SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 694, CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – A, THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, 21/06/2020

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 10, 26 – 33)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết. Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục. Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Biết Sợ ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Ai Vất Vả Mang Gánh Nặng Nề & Sợ Đấng Có Thể ..Tiêu Diệt. Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Tình Yêu Xưa Và Nay & Đừng Sợ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 7
Trao Ban Tất Cả Cho Mọi Người & Không Còn Sợ Hãi Vì Có Chúa Chở Che Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Tình Yêu Vô Tận & Đương Đầu A.P Mặc Trầm Cung Trg 13

Biết Sợ

Có những người quá nhát sợ. Gặp con dán hay con chuột cũng co rúm người, mặt cắt không còn giọt máu. Có những người, trái lại, chẳng biết sợ là gì. Coi mạng sống nhẹ như tơ. Lên xe là phóng như bay. Liều lĩnh thường thiệt mạng. Nhút nhát quá đâm hỏng việc. Một đàng bất cập, một đàng thái quá. Vì thế vấn đề không phải là sợ hay không sợ. Vấn đề là phải biết phân định. Biết những gì nên sợ và những gì không nên sợ. Hôm nay Chúa Giêsu giúp ta phân định để biết sợ và không biết sợ.

Trước hết, Người dạy ta biết phân định giá trị. Sự sống là quí giá ta phải trân trọng. Mất sự sống là mất tất cả. Tuy nhiên sự sống có nhiều cấp độ. Có sự sống thân xác nhưng cũng có sự sống linh hồn. Có sự sống đời này nhưng không có sự sống đời sau. Sự sống đời này là chóng qua. Sự sống đời sau vĩnh cửu. Sự sống thân xác mau tàn. Sự sống linh hồn bất diệt. Ta phải yêu quí cả hai sự sống. Nhưng khi không thể giữ gìn vẹn toàn cả hai thì phải biết chọn sự sống cao quí, vĩnh cửu, đó là linh hồn, là sự sống đời sau.

Người cũng dạy ta phân định thời cơ. Thời cơ chỉ đến một lần. Lỡ thời sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Lỡ thời có thể hỏng cả cuộc đời. Có thời cơ để rao giảng Lời Chúa. Hiện nay, Lời Chúa bị che giấu, chỉ thì thầm bên tai, còn nhiều người chưa biết. Ta được cơ hội đóng góp phần mình vào việc rao truyền Lời Chúa. Nhưng sẽ đến ngày mọi sự kín đáo sẽ tỏ lộ. Lời Chúa sẽ được mọi người nhận biết. Bấy giờ cơ hội sẽ hết. Có thời cơ tuyên xưng danh Chúa. Khi còn ở trần gian, giữa những người chưa biết Chúa, giữa những thế lực thù địch, trong cơn gian nan, chính là cơ hội cho ta tuyên xưng danh Chúa. Khi cuộc đời trần gian chấm dứt, cơ hội đó sẽ không còn.

Và sau cùng là phân định nguyên lý. Thiên Chúa là chủ mọi loài. Thiên Chúa nắm quyền sinh tử. Thiên Chúa an bài mọi sự. Con người chỉ là quản lý của Chúa trong một thời gian, trong một vài lĩnh vực. Khi thời gian chấm dứt, chính Thiên Chúa xét xử và thưởng công, trừng phạt.
Khi đã có những phân định rõ ràng ta sẽ biết sợ và biết không sợ.

– Biết sợ Chúa là Chủ tể mọi loài, mọi sự. Không những làm chủ thân xác mà còn làm chủ cả linh hồn. Không những làm chủ đời này mà còn làm chủ cả cuộc đời sau.
– Biết sợ mất linh hồn. Linh hồn là món quà cao quí nhất Thiên Chúa tặng cho con người. Sự sống của linh hồn là sự sống Thiên Chúa ban, hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Mất linh hồn là mất tất cả. Như Chúa Giêsu vẫn nhắc nhở: “Được lời lãi cả thế gian mà phải mất linh hồn thì nào được ích gì?”.
– Biết sợ lỡ thời cơ. Hãy biết làm việc khi còn ban ngày, khi trời còn sáng, khi ta còn sống. Thời cơ chỉ đến một lần, nếu ta không tận dụng sẽ lỡ cả một đời. Như những cô trinh nữ khờ dại chỉ còn đứng ngoài cửa Thiên đàng mà than khóc. Như người đầy tớ lười biếng chôn giấu nén bạc phải khóc lóc nghiến răng.

Khi đã biết sợ như thế, ta sẽ không sợ người đời, vì người đời chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ta sẽ không sợ mất mạng sống, vì sự sống thân xác nay còn mai mất, chẳng tồn tại lâu dài. Ta sẽ không sợ hình khổ hạ thân xác, vì khổ hình rồi cũng sẽ qua.

Nói không sợ cũng không đúng hẳn. Đau đớn khổ cực ai mà không sợ. Nhưng như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, dù sợ vẫn cứ bước vào cuộc khổ nạn, Người môn đệ vẫn can đảm tuyên xưng danh Chúa, vẫn kiên trì rao giảng Lời Chúa, chấp nhận tất cả những khó khăn hiểm nguy đe doạ, rình rập, chấp nhận những đau đớn thua thiệt chóng qua đời này, với niềm tin vững chắc rằng chính Thiên Chúa là Cha nhân lành an bài mọi sự, Người sẽ ban thưởng cho ta phần thưởng không gì so sánh được, đó là hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Amen.

– Gợi ý chia sẻ:
1) Bạn đã từng bị những nỗi sợ nào đè nặng. Những nỗi sợ đó có chính đáng không?
2) Sống đạo là chấp nhận thiệt thòi. Bạn có dám chấp nhận thiệt thòi vì Chúa không?
3) Muốn trung thành với Chúa, bạn làm cách nào để tránh được những nỗi sợ do người đời đem đến?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Ai Vất Vả Mang Gánh Nặng Nề…
(Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

“Hãy đến với ta….!”
Đối tượng của lời kêu mời tâm tình nhất Đức Giêsu từng làm là: ‘những ai đang vất vả mang gánh nặng nề’; nhưng trên thực tế họ là những ai? thật cần thiết trả lời vấn nạn này, vì nếu không xác định rõ, rất có thể chính tôi sẽ tự loại mình ra khỏi số đối tượng được kêu mời đó.
Sau khi tra cứu một số nhà chú giải kinh thánh để tìm đáp án, tôi đã khám phá ra điều đáng kinh ngạc: ngoài ý nghĩa gánh nặng luật pháp mà người Do Thái phải gánh chịu, với các nghi lễ và qui định luân lý đè nặng trên đầu trên cổ, căn cứ vào đoạn sách Công Vụ Tông Đồ 15:10 mà phần đa các tác giả, dựa vào Thánh Vịnh 38 (37), nhất trí coi: ‘ai mang gánh nặng nề’ là những kẻ tội lỗi “Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng vượt quá sức con” (câu 5). Xin đan cử ra đây lời chú giải tiêu biểu của Barnes: ‘Không còn nghi ngờ gì nữa, đối tượng ngài kêu mời chủ yếu là các tội nhân đáng thương, lầm lạc và quị ngã: những con người bị đè bẹp dưới gánh nặng của ý thức những lỗi lầm đã phạm. Họ run rẩy trước hiểm nguy bị luận phạt, và tìm mọi cách để được giải cứu. Trước tình trạng đó một lối thoát đã được mở ra! Đức Kitô kêu mời họ tới với Người, tin vào Người, và phó thác cho Người…, và chỉ mình Người mà thôi hầu được giải thoát và cứu rỗi. Thực hành được điều này, Người sẽ cho họ an nghỉ – an nghỉ khỏi tội lỗi mình phạm, an nghỉ khỏi lương tâm cắn rứt, an nghỉ khỏi các luật pháp đáng khiếp sợ, và an nghỉ khỏi nỗi sợ hãi phải trầm luân muôn đời’.

Cuộc thổ lộ tâm tình nhất của Thánh tâm Giêsu (mà Thánh Phanxicô Salê gọi là ‘heart speaks to hearts’) có đối tượng duy nhất là các tội nhân. Do đó ai tự cho mình là thánh thiện, là đạo đức, là khôn ngoan thông thái… đều tự tách mình ra khỏi lời mời gọi này. Quả không sai khi Người dâng lời tạ ơn Cha ngài: vì ‘… đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn!’ Điều này hoàn toàn ăn khớp với lời Người từng tuyên bố ngay từ thời gian đầu của sứ vụ rao giảng: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năm’ (Lc 5:31-32).
Trong thổ lộ tâm tình này, tầng số mà hai con tim cùng rung lên, cùng đập, để rồi gắn chặt lại với nhau là cực thấp cực trầm; tầng số đó không gì khác hơn là khiêm hạ, là khiêm nhường thẳm sâu: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Về phía Thiên Chúa: khiêm hạ có vẻ là điều không tưởng vì địa vị quyền uy tột bậc của Ngài; thế nhưng, qua Đức Giêsu trong việc nhập thể trở nên giống chúng ta mọi đàng của Người, nó đã trở thành nét đặc sắc nhất của Thiên Chúa. Còn về phía chúng ta: vẫn tưởng rằng khiêm nhường sẽ dễ lắm, nhưng thực tế không phải vậy; gợi nhớ sự thấp hèn và tội lỗi của thân phận mình vẫn luôn là điều khó khăn, là kinh tởm, và hầu như không thể vượt qua nổi đối với gần như hết mọi người. Thậm chí, ngay trong nỗ lực sống lành thánh nhiều khi ta vẫn còn thấy lởn vởn đâu đó nỗi sợ hãi: phải nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình.

Lòng tôn sùng Thánh Tâm vì thế đòi nơi tôi điều kiện sine qua non (cấp thiết) là đi sâu hơn nữa vào con người vất vả gánh nặng của mình. Con tim tôi mà càng nặng nề, Trái Tim Chúa lại càng dễ dàng tiếp nhận và bao bọc lấy; đồng thời trong cái lỗ vết thương sâu hoắm của tội lỗi và luận phạt, nó càng có khả năng đón nhận trọn vẹn lòng hiền hậu và thương xót của Thiên Chúa. Vinh quang lớn nhất của Thánh Tâm Chúa chính là đây: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen cha”!
Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến sâu rộng trong thế kỷ XVII với thánh nữ Maria Magarita Alacốc (1647-1690) đã dẫn tới tôn sùng lòng thương xót Chúa vào thế kỷ XX với thánh nữ Faustina (1905-1938). Mong rằng hai lòng ‘tôn sùng’ này không dừng lại ở một vài việc đạo đức khuôn sáo, nhưng sớm trở thành nét nổi bật nhất của Tin Mừng (cả trong suy tư thần học), để giúp Kitô hữu chúng ta khám phá ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa từ nhân.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua vết thương do lưỡi đòng khoét sâu nơi con tim Chúa, thánh Gioan đã nhận ra tình yêu ‘làm của lễ đền tội’ (1Ga 4:10). Con biết: mình chỉ có thể vào sâu trong Trái Tim Chúa khi chân thành thú nhận tội lỗi đã phạm. Xin cho con học thuộc bài học khiêm nhường mà Thánh Tâm Chúa là thày dạy lỗi lạc nhất. Xin dìm con ngập sâu trong tội lỗi mình để con suy tôn và thờ lạy Thánh Tâm Giêsu Tình Yêu cách chân thật nhất. Amen

Sợ Đấng Có Thể… Tiêu Diệt?

Chúng ta là những kẻ hay sợ sệt, mà Đức Giêsu thì biết rất rõ điều đó. Trong cuộc sống, ai trong chúng ta mà không từng trải qua những giây phút sợ hãi, còn nguyên nhân của các nỗi sợ đó thì nhiều vô kể; trong số đó, nỗi sợ ám ảnh ta nhất chính là: bị coi thường, bị đánh giá thấp, bị chê bai hoặc bị loại bỏ. Hầu như tất cả mọi hành vi, mọi sinh hoạt của ta đều bị chi phối bởi điều này: người ta sẽ đánh giá tôi thế nào đây? Trong một chừng mực nào đó nỗi sợ này là tích cực, bởi vì nó tập cho ta ý thức tự trọng; tuy nhiên rất thường khi nó lại là rào cản không cho phép ta sống tự do và thoải mái, vươn lên và rộng mở.

Để giải quyết vấn đề lớn và phổ thông này, Tin Mừng hôm nay trao vào tay chúng ta chìa khóa của lời giải đáp.
Trước hết Lời Chúa cống hiến cho ta một giải pháp hợp lý những mang tính tiêu cực. Nếu sợ hãi là điều thực sự không thể tránh, thì ta cần xác định chủ thể đe dọa mình là ai cái đã; nếu mối đe dọa tới từ người phàm thì sợ hãi đó cũng chỉ là tương đối thôi! Có một thời, nhất là trong một xã hội định canh định cư, khi mà mỗi cá nhân đều sống trong một môi trường khép kín (sau lũy tre làng), thì sự đánh giá của bà con chòm xóm là cả một mối bận tâm lớn; ‘ăn mặc như thế, nói năng như thế thì người ta sẽ đánh giá mình thế nào đây?’ Ngày nay, khi mà nhiều người sống và làm việc trong một xã hội luôn chuyển động, thì sự kiểm tỏa này hầu như bắt đầu sụp đổ; giữa những người xa lạ, họ thấy mình ít bị kiểm tỏa hơn, không mấy ai quan tâm tới cách ăn mặc, nói năng của mình…, do đó họ ít giữ gìn hơn trong lời ăn tiếng nói, sống tự do thoải mái hơn, thâm chí có khuynh hướng buông thả. Dầu thế nào đi nữa thì nỗi sợ xã hội “sợ những kẻ giết thân xác” này chắc chắn sẽ ngày càng suy yếu; và đó chính là thời điểm thuận lợi để ta xây dựng cho mình một nỗi sợ mới, căn cơ và vững chãi hơn; “anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”.

Tuy nhiên đó mới là thay đổi đối tượng sợ hãi của ta, và làm cho nỗi sợ trường kỳ của chúng ta đánh trúng mục tiêu hơn mà thôi! Tin Mừng không chỉ cống hiến có thế, nó phải có khả năng phá tan mọi nỗi sợ hãi to nhỏ trong ta, vượt xa nỗi sự của dân chúng trong thời Cựu Ước. Tin Mừng cho ta nhận ra giá trị rất đặc sắc và trường tồn của mình mà không ai có thể cướp mất được, kể cả khi ta đáng bị người đời nguyền rủa và lên án. Khả năng này trước hết hệ tại ở việc hiểu biết chính xác về chính “Đấng có thể tiêu diệt” là ai, qua lăng kính của Thập Giá.
Đấng ‘có thể tiêu diệt’ đó khi đánh giá tôi thì Người sẽ đánh giá như thế nào; nếu người đời thường khi tỏ ra rất khắt khe xét nét, bắt bẻ từng li từng tí, thì Đấng đó sẽ xét tôi ra sao; đó quả là một vấn nạn nghiêm trọng! Câu trả lời Đức Giêsu đưa ra làm tất cả chúng ta té ngửa vì ngỡ ngàng: ‘Đấng đó không những không xét nét, mà còn đánh giá ta rất cao trước cả khi (đúng hơn: bất chấp) ta làm hay nói điều gì. Đức Giêsu trưng ra hai hình ảnh rất đời thường để minh họa cho xác quyết này: “hai chim sẻ chỉ bán được một hào rơi xuống đất” và “tóc trên đầu rụng” là những chuyện quá tầm phào ít ai quan tâm tới…, thế mà Cha Trên Trời quan tâm tới giá trị của chúng để rồi, “không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em… ngay cả tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi”. Cuối cùng Người đi tới kết luận đầy an ủi: “anh em còn quí giá hơn muôn vàn chim sẻ”. Nếu “Đấng có thể tiêu diệt” sẽ đánh giá tôi như thế, cho dầu tôi có là tật nguyền, thiểu năng, ngu dốt, bệnh hoạn hay nghèo hèn, thậm chí cả khi tôi đầy những khiếm khuyết, lầm lỡ hay tội lỗi. Đấng coi tôi là có giá trị lớn như thế lẽ nào lại đang tâm xét nét, kết án và ‘tiêu diệt’ tôi?

Riêng đối với Kitô hữu chúng ta, các nỗi sợ hãi lẽ ra đã phải bị tiêu diệt từ lâu rồi – từ ngày lãnh phép Thanh Tẩy, không những vì nhận ra mình có giá trị quá cao quí như thế, mà còn vì Đức Giêsu hầu như cương quyết bảo đảm: không để một ai trong những kẻ thuộc về Người phải rơi rụng; “Không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay cha tôi” (Ga 10:28-29). Và rồi Người còn cam kết với Cha: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất!” (Ga 17:12). Sau những xác quyết và cam kết vững chãi như thế, lẽ nào ta có thể tiếp tục sợ hãi được nhỉ, kể cả sợ tội, sợ có thể ‘bị tiêu diệt trong hỏa ngục đời đời’! Tôi thiết nghĩ: Kitô hữu chúng ta, bất luận là ai, phải là những người được “hưởng niềm vui trọn vẹn” nhất (Ga 17:13).
Kể từ ngày trở thành Kitô hữu, lẽ ra nỗi sợ hãi duy nhất chúng ta chỉ phải là: đánh mất niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Chúa Cha nhân từ, và nơi Con của Người là Đấng đã cứu độ và tha thứ bằng Thập Giá Người?

Lạy Chúa là Cha từ nhân, không hiểu sao, một khi đã tin Cha là Đấng yêu con tới độ đã cho Con mình xuống thế để chết cho con, thế mà trong con vẫn còn mãi vấn vương sợ hãi. Tất cả là vì con vẫn chưa tin vững chắc rằng: Cha thật từ ái vô biên! con vẫn còn coi Cha là… ‘Đấng có thể tiêu diệt’ con trong hỏa ngục. Xin Cha cho con nhận thức và xác tín, khi nhìn lên Thập Giá Đức Kitô rằng: con có một giá trị vô song trước mặt Cha, giá trị còn hơn cả máu châu báu Con Cha…, và Cha không bao giờ muốn con ‘bị tiêu diệt’. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Tình Yêu Xưa Và Nay
(Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Tình yêu là đề tài muôn thuở vượt thời gian. Thời nào cũng yêu và ai cũng yêu. Tình yêu dễ đi vào lòng người, vì ai cũng từng yêu và đã yêu. Có điều mỗi thời và mỗi người đều biểu tỏ tình yêu khác nhau. Điểm chung là ai cũng mong có được tình yêu chân thành, dù là đơn sợ, mộc mạc nhưng lại dễ cảm kích và chiếm trọn con tim của nhau.

Cách đây ít lâu bài hát “Ông bà anh” đã gây bão khi tác giả phác họa lên hai bức tranh đối lập về tình yêu xưa và nay. Ngày xưa thì giản dị, mộc mạc nhưng chân tình:
“Ông bà anh yêu nhau thời chưa có tivi
Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi
Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh
Trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh…”
Nhưng trong mắt tác giả thì “tình yêu ngày xưa đẹp lắm”. Đó là “những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi”, là khoảnh khắc con người chỉ cần “chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời”.
Điều này trái ngược với tình yêu hôm nay tuy mãnh liệt hơn xưa nhưng lại dễ tan vỡ. Tình yêu thời hiện đại tưởng chừng rất vui và nhộn nhịp:
“Anh và em yêu nhau thời xe máy ô-tô. Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo”.
Điều đáng tiếc là những phương tiện hiện đại lại trở thành người thứ ba phá hủy tình yêu hai người. Bởi vì có những khi, cả hai gần kề bên nhau nhưng mỗi người đều chìm đắm trong thế giới riêng:
“Anh và em yêu nhau ngày tháng trôi mau vì
Ta chẳng nói chuyện gì với nhau
Ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu
Và có nhiều lúc em giận dỗi khi, anh chẳng muốn khoe em với thiên hạ hiếu kỳ…”
Thế nên, chàng trai vẫn mơ ước có một “tình yêu tươi xanh” giống như “ông bà anh”.
“Ông có một tình yêu tươi xanh và em ơi em có hiểu lòng anh, anh muốn có một tình yêu xanh ngát xanh”

Như vậy, cho dù thời hiện đại nhưng những giá trị cũ vẫn không lỗi thời. Tình yêu vẫn cần sự chân thành, sự chia sẻ với nhau cho dù có trải qua vất vả, thiếu thốn nhưng lòng họ vẫn vui. Vui vì có người chia sẻ, nâng đỡ ủi an trong mọi vui buồn. Đây mới là tình yêu đích thực, vì yêu là nghĩ đến người mình yêu, là lo lắng, là chia sẻ, là tương trợ cho người mình yêu. Nếu tình yêu không nhận được sự chia sẽ nơi người mình yêu thì tình yêu ấy đã chết hoặc đã không còn.

Thiên Chúa yêu con người. Tình yêu Ngài cũng mộc mạc và giản dị. Cái mộc mạc của ngài là thể hiện không bằng lời hoa mỹ mà bằng cuộc sống hy sinh cho người mình yêu. Ngài không nói nhiều nhưng Ngài chỉ nhìn thấy và chạnh lòng thương. Chính cái nhìn với tâm hồn biết chạnh lòng thương đã khiến Ngài dâng hiến cả cuộc đời phục vụ tha nhân. Phục vụ đến quên cả chính mình. Phục vụ đến hiến dâng thân mình để cứu độ nhân sinh.

Tin Mừng đã từng viết rằng: “Ngài vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng… Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn thắt lưng. Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 1.4-5).

Thế mới hiểu rằng:
– Yêu là hạ mình làm tôi tớ người khác, là “đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”
– Yêu là bẻ thân mình làm bánh trao ban cho nhau: “Nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.”
– Yêu là rót máu mình như rượu hiến ban cho người khác được sống còn: “Nầy là Máu Thầy sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội.”

Như vậy, tình yêu không là say mê, là khai thác, là chiếm đoạt đối tượng mình yêu mến. Nhưng nhờ bài học yêu thương Chúa dạy, tình yêu đúng nghĩa là hy sinh, là quên mình để phục vụ, là cống hiến không ngừng cho tha nhân được hạnh phúc.

Hôm nay mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là dịp để chúng ta chiêm ngắm một tình yêu vô bờ bến mà Chúa đã dành cho chúng ta. Một tình yêu bao la trải rộng tới muôn người. Một tình yêu thủy chung son sắt vượt thời gian để đi đến cùng hiến dâng cho người mình yêu. Một tình yêu hy sinh để luôn quan tâm, chia sẻ cho người mình yêu.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta khi nhận ra tình yêu của Chúa luôn bao phủ trong cuộc đời chúng ta, thì cũng biết sống trải rộng tình yêu của mình tới tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.

Đừng Sợ

Người ta nói rằng: “Lo sợ là điều tai hại nhất, nó là kẻ phá hoại đáng sợ nhất”. Nhưng dường như trong cuộc sống chúng ta luôn đối diện với những nguy hiểm vượt qúa suy nghĩ, toan tính của chúng ta, khiến chúng ta luôn lo âu và sợ hãi.

Sau đại dịch Covid 19 cũng có biết bao điều khiến con người lo sợ. Họ sợ dịch tái phát. Sợ thất nghiệp. Sợ cướp bóc bạo loạn bởi đói nghèo. Sợ chiến tranh nếu xảy ra sẽ dẫn đến nghèo đói và loạn lạc . . .

Thực ra, nếu nói về sợ, chúng ta có muôn vàn nỗi sợ: sợ bệnh tật, sợ già nua, sợ chết chóc. Sợ tai họa, sợ chiến tranh, sợ nghèo đói. Sợ bóng tối, sợ khổ đau, sợ ngu dốt v.v…

Chúa nhắc chúng ta đừng sợ vì tất cả những sự dữ ấy không làm mất đi sự sống đời đời trong ta. Điều Chúa muốn nhắc chúng ta là hãy tin tưởng cậy trông vào Chúa. Hãy để Chúa bảo vệ che chở cuộc sống chúng ta. Điều duy nhất mà Chúa mong ước nơi chúng ta là hãy giữ vững đức tin trước mọi nguy nan.

Chúa luôn nhắc đi nhắc lại rằng: Anh em đừng sợ. Hãy sống lạc quan trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ gìn giữ và canh chừng chúng ta khỏi mọi sự dữ đang rình rập chung quanh cuộc đời chúng ta. Vì ngay cả đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ ngòai đồng” (Mt10,30-31)

Như vậy, nếu chúng ta vẫn còn sợ nghĩa là đức tin chúng ta còn yếu kém. Chúng ta còn sợ nghĩa là chúng ta chưa tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể làm ra mọi sự thì Ngài cũng có đủ sự khôn ngoan, sức mạnh để hướng dẫn mọi sự theo ý của Ngài. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn phó thác đường đời cho Chúa. Chính Người sẽ hướng dẫn và bảo vệ cuộc đời chúng ta trong tình yêu quan phòng của Ngài.

Cuộc đời luôn có những thăng trầm, nhưng chúng ta tin rằng chính Chúa sẽ dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của cuộc đời, miễn là chúng ta biết tin tưởng và cậy trông vào Chúa. Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài sẽ làm những việc tốt đẹp nhất cho cuộc đời chúng ta. Vì mạng sống chúng ta thật quý giá hơn so với vạn vật mà Ngài đã tạo dựng nên.

Có một anh sĩ quan trẻ. Một hôm anh đi du lịch bằng đường thủy với vợ con. Tàu rời bến được vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, còn anh thì bình thản như chẳng có gì xảy ra. Vợ anh trách là anh không quan tâm gì đến an nguy của vợ con. Anh không nói nhiều, vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Anh dí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu cô vợ tái mặt, nhưng liền sau đó bỗng cười lớn tiếng không tỏ gì là sợ hãi nữa.

– Viên sĩ quan nói: Làm sao em có thể cười khi anh dí mũi kiếm vào ngực em?
– Bà vợ đáp: Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người rất thương mến em!
– Anh chồng đáp: Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này, khi anh biết rằng nó ở trong tay của cha anh là người hằng yêu mến anh?

Ước gì chúng ta luôn dám gạt ra ngoài mọi nỗi sợ hãi. Hãy can đảm sống làm chứng cho Chúa và luôn tin tưởng phó thác cuộc đời trong bàn tay quan phòng của Chúa. Và cũng trong đức tin đó, chúng ta sẽ vượt thắng được mọi nghi nan, sợ hãi để tâm hồn luôn bình an hạnh phúc.

Lạy Chúa, Chúa đã chăm sóc từng con chim trên trời và đếm từng sợi tóc trên đầu chúng con. Xin gìn giữ, chở che cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng của Chúa luôn mãi. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Trao Ban Tất Cả Cho Mọi Người
(Lễ Thánh tâm Chúa Giêsu)

Trao ban là thước đo tình yêu. Ai trao ban nhiều thì người đó yêu thương nhiều; ai trao ban ít thì yêu thương ít.
Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, nên phải nhìn nhận rằng tình yêu Ngài dành cho chúng ta vô biên, vô hạn; biển yêu thương của Ngài bao la, không đáy, không bờ.

Giờ đây, chúng ta thử điểm qua một số tặng vật mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại.

1- Trao ban Lời hằng sống
Bởi vì “người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa nữa”; bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi chiếu” cho nhân loại trong đêm tối tâm linh; bởi vì “Lời Chúa đưa đến sự sống đời đời”… nên Chúa Giêsu đã mang Lời khôn ngoan của Thiên Chúa từ trời xuống tặng ban cho nhân loại, để họ được hạnh phúc đời này và được hưởng sự sống vĩnh cửu mai sau. Đây là món quà tối cần cho nhân loại.

2- Cống hiến công sức để phục vụ
Trong ba năm lên đường thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu dành nhiều công sức, thời gian, tâm huyết… của mình để loan Tin mừng cứu độ, để cứu chữa những người đau yếu tật nguyền và xua trừ ma quỷ.

3- Dốc hết hơi sức để cứu độ muôn người
Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu cam chịu đủ thứ sỉ nhục, phỉ nhổ, cáo gian, nhất là chịu đánh đòn tơi tả, chịu hành hình cho đến kiệt lực nên không đủ sức vác thập giá lên đồi Canvê; vì thế, người ta bắt Simon vác thập giá thay cho Ngài. Rồi khi bị treo thân trên thập giá, Ngài tắt thở trước hai tội nhân cùng chịu đóng đinh với mình. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã trút cạn hơi sức để đền tội cho chúng ta.

4- Trao ban thân mẫu
Trước khi Chúa Giêsu nhắm mắt tắt hơi và khi thấy có người mẹ yêu dấu đứng kề bên, đây là “kho báu” duy nhất còn sót lại với mình trên dương thế, Chúa Giêsu cũng trao ban mẹ Ngài cho chúng ta luôn, để chúng ta có mẹ hiền chăm sóc nâng đỡ trên đường đời.

5- Trao ban đến giọt máu cuối cùng
Cuối cùng, chẳng còn gì nữa, ngoại trừ chút ít máu và nước còn đọng lại trong đáy tim, Chúa Giêsu cũng không giữ lại cho mình. Ngài để cho tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Ngài, hiến ban cả đến giọt máu cuối cùng cho ta.

6- Trao ban Chúa Thánh Thần
Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, để Chúa Thánh Thần phù trợ, soi sáng, an ủi, dạy dỗ, hướng dẫn các ngài cũng như chúng ta trên hành trình về thiên quốc. Lời hứa ấy được Chúa Giêsu thực hiện sau khi từ cõi chết sống lại. Ngài hiện ra giữa các môn đệ, thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Và như ta biết, ngay cả Thiên Chúa Cha là Cha yêu quý của Ngài, Ngài cũng trao cho chúng ta, để Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta, để chúng ta được chung phận làm con với Ngài; rồi ngay cả thiên đàng là gia nghiệp của Ngài, Ngài cũng trao tặng cho chúng ta, để chúng ta cùng Ngài chung hưởng.

7- Trao ban Mình Máu Ngài
Khi không còn bất cứ thứ gì khác bên ngoài để trao ban, chỉ còn lại có bản thân mình mà thôi, thì Chúa Giêsu cũng đem cả bản thân mình ra làm quà tặng cho đời. Ngài hiến trao Thân Mình Ngài dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được hiệp thông mật thiết với Ngài, trở nên cùng huyết nhục với Ngài, nhờ đó, sự sống vĩnh cửu của Ngài được thông truyền cho chúng ta luôn.

Thế là, vì yêu thương chúng ta và để chúng ta được hạnh phúc, Chúa Giêsu không tiếc bất cứ điều gì đối với chúng ta. Ngài đã trao ban hết mọi sự cho chúng ta, nên bây giờ, Ngài không còn gì để cho thêm, vì đã cho sạch hết rồi.

Trao ban là thước đo của tình yêu. Chúa Giêsu trao ban tất cả mọi sự cho chúng ta, chứng tỏ tình thương Ngài bao la vời vợi, như đại dương không bờ, không đáy.

Lạy Chúa Giêsu. Chúa trao ban tất cả cho chúng con, không tiếc gì với chúng con, thế mà chúng con lại tiếc nuối, chẳng muốn dâng gì cho Chúa.

Chúa luôn rộng lượng với chúng con, còn chúng con thì hẹp hòi, so đo tính toán với Chúa. Xin cho chúng con từ nay đừng hẹp lòng với Chúa, nhưng biết quảng đại hiến dâng cho Chúa thời giờ, khả năng, sức khỏe để thờ phượng Chúa và hy sinh phục vụ những người lâm cảnh gian nan.

Không Còn Sợ Hãi Vì Có Chúa Chở Che

Có người mù nọ dò dẫm bước qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con sông nhỏ. Khi qua được nửa cầu, bất thần anh bị trượt chân và rơi xuống. May thay, anh vớ được cây tre bắc cầu. Thế là anh nắm chặt cây tre đó bằng cả hai tay và toàn thân anh được treo lơ lửng mà không rơi xuống nước, nhờ níu vào cây tre này.. Anh cố rướn mình đu người lên nhưng không đủ sức, vì hai cánh tay gầy guộc không kham nổi sức nặng của toàn thân.
Anh kinh hoàng tột độ! Sợ rằng lát nữa đây, khi đôi tay không còn sức níu, toàn thân anh sẽ rơi bõm xuống và dòng nước ác nghiệt sẽ kết liễu đời anh.
Đang khi còn treo mình lơ lửng như thế, anh hình dung ra biết bao nhiêu điều khủng khiếp sẽ xảy đến với mình trong chừng mươi phút nữa. Có thể anh sẽ rơi xuống ngay trên những mỏm đá lởm chởm giữa dòng sông và phải tan xương nát thịt. Rồi sau đó, thân xác anh sẽ bị cuốn theo dòng nước hung tợn và sẽ làm mồi cho tôm cá… Anh toát mồ hôi lạnh. Anh gào anh khóc thảm thiết, gào thật to để may ra có người nghe thấy và đến cứu mình.
Một số người đi qua thấy vậy bảo rằng: “Đừng sợ! Ta đang ở trong mùa khô và nước sông chỉ cao chừng nửa mét. Buông tay ra đi! Không hề hấn gì đâu! Chân anh chỉ cách mặt nước có một thước thôi mà.”
Nhưng anh không tin. Làm sao tin được người lạ! Biết đâu người ta lừa dối anh. Anh vẫn tiếp tục kêu gào, tiếp tục van xin người qua kẻ lại kéo anh lên.
Cuối cùng, kiệt sức, anh buông mình xuống trong tuyệt vọng.
Quá bất ngờ, anh rơi xuống dòng nước hiền hoà chỉ dâng cao ngang đầu gối, thấp hơn cây tre bắc cầu chừng 3 mét thôi! Anh cười lên khanh khách như một gã điên khùng! Cười sung sướng vì tưởng phải chết mà vẫn còn được sống và nhất là cười cho sự khờ khạo, ngu xuẩn của mình.

Như người mù trên đây, cuộc đời chúng ta bị bao trùm bởi vô vàn nỗi sợ do chính mình tạo nên.
Có người đang khoẻ thì sợ những chứng bệnh nan y có thể xảy đến trong nay mai; người đang có việc làm hẳn hoi thì sợ có ngày mất việc và túng thiếu; người đang còn trẻ thì sợ khi già yếu không ai phụng dưỡng chăm sóc; người đang yên ổn sống trong tiện nghi thì sợ mai đây khi thất cơ lỡ vận, không còn được thoải mái như hiện giờ…
Thế là con người tự tạo ra vô vàn nỗi sợ rồi để cho chúng đe doạ và khủng bố đời mình.
Chính vì nỗi sợ gây nên nhiều bất hạnh cho con người như thế, nên qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ba lần nhắn nhủ chúng ta đừng sợ vì có Chúa chăm sóc giữ gìn; nếu chúng ta có ngã, có rơi thì cũng chỉ ngã, chỉ rơi vào trong bàn tay êm ái của Ngài.
“Anh em đừng sợ người đời…” (Mt 10, 26)
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10, 28).
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 29-31).

Thế nhưng, như người mù ngu xuẩn kia không tin vào những lời trấn an của những người qua lại, chúng ta cũng không hoàn toàn tin vào lời Chúa, chúng ta vẫn cứ sợ, cứ lo và cứ để cho bao nỗi sợ đe doạ, khủng bố chúng ta suốt đời.

Lạy Thiên Chúa từ nhân. Xin cho chúng con tin rằng Chúa là Đấng quyền năng và là Cha giàu lòng thương xót, hằng che chở gìn giữ và giúp chúng con vượt qua tất cả phong ba bão táp trên đường đời.

Xin cho con vững tin rằng dù chúng con có vấp ngã và rơi xuống, thì luôn có bàn tay Chúa đỡ lấy chúng con. Và mai đây, khi phải từ giã đời nầy, chúng con sẽ không phải rơi vào cõi hư vô tăm tối nhưng là rơi vào lòng bàn tay nhân ái của Chúa mà thôi.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Tình Yêu Vô Tận
(Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Thánh Tâm Chúa! Nguồn tình yêu vô tận,
luôn chạnh lòng thổn thức nhịp yêu đương.
Thương nhân sinh đau khổ lắm đoạn trường,
như đàn chiên bơ vơ không định hướng.

Thương mảnh đời cô liêu nhiều gió chướng,
kiếp lầm than tìm kiếm của nuôi thân.
Chiều tàn mau, màn đêm phủ xuống dần,
phép lạ bánh hóa nhiều nuôi dân chúng.

Thương số phận chiên lạc nhiều nao núng,
Ngài băng rừng, vượt thác kiếm tìm chiên.
Chấp nhận gian nan, khó nhọc chẳng ưu phiền,
quyết tìm gặp, vác chiên trên vai, vui thỏa chí.

Ngài thương cảm nhọc nhằn người dũng khí,
kiếp lao đao đè nặng trĩu oằn vai.
Ngài đỡ nâng, an ủi kiếp đọa đày,
ách êm ái, gánh nhẹ nhàng,
Ngài cùng thông chia gánh nặng.

Thánh Tâm Chúa! Một Tình yêu ban tặng,
cho con người giải thoát kiếp điêu linh.
Ngài hiến thân chịu chết treo thập hình,
giọt máu cuối cùng hiến dâng,
chứng minh tình yêu bao la, không biên giới.

Thánh Tâm Chúa! Trí lòng con vươn tới,
xin đốt lên ngọn lửa mến tim con.
Lửa sắt son,
lửa nồng ấm,
lửa kiện toàn.
Để con yêu Chúa, yêu tha nhân,
bằng một tình yêu tự hiến.

Thánh Tâm Ngài tình nồng ấm vô biên…

AP. Mặc Trầm Cung

Đương Đầu
CN XII TN.A– (Mt 10, 26 – 33)

Sống giữa trần gian, đương đầu cuộc sống,
khó nhọc kiếm tìm của mặc, của nuôi thân.
Vất vả gian lao, ngàn nghịch cảnh xa gần,
những thử thách,
lòng can đảm,
sống lời Chúa,
con có đủ lòng tin, vươn mình vượt thắng…

Nỗi sợ hãi vây quanh, ngập tràn điều cay đắng,
giặc giã, thiên tai, đói kém cứ giăng đầy.
Động đất, sóng thần vùi dập khắp đó đây,
nạn khủng bố,
lời hăm dọa,
bắt bớ người,
cảnh tù đày làm tâm hồn con sợ hãi!!!

Tình Cha bao la, chính nguồn bình an thư thái,
tăng sức mạnh, giúp con can đảm bước vào đời.
Như cánh chim trời Cha gìn giữ, dưỡng nuôi,
“không con nào rơi xuống đất,
nếu Ý Cha không muốn”.

Tình Cha bên con giữa trăm ngàn cảnh huống,
con tín thác, hiến dâng nơi Thánh Ý quan phòng.
Dẫu bị bách hại, ngược đãi, kiếp long đong,
con vẫn vui,
vác Thập giá,
trung thành sứ mạng,
“vì từng sợi tóc trên đầu con,
Cha đã đếm trong tình thương diệu vợi”.

Mầu nhiệm Thập giá, nguồn vinh quang mong đợi,
ơn Cứu Độ nhân trần con can đảm tuyên xưng.
Đức Kitô Phục Sinh,
nhân loại bừng tỉnh trước Tin Mừng,
phúc âm hóa môi trường,
giới thiệu Đấng Tình Thương,
sống chứng nhân mạnh mẽ,
dù con phải đương đầu với bao giông tố.

Điều con sợ bây giờ, không phải là gian khổ,
sợ lòng hèn nhát,
sợ tội lỗi ươn hèn,
sợ Đấng Công Minh,
sợ phải trầm mình trong lửa diêm sinh nơi ngục tối.

Tình Cha yêu con luôn sáng soi đường lối,
con can đảm đương đầu,
“Không sợ !”
mạnh dạn lên đường đi loan báo tin vui.

AP. Mặc Trầm Cung