“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24, 13-35)
Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Đường Emmaus & Đường Hy Vọng ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Phục Sinh Và Sứ Điệp Bẻ Bánh Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 6
Khi Con Đau Khổ Chúa Ở Đâu? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 8
Đón Nhận Hay Khước Từ Lời Chúa? Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 10
THƠ TIN MỪNG
Đường Hy Vọng Hạt Nắng Trg 11
Ánh Sáng Niềm Tin Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 12
Chúa Vẫn Đồng Hành M. Madalena Hoa Ngâu Trg 13
Đường Emmauus Hôm Nay A.P Mặc Trầm Cung Trg 14
Đường Emmaus
Đường Emmaus thật lạ kỳ. Cùng một con đường, cùng một buổi chiều mà hai môn đệ đi lại hai lần, mỗi lần lại mỗi dáng vẻ hoàn toàn khác nhau. Khi đi thì đường xa vời vợi, mãi không thấy đến. Lúc về thì sao chóng vánh, chưa đi đã đến. Khi đi thì ảo não u sầu. Lúc về lại phấn khởi hân hoan. Khi đi trời còn sáng mà tưởng như đi trong đêm đen. Lúc về trời đã tối mịt mà tưởng đi giữa ban ngày. Khi đi tuyệt vọng chán chường. Lúc về tràn đầy hi vọng. Chắc hẳn ai cũng hiểu, lúc về có kết quả tốt đẹp như thế là vì hai môn đệ đã gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Chúa Kitô Phục Sinh làm nên khác biệt. Gặp Chúa Kitô Phục Sinh là bí quyết giúp thay đổi cuộc đời, giúp cuộc đời có ý nghĩa, có niềm vui, có hi vọng và có lẽ sống.
Nhưng làm thế nào để gặp được Chúa Kitô Phục Sinh? Thực ra sau khi phục sinh, Chúa không còn bị giới hạn trong không gian. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở ngay bên ta. Nhưng ta không thấy được Ngài và có khi thấy nhưng không nhận ra Ngài. Muốn gặp Ngài và nhận ra Ngài, ta hãy học hỏi bí quyết của hai môn đệ Emmaus: bí quyết đó là xây dựng những cộng đoàn chia sẻ.
Trước hết là chia sẻ Lời Chúa. Hai môn đệ không đi một mình nhưng lúc nào cũng bên nhau. Hai môn đệ không nói chuyện vu vơ, nhưng cùng nhau nhớ đến Chúa, nói chuyện về Chúa, chia sẻ tâm tư về Chúa. Các ngài đã thực hành Lời Chúa: “Ở đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thày thì Thày ở giữa họ”. Chúa đã thực hiện lời hứa nên đã đến đồng hành với các môn đệ. Hơn nữa, Chúa còn chia sẻ Lời Chúa giúp các ngài hiểu biết và yêu mến Lời Chúa.
Tiếp đến là chia sẻ bác ái. Chúa giả vờ muốn đi xa hơn. Nhưng các môn đệ van nài: “Xin ở lại với chúng tôi vì trời đã chiều và ngày sắp tàn”. Thật cảm động khi lỡ đường mà được mời chia sẻ một mái nhà, dù chỉ là quán trọ. Và chia sẻ một bữa ăn dù đơn sơ đạm bạc. Nếu các môn đệ không có lòng bác ái chia sẻ như thế, có lẽ Chúa đã bỏ đi. Cảm động trước tấm lòng chia sẻ chân thành nên Chúa đã ở lại. Các môn đệ đã thực hành Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Nhờ chia sẻ bác ái, các ngài đã được gặp Chúa. Và chính Chúa đã ở lại để chia sẻ tâm tình với các ngài.
Sau cùng là chia sẻ Thánh Thể. Ngồi vào bàn, Chúa Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Đúng như cử chỉ Chúa làm khi lập phép Bí tích Thánh Thể. Mắt các môn đệ mở ra và nhận ra Chúa. Phép Thánh Thể cho các ngài bảo chứng về sự hiện diện của Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài niềm vui được gặp gỡ Chúa. Phép Thánh Thể ban cho các ngài sức sống mới để tiếp tục xây dựng các cộng đoàn chia sẻ rộng lớn hơn. Từ đó nhân lên các cộng đoàn chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ bác ái và chia sẻ Thánh Thể đi khắp thế giới.
Tôi rất vui mừng vì giáo xứ nhà thờ chính tòa chúng ta đang phấn đấu xây dựng thành một cộng đoàn theo gương các môn đệ. Cha xứ và anh chị em đang tích cực khuyến khích nhau học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, khuyến khích tổ chức các nhóm họat động từ thiện bác ái, và khuyến khích mọi người đến tham dự thánh lễ ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu Chúa đang ở giữa chúng ta. Có Chúa hiện diện tôi tin chắc cộng đoàn giáo xứ chúng ta sẽ được ơn biến đổi, sẽ tràn đầy niềm vui, niềm bình an, sẽ ngày càng thêm đoàn kết yêu thương và sẽ hăng hái đi loan Tin Mừng. Xin Chúa cho con đường cộng đoàn chúng ta đang đi trở nên con đường Emmaus, khi đi dù có khó khăn vất vả, nhưng với sự phấn đấu ta sẽ gặp Chúa và đường về sẽ tràn ngập niềm vui.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh hồn. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Có những cuộc gặp gỡ đốt nóng lên ngọn lửa yêu mến, hăng hái nhiệt tình trong tâm hồn. Bạn có kinh nghiệm này bao giờ chưa?
2) Gặp Chúa Giêsu đã biến các môn đệ thành những con người khác hẳn. Bạn có mong ước được gặp Chúa để thay đổi cuộc đời không?
3) Để sống tinh thần chia sẻ, bạn phải làm gì?
Đường Hy Vọng
Bài Tin Mừng hôm nay thật đẹp. Đẹp vì lời văn óng ả. Đẹp vì tình tiết ly kỳ. Đẹp vì tình nghĩa đậm đà. Đẹp vì những tư tưởng thần học thâm sâu. Nhưng đẹp nhất là vì bài Tin Mừng chất chứa một niềm hy vọng trong sáng, xua tan mọi bóng tối thất vọng não nề.
Hai môn đệ rời Giêrusalem trở về làng cũ. Giêrusalem là trung tâm tôn giáo. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của sa sút niềm tin. Giêrusalem là trung tâm hoạt động. Rời Giêrusalem là dấu hiệu của chán nản buông xuôi. Trước kia hia ông đã bỏ nhà cửa, gia đình để đi theo Chúa Giêsu. Nay hai ông trở về như hai kẻ thua cuộc. Ngày ra đi ôm ấp giấc mộng thành đạt. Ngày trở về ôm nặng một mối sầu. Sầu vì đã mất Người Thầy yêu quí. Sầu vì giấc mộng không thành. Hai linh hồn sầu não, thất vọng lê bước trong ánh mặt trời chiều.
Những giữa lúc buồn tủi, thất vọng ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện. Lập tức ánh sáng rực lên giữa màn đêm đen. Niềm vui rộn rã xoá tan u sầu. Ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những trái tim lạnh giá. Vì Chúa Giêsu đã đem đến cả một trời hy vọng.
Đọc trong bài Tin Mừng, ta thấy Chúa Giêsu đã nhen nhúm niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmau bằng ba loại ánh sáng.
1) Ánh sáng đức tin thắp lên niềm hy vọng.
Hai môn đệ đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu từ đầu cho đến cuối. Các ông đã thấy biết bao nhiêu phép lạ Người làm. Các ông đã nghe biết bao lời hay ý đẹp từ miệng Người phán ra. Các ông đã công nhận Người là một “Ngôn sứ đầy uy thế xét về việc làm cũng như lời nói”. Các ông đã hy vọng Người là Đấng giải thoát Israel. Nhưng cuộc thương khó và cái chết của Đức giêsu khiến các ông chán nản và thất vọng. Đến nỗi khi các phụ nữ ra mộ, gặp Thiên Thần báo tin Chúa đã phục sinh, về kể lại cho các ông vẫn không tin.
Bấy giờ Chúa Giêsu bảo các ông “Lòng trí các anh sao mà chậm tin lời các ngôn sứ vậy”. Chúa Giêsu kêu gọi đức tin trở về. Chúa Giêsu khơi dậy đức tin đã lụi tàn bằng cặp mắt phàm trần và các ông không hiểu gì. Khi có đức tin, các ông sẽ hiểu tất cả. Đức tin là nguồn ánh sáng giúp ta nhìn ra ý nghĩa của các biến cố trong cuộc đời. Đức tin là đốm lửa thắp lên niềm hy vọng giữa đêm đen tuyệt vọng.
2) Ánh sáng Lời Chúa gieo mầm hy vọng.
Hai môn đệ đã đọc Kinh Thánh. Các ông thuộc vanh vách sách Lề Luật Môsê, các Ngôn sứ và Thánh vịnh. Thế nhưng các ông vẫn thất vọng. Vì các ông đọc Kinh Thánh mà không hiểu Kinh Thánh. Các ông học Kinh Thánh như học một bài thuộc lòng. Các ông đọc Kinh Thánh như đọc một bản văn cổ, chỉ có những con chữ vô hồn.
Chúa Giêsu phải giải thích Kinh Thánh cho các ông. Bắt đầu từ sách Lề Luật, rồi lời các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh. Khi nghe Chúa nói, tim các ông rộn ràng niềm vui, trí các ông bừng sáng như thể một ngọn lửa nhen nhúm trong lòng. Chúa Giêsu đã dạy các ông một cách đọc Kinh Thánh mới mẻ. Phải đọc giữa những hàng chữ để thấy rõ những ý nghĩa nhiệm mầu. Phải tìm sau những hàng chữ để thấy được ý định kỳ diệu của Thiên Chúa. Phải đọc Kinh Thánh dưới sự hiện diện của Thiên Chúa. Phải thấy bóng dáng Thiên Chúa thấp thoáng suốt những trang sách. Và phải đọc Kinh Thánh với một trái tim yêu mến tha thiết.
Khi trái tim mở rộng đón nhận, Lời Chúa sẽ gieo vào hồn ta những mầm mống hy vọng. Và cuộc đời sẽ thấy lại ý nghĩa, tìm được niềm vui.
3) Ánh sáng Thánh Thể nuôi dưỡng niềm hy vọng
Niềm hy vọng trở thành hiện thực khi Chúa Giêsu bẻ bánh. Chính qua cử chỉ bẻ bánh mà các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh. Niềm hy vọng không còn là hy vọng nữa, nhưng đã trở thành hiện thực. Hết còn những bàn tin bán nghi. Hết còn những hoang lo lắng. Hết còn những thấp thỏm lo âu. Vì các ông đã gặp được chính niềm hy vọng.
Cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua, nhưng các ông đã mãn nguyện. Chúa Giêsu bẻ bánh là nhắc lại cử chỉ khi lập phép Thánh Thể. Nhờ phép Thánh Thể toàn bộ con người các ông đổi mới. Dường như một linh hồn mới vừa nhập vào những xác thân mệt mỏi rã rời. Dường như dòng máu đã trở nên đỏ thắm. Dường như những tế bào đã trở nên tươi trẻ. Dường như trái tim đã trở nên rộn rã nhịp yêu đời. Lập tức các ông trở lại Giêrusalem. Đường đi khi trời còn sáng mà thấy xa xôi ngại ngùng. Đường đi về lúc trời đã tối đen mà sao thấy tươi vui gần gũi. Lúc đi có Chúa ở bên mà vì con mắt đức tin mù tối nên vẫn thấy buồn sầu. Lúc về tuy vắng bóng Chúa vẫn an tâm vì con mắt đức tin đã mở ra, vì vẫn biết có Chúa ở bên. Thánh Thể Chúa chính là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng.
Nhờ có Thánh Thể, đường xa trở nên gần. Nhờ có Thánh Thể, đường buồn trở nên vui. Vì nhờ có Thánh Thể, ta luôn được ở bên Chúa.
Đời sống ta không thiếu những giờ phút khó khăn. Cuộc đời đầy thử thách nhiều lúc đẩy ta vào hố thẳm tuyệt vọng. Ta hãy học bài học Chúa dạy các môn đệ trên đường Emmaus: Hãy biết nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin. Dưới ánh sáng đức tin, mọi đau khổ sẽ xuất hiện với một ý nghĩa tốt đẹp cho cuộc đời. Ánh sáng đức tin sẽ thắp sáng niềm hy vọng. Hãy biết nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đừng đọc Kinh Thánh như đọc tiểu thuyết. Đừng học hỏi Kinh Thánh như học một lý thuyết. Hãy đọc với tình yêu. Hãy tìm bóng dáng Chúa xuyên qua các hàng chữ. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Lời Chúa sẽ như một hạt giống gieo vào lòng ta mầm hy vọng xanh tươi. Và sau cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Hãy kết hiệp với Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thánh Thể sẽ là lương thực nuôi dưỡng niềm hy vọng của ta.
Đường đời chúng ta cũng như quãng đường từ Giêrusalem đi Emmaus. Khi ta không có niềm hy vọng thì con đường ta đi thật dài, thật xa, thật buồn, thật tối dù ta đi giữa ban ngày. Nhưng khi ta có niềm hy vọng, con đường sẽ trở nên gần gũi, vui tươi, và sáng sủa dù ta đi trong bóng đêm.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh là niềm hy vọng của con. Xin cho đường con đi trở thành đường hy vọng vì luôn có Chúa ở bên con.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Chúa Giêsu đã chiếu soi các môn đệ Emmaus bằng những ánh sáng nào?
2) Có khi nào đang buồn, bạn cảm nhận được niềm vui vì gặp Chúa không?
3) Bạn đọc Kinh Thánh thế nào? Tìm kiến thức hay tìm Chúa?
4) Khi tham dự Thánh Lễ, bạn có cảm nhận mãnh liệt sự hiện diện của Chúa trong phép Mình Thánh không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Phục Sinh Và Sứ Điệp Bẻ Bánh
Câu truyện Chúa Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus vẫn thường mang lại cho tôi một cảm giác mênh mông. Vẫn hiểu mục đích của tường thuật lần hiện ra này, cũng như hầu hết các lần hiện ra khác sau khi Chúa đã sống lại, các tác giả Tin Mừng không coi việc minh chứng Chúa Kitô đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết là chính… Cách riêng lần hiện ra này trong tường thuật của Luca vẫn luôn đòi tín hữu qua mọi thời đại phải đầu tư nhiều suy nghĩ tìm tòi hơn.
Trước các biến cố dồn dập và đau thương như những gì đã xảy ra tại Giêrusalem trong những ngày trước đó thì, không chỉ riêng hai môn đệ, ai ai cũng đều dễ bị cuốn hút vào cái chuỗi các biến cố bi tráng, thê lương để rồi buông mình vào tâm trạng lo lắng buồn phiền dẫn tới nản chí; “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay…” Thế nhưng điều mà ông bạn đồng hành muốn chia sẻ trên quãng đường dài lại không phải chỉ là tìm hiểu các sự việc đã xảy ra như thế nào, mà là làm sao hiểu được cái ý nghĩa đích thực của chúng; “Các anh chẳng hiểu gì cả!” Nếu suốt một ngày đường người khách lạ đã cất công “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh , bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ” thì đó là để hai môn đệ thất đảm này nắm bắt được cái ý nghĩa gói ghém bên trong các biến cố đau thương đã xảy ra.
Ngày nay Kitô hữu chúng ta đều đã quá rõ: trọn bộ Cựu ước, bắt đầu từ Môsê cho tới các ngôn sứ, đều chỉ có một mục tiêu duy nhất là giúp khai mở và đào sâu nhận thức về Đức Giêsu Kitô – Lời tối hậu và dứt khoát của Thiên Chúa, Lời tình yêu và cứu độ, Lời mạc khải về một Thiên Chúa đầy yêu thương. Nếu không đạt được, hoặc không chân thành chấp nhận sự hiểu biết này thì mọi biến cố Cựu Ước, và ngay cả những gì xảy ra cho Đức Giêsu trong toàn bộ cuộc sống, nhất là trong cái chết và sống lại của Người, đều là trống rỗng tới độ gần như vô nghĩa. Ông bạn đồng hành đã cất công làm công việc cực kỳ quan trọng này là giải thích cho hai tâm hồn thất đảm buồn phiền về cái nội dung chứa đựng bên trong biến cố tử nạn và thập giá tang thương. Trong đêm Phục Sinh, phụng vụ canh thức cũng nhằm một mục đích duy nhất đó là mời gọi công đoàn tín hữu cùng nhau làm cái việc đào sâu tối hệ trọng này.
Trình thuật Tin Mừng không xác định: đầu óc hai môn đệ đã hiểu các lời giải thích của ông khách lạ tới mức độ nào. Tác giả chỉ khẳng định rằng trong cảm thức hai ông đã bắt đầu nắm bắt được một điều gì đó rất thiết thân đối với niềm tin. “Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Chính sự hiểu biết này đã mở mắt để họ có thể nhận ra ông khách đồng bàn chính là Đức Giêsu đã từ cõi chết sống lại, khi “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”. Thực ra hành vi ‘bẻ bánh’ không phải là cử chỉ độc đáo của riêng Thầy Giêsu; đây là một nghi thức phổ biến mà gia chủ hay chủ tiệc Do Thái nào cũng vẫn thường làm, nhất là khi cử hành lễ Vượt Qua truyền thống. Thế nhưng, đối với các môn đệ đã từng theo Đức Giêsu, cách riêng sau bữa tiệc ly biệt với những lời tâm huyết thắm thiết, đặc biệt sau cái chết thập giá kỳ lạ của Người, thì cử chỉ đơn sơ này đã mặc lấy một ý nghĩa hoàn toàn mới: bẻ bánh nói lên cái chết giải phóng cứu độ, và trao ban chính là tình yêu tự hiến trọn vẹn. Trong cái ý nghĩa đó, Phục Sinh không chỉ là việc cho một người đã chết được sống trở lại, mà đã trở thành một bảo chứng đầy uy tín rằng Thiên Chúa đảm bảo tình yêu tự hiến và trao ban này sẽ trường tồn và kéo dài mãi qua muôn thế hệ. Hai môn đệ đã nhận ra Người sống lại trong tất cả chiều kích sâu xa nhất, cùng với sự đảm bảo vững chắc nhất: Lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa đối với con người là bất diệt, là toàn thắng. Một niềm hy vọng mới đã bừng lên, một chân trời mới đã mở ra, “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.
Các Thánh Lễ trong mùa Phục Sinh mà chúng ta được diễm phúc cử hành thật là đặc biệt vì chúng trở thành cao điểm của niềm tin Kitô hữu khi họ tuyên xưng vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa qua cái chết thập giá và sự sống lại của Đức Kitô Giêsu. Lời Chúa, bất luận Cựu Ước hay Tân Ước mà chúng ta đọc/nghe trong mỗi Thánh Lễ, đều phải giúp ta khám phá ra nội dung đích thực của tình yêu thương xót và cứu độ vĩnh cửu này. Và cho dầu khả năng hiểu biết tri thức của ai đó trong chúng ta có bị giới hạn hay mù mịt, thì các phụng vụ vẫn nhằm giúp họ luôn biết cử hành tình yêu bất diệt đó cách sinh động trong toàn bộ đời sống mình. Cũng như hai môn đệ trên đường đi Emmaus và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã cảm nhận được cách sâu xa tình yêu thương xót cứu độ của Thiên Chúa trong cử hành ‘bẻ bánh’, các tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải hội nhập được vào thứ tình yêu bao la và bừng sáng đó mỗi lần được diễm phúc hiệp dâng Thánh Lễ …, để lòng chúng ta cũng được bừng cháy lên.
Riêng tôi, tôi vẫn thường tự hỏi sau mỗi Thánh lễ nhất là trong mùa Phục Sinh này: tôi đã cảm nhận ra điều gì khi hôn kính bàn thờ trước khi trở vào phòng thánh?
Lạy Chúa Phục Sinh, con đã dâng quá nhiều Thánh Lễ (hơn 15.700 trong suốt 43 năm qua), nhưng lại khám phá được quá ít nội dung của nó. Không biết bao nhiêu lần con đã từng bẻ bánh và phân phát cho giáo dân rước lễ, nhưng lại rất ít lần cảm nghiệm được Chúa Phục Sinh đang thực sự hiện diện và trao ban chính Ngài cho từng tín hữu, trong đó có con! Xin cho con biết rửa sạch con mắt đức tin để lòng cũng được ấm lên mỗi khi con nhân danh Chúa bẻ bánh và trao ban. Xin biến đổi con nên linh mục của Lòng Thương Xót Chúa ngày càng hơn, đặc biệt mỗi lần con tiến ra dâng lễ. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Khi Con Đau Khổ Chúa Ở Đâu?
Người Việt Nam khi gặp hoạn nạn hay khó khăn thường hay nói đây là ý Trời, rồi khuyên bảo nhau cứ ráng mà chịu, vì “Trời cho ai người ấy hưởng”. Và điều ấy dẫn tới niềm tin vào định mệnh. Định mệnh Trời đã an bài. Trời đã định chẳng thoát được đâu? Con người có số nên chẳng chạy thoát được số Trời đã an bài.
Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng chịu ảnh hưởng của định mệnh nên viết như sau:
Trời kia đã bắt làm người có Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Hoặc trong bài ca dao dí dỏm mà chúng ta đã học từ nhỏ rằng:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay tới tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?
Ông Trời thật gần gũi thân thương. Trời cũng bị khói đen của những nỗi oan làm cay mắt, cũng bực mình xót xa cho nỗi đau nhân thế.
Ông Trời cũng biết cái hoạ của con người là do chính con người gây nên Ông Trời mới giận dữ bảo rằng: “Thằng nào đốt rơm?”
Nhìn vào thế thái nhân tình hôm nay có lẽ Ông Trời cũng cay mắt, giận dữ hỏi rằng: “Thằng nào làm ra Covid 19?”. Vạn vật đều có căn nguyên. Vậy sự dữ Corona Vũ Hán này ở đâu mà ra? Ai phải chịu trách nhiệm về bể dâu tang thương khiến cả thế giới phải dừng lại mọi sinh hoạt, mọi giao thương để bảo vệ cho chính mình và cho quốc gia. Ai đã gây tan thương khiến gần 200 ngàn người đã chết và hơn 2 triệu người nhiễm dịch trong lo âu sợ hãi?
Lời Chúa Tuần Thứ Ba Mùa Phục Sinh cho ta thấy một hình ảnh thật gần gũi của Chúa Giêsu sau khi sống lại. Chúa Giêsu đã cùng với hai môn đệ Emmau đốt một đống rơm để hàn huyên và chia sẻ về những gì đang xảy ra. Xem ra Chúa Giêsu cũng đang cay mắt vì đống rơm khắc nghiệt mà 2 môn đệ đang nói lên cùng Ngài. Nhưng ở đây ta thấy Chúa Giêsu rất hiểu nỗi đau của 2 môn đệ nên Ngài đã chủ động ngồi lại tâm sự để họ có cơ hội kể lể trút hết bầu tâm sự trong cái “khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào”. Và Chúa Giêsu đã cho các ông được dịp nhìn lại lịch sự dân tộc mình, những bước tưởng rằng phí lý nhất lại đã là mốc ghi cho một niềm tin cao hơn là những giải quyết luẩn quẩn trần tục.
Hoá ra trong những biến cố lớn của lịch sử con người phải có cái nhìn đức tin để thấy Thiên Chúa đang viết lại lịch sử. Đừng theo thói quen để rồi ôm ghì lề luật cứng nhắc mà đau khổ than van. Trong hành trình Emmau các ông đã đau buồn vì chỉ nhìn vào nỗi tang thương của Thứ Sáu Tuần Thánh nhưng không đủ đức tin để nhìn vào ngày thứ ba sau khi chết Ngài sẽ sống lại nên các ông buồn, khóc lóc và thất vọng.
Đúng vậy. Cuộc sống mỗi người cũng nhiều nỗi đau xót oan khiên, chỉ có thể được hóa giải bằng con mắt niềm tin thấy được Chúa đã sống lại và đang đi bên cạnh, đang tâm sự, đang vỗ về hỏi han.
“Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Luca 24: 32).
Tôi không phải là nhà Kinh Thánh hay Thần Học để có thể đọc được ý Chúa đang dạy gì chúng ta qua biến cố Đại dịch Covid này, nhưng tôi tin vào Thiên Chúa đã xuống thế và ở cùng chúng ta. Ngài đã trở nên gần gũi đến nỗi có thể hiểu được ngôn ngữ bình dân nhất của chúng ta, chỉ cần chúng ta thấy đói thì kêu, thấy buồn thì khóc, thấy khổ thì cầu Trời, thì Trời cũng cay mắt vì nỗi đau mà con người đang phải gánh chịu.
Cách cầu nguyện dân dã ấy đã được cha ông Việt Nam truyền tụng cho con cháu. Mỗi khi gặp những niềm đau và nỗi oan khiên thì hãy cùng nhau đốt một đống rơm để cái mùi khói chẳng thơm tho chút nào ấy bay cao làm cay mắt ông Trời thì ông liền quát hỏi: đứa nào đốt rơm?
Và hãy tin rằng: Trời nào có phụ ai đâu! Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giợ!
Người Công Giáo gọi Trời là Thiên và còn là Chúa Cả trời đất đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Vậy chúng ta hãy chung nhau đốt đống rơm là những lời tâm sự đầy lo âu, buồn phiền dâng lên Ngài, chắc chắn, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, và nhất là xin Chúa mạc khải để chúng ta hiểu được ý Chúa mà sống theo sự hướng dẫn của Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Đón Nhận Hay Khước Từ Lời Chúa?
Hôm xưa, Chúa Giêsu cất bước tìm đến với hai môn đệ sầu thảm đang lê bước trên đường về Emmau. Ngài dùng lời Kinh thánh để soi lòng mở trí hai môn đệ về biến cố tử nạn và phục sinh của Đấng cứu thế. Lời giảng giải của Chúa Giêsu khiến cho “lòng họ bừng cháy lên.” Họ say mê và yêu thích nghe lời Chúa đến nỗi khi “trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, họ nài ép Chúa Giêsu ở lại với họ” cho bằng được (Lc 24, 28-29).
Nếu hôm nay, Chúa Giêsu lại tìm đến với chúng ta và ngỏ lời với chúng ta qua các vị mục tử, qua sách báo lành mạnh, qua các phương tiện truyền thông của Hội thánh… tiếp tục dùng lời Kinh Thánh soi lòng ta, mở trí ta, nuôi dưỡng đời sống tâm linh chúng ta, thì ta có hoan hỉ đón nhận hay là ngoảnh mặt quay lưng?
Lắm kẻ khước từ
Hôm ấy, có đông đảo giáo dân tập trung tại hội trường rộng lớn của Giáo xứ để mừng lễ bổn mạng. Linh mục quản xứ có nhã ý chiêu đãi giáo dân bữa tiệc tinh thần, ngài nói:
– Ai muốn xem sách báo đạo với nhiều đầu sách truyền đạt lời Chúa, tìm hiểu giáo lý, giáo dục nhân cách và nhiều sách khác rất bổ ích cho đời sống thiêng liêng… thì vui lòng đến phòng sách bên phải; Nếu ai muốn đọc truyện đời, những tiểu thuyết ngôn tình, kiếm hiệp, trinh thám và nhiều sách dạy làm ăn, buôn bán… thì qua phòng sách bên trái.
Thế là gần như 95% giáo dân chen chúc nhau vào phòng sách bên trái để tìm đọc những loại sách đời, nhiều người phải đứng chờ bên ngoài không vào được vì bên trong đã chật ních. Trong khi đó, phòng sách đạo bên phải chỉ có lác đác một ít người cao tuổi ghé thăm.
Nếu bạn là người hiện diện tại hội trường hôm ấy, bạn đi về phòng sách nào??
– Cha quản xứ kêu mời giáo dân, đặc biệt là giới trẻ, tham dự giờ tĩnh tâm quan trọng để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh vào tối thứ Tư Tuần Thánh. Không ngờ vào giờ đó, nhà hàng ca nhạc bên cạnh cũng tổ chức sự kiện ca múa nhạc có sự tham gia trình diễn của các ngôi sao ca nhạc và danh hài từ thành phố về. Thế là giới trẻ giáo xứ đua chen nhau xem ca múa nhạc, chỉ còn một ít cụ ông, cụ bà tham dự tĩnh tâm!
Nếu bạn cũng thuộc thành phần giới trẻ của giáo xứ này, bạn sẽ tham dự sự kiện ca nhạc hay giờ tĩnh tâm?
Trong đời sống hằng ngày, người ta không tiếc thời giờ, công sức hay tiền bạc để đáp ứng nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹt, vui chơi… Trong khi đó, chẳng mấy ai dành ít thời giờ trong ngày để học hỏi, lắng nghe lời Chúa và bồi bổ tâm hồn.
Nếu hôm nay Chúa Giêsu lại đến với mỗi người chúng ta và ngỏ lời với ta qua các vị mục tử, qua sách báo lành mạnh, qua các phương tiện truyền thông của Hội thánh… thì bạn sẽ từ khước, dửng dưng, hờ hững… hay hăm hở đón nghe lời Ngài như hai môn đệ Emmau?
Ung thư tâm hồn
Theo tổ chức Y tế thế giới, chỉ riêng trong năm 2018, số ca mắc ung thư của Việt Nam đã tăng lên 165.000 ca. Ung thư là mối đe dọa đáng sợ nhất đối với người Việt trong thế kỷ này.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh là do thực phẩm bẩn và môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thường xuyên hít thở không khí bị ô nhiễm cũng như dung nạp vào cơ thể những thực phẩm bẩn là con đường dẫn đến ung thư. Trái lại, hít thở không khí trong lành cũng như dung nạp thực phẩm lành, sạch là cách ngăn ngừa ung thư hiệu quả.
Tương tự như thế, nếu chúng ta thường xuyên dung nạp lương thực tinh thần độc hại do văn hóa phẩm đồi trụy cung cấp mà không bổ sung những thực phẩm tinh thần lành mạnh, cao quý do lời Chúa và giáo huấn Hội thánh mang lại, thì nguy cơ ung thư tâm hồn, ung thư đời sống thiêng liêng không thể tránh được.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa dạy chúng con biết rằng: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng lời Chúa nữa”, chính vì thế, Chúa đã mang Lời khôn ngoan từ trời của Thiên Chúa để làm lương thực hằng ngày nuôi dưỡng đời sống tâm linh của chúng con. Tiếc thay, chẳng những chúng con thờ ơ, hờ hững với quà tặng cao quý Chúa ban, lại còn ham mê những thứ lương thực tinh thần độc hại, có nguy cơ hủy diệt đời sống cao đẹp của tâm hồn.
Xin cho chúng con biết dành thời giờ để lắng nghe, học hỏi và đón nhận lương thực tinh thần Chúa ban, nhờ đó, chúng con sẽ trở thành người có phẩm chất cao đẹp, thánh thiện, tốt lành.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Đường Hy Vọng
CN 3PS. A (Lc 24, 13 – 35)
Trĩu nặng tâm hồn, tim xót xa
Nghiêng nghiêng nắng đổ, bóng chiều tà
U sầu, thất vọng gian nan tới
Rộn rã, vui mừng giông tố qua
Lời Chúa sáng soi, ơn thánh phủ
Tin Mừng chiếu tỏa, phúc chan hòa
Em-mau nhịp bước, đường hy vọng
Có Chúa đồng hành xướng vịnh ca.
Hạt Nắng
Ánh Sáng Niềm Tin
CN 3PS. A – (Lc 24, 13 – 35)
Lang thang bước đôi chân trĩu nặng,
ước vọng xưa cay đắng tâm can.
Xót xa giấc mộng lụi tàn,
công danh, sự nghiệp vinh quang đâu rồi?
Ôm tiếc nuối tình đời nhân thế,
đời trắng đen dâu bể đổi thay.
Trắng tay vẫn lại trắng tay,
còn đâu mộng ước bao ngày hằng mong.
Chúa đã đến đồng hành chung bước,
mở trí con thấy được tình yêu.
Dù con tàn tạ tiêu điều,
tình Cha khắc khoải sớm chiều đợi con.
Lời tình thánh sắt son sáng tỏ,
Bánh trường sinh tỏ lộ thánh ân.
Thập giá nơi chốn hồng trần,
hy sinh đón nhận thông phần phục sinh.
Vui nhịp bước tâm tình rộn rã,
sáng niềm tin đời đã đơm hoa.
Lắng nghe chim hót reo ca,
Tin Mừng Sự Sống chan hòa muôn nơi.
Từ nay con quyết đổi đời,
sống niềm tín thác nơi Người con tin.
Hoa tươi đón nắng bình minh…
Bâng Khuâng Chiều Tím
Chúa Vẫn Đồng Hành
CN 3PS. A (Lc 24, 13 – 35)
Đường quạnh hiu khi bóng đêm dần buông,
đường cô đơn tiếng nấc bên vệ đường.
Hồn chơi vơi sương xuống tim lạnh giá,
tìm tương lai bao nỗi sầu tơ vương.
Đường Em-maus lữ khách khơi nguồn sáng,
đường con đi Chúa đến rọi nắng vàng.
Dìu con qua thung lũng đầy nước mắt,
đường hôm nay con bước tình mênh mang.
Chúa vẫn đồng hành cùng con trên đường dài.
dẫu bao nhục nhằn Ngài dìu con bước tới.
Chúa vẫn đồng hành cùng con trên đường đời,
nắng mưa cùng Ngài vững bước đường tương lai.
Lòng hân hoan loan báo tin hồng ân,
đường tình yêu Chúa chết cho nhân trần.
Đời phục sinh con bước theo đường Chúa,
dầu chông gai có Chúa, nguyện dấn thân.
M. Madalena Hoa Ngâu
Đường Emmaus Hôm Nay
CN 3PS.A (Lc 24, 13 – 35)
Lê chân giữa dòng đời dao động,
hồn hoang mang thất vọng tiêu điều.
Nặng nề từng bước chân xiêu,
não nùng ai oán nắng chiều hắt hiu.
Hồn nặng trĩu liêu xiêu chao đảo
bao ước mơ hoài bão chưa thành.
Khát vọng trần thế lợi danh,
xót xa chua chát tan tành khói mây.
Lòng u uất thấy đâu phía trước
Chúa bên con nhịp bước đồng hành,
Giúp con vượt mọi khó khăn,
thoát vòng luẩn quẩn đua tranh cuộc đời.
Đường Emmaus đất trời bừng sáng,
mở trí lòng thấy Đấng Phục Sinh.
Gian nan trong bước đời mình,
Chúa cho con nghiệm được tình yêu thương.
Xua tan nỗi sầu vương hoang dại,
lửa Phục Sinh bừng cháy trong tim.
Phục hồi ánh sáng niềm tin,
mầu nhiệm sự sống hành trình đức tin.
Quyết theo Chúa trung trinh tình mến,
đường Emmaus kỷ niệm tươi trong.
Đường chông gai sáng cõi lòng,
vui trong đau khổ lửa hồng chứng nhân.
AP. Mặc Trầm Cung