“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 10, 1-10)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ”. Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Cửa Chuồng Chiên ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Cửa Ràn Chiên Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 6
Khi Đau Khổ Chúa Ẵm Con Lên Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 8
Có Một Tương Quan Thật Lạ Lùng Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Mục Tử Hạt Nắng Trg 11
Mục Tử Nhân Lành Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Chúa Chiên Lành M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Chúa Chiên Lành A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Cửa Chuồng Chiên
Cửa có hai công dụng. Để đóng vào và để mở ra. Có những cánh cửa như cửa tù ngục để giam kín phạm nhân. Có những cánh cửa giam hãm, bưng bít con người không cho thông giao với thế giới bên ngoài. Có những cánh cửa lò sát sinh nhốt thú vật để giết chết. Đó là những cánh cửa đóng kín chết chóc, huỷ hoại. Có những cánh cửa mở ra đón gió mát, đón khí trong lành, đón ánh sáng mặt trời tươi vui. Có những cánh cửa mở ra những chân trời xa tắp, khơi lên trong tâm hồn mơ ước cao xa. Có những cánh cửa mở ra đón nhận anh em trong tình huynh đệ thân mến. Đó là những cánh cửa mở ra sự sống.
Hôm nay, Chúa Kitô nói: “Ta là cửa chuồng chiên”, Người đã tự nhận mình là cánh cửa. Chúa Giêsu là cánh cửa không phải để đóng kín giam hãm đàn chiên. Nhưng là cánh cửa mở ra.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra những chân trời vô tận.
Thỉnh thoảng ta nghe có dư luân xôn xao về ngày tận thế. Tất nhiên đó là một tin đồn thất thiệt, nhảm nhí, đượm mầu sắc mê tín dị đoan. Nhưng tin đồn đó cũng nói lên một sự thực là: Thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới hạn hẹp, sinh mạng con người là bèo bọt, kiếp sống con người là monh manh. Thật đáng buồn nếu con người chỉ có thế, bị kết án chung thân vào một thân xác mau tan rã, bị giam hãm trong một thế giới vật chất mau tàn tạ.
Chúa Giêsu Phục sinh đã phá vỡ vòng vây giam hãm đó. Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào một không gian vô tận. Từ nay con người không còn bị kết án chung thân vào thân xác mau tan rã nữa, vì Chúa Giêsu phục sinh đã mặc lấy thân xác vinh hiển không bao giờ chết. Từ nay con người không còn bị giam hãm trong thế giới vật chất mau tàn tạ nữa, vì Chúa Giêsu Phục sinh đã mở lối ra thế giới thần linh, trong đó con người sống trong tự do, không còn bị ràng buộc trong không gian. Đó là một thế giới mới, thế giới vĩnh hằng, không bao giờ tàn tạ, thế giới vô biên chẳng có giới hạn.
Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã đẩy lùi ranh giới của thế giới vật chất đến vô hạn. Khi mở cánh cửa vào thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã chắp cánh cho ước mơ của con người. Ước mơ ấy chẳng còn hạn hẹp trong những hạn chế của vòng vây thế giới, nhưng bay lên ngang tầm trăng sao để mơ những giấc mơ thần thánh. Khi mở cửa và thế giới thần linh, Chúa Giêsu đã giải phóng con người khỏi cảnh ngộ nô lệ vật chất hư hèn, nâng con người lên cuộc sống tự do của con Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là cánh cửa mở ra suối nguồn sự sống
Thật là vô lý nếu con người sống chỉ để chết. Thật là vô lý nếu chết là hết. Nếu định mệnh con người là như thế, thà không sống còn hơn. Mỗi khi vào bệnh viện, ta không khỏi suy nghĩ khi nhìn những bệnh nhân rên xiết, quằn quại đau đớn hoặc thấy những tấm thân gầy còm, những khuôn mặt hốc hác. Đó là cái chết đang sống hay là một sự sống đang chết? Đời sống như thế còn có ý nghĩa gì không?
Chúa Giêsu đã bước vào thế giới kẻ chết để chiến đấu chống lại thần chết. Người đã chiến thắng. Và khi Người mở cửa mộ bước ra, Người đã mở cánh cửa dẫn vào một cuộc sống mới. Cuộc sống mới là một cuộc sống trọn vẹn bởi vì không còn bóng dáng Thần chết. Cuộc sống mới là một cuộc sống sung mãn bởi vì chẳng còn vết tích của đau khổ, bệnh tật, đói khát. Cuộc sống mới là một cuộc sống siêu nhiên trong đó con người được nâng lên làm con Thiên Chúa, được tham dự vào chính sự sống của chúa. Cuộc sống mới là một cuộc sống hạnh phúc vì được kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong một tình yêu trọn hảo.
Như thế cuộc sống con người vẫn có một hướng đi lên, để được nâng cao, để được phong phú, để được hoàn hảo. Chính vì thế mà dù biết cuộc sống khổ đau, người ta vẫn vui mừng khi một em bé chào đời. Chính vì thế người ta vẫn ăn mừng sinh nhật, coi đó là ngày trọng đại trong đời người.
Chính Chúa Giêsu đã biến đổi thân phận con người. Con người sinh ra không phải để chết, nhưng để sống, sống sung mãn, sống trọn vẹn, sống vĩnh viễn trong suối nguồn sự sống.
Nhưng để mở ra cho ta những chân trời vô tận của con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chịu nhận lấy kiếp sống mong manh, phù du, bèo bọt của con người. Để mở ra cho suối nguồn sự sống, Người đã phải đón nhận cái chết đau đớn. Người chính là vị Mục tử chân chính đã thí mạng vì đàn chiên.
Chúa Giêsu quả thật là cánh cửa mở ra cho đàn chiên đi đến những chân trời xa rộng, đi đến những đồng cỏ xanh tươi, đi đến những dòng suối trong lành.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là cánh cửa duy nhất dẫn đến sự sống, ta hãy theo sát gót Người. Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Tôi có theo vào cửa Người hay tôi đã chọn nhầm cửa khác?
2. Chúa Giêsu là cánh cửa mở. Tôi có thường đóng cửa, ngăn không cho người khác vào?
3. Chúa Giêsu đã hiến mạng sống để mở cửa cho tôi. Tôi có sẵn sàng hi sinh để mở cửa thêm rộng không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Cửa Ràn Chiên
Chương 10 Phúc Âm Gioan chia thành hai mảng đề tài: Mục Tử nhân lành và Lễ Cung Hiến Đền Thờ. Mảng đề tài thứ nhất lại đưa ra hai hình ảnh: cửa ràn chiên (câu 1-10) và người mục tử nhân lành (câu 11-18). Phụng vụ ngày Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay triển khai hình ảnh thứ nhất là chủ yếu: “Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Trong nội dung đó Đức Giêsu đề cập tới một hạng mục tử chân chính nào đó mà điều kiện tiên quyết là, họ phải là những mục tử ‘đi qua cửa’: ‘ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử’. Người xác định: chỉ những mục tử đi qua cửa mới có thể có các phẩm chất tốt đẹp của một mục tử nhân lành như ‘chiên nghe tiếng anh…; gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra…; anh ta đi trước và chiên đi theo sau…; chúng nhận biết tiếng của anh…” Như vậy, bất cứ mục tử nào (trong Hội Thánh), nếu muốn cho mình là mục tử chân chính đều phải sở đắc được cái biểu hiện tiên quyết là “người giữ cửa mở cho anh ta vào’, bởi vì bất cứ ai ‘trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp’.
Những ngày còn làm việc ở Mông Cổ đã cho tôi hiểu được thế nào là ràn chiên và cửa ràn chiên. Những người chăn chiên chuyên nghiệp ở đó đều là dân du mục (tương tự như chăn vịt chạy đồng ở xứ ta) cứ tối đến họ lùa chiên vào ràn. Ràn không phải là một thứ chuồng trại cố định như heo bò của ta; ràn (tiếng Anh chính xác dịch là ‘enclosure’) thông thường là một miếng đất trống gần lều trại du mục, được rào dậu bằng đá xếp hoặc bằng cành cây. Tối đến chiên thuộc nhiều đàn khác nhau được lùa vào ràn qua một lối mở duy nhất mà họ gọi là cửa. Sẽ có một người trực đêm canh gác bên đống lửa đốt ngay giữa lối ra vào được che chắn cách sơ sài, để rồi sáng sáng các người chăn chiên sẽ vào lùa đàn chiên của mình ra dưới sự giám sát của người gác cửa trực đêm. Chỉ khi nào thấy có những biểu hiện thuận thảo giữa chiên và người chăn dắt, anh giữ cửa hay trực đêm mới xác định được người chăn chiên đó quả thật là mục tử của đàn vật anh đang lùa đi ăn, và cho phép người đó dắt chiên của mình ra khỏi ràn.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: tại sao Đức Giêsu lại so sánh mình với cửa ràn chiên trước cả khi giới thiệu mình là mục tử nhân lành?
Hãy nhớ rằng đám thính giả đang nghe những lời tự giới thiệu này là các Pharisêu, “Thật, tôi bảo thật các ông…” Nhóm này trong Gioan chương 9 đã có cuộc đối chất căng thẳng với Đức Giêsu về việc chữa lành người mù từ thuở mới sinh. Chính họ đã nêu lên lời phảng bác: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?” Phải, chính với nhóm lãnh đạo này mà Đức Giêsu muốn xác định: “Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp”.
Các Pharisêu nói riêng và các thượng tế, các trưởng lão kinh sư Do Thái nói chung, dựa vào luật pháp mà Môsê đã ban hành mà biện minh cho vị thế lãnh đạo của họ; trong tư thế đó họ không quan tâm tới điều gì khác hơn là, làm sao cho Lề Luật được tuân giữ cách cặn kẽ. Nhiều giai thoại cho thấy, chính thái độ này đã làm cho các Pharisêu thường xuyên có thái độ cực đoan, xét nét, và khắt khe với đám quần chúng bên dưới… tới độ Đức Giêsu đã phải nghiêm khắc lên án: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Phairisêu giả hình! các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào các người cũng không để cho họ vào!” (Mt 23:13) Vấn đề chính ở đây là: đối với các Pharisêu, cũng như với bất cứ ai chăn dắt bằng luật pháp, sẽ không hề có cửa hoặc không thể có bất cứ ra vào nào; luật pháp tự nó bao giờ cũng đóng lại, cũng khép kín, và có khuynh hướng ngày càng khắt khe, bưng bít, ngăn chặn hơn.
Với những con người như thế, thật là ý nghĩa khi Đức Giêsu trịnh trọng tự giới thiệu: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào!” Đây quả là khác biệt một trời một vực giữa Tin Mừng cứu độ với tôn giáo của luật pháp: một bên là rộng mở, còn bên kia là đóng chặt. Đức Giêsu đang giới thiệu mình như một Môsê mới, mới ở đây không có nghĩa là cùng một Môsê luật pháp được đánh bóng lại cho sáng đẹp hơn, nhưng là một tác phẩm hoàn chỉnh so với một phác thảo đầy những khiếm khuyết cần được chỉnh sửa, đôi chỗ rất cơ bản, và có lẽ điểm cơ bản nhất chính là, “Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Bất cứ luật pháp nào cũng không thể khẳng định được điều này, trự phi đó là ‘luật pháp’ của tình yêu, của lòng nhân từ và cứu vớt! Thiết tưởng trước khi tự giới thiệu mình là Mục Tử nhân lành, Đức Giêsu đã sử dụng hình ảnh ‘cửa ràn chiên’ là để khảng định: mình chính là Luật Pháp mới của lòng nhân từ và cứu độ; do đó Người lên tiếng quả quyết: “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử”. Đương nhiên các Pharisêu không thể chấp nhận được lối lãnh đạo mới này, đơn giản là vì họ vẫn khư khư với luật pháp của Môsê, và không tin vào Đức Giêsu với thái độ ‘cứu vớt’ của Người (xem toàn bộ giai thoại chữa người mù từ thuở mới sinh trong Phúc Âm Gioan chương 9). Thậm chí họ còn lên tiếng kết án cách cay độc: “Ông ấy bị quỉ ám và điên khùng rồi, nghe ông ta làm gì!” (Ga 10:20)
Trong bối cảnh của Giáo Hội hôm nay, có thể đối tượng chính của bài Tin Mừng này sẽ chính là giới giáo sĩ chúng ta – những người được mệnh danh là linh mục, tức là mục tử của Đức Kitô; đã là linh mục trong một Hội Thánh cứu độ thì, luật pháp đối với chúng ta không thể là gì khác hơn là Đức Kitô – ‘cửa ràn chiên’. Chính thông qua cửa ràn đó và chỉ qua cửa đó thôi, mà công tác mục vụ của chúng ta được thi hành và triển khai. Giáo Hội đã chẳng luôn nhắc nhở chúng ta rằng, luật tối thượng của toàn bộ giáo luật chính là nhằm cứu vớt các linh hồn là gì? Chỉ có như thế tôi mới có thể là mục tử như lòng từ nhân như Chúa mong muốn, “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra; khi đã cho chiên ra hết, anh đi trước và chiên đi theo sau vì chúng nhận biết tiếng của anh!”
Lạy Chúa là ‘cửa ràn chiên’, dầu con đã được học toàn bộ sách giáo luật của Giáo Hội Công Giáo… nhưng con biết rằng: chính Chúa mới đích thực là cửa ràn chiên, là ‘Giáo Luật’ mà con phải ra vào trong công tác mục vụ của mình. Nếu chỉ quan tâm tới luật pháp, kể cả luật Hội Thánh cao đẹp, con vẫn luôn có nguy cơ trở thành như các Pharisêu ‘khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào’. Xin ‘Người Giữ Cửa’ mở cho con được vào ràn mỗi sáng tối khi con dâng Thánh Lễ, để qua đó các chiên sẽ không còn thấy tiếng con xa lạ mà chạy trốn. Ước gì chúng cũng luôn nghe được tiếng nói của lòng nhân ái và tự hiến của Chúa vang vọng nơi con! Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Khi Đau Khổ Chúa Ẵm Con Lên
Mỗi khi nhìn thấy những đau khổ của tha nhân hay những bất hạnh xảy ra chung quanh, trong tâm hồn tôi lại phảng phất lời bài hát Dấu chân của Đức Cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống với giai điệu mượt mà:
“Bao nhiêu dấu chân qua, bấy nhiêu niềm cảm tạ.
Đôi khi có những bước phôi pha, mà hình bên bóng chẳng rời xa.
Hôm nao thấy dấu chân đôi: Đó là Chúa đi bên tôi.
Hôm nào còn một dấu chân thôi: Là bởi vì Chúa ẵm tôi lên rồi”.
Lời bài hát dựa trên một giấc mơ kể rằng: Có một chàng trai ngày nào cũng đi dạo bộ với Chúa Giêsu trên bãi biển rất êm ả và bình yên. Chàng thích thú vì những dấu chân song hành như hai người bạn. Đến một ngày sóng to gió lớn, chàng lại chỉ thấy có một dấu chân. Trong hoảng hốt và sợ hãi, chàng hỏi Chúa đi đâu lúc cuộc đời đầy biến động. Chúa trả lời: “Chính những lúc ấy Ta đang bồng bế con trên tay”.
Suy nghĩ của chàng thanh niên cũng là suy nghĩ của nhiều người chúng ta. Khi đau khổ dường như chỉ thấy dấu chân của mình lê thê bước, nhưng đâu hiểu rằng dấu chân ấy là chính Chúa đang nỗ lực dìu chúng ta qua khổ nạn.
Nhìn vào lịch sử cứu độ chúng ta thấy có rất nhiều vị thánh đã được Thầy Giêsu dìu qua khó khăn những đoạn đường đắng cay của cuộc đời. Chúng ta thử đồng hoá mình với những nhân vật trong Tin Mừng để thấy Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta bao giờ. Nhất là trong những lúc bị hiểu lầm, bị kết án, bị khổ đau bởi nghèo đói và bệnh tật.
Hãy nhìn xem một Madalena bị xã hội lên án, ruồng bỏ…lại được ngồi dưới chân Chúa. Một Giakêu bị xếp vào hạng người bất chính, lại được Chúa đồng bàn ăn uống…
Hãy nhìn xem người bất toại đã quá nửa đời người nằm ăn xin ở Betsaida hay người phụ nữ bị băng huyết đã quá khổ bởi bệnh tật, và biết bao người phong hủi sống lấy lất bên ngoài xã hội, thế mà Chúa đã đến và giải cứu họ.
Hãy nhìn xem những người bị ma quỷ khống chế đến nỗi chẳng còn là người, sống lây lất, điên rồ thế mà Chúa đã cho họ trở về trong tự do của con người.
Dường như Chúa không bỏ rơi một ai đang đau khổ, điều cần là sự kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và luôn xác tín sự hiện diện của Chúa trong đời sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống đầy gian truân.
Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.
Người mục tử không bỏ đàn chiên mà hết lòng ra tay cứu giúp. Ngài vẫn tiếp tục cúi xuống băng bó từng vết thương và cõng trên vai và đưa về ràn trong tình yêu bao bọc của Ngài.
Giữa khủng hoảnh Covid 19 nhân loại cảm tưởng như đang đơn độc đối phó với sự dữ, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và sợ hãi. Nhưng hãy tin vào Thiên Chúa. Ngài im lặng cũng có lý do. Giống như cha mẹ khi thấy con cái khổ đau, tuy không nói ra nhưng vẫn tìm cách để cho con cái bớt khổ đau. Thiên Chúa chúng ta tốt lành, chắc Ngài cũng khổ nhiều khi nhân loại chìm trong khổ sầu. Ngài cũng đang nói với chúng ta giữa cơn gian nguy này, hãy để lòng mình trong thinh lặng sẽ nghe được tiếng sáo của người mục tử đang gọi đàn. Hãy về hợp đoàn. Hãy đến với lòng thương xót của Chúa để tìm sự bình an giữa trăm bề sự dữ. Hãy để Thiên Chúa lo liệu mọi sự cho chúng ta và hãy an tâm phó thác nơi Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Có Một Tương Quan Thật Lạ Lùng
Khi giới thiệu một nhân vật quan trọng cho công chúng thì người ta sẽ nêu lên tước vị, vai trò hay học vị cao nhất của người đó để cho mọi người nể trọng, chẳng hạn: Đây là ngài tổng thống… Đây là giáo sư tiến sĩ… Đây là khoa học gia nổi tiếng…
Thế mà qua đoạn Tin Mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài bằng một danh hiệu thật lạ kỳ và đáng kinh ngạc. Ngài nói: “Tôi là cửa chuồng chiên!” (Ga 10,7).
Vì sao Chúa Giêsu lại tự giới thiệu mình với một vai trò quá đỗi tầm thường như thế?
Xưa kia, tại Do Thái, để canh giữ đoàn chiên ban đêm, người chăn chọn một bãi đất trống ngoài đồng rồi rào dậu chung quanh, chỉ chừa một lối hẹp cho chiên ra vào mà không có cửa. Ban đêm, sau khi đã lùa chiên vào ràn, người chăn nằm ngay lối ra vào chật hẹp đó thay cho cánh cửa. Thế là chiên bên trong không thể ra bên ngoài được vì đã có người chăn chặn lối, kẻ trộm bên ngoài cũng không vào trong ràn bắt chiên được vì người chăn đã chắn lối đi. Như thế, người chăn trở thành một “cánh cửa sống” bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tự xưng mình là “cửa chuồng chiên” như thế đó.
Thân thế của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu, Đấng xưng mình là người chăn chiên, là cửa chuồng chiên… lại có thân thế rất diệu kỳ.
Ngài chính là Ngôi Lời, tức là Thiên Chúa Ngôi Hai, đã hiện hữu từ lúc vũ trụ chưa được tác thành, như Tin Mừng Gioan cho biết: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời… Ngôi Lời là Thiên Chúa.”
Ngài cũng chính là Đấng tạo dựng nên vũ trụ càn khôn: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).
Thế mà, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Ngài cư ngụ giữa chúng ta để làm gì?
– Để chia vui với người vui như Ngài đã tham dự tiệc cưới tại Cana và làm phép lạ đầu tay cho nước hóa nên nhiều rượu ngon cho mọi người vui hưởng;
– Để khóc với người khóc như Ngài đã khóc thương trước mồ Lazarô khi thấy cô Maria nức nở khóc thương em mình đã chết;
– Để cảm thông với vô vàn đau đớn, khốn khổ của nhân loại, của những người bệnh hoạn tật nguyền… Vì thế, Ngài đã làm cho người mù được thấy, người què được đi, người câm được nói, người phong hủi được lành sạch…
Thế là Ngài đã tạo nên một tương quan rất đặc biệt, rất độc đáo với con người.
Tương quan đó thế nào?
– Ngài là Đấng Tạo hóa, đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận, so với Ngài, con người chẳng là gì cả. Vậy mà Ngài vẫn trân trọng chúng ta, yêu quý chúng ta, quan tâm chăm sóc từng người chúng ta.
– Ngài là Chúa tể trời đất, là vua hoàn vũ cao sang phép tắc, quyền năng vô lượng, còn chúng ta chỉ là thần dân nhỏ bé; nhưng Ngài vẫn quý mến chúng ta, không xem chúng ta như người dân đen vô danh tiểu tốt.
Vậy thì tương quan giữa Ngài với chúng ta như thế nào?
Thưa, đó là tương quan bạn bè! Ngài trở nên bạn hữu của chúng ta, Ngài thân ái gọi chúng ta là bạn, như lời Ngài nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,15).
Và qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu xác lập thêm một tương quan mới giữa Ngài với chúng ta, đó là tương quan giữa người chăn và đoàn chiên. Như người chăn chiên tốt, Ngài thấu hiểu từng con chiên một, gọi đích danh từng con trong đoàn, Ngài đi trước dẫn chiên theo sau và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Và đặc biệt hơn nữa, Ngài tự ví mình như cánh cửa chuồng chiên.
– Cánh cửa này đóng lại vào ban đêm để bảo vệ chiên khỏi tay trộm cướp, khỏi nanh vuốt của thú rừng;
– Cánh cửa này mở ra vào ban ngày để đưa chiên đến đồng cỏ xanh, đến nguồn suối mát… vì mục đích Ngài đến trần gian là “để cho chiên Ngài được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa hạ mình xuống thật thấp để nâng chúng con lên thật cao; Chúa chấp nhận làm người để nâng loài người lên hàng con Thiên Chúa; Chúa tự xóa mình đi, gác bỏ vinh quang, quyền lực qua một bên để hóa thân làm người phàm yếu đuối, để đồng cam cộng khổ với chúng con, để nên bạn bè thân thiết, chia vui sẻ buồn với chúng con và thậm chí còn trở thành cánh cửa chuồng chiên để che chắn, bảo vệ chúng con là đoàn chiên của Chúa.
Xin cho chúng con hiểu cho thấu tình thương sâu đậm Chúa dành cho chúng con và sống sao cho xứng với tình yêu đó.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Mục Tử
CN 4PS.A – (Ga 10, 1 – 10)
Mục Tử nhân lành thương xót chiên
Đêm ngày canh giữ vui bình yên
Quan tâm chăm sóc luôn bền chí
Ấp ủ dưỡng nuôi chẳng ngại phiền
Thí mạng quên mình dù khốn khó
Hiến thân cứu chuộc dẫu oan khiên
Cánh Cửa Nước Trời ban nguồn sống
Tuôn đổ phúc lành ơn thánh thiêng.
Hạt Nắng
Mục Tử Nhân Lành
CN 4PS.A – (Ga 10, 1 – 10)
Ham cỏ lạ con sa cạm bẫy,
mê phù hoa chỉ thấy nguy cơ.
Mong manh, bạc bẽo, bơ phờ,
tấm thân tiều tụy mịt mờ tương lai.
Kiếp chiên hoang đường dài dong duổi,
sự sống mòn đuổi bắt phù du.
Bóng đêm lạnh lẽo âm u,
cung lòng thổn thức tâm tư nặng sầu.
Người Mục Tử dãi dầu sương gió,
tìm kiếm chiên bày tỏ tình thương.
Đưa chiên thoát cảnh tình trường,
thoát vùng tăm tối dẫn đường chiên đi.
Bên đồng cỏ xanh rì, suối mát,
chiên chung “ràn” ca hát vui tươi.
Dưỡng nuôi lương thực bởi Trời,
cánh cửa sự sống có Người giữ canh.
Người Mục Tử Nhân Lành chí ái,
chết vì chiên, quảng đại hy sinh.
Mở cửa cuộc sống thần linh,
ban nguồn hạnh phúc ân tình bao la.
Cửa Trời tuôn đổ Tình Cha…
Bâng Khuâng Chiều Tím
Chúa Chiên Lành
CN 4PS.A – (Ga 10, 1 – 10)
Hân hoan con về,
sống trong ràn chiên của Chúa,
sống trong ân tình,
vòng tay Mục Tử thuơng yêu.
Chữa lành đời con bao năm tháng tiêu điều,
trả lại cho con hương tình tháng ngày xưa.
Bao năm xa đàn,
chiên hoang lầm đường lạc lối,
Chúa quên thân mình,
tìm chiên giữa chốn trần gian.
Lỗi lầm thứ tha, tình yêu Chúa vô vàn,
cỏ ngọt xanh tươi ân tình đã lên ngôi.
Ngài là Mục Tử,
giải phóng đời con, dẫn dắt đời con,
dẫu ngàn hiểm nguy, có Ngài cùng đi,
con chẳng sợ gì.
Ngài là Mục Tử,
canh giữ đàn chiên, chăm sóc đàn chiên,
hiến mình vì yêu, lương thực nuôi thân,
Mục Tử Nhân Lành.
Hân hoan vào đời,
tin yêu Lòng Thương Xót Chúa,
vững tâm trung thành,
đường đời dù lắm chông gai.
Mở cửa ràn chiên trung kiên bước theo Ngài,
cùng Ngài hàn huyên nhân thế chuyện nắng mưa.
M.Madalena Hoa Ngâu
Chúa Chiên Lành
CN IV PS.A – (Ga 10, 1 – 10)
Lầm lỡ một đời con, Chúa ơi!
say men trần thế tiếng gọi mời.
Danh vọng, tiền tài vui lạc thú,
xa đàn bỏ chủ sống chơi vơi.
Chua xót phận đời con long đong,
tù hãm, đắng cay, tái tê lòng.
Sài lang quyến rũ thiên đường ảo,
gục ngã bên đời tàn ước mong.
Chiên ngoan nghe tiếng của chủ chăn,
Mục Tử – Đấng chăn chiên tốt lành.
Đưa chiên thoát khỏi vùng cằn cỗi,
suối mát đưa về gặm cỏ xanh.
Hy sinh mạng sống cứu đàn chiên,
giữ cửa cho chiên giấc ngủ hiền
Canh chừng địch thủ mưu sát hại,
phá hoại chiên lành sống bình yên.
Chiên lạc đời con, Chúa đưa về,
rửa sạch tội tình kiếp u mê.
Sự sống Thần Linh nguồn sống mới,
sữa – mật dồi dào sống phủ phê.
Đời con thoát kiếp sống bơ vơ,
như sóng biển vui vỗ vào bờ.
Hát ca vui bước theo đường Chúa,
tán tụng ân tình, vụng vần thơ.
AP. Mặc Trầm Cung