sóng gió triền miên.
Đắp bồi Vườn Nho, chung tay vun xới,
trái tim nồng nàn luôn vững chí trung kiên.

M. Madalena Hoa Ngâu

Trở Lại Vườn Xưa
CN 27TNA – (Mt 21, 33 – 43)

Từ hạt bụi mong manh,
Chúa dựng lên con hiện diện giữa đất trời.
Đặt vào Vườn Nho xinh tươi,
Ngài chăm lo, ban muôn vàn ơn phúc.
Rào giậu xung quanh, xây lầu canh, sức sống vươn xanh,
trái ngon thơm lành, rượu nho ép, dâng tình long lanh.

Nhìn cỏ dại bao quanh,
tiếng vọng phù hoa, con vượt cạn , sống hoang đàng.
Bỏ lại Vườn Nho tan hoang,
bỏ lầu canh, rong chơi tìm lạc thú.
Tiền bạc, công danh, như trò chơi cút bắt vòng quanh,
sóng xô chòng chành, niềm cay đắng, tiếc trời mây xanh.

Con, người tá điền bội nghĩa vong ân,
người tá điền đánh mất tình thân,
đánh mất tình yêu, hồn lạc loài hoang vắng.
Con, người tá điền lạc bước bơ vơ,
người tá điền ngày tháng ngu ngơ,
đứng trước Vườn Nho, xin Lòng Thương Xót vô bờ.

Trở lại Vườn Nho xinh,
tiếng vọng tình yêu, con ngụp lặn suối ân tình.
Bước vào Vườn Nho xanh tươi,
cùng chung tay dựng xây trời đất mới.
Rào giậu trung kiên, giữ lầu canh tỏa sáng trong đêm,
nắng vương bên thềm, chùm nho chín, ép thành rượu thơm.

Nắng Sài Gòn
Câu Chuyện Tá Điền
CN 27TNA – (Mt 21, 33 – 43)

Một thế giới đang chìm theo tục hóa,
những tiện nghi vật chất được suy tôn.
Khát vọng thẳm sâu, chân lý trường tồn,
giá trị Kitô giáo,
làm sao khơi dậy giữa cộng đồng nhân loại?

Đạo đức suy đồi, tinh thần băng hoại,
xáo trộn, ưu tư, thương mại hóa tâm linh.
Khát khao công lý,
khát vọng ánh quang minh,
có trở thành lạc lõng, bơ vơ,
trong cuộc hành trình đi làm nhân chứng?

Đánh thức lương tâm, cảm hóa tâm hồn người điêu đứng,
nhân phẩm phục hồi, chia sẻ tình đệ huynh.
Tiếng gọi con tim, vang vọng khúc ân tình,
môn đệ Chúa,
người tá điền mới,
can đảm đương đầu, dựng xây Vườn Nho Hội Thánh.

Ôi! Ngày thu hoạch, rối loạn, đảo điên, phe cánh,
bọn tá điền gian ác thất nhân tâm.
Chiếm đoạt bất công, đánh đập, giam cầm,
những tôi tớ, ngay cả người con thừa tự,
chúng cũng hùa nhau chém giết.

Trật tự mới, Người Chủ Vườn tái thiết,
Giao lại Vườn Nho cho tá điền mới tín trung.
Chăm sóc tốt tươi, siêng năng, khiêm tốn, phục tùng,
Nhiều nhóm thợ,
các Dân Tộc,
được mời đến,
chung tay cho mùa màng sinh lợi.

Sứ mạng hôm nay trong Vườn Nho Giáo Hội,
tảng đá góc tường, hòa bình, công lý đợi mong.
Kỳ diệu công trình của Thiên Chúa sáng trong,
nhờ ơn Thần Khí,
chuyện người tá điền,
được tuyển mộ,
đi vun xới Tin Mừng,
giữa khu vườn trần thế yêu thương.

AP. Mặc Trầm Cung

Chuỗi Ngọc Mân Côi

Một thế giới đang suy đồi trầm trọng,
như đoàn tàu chạy trệch hướng đường ray.
Lao thẳng vực sâu tội lỗi, kiếp đọa đày,
khoa học tiến bộ,
phương tiện tối tân,
cuộc sống hiện đại,
đang tiếp tay hủy hoại con người trong lạc thú.

Danh vọng, tiền tài lòng tham lam tích tụ,
thác loạn trần gian, lắm kẻ rao bán linh hồn.
Tâm trí lu mờ chọn quỷ dữ suy tôn,
kiếp nô lệ, làm tay sai để ác thần thống trị.

Để thoát họa diệt vong Mẹ gọi mời liên lỉ,
Lộ Đức, Fatima, Mẹ thống thiết kêu xin.
Cứu nguy thế giới, hãy hiệp sức chân tình,
ăn năn sám hối,
tôn sùng Mẫu Tâm,
siêng năng cầu nguyện bằng lời kinh Mân Côi trìu mến.

Lời kinh Mân Côi nồng nàn con dâng tiến,
theo gót Chúa Giêsu và Mẹ,
đi vào lịch sử cứu độ trần gian.
Đưa nhân loại tối tăm, thấy ánh sáng thiên đàng,
con đường Vâng Phục Thánh Ý,
là đường ngay nẻo chính,
kéo đoàn tàu nhân loại quay về cùng Thiên Chúa.

Lời kinh Mân Côi đổ tràn đầy mật sữa,
khơi dậy trong con nguồn mạch sống đức tin.
Là khí giới tấn công, là thuẫn bảo vệ mình,
chống lại cám dỗ,
xua đuổi quỷ ma,
noi gương Mẹ, con cúi đầu tuân hành Thánh Ý.

Lời kinh Mân Côi: Bài tình ca tuyệt mỹ,
xua tan những bất hòa, hằn gắn vết thương đau.
chốn gia trang, hy sinh, sớm tối nguyện cầu,
Mẹ sẽ chiếu soi,
hạnh phúc quay về,
hồng ân Chúa tuôn trào lai láng.

Lời Kinh Mân Côi Vui – Thương – Mừng – Sáng,
chuỗi ngọc trân châu thơm ngát cả vườn hồng.
Như ánh dương nồng chiếu sáng hừng đông,
thiết tha con gọi Mẹ,
Maria – Nữ Vương Mân Côi,
kính mừng Mẹ – Nữ Vương đầy ơn phúc.

A.P Mặc Trầm Cung