“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 14, 13-21).
Khi ấy Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó, xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ. Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người. Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.
Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn”. Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn”. Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá”. Người bảo các ông rằng: “Hãy đem lại cho Thầy”.
Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng. Mọi người đều ăn no. Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn. Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Tấm Bánh Liên Đới ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ngài Chạnh Lòng Thương… Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Đừng Để Ai Nghèo Trước Mặt Chúng Ta Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chia Bánh Cho Nhau Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tình Nồng A.P Mặc Trầm Cung Trg 10
Tấm Bánh Liên Đới
Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên Chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.
Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giêsu dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo “mốt”. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó phần lỗi của tôi.
Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn”. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.
Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó: “Đem lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.
Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.
Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.
Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Tục ngữ Việt nam có câu: Nhiều no ít đủ. Bạn nghĩ gì về nét văn hoá Việt nam trong câu này. Có gần với bài Tin Mừng hôm nay không?
2. Càng cho đi càng phong phú. Bạn cảm nghiệm điều này bao giờ chưa?
3. Ta có trách nhiệm với những người chung quanh. Những người nghèo chất vấn cách tiêu dùng của ta. Bạn có nghĩ thế không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Ngài Chạnh Lòng Thương…
Việc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, dầu chỉ là một phép lạ nhỏ, nhưng lại có tác động lớn vì nó đập vào mắt và trực tiếp ảnh hưởng tới số đông quần chúng bình dân. Có điều khi làm phép lạ này Người muốn chuyển tới chúng ta sứ điệp gì, nói cách khác, mục đích của phép lạ là gì? Thưa, là dịp để Người tỏ mình có quyền năng phi thường hầu chúng ta trong cơn bĩ cực sẽ mau mắn chạy tới cầu cạnh van xin chăng, hay Người còn muốn nhắc nhở một điều gì khác nữa? Trước cả khi ra tay làm phép lạ này, Đức Giêsu đã để lộ một thái độ được Phúc Âm ghi nhận lại: Người ‘chạnh lòng thương’ đối với đám quần chúng bình dân tầm thường. Phải chăng thái độ đó mới đích thực là nguyên nhân của phép lạ, vì ‘Thiên Chúa chạnh lòng thương’ chính là cốt lõi của toàn bộ mạc khải của Đức Kitô khi Người được Chúa Cha sai đến trần gian? “Ra khỏi thuyền, đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương…”
Có lẽ đúng là thế thật! Ngay trong Cựu Ước, nơi hoang địa Đức Chúa Giavê cũng đã cho đám dân xuất hành ra khỏi Ai-cập được ăn no nê manna bởi trời, không phải để chứng tỏ quyền năng Ngài cho bằng vì xót thương dân. Quyền năng hùng mạnh của Đức Chúa đã được chứng tỏ cách vô cùng hiển hách qua các dấu lạ Môsê thi thố trước mặt Pharaô, nhất là qua việc Ngài truyền cho Môsê rẽ nước Biển Đỏ thành hai bức tường dựng đứng để dân Do Thái vượt qua ráo chân, đồng thời quyền năng này cũng tiêu diệt toàn bộ binh mã đạo quân oai hùng của Pharaô khi Môsê làm cho nước biển ập trở lại. Chính vì xót thương cho nên, dầu dân có lên tiếng kêu ca trách móc và tỏ ra hoàn toàn bất xứng với lòng thương xót (Xh 16,1-8), nhưng Đức Chúa như người mẹ hiền vẫn quyết định nuôi nấng dân bằng manna, bằng chim trời và suối mát…, chỉ vì: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng…” (Xh 3, 7-8).
Như vậy hiểu biết ‘phép lạ’ sẽ chẳng có ích gì nếu không làm rõ cái tâm, cái hồn đàng sau các phép lạ đó. Tin Thiên Chúa, tin thần thánh là các đấng bậc đầy quyền uy không phải là điều mới lạ. Mọi tôn giáo, kể cả các tôn giáo cổ xưa nhất đều tin đại loại như thế. Nhưng thần thánh hay thượng đế xử dụng uy quyền đó vì mục đích gì mới là điều đáng nói. Hầu hết các tôn giáo đều coi các ngài dùng uy quyền để thị uy, để uy hiếp, nhằm bắt con người phải cúc cung bái phục. Họ đã nhân cách hóa thần thánh theo cách hành xử giữa các con người với nhau, mà điển hình là các bậc quyền quý vương giả đối với bọn lê thứ. Chỉ duy nhất mạc khải tối hậu của Con Thiên Chúa nhập thể mới hé lộ cho con người biết Thiên Chúa là Người Cha nhân hiền; nếu Ngài đôi khi có thi thố quyền lực qua các dấu lạ hay phép lạ thì cũng không ngoài mục đích chứng tỏ Ngài có lòng từ bi thương xót vô biên. Phép lạ bánh hóa nhiều để phân phát cho dân chúng ăn no nê chính là khúc dạo đầu của một bản hùng ca còn vĩ đại hơn nhiều: Giêsu – Con Thiên Chúa sẽ trở thành bánh cứu độ và nuôi sống con người vốn luôn bất toàn và tội lỗi. Qua đó ta có được câu khảng định bất hủ của Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu”, và “Tình yêu đó cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta… đến nỗi đã sai Con của Người đến…” (1Ga 4,10)
Và, như mọi Kitô hữu chúng ta đều biết, một trong các đặc điểm của tình yêu thần linh này là luôn được trao ban cách hoàn toàn nhưng không, vô điều kiện; con người chỉ có việc đón lấy mà không bị đòi hỏi bất cứ một trả giá nào, tương tự như việc dân Do Thái thu góp manna trong hoang địa . Cái vô điều kiện ‘nhưng không – gratis’ đó gần như hoàn toàn phi lý đối với lý luận hẹp hòi của loài người; vì nó vượt qua mọi qui luật cân đong đo đếm của công bằng hay nhân quả. Ngôn sứ Isaia đã dùng cách nói nghịch lý sau đây để diễn tả: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55, 1-2). Động từ ‘mua’, có nghĩa là tôn trọng quyền tiếp nhận, trong khi ‘dầu không có tiền bạc… không phải trả đồng nào…’ có nghĩa là cống hiến thì hoàn toàn gratis, nhưng không và vô điều kiện.
Mẹ Têrêxa Calcutta đã khảng định chân lý này cách rõ ràng và hết sức quân bình: “Thiên Chúa yêu tôi không phải vì tôi tốt lành, nhưng nếu tôi có cố gắng trở nên tốt lành hơn thì chỉ vì biết rằng Chúa yêu thương tôi”. Như vậy, theo Mẹ, mọi nỗ lực vươn tới trọn lành như làm lành lánh tội… đều không được xuất phát từ ước muốn làm vui lòng Thiên Chúa để được Ngài công thưởng, cho bằng phải từ xác tín thâm sâu rằng: Thiên Chúa yêu thương ta vô điều kiện. Tôi thiển nghĩ: cách vươn tới thứ hai này có lẽ đúng và hữu hiệu hơn rất nhiều, vì nó sẽ làm cho ta có khả năng dâng lời tạ ơn Chúa trong mọi lúc, khi đạo đức thánh thiện cũng như khi yếu đuối tội lỗi; và chắc chắn nó sẽ giúp ta thắng được tính tự phụ mà nhiều kẻ lành thánh dễ dàng mắc phải.
Là linh mục, tôi phải xác tín rằng chính mình là người trước hết đang được hưởng thứ tình yêu xót thương vô điều kiện đó; và trong mục vụ, bổn phận hàng đầu của tôi là phân phát vô điều kiện cho mọi người, nhất là cho những ai có vẻ bất xứng và thấp hèn nhất, thứ bánh ăn đặc biệt này, thứ bánh duy nhất làm no say lòng người, đem lại cho họ bình an và hy vọng. “Chính anh em hãy cho họ ăn!”
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con xác tín được chân lý này là trước mặt Chúa chẳng có con người nào là hoàn hảo. Xin cho con được lưu lại mãi trong niềm vui cảm tạ vì mình được Chúa xót thương. Và trong tư cách là linh mục của Chúa nhân lành , nhất là mỗi khi cử hành Thánh Thể, con luôn xác tín được thái độ ‘chạnh lòng thương’ mà trước hết Chúa đã dành cho chính con, một con người thấp hèn; đồng thời cũng xác tín cách mạnh mẽ rằng, bổn phận chính của con – linh mục là rộng rãi ban phát ‘thứ bánh này’ cho hết thảy những ai chân thành tới lãnh nhận. A-men
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Đừng Để Ai Nghèo Trước Mặt Chúng Ta
Mỗi lần đi làm từ thiện ở đâu đó thì tôi lại thường răn mình với câu của cha ông: “Làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Tôi phải nhìn lại xem những người ở bên cạnh đã được tôi quan tâm chia sẻ hay chưa? Người nghèo đang chung sống với tôi đã được hưởng lộc gì từ tôi? Hay tôi chỉ quan tâm đánh bóng tên tuổi của mình mà bỏ rơi người bên cạnh mình?
Tôi vẫn nhớ lời một cô bé trong xứ đã nói với tôi:
“Cha ơi! Nếu cha cần giúp ai đó, cha có thể liên lạc với cô của con. Cô của con tốt lắm, hay chia sẻ cho người nghèo lắm. Nhưng… cô chỉ chia sẻ cho người ngoài thôi. Con là cháu ruột, nhà con nghèo nhưng cô không giúp… Lần kia, cô nhờ con chở cô vào một trung tâm nuôi người già neo đơn và trẻ mồ côi để giúp họ. Cô cầm một xấp tiền trong tay và đi phát cho hết mọi người. Con đứng kế bên cô, con thèm được cô cho một tờ thôi nhưng không được. Cô đâu có biết là đứa cháu gái của cô phải mượn xe để chở cô đi làm việc từ thiện. Giá như mà cô cho cháu của cô 1 tờ để đổ xăng cũng đỡ…”
Xem ra lời Chúa Giêsu từng nhắc nhở cũng chẳng thừa: “Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu” (Ga 12, 8).
“Người nghèo luôn bên cạnh các ngươi”. Người nghèo đó không hẳn chỉ ở trong trung tâm này hay nhà mồ côi kia. Người nghèo đó luôn ở bên cạnh. Họ có thể là người cha người mẹ già nay đã tàn hơi và kém trí nhớ. Người nghèo đó có thể là chính người anh, người chị, người em, người con, người cháu đang sống trong mái nhà của chúng ta. Những người nghèo đó thật gần với chúng ta, họ gần hơn những người nghèo mà chúng ta hay đi thiện nguyện để đăng đàn đánh bóng tên tuổi mình.
Bài phúc âm hôm nay kể rằng: khi thấy một đám đông rất đông đã đi theo Chúa và luôn ở bên cạnh Chúa suốt cả ngày. Chúa chạnh lòng thương. Chúa bàn với các tông đồ để tìm ra phương án lo cho họ. Thế nhưng, các môn đệ đã “bàn” rất hợp lý với Đức Giêsu rằng “lực bất tòng tâm”, tốt nhất là giải tán dân chúng để họ đi mua thức ăn! Phủi tay là thượng sách. Nhưng Chúa Giêsu đã bảo các ông: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính chúng con hãy cho họ ăn đi.”. Các ông bàng hoàng sửng sốt vì biết đào đâu ra thức ăn cho bằng ấy ngàn người?
Bất đắc dĩ, các ông mới dùng phương án gom góp của mọi người để chia sẻ cho nhau. Các ông cũng chỉ gom được năm cái bánh và hai con cá!”. Ấy thế mà một khi đã đưa cho Chúa rồi thì “ai nấy đều ăn no nê”.
Đôi khi chúng ta cũng thường bỏ quên người nghèo ở bên cạnh chúng ta. Đôi khi chúng ta vẫn dửng dưng với người bên cạnh đến nỗi họ đang sống trong cô đơn, tủi hổ vì chúng ta.
– Họ là những cha mẹ già già yếu thèm một chút tình người của đứa con mà cả đời lo cho nó nhưng lại bị nó bỏ rơi trong cô đơn xó nhà.
– Họ là những người vợ thèm một chút quan tâm của người chồng để bù đắp lại cuộc đời vợ lam lũ chịu cực chịu khổ vì chồng.
– Họ là những người hàng xóm láng giềng tốt bụng luôn sẵn lòng giúp chúng ta nhưng ngược lại chúng ta lại quên quan tâm tới họ.
Nhiều người chúng ta luôn ao ước có thể góp sức làm thay đổi thế giới. Chúng ta ao ước có thể làm những chuyện phi thường, những chuyện siêu phàm để mang lại hạnh phúc cho loài người. Thế nhưng, điều ấy sẽ không bao giờ xảy ra vì chúng ta chỉ là người phàm nên chăng chỉ có thể làm những chuyện bình dị mà thôi! Điều mà chúng ta có thể làm thay đổi cả thế giới này là bằng chính những hành động nhỏ nhặt nhất của mình, những công việc của bổn phận, những công việc của tự nguyện hy sinh vì lợi ích tập thể đều là những công việc góp phần thay đổi thế giới. Vâng chúng ta chỉ cần làm một việc nào đó với tất cả sự yêu thương và tình cảm chân thành là chúng ta đang làm vơi đi những khổ đau, những gánh nặng cho tha nhân.
Khi chung tay giúp đỡ người khác chỉ với một hành động nhỏ thôi chúng ta cũng làm nên những điều to lớn đối với người nhận được sự giúp đỡ và cả những người xung quanh.
Không cần làm những chuyện phi thường mà chỉ cần làm những việc nhỏ nhưng biểu lộ một tình yêu chân thành vẫn có thể làm vơi đi biết bao phiền muộn, đau khổ cho tha nhân.
Xin Chúa cho chúng ta luôn là những con người biết đóng góp phần nhỏ bé của mình để làm vơi những đau khổ, đói nghèo cho những người chung quanh. Xin cho chúng ta biết quan tâm đến người bên cạnh của mình và đừng bao giờ để ai bị nghèo đòi hay bỏ quên trước mặt chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Chia Bánh Cho Nhau
Nguyên nhân nghèo đói
Nhân ngày sinh nhật của mình, một tỷ phú giàu lòng quảng đại chiêu đãi tất cả dân làng một bữa tiệc thịnh soạn cho cả ngàn người ăn. Khi giờ tiệc chưa bắt đầu, khách mời chưa kịp đến… thì có chừng 100 người đàn ông lực lưỡng đường đột xông vào, trút hết thức ăn trên bàn vào những chiếc bị lớn rồi hùng hục vác đi.
Thế là khi đến giờ nhập tiệc, 900 khách mời còn lại chẳng còn gì để ăn, chỉ biết nhấm nháp chút ít thức ăn rơi rớt trên bàn nên ai nấy phải ra về bụng đói.
Câu chuyện trên đây cho thấy rằng: Sở dĩ có nhiều người, dù vẫn làm lụng hằng ngày, mà vẫn phải đói là vì có những người tích lũy cho mình quá nhiều mà không chia sớt cho những người túng thiếu.
Thiên Chúa là người Cha quảng đại, tạo ra đầy đủ lương thực, thực phẩm cho mọi người trên trái đất hưởng dùng. Tiếc thay, có những người cậy sức, cậy thế, cậy quyền… thu tóm quá nhiều tài nguyên, của cải cho mình… bỏ mặc nhiều người yếu sức, yếu thế… phải lâm cảnh túng thiếu lầm than.
Chia sớt cơm bánh cho nhau
Sáng hôm ấy, đông đảo dân chúng lũ lượt theo Chúa Giêsu để nghe Ngài giảng và đưa nhiều bệnh nhân đến xin Ngài chữa lành.
Chiều xuống, trước khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu không đành để họ về bụng đói, nên truyền cho các môn đệ : “Các con hãy cho họ ăn.”
Các môn đệ phân vân: Làm sao có thể lo liệu cho số người đông đảo thế này có bánh ăn, trong khi mình chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá? Thôi thì cứ trao tất cả cho Chúa Giêsu.
Sau khi nhận được chút ít thức ăn từ tay môn đệ, “Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng và bẻ ra, trao cho môn đệ” rồi truyền cho các ông phát ra cho dân chúng.
Chắc hẳn lúc bấy giờ các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên. Với số đông không đếm xuể thế nầy mà chỉ có chừng nầy bánh và cá thì ai nhịn, ai ăn? Tuy nhiên, theo lệnh Chúa Giêsu, các ông vẫn chia ra cho mấy người lân cận. Những người nầy đang đói, muốn giữ lại tất cả cho mình, nhưng vâng lệnh Chúa truyền, họ chỉ ăn một phần vừa phải, rồi chuyền số bánh ít ỏi còn lại qua tay người khác… Đang khi người ta chia bánh cho nhau thì phép lạ xảy ra: Bánh được chia hoài mà không hết! Cá được chuyền mãi vẫn không vơi! Thế là mọi người được no nê, lại còn thu được mười hai giỏ đầy còn dư không ăn hết!
Giả sử người thứ nhất nhận được chiếc bánh nhỏ, nghĩ rằng: Với chừng nầy bánh thì có thấm vào đâu, thôi ta cứ giữ lại hết cho mình… thì dòng chảy yêu thương sẽ khựng lại, phép lạ bánh sẽ không diễn ra.
Qua sự kiện hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu dạy chúng ta hiểu rằng: Nếu mọi người đều quảng đại chia sớt cơm bánh cho nhau, thì chẳng có ai trên đời phải đói khát.
Câu chuyện mẹ Têrêxa kể lại sau đây giúp chúng ta tin tưởng hơn vào bài học này. Mẹ nói:
Vào một buổi tối nọ, có một người đàn ông đến nhà chúng tôi và cho biết rằng: “Có một gia đình gồm 8 đứa con đã phải nhịn đói suốt mấy ngày qua.” Thế là tôi vội mang theo chút lương thực đi đến nhà đó.
Đến nơi, tôi thấy những đứa bé xanh xao, gầy gò, mặt mũi bơ phờ… đang ngồi trước cửa.
Tôi đưa túi gạo cho người mẹ. Chị ta liền ngồi xuống, chia số gạo đó ra làm hai phần bằng nhau rồi vội mang một phần đi ra ngoài. Khi chị trở về, tôi hỏi: “Con đi đâu vậy?” Chị trả lời cách thản nhiên: “Con trao bớt gạo cho những người hàng xóm, họ cũng là những người nghèo đói như con!”
Nghĩa cử cao đẹp này khiến mẹ Têrêxa xúc động. Mẹ nói: “Nếu ai cũng làm như người đàn bà trên đây, biết chia sẻ cho người khác phần ăn, dù rất ít ỏi của mình, thì phép lạ bánh hoá nhiều lại diễn ra và không ai trên thế giới nầy phải lâm vào cảnh đói kém.”
Trái lại, nếu ai cũng lo thủ thân, nghĩ rằng còn phải để của cải cho tương lai, cho con, cho cháu… thì khi đó, dòng chảy của tình yêu dừng lại, vòng quay của lương thực bị chặn đứng và cảnh thiếu đói sẽ xảy ra.
Lạy Chúa Giêsu. Xin giúp chúng con thấu hiểu bài học Chúa dạy hôm nay và sẵn sàng tiếp tay với Chúa làm cho phép lạ hoá bánh ra nhiều được tiếp tục diễn ra trong cuộc sống hôm nay, bằng cách sẵn sàng chia phần bánh ít ỏi của mình cho người khác. Amen.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Tình Nồng
CN XVIII TN.A –(Mt 14, 13 – 21)
Nhìn đàn chiên bơ vơ, vất vưởng,
lòng chạnh lòng tư tưởng bất an.
Cảm thương cảnh sống cơ hàn,
đói nghèo, bệnh tật muôn vàn khổ đau.
Khúc dạo đầu cung sầu biến mất,
Chúa chữa lành bệnh tật khổ đau.
No say Lời Chúa nhiệm mầu,
no nê phần xác nặng sâu ân tình.
Yêu chẳng tính phương trình so sánh,
năm ngàn người ra bánh bao nhiêu?
Yêu thương dù ít, dù nhiều,
góp phần liên đới là điều thực thi.
Hành động Chúa đường đi đức ái,
biết sẻ chia quảng đại con tim.
Dù cho bảy nổi ba chìm,
chia no, sẻ đói đượm tình mến yêu.
Chạnh lòng thương người nhiều khốn khổ,
biết chung tay giúp đỡ yêu thương.
Thương người lạc bước, lỡ đường,
miếng cơm, manh áo tựa nương phận nghèo.
An ủi kẻ héo sầu lầm lỡ
bế tắc đường lối mở tương lai.
Sầu thương nước mắt ngắn, dài,
khát khao Lời Chúa đêm ngày hằng mong.
Tình yêu Chúa nắng hồng sưởi ấm,
Thánh Thể Ngài tấm bánh hiệp thông.
Dạy con bài học tình nồng,
chương trình Cứu Chuộc cộng đồng chung tay.
AP. Mặc Trầm Cung