SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 699, CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN – A, 26/07/2020

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 13, 44-52)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
“Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”.
Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Khôn Ngoan Tìm Nước Trời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Nước Trời Ví Như Chuyện… Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
“Tiền Nhiều Để Làm Gì?” Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Khám Phá Kho Báu Tin Mừng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Tấm Lưới Đời Con A.P Mặc Trầm Cung Trg 10

Khôn Ngoan Tìm Nước Trời

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay. Những người trong bài Tin Mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quý, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian. Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quý. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời.

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội.

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy.

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng.

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc.

GỢI Ý CHIA SẺ
1. Bạn có thực sự coi Nước Trời là kho tàng quý giá nhất không?
2. Bạn đã thực sự bán hết mọi sự để mua Nước Trời chưa? Còn những gì bạn còn luyến tiếc chưa muốn bán?
3. Bạn nghĩ thế nào về sự khôn ngoan. Bạn muốn trở thành người khôn ngoan thực sự không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Nước Trời Được Ví Như Chuyện…

Ở cuối chương 13, Phúc âm Matthêu kể cho chúng ta ba câu chuyện khác nữa, để ví von Nước Trời. Nếu ba dụ ngôn tuần trước (hạt cải, cỏ lùng, nhúm men) cho thấy Nước Trời từ góc độ bên trong, với sức mạnh kiên trì nội tại, thì hình như những dụ ngôn hôm nay lại như muốn trình bày một khía cạnh khác: Nước Trời nhìn từ góc độ ‘đón nhận’: “Nước Trời giống như câu chuyện…” kho báu…, viên ngọc…, chiếc lưới… Tuy là ba, nhưng các câu chuyện lại chỉ qui về một nội dung duy nhất:

Nếu Nước Trời là việc đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, thì việc đón nhận đó, cách này hay cách khác, phải đạt tới độ tuyệt đối, tức là tiếp nhận tình yêu thương xót như một điều quan trọng bậc nhất trong đời sống. Nói tới lòng thương xót, ít khi ta cho rằng: nó cần phải được đón lấy cách tuyệt đối. Nói khác đi, chẳng mấy ai cho rằng mình thật sự cần tới lòng thương xót như một lẽ sống; thái độ này phổ biến, vì hiếm khi nào con người cho rằng mình mãi rơi vào cùng cực và vô vọng, vì dẫu có biết mình là hèn hạ thấp kém, ta vẫn luôn nghĩ rằng: mình còn có thể tự lo tự liệu được và một ngày kia mình sẽ thoát khỏi tình trạng này. Con người đề cao sự tự trọng là vậy! Chính vì thế mà, đứng trước tình yêu xót thương của Thiên Chúa, có mấy ai cảm thấy mình thật sự cần, cần như một nhu cầu sống còn, cần như bám lấy một cái phao cứu sinh? Các dụ ngôn hôm nay tập trung nhấn mạnh điểm này: tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không chỉ là kho báu hay viên ngọc quí bất kỳ, nhưng là kho báu và viên ngọc quí đáng cho người nào khám phá ra, hay tìm thấy nó, phải “bán tất cả những gì mình có mà mua… lấy”.

Lấy một thí dụ để minh họa việc tìm thấy báu vật và khám phá ra giá trị thật của nó là hai điều rất khác nhau: một nhà sưu tầm tem phát hiện ra một con tem cổ nằm trong cuốn sách cũ, ông có thể vui mừng vì con tem ‘quí’ đó sẽ bổ sung cho bộ sưu tập vốn đã rất phong phú của ông. Nhưng sau khi tra cứu, ông phát hiện ra: đó là con tem duy nhất còn sót lại của cả một thời đại; con tem có giá trị tới độ nếu sở đắc được nó, ông sẽ được thiên hạ coi như nhà sưu tập tem vĩ đại nhất qua mọi thời đại. Ta có thể hiểu được thái độ của ông lúc đó là thế nào ngay cả đối với bộ sưu tập vốn đã rất giá trị của mình. Tương tự như thế, vấn đề tiếp nhận Tin Mừng cứu rỗi không đơn thuần là: biết Chúa thương yêu mình, mà còn phải biết Chúa yêu như thế nào, đồng thời mình cần tới lòng thương xót ấy bao nhiêu. Đức Giêsu khẳng định: Nước Trời chính là khám phá và đón nhận Tin Mừng tình yêu này tới độ, thấy cần phải “bán tất cả những gì mình có để mua lấy”. Niềm tin Kitô hữu chính hệ tại ở điều này. Niềm tin đó trưởng thành hay không, cao hay thấp tùy vào mức độ khám phá ra tình yêu xót thương của Thiên Chúa đã được thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, để rồi đón nhận lấy nó như một kho tàng vô giá, một lẽ sống giữa cuộc đời ô trọc, một suối mát giữa sa mạc nóng bỏng, một viên thuốc hồi sinh giữa cơn bệnh thập tử nhất sinh. Niềm tin vào Tin Mừng của chúng ta chỉ thật sự lớn mạnh khi coi niềm cậy trông vào ơn cứu độ mà Đức Kitô mang lại nhờ cái chết thập giá của Người, còn lớn hơn, cao trọng hơn và cần thiết hơn tất cả các kho báu của khôn ngoan, của tu thân tích đức, của đạo hạnh…

Và như thế, nếu Nước Trời chính là sự đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đã được Đức Kitô thể hiện trên thập giá, thì một khi được quảng bá sâu rộng, ta có thể so sánh nó: ‘giống như chiếc lưới thả xuống biển’. Dưới nước thì con cá nào cũng là cá, chỉ khi lưới được kéo lên bãi (ngày tận thế, hay thế tận đối với mỗi người khi chết) người ta mới phân biệt được loại cá tốt với loại cá xấu. Cá được đánh giá là tốt hay xấu dựa theo tiêu chuẩn người bủa lưới đặt ra cho mình. Tiêu chuẩn lưới Tin Mừng của Đức Kitô sẽ rất khác với tiêu chuẩn ‘lưới luân lý’ của người đời hay Cựu Ước. Đối với ‘lưới đón nhận Tin Mừng’, cá tốt phải là những ai đã khám phá ra tình yêu cứu độ và đón nhận nó cách thiết thân tới độ sẵn sàng “bán tất cả những gì mình có…”, còn cá xấu là ai không đón nhận, hoặc vì không khám phá ra, hoặc đã khám phá nhưng chưa đủ lực tới độ sẵn sàng bán hết… Quả vậy đối với Tin Mừng, Nước Trời chính là niềm tin tuyệt đối vào tình Chúa yêu thương được biểu lộ nơi Đức Kitô Giêsu, do đó kẻ nào có niềm tin đó sẽ ‘được nhặt cho vào giỏ’, vì… “ai tin vào Con của Người thì không bị kết án”; còn ai không có thì ‘bị vứt ra ngoài’, vì ‘kẻ không tin thì bị lên án rồi’ (Ga 3:18). Ngay cả một người vì một lý do nào đó, đã không tin tuyệt đối rằng: ơn cứu độ chỉ có nơi Đức Kitô Giêsu, để rồi tiếp tục bám vứu lấy bất cứ giá trị nào khác, chẳng hạn như thần thánh, công nghiệp, khôn ngoan, đạo hạnh hay nhân đức… tiền của hay chức quyền… hầu mong nhờ đó mà được cứu thoát, thì chắc chắn sẽ phải qua cửa ải xét xử mà thôi. Mà một khi bị xét xử thì thử hỏi mấy ai, kể cả những kẻ được người đời coi là đạo đức thánh thiện nhất, lại không nhận ra rằng: nơi mình vẫn còn tồn tại khiếm khuyết nào đó để đáng bị lên án! Như vậy đã rõ: ‘hàng ngũ người công chính’ hay ‘cá tốt được nhặt vào giỏ’ khi lưới Tin Mừng được kéo lên, sẽ chỉ còn là những con người mà, trong thẳm sâu cõi lòng mình, đã khẩn thiết thốt lên: “Lạy Ngài, xin thương xót con!” Họ đúng là những người “đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14; 22:14)!

Lạy Chúa, xin cho con tin thật rằng: ơn cứu độ chỉ có thể có nơi đức Kitô Giêsu; và khi nhìn lên Thập Giá, con biết nhận ra rằng: đón lấy tình yêu cứu độ mới là điều hệ trọng hơn hết mọi sự. Xin cho con không bao giờ ỷ vào bất cứ điều gì, bất cứ giá trị nào khác hầu mong được cứu thoát, cho dầu đó là bậc tu sĩ linh mục, cho dầu là khôn ngoan thánh thiện, hay nhiệt tình tông đồ…; điều duy nhất con cầu xin Chúa là: được khiêm nhường hơn, biết nhìn nhận các yếu hèn của mình hơn, hầu ngày càng thâm tín đón lấy lòng thương xót vô điều kiện của Chúa. Con mong rằng, chính con sẽ là con cá được chính Chúa nhặt và cho vào giỏ cứu độ, chứ không phải là con cá cố gắng tự mình lách vào giỏ. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

“Tiền Nhiều Để Làm Gì?”

Trong vụ tranh chấp tài sản và cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên đã thu hút sự chú ý của công chúng rất nhiều. Một trong những câu nói được quan tâm nhất của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa là: “Tiền nhiều để làm gì, để hôm nay phải ngồi thế này” đã trở thành chủ đề “gây bão” khiến nhiều người đau đáu, suy ngẫm tìm câu trả lời. Và hôm nay chúng ta có thể tổng hợp lại rất nhiều quan điểm, cách nhìn nhận riêng về câu hỏi “siêu hot” này.

– Khi tôi còn trẻ tôi thường nghĩ tiền là một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Và giờ khi về già, tôi biết điều đó vẫn luôn đúng.
– Có tiền hô mưa gọi gió, không tiền mưa gió dội vào nhà.
– Sống trên đời phải có tiền mới làm phiền được người khác.
– Tiền không là gì cả…nhưng không có nó ta chẳng là gì cả!!!
– Đối với tôi, việc anh giàu hay nghèo không quan trọng, miễn là… anh có tiền.
– Tiền đi có nhớ ví không
Ví thì há miệng ngóng trông tiền về
Tiền đi chẳng giữ lời thề
Đi rồi đi mãi có về nữa đâu.

Tiền là cần thiết nhưng có khi vì tiền mà mất tất cả. Mất gia đình. Mất nhân phẩm và mất cả hạnh phúc. Đồng tiền luôn là con dao 2 lưỡi. Nó có thể mang lại bình yên nhưng cũng có thể vì nó mà gặp biết bao thị phi.

Vì thế, cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta chọn lựa. Chọn lựa để có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Có chọn lựa là có khước từ, có loại bỏ. Và chọn lựa nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Vì không ai có thể 2 tay bắt 2 con cá, mà phải chấp nhận chọn một con để rồi dùng cả nghị lực và đôi tay mà nắm bắt con cá trong tầm tay.

Hôm nay, Chúa đòi hỏi các môn đệ phải dứt khoát chọn Chúa hay tiền bạc. Nếu chọn Chúa thì phải can đảm: “Hãy đi bán tất cả gia tài, rồi đến theo Ta”. Hoặc là ở lại với của cải vật chất, tiện nghi sung túc, hoặc là theo Đức Kitô với hai bàn tay trắng, nghèo nàn thiếu thốn. Quả là một đòi hỏi gắt gao.

Từ chọn lựa tiền hay chọn Chúa sẽ dẫn tới một đòi hỏi quyết liệt cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúa đòi hỏi chúng ta phải dứt khoát: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” và trong sách Khải Huyền, Chúa cũng nói với chúng ta rằng: “Thà ngươi thật nóng, thà ngươi thật lạnh, nếu người không nóng không lạnh, nhưng cứ dở dở ương ương, ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

Của cải là thứ không thể thiếu khi còn ở trần gian nhưng ham mê nó lại là một tai hại: Tai hại vì nó dễ làm cho con người vô cảm và ích kỷ, không biết đến lòng nhân ái, như ngươi giàu có trong Phúc Âm đối xử tệ với Lazarô nghèo khó. Tai hại vì nó dẫn đưa ta đến chỗ làm nô lệ cho nó, quên sĩ diện và có thể phạm tội ác, như Giuda bán Thầy vì mê 30 đồng bạc. Tai hại vì nó dẫn đưa ta đến chỗ ham hưởng khoái lạc vật chất và không kịp ăn năn như người phú hộ trong dụ ngôn Lazarô.

Của cải là phương tiện Chúa ban để cải thiện đời sống cho tốt và hạnh phúc hơn, nên tự nó là tốt. Đó là hồng ân của Chúa. Người có tiền cần phải biết tạ ơn vì Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hàng ngày cùng những phương tiện chính đáng cho cuộc sống hạnh phúc hơn. Của cải chỉ trở nên xấu khi ta quá mê nó, biến nó thành ông chủ và coi nó hơn Thiên Chúa. Biết kiếm tiền bằng làm ăn chân chính và biết dùng của cải như là phương tiện thì đồng tiền là đầy tớ tốt, nhưng nếu kiếm tiền bằng sự gian dối và coi nó như là cứu cánh để bán rẻ nhân phẩm như các cô hoa hậu bán diêm 700 triệu một đêm thì có tiền nhưng nỗi nhục cũng rất lớn.

Ước gì lời cam kết ngày Rửa Tội là chết cho tội và sống cho Chúa luôn mãi là chọn lựa đến cùng của người Kitô hữu chúng ta. Xin Chúa giúp sức để chúng ta vượt qua sự yếu hèn và bản tính ham mê danh lợi thú để sống trung thành với Chúa. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để chúng ta được theo Chúa trọn vẹn suốt đời con. Amen.

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền.

Khám Phá Kho Báu Tin Mừng

Kho báu núi Tàu
Đây là câu chuyện được báo chí trong nước loan tải khá nhiều trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả.
Từ năm 1963, ông Trần Văn Tiệp nắm được những thông tin rất thuyết phục cho rằng trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam, quân đội Nhật Bản sau khi bị quân đồng minh đánh bại, được lệnh rút khỏi Việt Nam, có mang đi một khối lượng vàng rất lớn mà họ vơ vét được tại các nước châu Á mà họ chiếm đóng, nhưng vì bị phe đồng minh ngăn chận, quân Nhật không thể chuyển ngay số vàng mà họ chiếm được về nước nên đã chôn giấu chừng 4.000 tấn vàng trên núi Tàu, một ngọn núi nhỏ thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, để chờ khi có cơ hội thuận tiện sẽ đưa về Nhật sau.
Thế là ông Tiệp ấp ủ giấc mơ tìm cho được kho báu đó với ước tính lên đến 4.000 tấn vàng suốt mấy chục năm và cuối cùng, ông đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép thăm dò và khai thác. Ông đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho dự án này, nhưng không may, đến tháng 3 năm 2015, giấy phép hết hạn nên ông phải ngừng công cuộc thăm dò mà vẫn chưa tìm thấy dấu vết kho tàng.

Câu chuyện nầy liên quan mật thiết với dụ ngôn Chúa Giêsu dạy hôm nay:
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”

Kho báu quý nhất trên đời
Có một kho báu triệu lần đáng quý hơn bất cứ kho báu nào khác ở trần gian đang nằm trong tầm tay chúng ta nhưng tiếc thay, có nhiều người không biết đến, đó là Lời Chúa phán dạy trong Tin mừng, ta gọi đó là kho báu Tin Mừng.

– Kho báu Tin Mừng đáng quý triệu lần hơn mọi báu vật trần gian vì nhờ lời Chúa dạy trong Tin Mừng mà muôn người được cứu rỗi và được hưởng phúc thiên đàng đời đời vinh hiển.

Các thánh Tông đồ, các thánh nam nữ được hưởng phúc thiên đàng không phải vì chiếm hữu được kho báu trần gian, không phải vì có nhiều vàng ngọc châu báu… nhưng vì các ngài thủ đắc được kho tàng lời Chúa trong Tin mừng và áp dụng những lời khôn ngoan đó vào cuộc sống.

– Kho báu Tin Mừng đáng quý triệu lần hơn mọi báu vật trần gian vì khi được thấm nhuần những lời dạy của Tin Mừng, tính nết con người được cải thiện, phẩm chất con người được nâng cao, đời sống con người thêm hạnh phúc… trong khi những người nắm giữ kho báu trần gian dễ bị sa đọa vì xa hoa và lạc thú do tiền tài mang lại, nên dễ dàng đánh mất hạnh phúc thiên đàng.

Kiên tâm tìm kiếm kho báu Tin Mừng
Ông Trần Văn Tiệp đã thao thức tìm kiếm kho báu núi Tàu gần 50 năm, mãi cho đến lúc lìa đời vào năm 2016; Còn chúng ta, chúng ta có chấp nhận bỏ ra mỗi ngày mươi phút để khai thác kho báu Tin Mừng hay không?

Kho báu trần gian thường nằm ở chốn rừng hoang, ở những nơi xa xôi hiểm trở hoặc dưới lòng đất sâu… nên cần phải mạo hiểm, cần đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức may ra mới chiếm hữu được; trong khi kho báu Tin Mừng nằm trong tầm tay mọi người, muốn khai thác lúc nào cũng được mà không phải tốn kém. Vậy thì chúng ta hãy khởi sự khai thác ngay hôm nay để làm giàu cho đời sống thiêng liêng của mình.

Lạy Chúa Giêsu. Rất nhiều người nao nức, háo hức tìm kiếm kho báu trần gian nhưng rất hiếm người tìm gặp; còn bất cứ ai khao khát tìm kiếm kho báu Tin Mừng chắc chắn sẽ được toại nguyện như lời Chúa nói: “Ai tìm thì sẽ được, ai gõ thì sẽ mở cho.”
Và cho dù chúng con có thu tóm “được mọi kho báu trên thế gian này mà mất linh hồn thì cũng chẳng được ích gì.”
Vì thế, chỉ có kho báu Tin Mừng là bảo vật cao quý nhất, cần thiết nhất mà mỗi người chúng con phải ra công tìm tòi khám phá và sở hữu cho bằng được, nhờ đó, chúng con sẽ trở nên người nhân đức thánh thiện ở đời này và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng mai sau.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Tấm Lưới Đời Con
CN XVII TN.A – (Mt 13, 44 – 52)

Tấm lưới cuộc đời con Chúa ơi!
thu gom mọi thứ ở trên đời.
Danh vọng, tiền tài, vui lạc thú,
mục nát kho tàng, mối mọt xơi.

Giá trị Nước Trời, Chúa gọi con,
chọn lựa, định phân sự sống còn.
Ưu tư, lưỡng lự, sầu lo lắng,
thách đố trung thành, đức tin son.

Theo Chúa con phải lội ngược dòng,
bước vào đường hẹp, sống hiệp thông.
Con đường nghèo khó luôn khiêm hạ,
con đường từ bỏ, trái tim trong.

Chúa là thần tượng con suy tôn,
trân trọng, mến yêu hết tâm hồn.
Cầu nguyện, lặng thinh nghe tiếng Chúa,
hạnh phúc Nước Trời giá trị hơn.

Kho báu Tin Mừng Chúa thương ban,
chứa đựng khôn ngoan Nước Thiên Đàng.
Giêsu Cứu Chúa! Viên Ngọc Quý!
con quyết kiếm tìm giữa trần gian.

AP. Mặc Trầm Cung