SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 583, CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – B, 06/05/2018

“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. (Ga 15, 9 – 17)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.
Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.
Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt dặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con, Thầy truyền cho các con điều nầy là: các con hãy yêu mến nhau”.

Đó là lời Chúa.

Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Yêu Như Chúa Yêu ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Điều Răn Của Thầy Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Ở Lại Trong Tình Yêu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Sống Xứng Tầm Người Bạn Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Suối Tình Hạt Nắng Trg 10
Thượng Nguồn Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Nguồn Suối Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Lặng Thầm Tình Cha Nắng Sài Gòn Trg 13
Khuôn Mẫu Tình Yêu AP. Mặc Trầm Cung Trg 14

Yêu Như Chúa Yêu

Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.

Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.

Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.
Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.
Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Từ trước tới nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?
2- Mỗi khi nghĩ đến Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng phạt công minh…?
3- Đối với bạn, yêu thương người khác dễ hay khó?
4- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Điều Răn Của Thầy

Nếu Chúa Nhật trước chúng ta đã suy gẫm về tầm quan trọng của việc ‘ở lại trong Thầy…ở lại trong tình thương của Thầy’, thì câu hỏi được đặt ra hôm nay sẽ là: làm cách nào để ‘ở lại trong Thầy’ được thật hữu hiệu? Vấn nạn này đã được chính Đức Giêsu giải đáp, và xem ra rất đơn giản và dễ hiểu: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy”. Tuy nhiên câu giải đáp đó lại chẳng dễ hiểu chút nào bao lâu ta chưa xác định được: ‘các điều răn của Thầy’ là điều răn nào?

Trong chương 14 và 15, Phúc âm Gioan lặp đi lặp lại không dưới bảy lần về ‘điều răn hay lệnh truyền’ của Đức Giêsu (14:15.21.25; 15:10a.10b.11.12.17). Cho tới nay ta vẫn thường được nghe giải thích một cách dễ dãi: ‘điều răn của Chúa’ đương nhiên phải là mười điều răn Đức Chúa Trời và năm luật điều Hội Thánh. Tuy nhiên cách giải thích này xem ra không ổn tí nào, vì căn cứ theo mạch văn của đoạn Tin Mừng Gioan thì Đức Giêsu hình như đang đề cập tới một thứ ‘điều răn’ nào đó có nội dung rất khác với thập giới của Cựu Ước hay sáu luật điều Hội Thánh qui định. Điều răn này có tầm quan trọng vô đối vì là điều kiện thiết yếu để gắn kết trước hết Đức Giê-su với Cha của Người, rồi cũng để người môn đệ ở lại được trong tình thương của Thầy mình: “…Anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Nếu vậy, ta cần tìm hiểu xem cụ thể ‘điều răn’ đó có nội dung gì mới được?

Thú thực cho tới giờ phút này tôi vẫn chưa tìm được câu giải thích thỏa đáng cho một chi tiết liên quan nhỏ thôi: tại sao khi đề cập tới điều răn cách chung chung (14:15.21; 15:10a.10b.11) tác giả Gioan luôn sử dụng số nhiều ‘các điều răn’, nhưng khi nói cụ thể thì chỉ có một duy nhất: ‘Đây là điều răn của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là…’ (15:12.17)? Phải chăng, đối với các môn đệ có truyền thống Do Thái, giới răn nói chung (thập giới) luôn là số nhiều (trừ khi nói về từng giới luật một)? Ngay cả khi phải tóm gọn các giới răn đó lại, Đức Giêsu vẫn còn xác định hai điều căn bản: mến Chúa và yêu người (Mt. 22:36-40). Nhiều tác giả cho rằng: Đức Giêsu sử dụng từ ‘các giới răn’ đồng nghĩa với ‘các lời’ Thầy nói với anh em’ (14:23). Tuy nhiên khi phải xác định rõ nội dung ‘các giới răn của Thầy’ là gì, thì Người lại chỉ khẳng định có một điều duy nhất mà thôi: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (câu 12); điều thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”; tại sao lại chỉ là một mà không phải là hai?

Nếu Cựu ước coi: ‘ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn’ là quan trọng hơn cả, thì ‘điều răn của Thầy’ lại không hề đề cập tới điều này. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì: Đức Giêsu nắm rất rõ bản tính con người; yêu mến hết lòng là điều hầu như không ai có thể làm được, nếu không có một ai chủ động đi bước trước. Ở đây sự chủ động hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, Ngài là người đi bước trước; “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” Điều mà Người yêu cầu các Kitô hữu thi hành lại chỉ mang tính thụ động: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Nhận biết Thiên Chúa yêu thương mình là tất cả, đối với niềm tin của người tín hữu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Ngay cả Đức Giêsu, khi nói về tình yêu Người dành cho nhân loại, cũng đã khẳng định nguồn gốc: nó nằm ở đâu và ai là người chủ động. Do đó ‘ở lại trong tình thương của Thầy’ chính là điều bất cứ tín hữu nào cũng phải làm, đặc biệt những kẻ yếu hèn và tội lỗi nhất. ‘Ở lại’ này không đòi phải cảm thấy mình có cháy lửa yêu mến Chúa hay không, hoặc ‘cháy’ tới mức độ nào. ‘Ở lại’ chỉ để giữ cho được điều răn duy nhất là ‘yêu thương nhau’. Đúng vậy! ta chỉ có thể ‘yêu thương nhau’ nếu nắm bắt được: ‘Thầy đã yêu thương’ là như thế nào. Phải chăng: đó đồng thời cũng là thứ hoa trái, mà Chúa muốn chúng ta sinh nhiều và tồn tại mãi?

À, thì ra thế! Lúc đầu khi mới đọc cuốn sách ‘Come Be My Light’ viết về Mẹ Têrêxa Calcutta, nhân vật mà không ai ngờ đã từng trải nghiệm gần 50 năm sống trong tăm tối thiêng liêng trong tình trạng hầu như mất đức tin, vậy mà Mẹ vẫn không mỏi mệt lao mình vào các việc bác ái; tôi cho là quá nghịch lý! Sự thật đã được sáng tỏ một khi tôi nhận biết rằng đơn giản là Mẹ đã liên tục ‘ở lại trong tình thương của Thầy’. Và nếu hoa trái tình yêu nơi Mẹ chưa phải là ‘yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’, thì nó đã là ‘yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương’… Đó chính là ‘điều răn’ duy nhất của Thầy mà Mẹ đã nắm giữ, ‘để Mẹ ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của Mẹ tồn tại’.

Tôi cũng phải vậy thôi! Đừng quá lo lắng phải yêu mến Chúa như thế nào, mà giản đơn là ở lại trong tình thương mến của Thầy, và cố diễn đạt ‘ở lại’ đó qua việc thương mến và phục vụ tha nhân. Thật đơn giản và cụ thể quá phải không bạn?

Ôi, lạy Thầy Giêsu từ nhân, ‘điều răn của Thầy’ thật quá đơn giản! Chính bản thân con cũng đã từng nghiệm thấy: ‘yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn’ là khó quá, ít ai đạt cho được. Thực ra Thầy chỉ tha thiết đòi con thụ động ‘ở lại trong tình thương của Thầy’, kể cả những lúc con yếu đuối tội lỗi nhất. Con xin Thầy cho con sớm đạt được hoa trái ‘yêu thương nhau’, nhờ liên tục trầm mình trong tình yêu ‘như Thầy đã yêu’. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

Ở Lại Trong Tình Yêu

Ở Việt Nam những năm gần đây các lễ hội gia tăng rất nhiều. Mỗi năm vào Tháng Giêng có hàng ngàn lễ hội. Cách chung, lễ hội là thể hiện niềm tin tín ngưỡng dân gian và để bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhưng điều mà chúng ta thấy nơi các lễ hội, đặc biệt là Miền Bắc rất hiếm khi thấy lễ hội có bàu khí linh thiêng, hướng lòng cầu nguyện và đáng buồn là ở nơi đó không hề có yêu thương.

Như lễ hội Đền Trần ở Nam Định người ta sẽ thấy gì? Một nơi hỗn tạp với cảnh chen lấn, giẫm đạp, ẩu đả. Người ta đạp lên đầu nhau, xéo lên bàn thờ để cướp hoa, giành lộc… Không còn là xin ấn, phát ấn, thụ lộc, mà là cướp lộc, cướp ấn, giành ấn, mua bán ấn. . . Rồi người ta cũng thấy cảnh giẫm đạp lên nhau để tranh cướp quả Phết ở Vĩnh Phúc; biến lễ hội ném cà chua cầu may ở Thanh Hóa thành nơi giải quyết mâu thuẫn cá nhân thậm chí dùng hung khí tước đi mạng sống của người khác ngay tại cửa chùa Hà Tĩnh…là những cảnh tượng không ai muốn chứng kiến ở những lễ hội ngày đầu năm.

Niềm tin của bất kỳ hình thức tín ngưỡng nào cũng phải hướng con người về tình yêu thương, sự hiệp nhất và đùm bọc lẫn nhau. Không có yêu thương nơi đó chỉ có tranh chấp, giành giựt, ẩu đả . . . Xem ra các nhà văn hóa cần phải tìm về cội nguồn của lễ hội để sống tình liên đới yêu thương, chứ không dùng lễ hội để mua vui hay trục lợi sẽ làm mất đi giá trị văn hóa của dân tộc!

Kitô giáo là đạo yêu thương. Chúa Giêsu Đấng thiết lập giáo hội chỉ giới thiệu cho nhân loại một tôn giáo quy tụ những con người yêu thương nhau nên một trong một đức tin và đức mến. Điều này chúng ta thấy rõ nét trong ngày an táng Đức Cố Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc. Hàng ngàn người chung một tâm tình cầu nguyện cho Đức Tổng Phaolô. Hàng ngàn người nối đuôi nhau đi bên linh cửu của Đức Tổng vài cây số trong trang nghiêm trật tự. Đây là nét đẹp của tôn giáo. Nét đẹp của hiệp nhất và yêu thương.

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi các tín hữu hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Chính tình yêu của Ngài nối kết mọi con tim thành một cộng đoàn yêu thương. Khi con người ở lại trong tình yêu Chúa và của nhau thì hạnh phúc sẽ ngập tràn, niềm vui sẽ trọn vẹn. Đây cũng là giới răn cao trọng mà Chúa muốn người Ngài yêu mến phải tuân giữ là “Anh em hãy yêu thương nhau”.

Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình để rồi có thể chia sẻ buồn đau với cho nhau? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà quên mình? Có lẽ có, nhưng chắc chắn có rất ít!

Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ, là độc đoán, là lỗi bác ái yêu thương tràn lan. Nhiều gia đình đang đổ vỡ vì thiếu yêu thương. Nhiều vợ chồng sống với nhau bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tình yêu đã chết, con tim cũng chết chỉ còn những tháng ngày sống bên nhau lạnh lùng, đôi khi còn đầy đọa nhau. Nhiều gia đình chồng độc đoán luôn coi mình là nhất nên xem thường vợ con, và cũng nhiều người vợ lại quá ích kỷ chỉ lo cho bản thân nên thiếu hy sinh.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trân trọng tình yêu mà chúng ta đang có. Hãy ở lại trong tình yêu của Chúa và tha nhân. Ở lại mời gọi chúng ta đừng phụ nghĩa vong ân với tình yêu mà Chúa cũng như mọi người dành cho chúng ta. Ở lại bằng việc trung thành tuân giữa giới răn Chúa cũng như chung thủy với người mình thương.

Ước gì chúng ta biết tuân giữ lời Chúa để tình Chúa mãi ở lại trong chúng ta. Ước gì chúng ta đừng xa rời tình yêu của cha mẹ, của bạn bè, người yêu chỉ vì ích kỷ của bản thân mà có lỗi với nhau. Xin Chúa giúp chúng ta biết trung thành với Chúa và với nhau qua việc tuân giữ giới răn của Người. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Sống Xứng Tầm Người Bạn Chúa Giêsu

Tình yêu xóa bỏ ngăn cách
Có những khoảng cách lớn lao giữa những người ở những địa vị khác nhau trong xã hội, như giữa bậc vua chúa và người dân đen, giữa vị lãnh đạo hàng đầu của đất nước và người bình dân, giữa ông chủ sang trọng và người tôi tớ thấp hèn… Chính vì những khoảng cách nầy, đôi bên khó lại gần nhau, khó hoà hợp với nhau, khó chân tình yêu thương nhau.

Nhưng một khi hai bên đã yêu thương nhau đậm đà, thì tình thương sẽ xoá hết mọi ngăn cách.

Người mẹ thương con, thì mẹ cho con ngồi lên đầu và cảm thấy vui thích vì được làm như thế. Cha thương con, cha làm bò cho con cỡi và lấy thế làm vui. Vị hoàng tử yêu cô gái quê mùa thì cư xử bình đẳng với cô gái ấy, dù hai người thuộc hai tầng lớp khác biệt nhau. Tương tự như thế, Thiên Chúa hết lòng yêu thương con người nên Ngài xoá bỏ mọi khoảng cách giữa Ngài với chúng ta.

Lẽ ra, Thiên Chúa là Đấng ngàn trùng chí thánh, là Đấng đầy quyền năng phép tắc, là Chúa tể vũ hoàn bao la vô biên vô tận; Còn loài người chỉ là những hạt bụi li ti trong vũ trụ vô cùng lớn lao này, thì trước mặt Ngài, chúng ta chẳng đáng là gì cả!

Do đó, nếu chúng ta có đối thoại với Ngài thì phải xưng hô làm sao cho tôn kính, như là: Muôn tâu Ngọc hoàng Thượng đế! Muôn vạn lạy Chúa tể càn khôn!… Vậy mà Chúa Giêsu lại dạy ta hãy thưa với Thiên Chúa Cha một cách thân thương là: Abba, Bố ơi, Ba ơi! Đó là tiếng gọi thân mật mà đứa con bé bỏng gọi cha của mình.

Và nếu ai trong chúng ta xưng mình là bạn của đức giáo hoàng, là bạn của thánh tông đồ vĩ đại như Phêrô hay Phaolô… thì người ta xem kẻ ấy là người tự phụ, tự cao, khoác lác… vì người đó, cũng như ta, có đáng là gì mà dám xưng mình là bạn của các đấng cao cả. Vậy mà Chúa Giêsu, là Thiên Chúa quyền năng thánh thiện, cao vời khôn ví, lại muốn chúng ta xem Ngài là bạn, Bạn Giêsu!

Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã tuyển chọn chúng ta trước khi ta biết Ngài. Ngài nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16).

Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu nâng chúng ta lên hàng bạn hữu. Ngài nói: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15).

Vì yêu thương chúng ta nên Chúa Giêsu tâm sự với chúng ta như với người bạn chân tình, Ngài thổ lộ can tràng với chúng ta. Ngài nói: “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Vì yêu thương chúng ta nên Chúa Giêsu hiến mạng vì chúng ta như lời Ngài nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Chúa tể trời đất vô cùng cao cả và quyền năng lại đi kết bạn với con người bé nhỏ, thấp hèn, tội lỗi… là điều khó tin nhưng là sự thật, vì Chúa Giêsu đã khẳng định với chúng ta như thế.

Sống xứng tầm người bạn Chúa Giêsu
Là người được Chúa Giêsu tuyển chọn trước để làm bạn thân thiết của Ngài, là người bạn tâm phúc được Chúa Giêsu thổ lộ can tràng, bày tỏ cho biết những gì Ngài nghe biết từ Thiên Chúa Cha, là người bạn quý được Chúa Giêsu hiến thân chết thay cho… thì chúng ta phải sống sao cho xứng tầm người bạn của Chúa.

Điều quan trọng nhất và là điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu bạn hữu Ngài phải thực hiện, là phải yêu thương nhau như lời Ngài nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy thì anh em phải thực hiện điều Thầy truyền dạy… là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12.14). Và “người ta căn cứ vào dấu hiệu này để biết anh em là bạn hữu, là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu mến nhau” (Ga 13, 35).

Lạy Chúa Giêsu. Chúa là Chúa tể đất trời đã chấp nhận xuống thế làm người để kết bạn với chúng con, Chúa đã chịu chết đau thương tủi nhục để đền tội thay, chết thay cho chúng con là bạn hữu của Chúa và Chúa mong muốn tình bạn giữa Ngài và chúng con luôn chung thủy keo sơn.
Tuy nhiên, chúng con sẽ không còn là bạn Chúa nữa, không còn là môn đệ Ngài nữa, nếu chúng con không đáp ứng yêu cầu quan trọng nhất Chúa đòi buộc là phải yêu thương nhau (Ga 13, 35).
Xin cho chúng con xóa sạch tâm hồn mình mọi hình thức ghen ghét, giận hờn, xúc phạm người khác… vì đó là những nguyên nhân khiến chúng con dứt nghĩa đoạn tình với Chúa.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Suối Tình
CN VI PS-B – (Ga 15, 9 – 17)

Tình yêu Thiên Chúa quá bao la

Nguồn mạch suối tình tình thiết tha

Con Một hiến dâng gieo chính nghĩa

Muôn dân cứu chuộc thoát gian tà

Yêu thương huấn lệnh đời dâng hiến

Bác ái điều răn sống vị tha

Ở lại trong Ngài nguồn thánh sủng

Nhân sinh hạnh phúc phúc chan hòa.

Hạt Nắng

Thượng Nguồn Tình Yêu
CN VI PS-B – (Ga 15, 9 – 17)

Tình yêu Cha diệu kỳ khôn ví,
rất bao la cao quý lặng thầm.
Nắng mưa tuôn đổ hồng ân,
người lành, kẻ dữ dự phần hưởng chung.

Khi loài người bất trung phản bội,
không oán hờn nghẽn lối yêu thương.
Sai CON MỘT xuống mở đường,
kế hoạch cứu độ tình thương cứu đời.

Lễ toàn thiêu Ngôi Lời tự hiến,
bài học “YÊU” ước nguyện trao ban.
Hương yêu lan tỏa nồng nàn,
chết vì bạn hữu sẵn sàng hiến thân.

Cha gọi con thông phần cứu chuộc,
yêu như Ngài từ khước vinh hoa.
Ở lại trong khối Tình Cha,
trổ sinh hoa trái thiết tha nghĩa tình.

Là bạn hữu hành trình khám phá,
Hoa Tình Yêu chứng tá giữa đời.
Khiêm nhu phục vụ mọi người,
nhìn lên thập giá rạng ngời nở hoa.

Tình Yêu bản chất của Cha,
Suối Nguồn Thánh Sủng thông qua Ngôi Lời.
Tình thương tuôn chảy muôn nơi …

Bâng Khuâng Chiều Tím

Nguồn Suối Tình Yêu
CN VI PS-B – (Ga 15, 9 – 17)

Mặt trời hằng ngày tỏa chiếu, rạng ngời, sáng hừng đông,
hạt mưa long lanh tưới mát, phì nhiêu, xanh ngát ruộng đồng.
Như chim kia, vô tư, tung cánh giữa trời,
như hoa kia, hồn nhiên, hương sắc cho đời.
Cha vẫn quan tâm, Cha vẫn chăm nom,
yêu thương, suối tình sự sống.

Nồng nàn Tình Cha thương xót, loài người, kiếp bội vong,
lệnh ban Ngôi Hai giáng thế, tình yêu, dâng hiến máu hồng.
Yêu nhân gian, khoan dung, xóa hết tội tình,
gương hy sinh, thành tâm, dâng hiến thân mình.
Nối kết tin yêu, bạn hữu thân tình,
tuôn trào, sức sống thần linh.

Tình Cha là dòng suối mát, thượng nguồn của tình yêu,
Tình Cha lặng thầm ban phát, không ngừng, đổ xuống trần gian.
Thông ban, ơn thánh tuyệt vời,
yêu thương, chân lý cho đời.
Dâng hiến, hy sinh, hoa trái lung linh,
kết hiệp, sống mãi trong Tình Cha.

Vào đời, tình con dâng hiến, gieo hạt giống tình yêu,
hạt yêu thương gieo tín thác, niềm vui, hạnh phúc cho đời.
Gieo tin yêu, trung kiên, đời hết ưu phiền,
gieo khoan dung, bình an, thù oán phai tàn.
Bóng tối đi qua, giông tố phôi pha,
nhân loại nhận biết Tình Cha.

M. Madalena Hoa Ngâu

Thầm Lặng Tình Cha
CN 6 PS-B – (Ga 15, 9 – 17)

Trái tim Cha một khối tình diệu vợi,
ánh mặt trời sáng soi nguồn nắng ấm.
Hạt mưa rơi tưới mát cho đất trời,
cho người lành kẻ dữ, đón nhận hồng ân.

Trái tim Cha một khối tình nồng nàn,
Con Một Ngài tặng ban, cho nhân thế.
Lòng khoan dung tha thứ bao lỗi lầm,
tình diệu kỳ hạnh phúc, cứu độ trần gian.

Ôi! Tình Cha bao la mối tình thầm lặng,
suối nguồn tình yêu,
xóa tội trần gian ban nguồn ánh sáng.
Ở lại trong Cha nguồn suối bao la,
ở lại trong Cha bài học thứ tha,
giới luật yêu thương dạy con sống biết yêu như Ngài.

Sống yêu thương tận hiến tình lặng thầm,
giữa cuộc đời trao nhau tình bác ái.
Tình hy sinh nhân chứng bước thăng trầm,
đem Tin Mừng gieo rắc, giữa lòng trần ai.

Nắng Sài Gòn

Khuôn Mẫu Tình Yêu
CN VI PS.B – (Ga 15, 9 – 17)

Sống giữa đời nhịp tim rung động,
tiếng tình yêu sự sống mong chờ.
Bâng khuâng lạc khúc tình thơ,
cung đàn lỡ nhịp bơ vơ kiếm tìm.

Tìm khuôn mẫu tình yêu chân thực,
lửa yêu thương rạo rực tâm can.
Tình yêu Thiên Chúa ngút ngàn,
yêu thương nhân loại nồng nàn thẳm sâu.

Yêu Thiên Chúa khấu đầu vâng phục,
yêu tha nhân nhẫn nhục quên mình.
Tình yêu chấp nhận hy sinh,
bài ca Thập Tự trọn tình kiên trinh.

Trái tim Cha ân tình no thỏa,
cho mặt trời chiếu tỏa ánh quang.
Mưa rơi tưới mát đại ngàn,
cả người công chính kẻ gian hưởng nhờ.

Trái tim Cha bến bờ hạnh phúc,
luôn bao dung thao thức đợi mong.
Chiên hoang lạc lối ngược dòng,
trái tim nhân hậu ngóng trông ngày về.

Trái tim Cha tiền đề cứu chuộc,
cứu con người lạc bước cô liêu.
Hy sinh Con Một dấu yêu,
giao hòa trời đất một chiều đồi cao.

Tình yêu Cha ngọt ngào nồng ấm,
như suối nguồn tưới đẫm tình thương.
Đời con khắc khoải đêm trường,
Giêsu chỉ lối dẫn đường con đi.

Giữ giới răn thực thi chân lý,
sống yêu thương tri kỷ tình thân.
Niềm vui trọn vẹn trong ngần,
hiệp dâng của lễ dự phần toàn thiêu.

Cha là khuôn mẫu tình yêu,
thắm tình bạn hữu huyền siêu ân tình.
Chan hòa ánh sáng thần linh …

AP. Mặc Trầm Cung