SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 696, CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – A, 05/07/2020

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 11, 25-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ Con muốn mạc khải cho.

“Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Khiêm Nhường ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ai Vất Vả… Hãy Đến Với Ta! Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Làm Sao Để Khiêm Nhường Trong Lòng Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Gạn Sạch Tâm Hồn Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Giáo Huấn Tình Thương Hạt Nắng Trg 10
Học Nơi Giêsu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Bài Học Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Học Với Thầy Giêsu A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

Khiêm Nhường

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.

Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.

Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.

Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.

– Gợi ý chia sẻ:
1. Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?
2. Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?
3. Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?
4. Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Ai Vất Vả … Hãy Đến Với Ta!

“Hãy đến với ta….!” Đối tượng của lời kêu mời tâm tình nhất đức Giêsu từng làm là ‘những ai đang vất vả mang gánh nặng nề’. Nhưng họ là những ai? Câu trả lời không viển vông chút nào và rất cần thiết, vì nếu không xác định rõ, rất có thể chính tôi sẽ tự loại mình ra khỏi số đối tượng được Chúa kêu mời cách khẩn thiết nhất.

Tra cứu một số nhà chú giải kinh thánh để tìm đáp án, tôi đã khám phá ra điều đáng kinh ngạc. Ngoài ý nghĩa gánh nặng luật pháp mà người Do Thái thời đó phải gánh chịu, với vô vàn các nghi lễ và qui định đè nặng trên đầu trên cổ, căn cứ vào đoạn sách Công Vụ Tông Đồ 15,10, phần đa các tác giả, dựa vào Thánh Vịnh 38 (37), nhất trí coi ‘ai mang gánh nặng nề’ là những kẻ tội lỗi “Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng vượt quá sức con (câu 5). Xin đan cử ra đây lời chú giải tiêu biểu của Barnes: ‘Không còn nghi ngờ gì nữa, đối tượng Ngài kêu mời chủ yếu là các tội nhân đáng thương, lầm lạc và quị ngã: những con người bị đè bẹp dưới gánh nặng của ý thức những lỗi lầm đã phạm, run rẩy trước hiểm nguy bị luận phạt, và tìm mọi cách để được giải cứu. Trước tình trạng đó, một lối thoát đã được mở ra. Đức Kitô kêu mời họ tới với Ngài, tin vào Ngài, và phó thác cho Ngài, và chỉ mình Ngài mà thôi, hầu được giải thoát và cứu rỗi. Thực hành điều này, Ngài sẽ cho họ an nghỉ – an nghỉ khỏi tội lỗi mình phạm, an nghỉ khỏi lương tâm cắn rứt, an nghỉ khỏi các luật pháp đáng khiếp sợ, và an nghỉ khỏi nỗi sợ hãi phải trầm luân muôn đời.’

Cuộc thổ lộ tâm tình nhất của Thánh tâm Giêsu (Thánh Phanxicô Salê gọi là ‘heart speaks to hearts’) có đối tượng duy nhất là các tội nhân. Ai tự cho mình là thánh thiện, là đạo đức, là khôn ngoan thông thái… đều tự tách mình ra khỏi lời mời gọi này. Quả không sai khi Người dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha vì ‘… đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn!’ Điều này hoàn toàn ăn khớp với lời Người từng tuyên bố ngay từ thời gian đầu của sứ vụ rao giảng: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năm’ (Lc 5, 31-32).

Trong thổ lộ tâm tình này, tầng số mà hai con tim cùng rung lên, cùng đập để rồi gắn chặt lại với nhau là cực thấp cực trầm. Tầng số đó không gì khác hơn là khiêm hạ, khiêm nhường thẳm sâu. “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Về phía Thiên Chúa, khiêm hạ có vẻ là điều không tưởng vì địa vị quyền uy tột bậc của ngài, nhưng qua Đức Giêsu trong việc nhập thể trở nên giống chúng ta mọi đàng, nó đã trở thành nét đặc sắc nhất của Thiên Chúa. Còn lại là phía chúng ta. Vẫn tưởng rằng khiêm nhường sẽ dễ lắm, nhưng thực tế không phải vậy. Kinh nghiệm cho thấy, gợi nhớ sự thấp hèn và tội lỗi của thân phận mình vẫn là điều cực kỳ khó khăn, kinh tởm, hầu như không thể vượt qua nổi đối với phần đa mọi người chúng ta. Thậm chí ngay trong nỗ lực sống lành thánh, nhiều khi ta vẫn còn thấy lởn vởn đâu đó nỗi sợ hãi phải nhìn nhận thân phận tội lỗi và thấp hèn của mình.

Lòng tôn sùng Thánh Tâm vì thế đòi nơi tôi điều kiện sine qua non là đi sâu vào con người vất vả gánh nặng của mình. Con tim tôi càng nặng nề, Trái Tim Chúa càng dễ dàng tiếp nhận và bao bọc lấy; đồng thời, trong cái lỗ vết thương sâu hoắm của tội lỗi và luận phạt, nó càng có khả năng đón nhận trọn vẹn lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa. Vinh quang lớn nhất của Thánh Tâm Chúa chính là đây, “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen cha!”

Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến sâu rộng trong thế kỷ 17 với thánh nữ Magarita Alacốc (1647-1690) đã dẫn tới tôn sùng lòng thương xót Chúa vào thế kỷ 20 với thánh nữ Faustina (1905-1938). Mong rằng hai ‘tôn sùng’ này không dừng lại ở một vài việc đạo đức, mà sớm trở thành nét nổi bật nhất của Tin Mừng (cả trong suy tư thần học nữa), để giúp Kitô hữu chúng ta khám phá ra dung mạo đích thực nhất của Thiên Chúa.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu,qua vết thương do lưỡi đòng khoét sâu nơi con tim Chúa, thánh Gioan đã nhận ra tình yêu ‘làm của lễ đền tội’ (1Ga 4,10). Con biết mình chỉ có thể vào sâu trong Trái Tim Chúa khi chân thành thú nhận tội lỗi mình đã phạm. Xin cho con học thuộc bài học khiêm nhường mà Thánh Tâm Chúa là thày dạy lỗi lạc nhất. Xin dìm con ngập sâu trong tội lỗi mình để con suy tôn và thờ lạy Thánh Tâm Giêsu Tình Yêu cách chân thật nhất. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Làm Sao Để Khiêm Nhường Trong Lòng

Ở đời kiếm được người thực lòng khiêm nhường là rất khó! Bởi bản tính tự nhiên luôn muốn thể hiện mình. Thể hiện mình nhiều tài, nhiều sở trường. Thể hiện mình giầu, mình đẳng cấp cao hơn người khác. Có mấy ai khiêm tốn nghĩ mình thiếu thốn và bất toàn? Có mấy ai dám cam chịu thua thiệt anh em của mình?

Có anh chàng đàn giỏi, hát hay, trưởng gia đình giáo lý viên. Anh luôn nổi bậc trong huynh trưởng, anh làm việc rất khiêm nhường mềm mại, điều này khiến các phụ nữ trẻ đều để ý và thương mến. Một lần có một phụ nữ đến nói chuyện tỏ lòng cảm kích và khen ngợi anh, cô bảo anh có nhiều tài quá, giỏi quá, việc gì anh làm cũng thành công. Anh chàng liền đỏ mặt, bảo “tôi mà làm gì chả được”!

Xem ra anh ấy cũng không qua khỏi tính cao ngạo của thói đời! Đây là thói cao ngạo mà chúng ta vẫn thấy xin kể một vài loại người điển hình:
Biết ít mà luôn nghĩ mình biết nhiều.
Biết sai mà ảo tưởng mình biết đúng.
Biết thiếu mà vẫn khoe khoang biết đủ.
Biết nhờ nghe được dăm ba câu chuyện trên bàn cà phê liền cho mình biết rõ mươi mươi…

Thế rồi, với những cái biết như thế, nhiều người lại chia sẻ với người khác và hướng dẫn người khác. Hoặc lại sáng kiến thêm ra những thứ quyền lực và cách giả hình để xây dựng uy tín, như là bằng cách kết án, hạ bệ người khác, dẫn đến thị phi và tranh chấp gây bao sóng gió cho cuộc sống chung.

Hôm nay Chúa Giêsu bảo “hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Ngài hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài luôn có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người. Ngài đã cúi mình xuống với mọi mảnh đời khổ đau và thấp hèn. Từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ thấp hèn. Từ người công chính đến tội lỗi. Tất cả đều có thể đến với Ngài trong thân thiện, tôn trọng và yêu thương.

Sự hiền lành trở thành một mối phúc trong tám mối phúc của hiến chương Nước Trời:
“Phúc cho những ai ăn ở hiền lành.
Vì họ sẽ được đất làm cơ nghiệp” (Mt 5,4).

Nhìn vào cách sống hiền lành của Chúa ta thấy Ngài hiền lành nhưng không thỏa hiệp với thế gian. Ngài không im lặng trước sự dữ. Ngài đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của những kẻ biệt phái. Ngài đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Chính vì những điều Chúa làm, những lời Chúa nói đã ảnh hưởng đến miếng cơm chén gạo của các biệt phái mà người ta tìm cách loại trừ Chúa. Sự hiền lành của Chúa là vì công lý mà chịu nhiều thiệt thòi. Vì sự thật mà phải chết nhục nhã trên cây thập giá, nhưng Ngài không chống cự, và còn xin cùng Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.

Đối với Chúa Giêsu thì hiền lành chính là sức mạnh, sức mạnh của giọt nước làm thủng đá, của khí trời làm gẫy sắt. Nước tuy mềm mại những nước có thể làm cho đá mòn. Nước tích tụ thành mây có thể làm mưa tưới mát cho ruộng đồng. Sự hiền lành đòi hỏi chúng ta bảo vệ công lý và sự thật trong khiêm nhu ôn hoà. Lấy “nhu thắng cương” để đời sống của chúng ta chính là lời chứng hùng hồn cho thế gian về chân lý và tình thương. Bảo vệ công lý nhưng vẫn không đánh mất tình thương mới là môn đệ của Thầy Giêsu.

Ước gì sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu luôn là mẫu mực để chúng ta noi theo. Giữa xã hội đầy thị phi hơn thua, thì người Kitô hữu hãy sống hiền lành nhưng không thoả hiệp, dám khước từ những tranh giành chức vị, quyền lợi để sống công bình và bác ái. Giữa một xã hội đang đua nhau tìm kiềm quyền lực để tìm phú quý giầu sang thì người Kitô biết sống âm thầm phục vụ với tinh thần quảng đại yêu thương.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn can đảm làm chứng nhân cho lòng nhân hậu của Chúa giữa một thế giới còn nhiều những tham sân si hôm nay. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền.

Gạn Sạch Tâm Hồn

Bấy giờ, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”

Thoạt nghe câu nói trên, có người tưởng rằng Thiên Chúa phân biệt đối xử, bạc đãi những người khôn ngoan thông thái và ưu ái những người bé mọn.

Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, của người giàu cũng như kẻ nghèo, của người khôn cũng như kẻ dại… Mọi người đều được yêu thương và đối xử như nhau. Thế thì tại sao Thiên Chúa lại che giấu “kho tàng” của Ngài đối với những bậc khôn ngoan thông thái mà lại mạc khải cho những người bé mọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa đối xử bất công với con cái Ngài sao?

Chắc chắn Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng sở dĩ có người được nhận nhiều hồng phúc của Chúa, kẻ khác không được gì, là do con người chứ không phải do Thiên Chúa.

Hai hình ảnh sau đây giúp ta hiểu rõ điều này:

Hình ảnh thứ nhất:
Có hai chiếc ly được đặt cạnh nhau, ly lớn chứa đầy cát còn ly nhỏ thì rỗng không. Nếu ta muốn rót sữa hay một thức uống bổ dưỡng cho đầy hai chiếc ly đó thì chỉ có chiếc ly nhỏ nhận được đầy tràn chất dinh dưỡng, còn chiếc ly lớn thì chẳng được chút nào. Như thế, không phải vì người rót thiên vị, nhưng là vì chiếc ly lớn đã đầy cát thì không thể đón nhận thêm bất cứ thứ gì.

Những người tự cao tự đại, tự cho mình khôn ngoan thông thái, học rộng tài cao… lẽ ra phải nhận được nhiều điều khôn ngoan của Thiên Chúa, thế nhưng, vì tâm hồn họ tràn đầy kiêu căng tự phụ, giống như những chiếc ly đầy cát, nên Thiên Chúa không thể rót gì thêm vào tâm trí họ được.

Trong khi đó, tâm hồn những người bé mọn, khiêm nhu, chất phác… giống như những chiếc ly rỗng, sẵn sàng đón nhận thiên ân, nên được Thiên Chúa đong đầy.

Hình ảnh thứ hai:
Một ao nước có đầy dẫy rác rến cũng như rong rêu sinh trưởng dày đặc trong đó, khiến nước ao trở nên dơ bẩn, đen ngòm… nên không thể in bóng những cụm mây lướt qua bầu trời bên trên mặt nước.

Trái lại, một ao nước khác rất trong lành, không bị vẩn đục vì rác rưởi, không bị các thứ rong, tảo hoặc các loại bèo… xâm chiếm, chắc chắn sẽ in được cả những gợn mây rất mỏng, cả những cánh én nhỏ bé bay qua vòm trời và mỗi khi đêm về, có thể in bóng vô số vì sao trên bầu trời khuya.

Tương tự như thế, những tâm hồn bị vẩn đục bởi tính tự mãn tự kiêu, tự cho mình là khôn ngoan thông thái… thì không thể đón nhận chân lý do Thiên Chúa mặc khải được. Còn tâm hồn của người người đơn sơ khiêm tốn… như một hồ nước trong veo, sẽ dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan đích thực do Thiên Chúa thông ban.

Hãy làm rỗng chiếc ly của mình
Vào thời Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật (1860-1912), có một vị thiền sư tên là Nanin đón tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về thiền. Nanin mang trà đãi khách. Ông rót trà đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách trà tràn ra cho đến khi không kìm mình được nữa nên thốt lên: “Thưa thầy, tách trà đầy quá rồi, xin đừng rót nữa.”

Vị thiền sư trả lời: “Thưa ngài, đầu óc của ngài cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng… làm sao tôi có thể bày tỏ thiền cho ngài được, trừ phi ngài làm cạn cái tách của ngài trước đã.”

Lạy Chúa Giêsu. Nếu tâm hồn chúng con như chiếc ly đầy cát, đó là tính kiêu căng tự phụ, tự cho mình khôn ngoan thông thái, thì xin giúp chúng con đổ hết thứ cát bẩn này ra, để được Chúa đong đầy ân phúc.

Nếu tâm hồn chúng con như ao nước đục ngầu vì bị ô nhiễm bởi nhiều loại rác rến như đam mê tội lỗi, ước vọng thấp hèn… thì xin giúp chúng con gạn sạch tâm hồn để hình bóng Chúa được in sâu.

Nguyện xin Chúa giúp chúng con dứt khoát trút bỏ tất cả những gì làm cho tâm hồn trở nên hẹp hòi, khô cứng… để tâm hồn chúng con như chiếc ly rỗng, như tách trà không… nhờ đó, được Chúa rót đầy ân sủng và tình yêu.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Giáo Huấn Tình Thương
CN XIV TN. A – (Mt 11, 25 – 30)

Bài học cuộc đời Chúa dạy ta

Con đường thánh thiện về Nhà Cha

Khiêm nhường phục vụ trong thinh lặng

Hiền hậu quên mình chẳng thán ca

Thông thái khôn ngoan không tỏ lộ

Đơn sơ hèn kém được ban ra

Khổ sầu gánh nặng Ngài nâng đỡ

Ân sủng bình an phúc đậm đà.

Hạt Nắng

Học Nơi Giêsu
CN XIV TN.A – (Mt 11, 25 – 30)

Tính tự phụ lao vào tranh chấp,
quyết tranh giành cao thấp quyền uy.
Hư danh, lạc thú, trị vì,
tinh thần kiệt quệ mất đi tình người.

Mất nghị lực vui tươi cuộc sống,
mất bình an dao động dập dồn.
Mất hồng ân Đấng Chí Tôn,
chân tướng giả dối tâm hồn bất an.

Nỗi khổ sầu, gian nan, sóng gió,
Chúa xót thương tỏ lộ tình yêu.
Dạy con từng bước hoang liêu,
bài học thánh thiện huyền siêu của Người.

Sống khiêm nhường, vui tươi phục vụ
mang ách Người bổ sức đỡ nâng
Thinh lặng trung tín dự phần
như Chiên Thiên Chúa hiền lành hiến thân.

Hồn thanh thản, lòng tràn hạnh phúc,
diệt kiêu căng nhục dục đam mê
Sức mạnh ơn thánh tràn trề
rũ sạch tội lỗi lối về bình an.

Bài học của Chúa minh quang…

Bâng Khuâng Chiều Tím

Bài Học Tình Yêu
CN XIV TN.A – (Mt 11, 25 – 30)

Con đi tìm giữa cuộc đời bài học tình yêu,
con đi tìm giữa lòng người bài học nhân nghĩa.
Bước chân bơ vơ giữa bao đua tranh,
trái tim ngu ngơ xâu xé chộp giành,
lạnh lùng bước chân hoang liêu.

Con đi tìm giữa lòng mình câu hỏi tình yêu,
con đi tìm giữa đất trời bài học dâng hiến.
Núi xưa Can-vê tiếng ai than van,
trái tim Giêsu Máu – Nước tuôn tràn,
khiêm nhường hiến thân vì yêu.

Bài học tình yêu,
Chúa dạy con sống đức khiêm nhường,
sống hiền lành như Chiên Con,
lặng thầm dâng hiến.
Bài học tình yêu,
Chúa dạy con bác ái, yêu thương,
giông tố, đoạn trường mang ách của Ngài,
bình an trung kiên.

Con đã tìm thấy nơi Ngài tình yêu vô biên,
sống làm người giữa cuộc đời nghèo hèn, yếu đuối.
sống trong khiêm nhu dẫu bao điêu linh,
vẫn luôn hy sinh tự hiến thân mình,
nhân loại hưởng phúc trường sinh.

M. Madalena Hoa Ngâu

Học Với Thầy Giêsu
CN XIV TN.A –(Mt 11, 25 – 30)

Mê quyền lực con người say thống trị,
chà đạp nhân quyền khuynh hướng kiêu căng.
Khuất phục nhân sinh bằng bạo lực thiếu công bằng,
sai khiến người khác bằng dương oai quyền bính.

Củng cố quyền uy bao mưu đồ toan tính,
những bước chân nặng nề,
cuộc sống quá lầm than.
Mệt mỏi, sống cuồng quay,
vô nghĩa, kiếp đọa đày,
con chao đảo,
lê từng bước,
lần mò trong đêm tối.

Bừng sáng trí lòng con, đây Ngôi nhà Giáo Hội,
con bước vào xin học sống Yêu Thương.
Bài học Khiêm Cung đã khai trí mở đường,
nhập môn Tin Mừng do Thầy Giêsu hướng dẫn.

“Hãy đến cùng Ta hỡi những ai lận đận,
vất vả kiếp người gánh nặng trĩu oằn vai.
Bồi dưỡng, nghỉ ngơi Ta nâng đỡ đường dài,
hãy mang Ách của Ta,
ách của Tình yêu sẽ trở nên nhẹ nhàng, êm ái.”

Hãy đến cùng Ta tâm hồn ngươi thư thái,
bởi Ta hiền lành, hòa nhã rất khoan dung.
Ta xót thương kẻ lỡ bước khốn cùng,
như người phụ nữ ngoại tình,
Ta chạnh lòng thương cảm.

Là MụcTử, tính tình Ta điềm đạm,
thương chiên lạc bơ vơ,
lòng khắc khoải mong chờ.
Nôn nao mong tìm kiếm,
nâng niu vác trên vai,
đưa về đàn bồi dưỡng.

Như đứa con hoang đàng sai lầm, quay lạc hướng,
lúc trở về Ta không la mắng đuổi xua.
Ta mừng rỡ ôm hôn,
hân hoan như thợ gặt trúng mùa.
Ta dọn tiệc ăn mừng,
mừng con Ta vừa trở về từ cõi chết.

Hãy học cùng Ta bài khiêm nhường trước hết,
từ trời cao Ta tự hạ xuống trần gian.
Làm một người dân lao động sống nghèo nàn,
nhận thân phận tôi đòi ,
dù là Thiên Chúa cao sang,
Ta đã quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ.

Bài học từ trời cao Ta dạy nơi trần thế,
chỉ những ai khiêm nhường bé mọn,
được khai sáng tâm linh.
Kẻ thông thái, khôn ngoan, kẻ tự tôn mình,
bị che giấu biết bao điều thiện hảo,

Lạy Chúa Từ Nhân!
Hôm nay giữa dòng đời ngược xuôi hối hả,
con quyết học theo Ngài,
bài học Yêu Thương.
Con tuyên xưng Ngài chính là Đường.
Đường Sự Thật.
Đường Tình Yêu.
Đường Sự Sống.
Con chúc tụng,
con cảm tạ
con tôn vinh
Ngài là bậc Thầy dạy Chân Lý Tình Yêu.

AP. Mặc Trầm Cung