“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 11, 1-10)
Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con ‘Sao các ông làm thế?’, thì hãy nói rằng: ‘Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'”. Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: “Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?” Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Đavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!”
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Ngã Rẽ Cưộc Đời ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Lừa Con Chưa Ai Cưỡi Bao Giờ Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Ai Là Bạn Của Tôi? Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Vác Thập Giá Với Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Vua Tình Yêu Hạt Nắng Trg 10
Vua Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Bước Chân Trần Trên Đá M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Ngài Hấp Hối Đến Bao Giờ Nắng Sài Gòn Trg 13
Tình Yêu Xôn Xao AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Ngã Rẽ Cuộc Đời
Thánh lễ hôm nay rất ý nghĩa cho giới trẻ. Trong ngày Lễ Lá, biết bao thanh thiếu niên ra đón mừng Chúa. Cả một bầu khí trẻ trung, hăng say, kính mến. Sự trẻ trung bột phát qua việc cầm cành lá, qua lời tung hô đón chào Chúa. Thật là một bầu khí cuồng nhiệt. Giới trẻ Do thái lúc ấy biểu lộ lòng kính mến thật hồn nhiên, thật dễ thương. Không khác gì giới trẻ chúng ta hôm nay.
Nhưng thánh lễ hôm nay cũng khiến ta phải suy nghĩ không ít vì những biến cố quá trái ngược. Chúa vừa vinh hiển vào thành chưa được bao lâu đã phải tủi nhục chết trên thập giá. Tại cổng thành có biết bao người ra chào đón tung hô, nhưng trên Núi Sọ chẳng còn mấy người theo Chúa. Từ chúa nhật Lễ Lá đến thứ Sáu tuần thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ đường, đi ngang, về tắt. Tại sao thế? Ta hãy lần theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu.
Ngã rẽ của Giuđa. Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt 3 năm Chúa đi rao giảng. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quan trọng: nắm giữ tài chánh. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông vắng mặt. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ đuổi theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền.
Ngã rẽ của Phêrô. Phêrô là môn đệ rất thân thiết của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông ở bên Chúa. Nhưng ngày thứ sáu tuần thánh, không thấy ông đâu. Ông đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Chúa thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa.
Ngã rẽ của đám đông. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười. Đám đông đã rẽ sang lối nào? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.
Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Nhưng người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm.
Những gì đã xảy ra cho Giuđa, cho Phêrô và cho đám đông năm xưa vẫn có thể xảy ra cho ta hôm nay. Làm sao để ta luôn đi trên đường theo Chúa và trung thành với Chúa? Thưa hãy Sống Lời Chúa. Năm nay (2005), Hội đồng Giám mục Việt nam đề nghị chúng ta hãy lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam. Trong thư chung năm 2005, HĐGM đã nhắn nhủ riêng các bạn trẻ:
“Các bạn trẻ sẽ là chủ nhân của tương lai, là niềm hy vọng của Giáo Hội. Trước bao nhiêu khuynh hướng, trào lưu và thần tượng của thời đại, các bạn không được phép sai lầm khi lựa chọn tiêu chuẩn hướng dẫn hành động. Lời Chúa là Ánh Sáng duy nhất giúp các bạn trong sự lựa chọn có tính quyết định này” (Thư chung 2005, 9).
Đức Thánh Cha Bênêđíchtô cũng khuyên nhủ các bạn trẻ Rôma, Italia hãy siêng năng đọc, học hỏi, suy niệm Lời Chúa để thực hành trong đời sống. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết sáng suốt trước những chọn lựa trong đời sống. Lời Chúa sẽ soi sáng cho các bạn trong những lúc bóng tối vây phủ. Lời Chúa sẽ ban sức mạnh khi các bạn cảm thấy yếu mệt. Lời Chúa sẽ hướng dẫn các bạn biết lối quay về nếu lỡ lạc đường. Lời Chúa sẽ biến các bạn trở thành chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay. Vì Lời Chúa sẽ ấp ủ, nuôi dưỡng để các bạn lớn lên trong tình thương yêu. Cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa, các bạn sẽ biết đáp lại. Và sẽ trung thành với Chúa cho đến cùng.
Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con trong tình thương của Chúa. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Trong ba loại ngã rẽ, bạn thấy ngã nào nguy hiểm nhất?
2. Bản thân bạn có kinh nghiệm gì với những cám dỗ này? Bạn đã chống trả ra sao? Bạn đã thành công hay thất bại trong cuộc chiến đấu chống những cơn cám dỗ kể trên?
3. Đối với bạn, Kinh Thánh có quan trọng không?
4. Câu nào trong Kinh Thánh đánh động bạn nhất?
5. Phải đọc Kinh Thánh thế nào mới có kết quả?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Lừa Con Chưa Ai Cưỡi Bao Giờ
Trong trình thuật Đức Giêsu vào Giêrusalem với tư cách đấng Mêsia, cả bốn Phúc Âm đều ghi nhận chi tiết mượn lừa và cỡi lừa; thậm chí có tác giả như Marcô và Luca còn xác định chi tiết hơn: Người cỡi lên ‘con lừa con chưa ai cỡi bao giờ’. Hình ảnh Đức Giêsu khải hoàn tiến vào thành thánh ngồi trên lưng lừa thật ấn tượng; ấn tượng không phải vì vẻ uy nghi bề ngoài (điển hình như bức tranh đại tướng Napônêôn bách chiến bách thắng oai phong trên lưng chiến mã vượt qua rặng núi Alpes của Jacques-Louis David), nhưng vì một một nét gì đó êm đềm và sâu sắc đến khó tả.
Tác giả Matthêu đã hé cho thấy ý nghĩa của cảnh tượng đó, khi trích dẫn lời ngôn sứ Dacaria: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ!… Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi; Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Các nhà bình giải Kinh Thánh đưa ra những giải thích quen thuộc như: “các ngôn sứ đã loan báo một vị vua hiền hòa, đến viếng thăm dân, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, như người dân đơn sơ hiền hòa, thay vì ngồi trên lưng ngựa như vị tướng quân” (Christian Community Bible). Thực ra nói như thế ta vẫn chưa giải thích được gì, hoặc nếu có thì cũng mới chỉ cho thấy hình tượng bên ngoài như một lối trình bày trước quần chúng (theo kiểu thường thấy nơi các diễn viên điện ảnh)
Tra cứu Cựu Ước tôi được biết: đối với người Do Thái trong đời thường việc cỡi lừa chẳng có ý nghĩa gì lớn. Cho tới thời Salômôn, các tổ phụ, các vua, các quan án hay mọi người giầu có, vị vọng cũng đều cỡi lừa cả (Tl 10:3; 1:14; 1Sm 25:23); lừa đồng thời cũng từng là phương tiện chuyên chở phổ thông của cả vùng Palestin thời đó. Phải đến thời hậu Salômôn sau khi ngựa chiến được du nhập, lừa mới trở thành biểu tượng của thời bình cũng như ngựa là biểu tượng của thời chiến: “Kìa đức Vua đến với ngươi, hiền hòa trên lưng lừa!” Đức Giêsu tự giới thiệu mình với đám quần chúng Do Thái như một con người của đời thường, của hòa bình, khác xa với quan niệm chính trị về một đấng Mêsia chinh chiến đánh đuổi ngoại xâm được các thượng tế và luật sĩ phổ biến. Sau này, trước mặt tổng trấn Philatô của chính quyền Rôma, Người cũng sẽ thẳng thừng tuyên bố cùng một nội dung đó (Ga 18:36-38).
Đối với những ai am tường Cựu Ước hơn, khi nhắc tới chi tiết ‘Vua ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ’ chắc hẳn sẽ gợi nhớ hai giai thoại: Abraham sát tế Ixaac, và con lừa cái của ông Bilơam. Sách Sáng Thế chương 22 thuật câu chuyện: “Ông Abraham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là Ixaac. Ông bổ củi dùng để đốt của lễ toàn thiêu… rồi lên đường tới nơi Thiên Chúa bảo… Sang ngày thứ ba, ngước mắt lên, Abraham thấy nơi đó ở đàng xa, ông bảo đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh”… Ông Abraham lấy củi dùng để đốt của lễ toàn thiêu đặt lên vai Ixaac, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi…” Ixaac trước khi bị cha mình sát tế, đã vác củi thay con lừa mang nặng. Còn sách Dân số chương 22 thì kể câu chuyện Bilơam, thầy sấm của dân Mađian, cỡi con lừa cái của mình chạy trốn cơn thịnh nộ của Đức Chúa. Ba lần con lừa ‘thấy thần sứ của Đức Chúa đứng trên đường, gươm trần trong tay…’ và nó đã tìm cách tránh đường. Sau cùng thần sứ nói với Bilơam: “Con lừa cái thấy Ta, thì nó đã tránh mặt ta tới ba lần. Giả thử nó không tránh mặt Ta, thì chắc chắn Ta đã giết chết ngươi, còn nó thì Ta đã để cho sống…” Một con lừa gợi nhớ hy tế vâng phục, con kia nhắc nhở tha thứ khỏi cơn thịnh nộ!
Như vậy cảnh tượng Đức Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem cỡi trên lưng lừa không đơn thuần chỉ là một hình ảnh gây ấn tượng. Nếu Hy tế Thập giá là cả một mạc khải vĩ đại về Thiên Chúa tình yêu và cứu độ, thì hình ảnh ‘cỡi lừa’ này chính là một phần của mạc khải đó (cũng như hình ảnh con rắn đồng trong Ga 3:14-18). Nó nói lên một Thiên Chúa hiền hòa, không kết án, không luận phạt; nó là hình ảnh rất Do Thái về một đấng Mêsia hiền hòa và xót thương, cứu vớt và tha thứ; một đấng Mêsia, ‘Đấng ngự đến nhân danh Chúa’ phải là như thế, không thể nào khác được!
Lạy Đấng Mêsia hiền hòa cỡi trên lưng lừa con, ai có thể mở miệng tung hô và đón nhận Người cách nhiệt tình nhất nếu không phải là những người tội lỗi thấp hèn? Nếu con không biết tung hô lòng từ bi nhân hậu Chúa, biểu lộ cách rực rỡ nơi mầu nhiệm Thập Giá, thì y như Chúa đã nói:“sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” Xin cho tâm hồn con không bị trai cứng hơn cả sỏi đá tới độ không còn biết mở miệng lớn tiếng ca tụng tình thương cứu độ Người đã và đang thực hiện trên Thập Giá vì yêu con! Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Ai Là Bạn Của Tôi?
Có ai đó nói rằng: “Trời mưa rồi, mới biết ai sẽ là người đưa dù cho bạn. Gặp chuyện rồi, mới biết ai sẽ là người đối đãi với bạn thật lòng. Có những người chỉ biết thêu hoa trên gấm, chứ không biết đưa than trong những ngày đông. Lại có những người chỉ biết thêm dầu vào lửa, chứ không biết đối đãi chân thành”.
Nhiều ngươi vẫn tự hào có đông bạn bè, nhưng người thật sự hết lòng vì mình liệu có được mấy ai?
Có một người kể rằng vì vấn đề trong làm ăn nên anh đang cần gấp một số tiền. Anh liền gọi điện cho những bạn bè thân thiết của anh. Đều được trả lời là không thể giúp với nhiều lý do. Anh đã dựa vào độ thân thiết mà gọi 9 cuộc điện thoại kêu cứu, nhưng càng gọi về sau thì càng không có lòng tin. Cho tới cuộc gọi thứ 10 chỉ là thử vận may mà thôi, thế mà anh lại được một người bạn ít thân thiết sẵn lòng cho mượn.
Cuối cùng anh kết luận rằng: “Nếu không phải lần mượn tiền này, tôi còn tưởng rằng mình có rất nhiều bạn bè, bây giờ tôi mới hiểu thì ra tôi cô đơn đến như vậy!”
Đời người, gặp nhau là do duyên Trời, ấm áp bởi tình, tan rã bởi thiếu chia sẻ với nhau, tệ hơn là bạn bè nhưng lại chơi xấu nhau. Đời thị phi là vậy. Con người chỉ nghĩ đến lợi cho bản thân. Khi chơi với ai có lợi thì thân. Ngược lại khi mối lợi không còn thì tình thân cũng tan biến. Có khi còn vì bản thân mà đạp đổ danh dự của nhau…
Chúa Giêsu dường như cũng nếm trải nỗi đau của chơi xấu, của bỏ rơi nơi các môn đệ. Giuđa môn đệ được tin tưởng giao cho làm thủ quỹ thì biển thủ, thì tham lam, cho tới khi có cơ hội lại bán Thầy với giả rẻ mạt chỉ 30 đồng thôi. Các môn đệ khác thì bỏ mặc Thầy trong nguy khó. Một mình Thầy cô đơn. Một mình Thầy trải qua cuộc thương khó. Có chăng Gioan và Phêrô theo Thầy, nhưng chỉ lén lút đi trong đêm tối, và rồi khi đối diện với khó khăn, Phêrô đã chối Thầy đến 3 lần.
Đúng như người ta nói: “Lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai!”. Con người ta chỉ một lần sa cơ, mới biết ai thật lòng, ai quan tâm đến mình nhất. Điều mà thời gian lưu lại không phải là tài phú, không phải là vẻ đẹp, mà là sự chân thật dành cho nhau. Hoa nở rồi sẽ tàn, thời gian trôi đi sẽ không quay trở lại. Lâu ngày không hẳn sẽ sinh tình, nhưng nhất định sẽ thấy được lòng người chân thành hay chỉ là đãi bôi.
Quang cảnh Lễ Lá hôm nay cũng tương phản với hình ảnh thứ sáu tuần thánh nơi dân thành Giêrusalem. Hôm nay họ trải lá lót đường đón Chúa. Ngày mai họ ném đá đòi đóng đinh Chúa. Hôm nay họ tung hô Chúa là vua, ngày mai họ đóng đinh Ngài vào thập giá. Xem ra Chúa vẫn cô đơn trong tiếng reo hò của hàng ngàn người dân thành Giêrusalem. Ngày lễ lá họ reo mừng vì thấy Chúa là mối lợi cho dân tộc. Ngày thứ sau họ kết án vì muốn lợi dụng Ngài “chết thay cho cả dân được nhờ”. Chúa vẫn cô đơn trong chính dân tộc của mình và ngay cả nơi nhóm nhỏ môn đệ thân tín của Ngài.
– Hình như hôm nay Chúa vẫn cô đơn trong nhà thờ, vì người ta đến với Chúa chỉ vì thói quen, vì muốn tìm cái phao cứu mình khỏi khó khăn?
– Hình như hôm nay Chúa vẫn cô đơn trong dòng đời, vì đâu mấy ai dám hy sinh cho Ngài khi phục vụ giúp đỡ người ốm đau, nghèo khó hay tật nguyền?
– Hình như hôm nay Chúa vẫn cô đơn trong các mái gia đình, vì còn mấy gia đình vẫn sáng lễ chiều kinh, nhưng họ chỉ dành thời gian cho công việc và nghỉ ngơi?
Con người hôm nay tính toán với Chúa nên họ cũng tính toán với nhau. Có bao nhiêu
người sống với nhau lấy tình nghĩa làm đầu? Liệu rằng ở giữa hàng ngàn, hàng vạn người kia có mấy ai là tri kỷ, mấy ai là người thật lòng đáng cho ta tin tưởng? Có tiền là có tất cả nhưng có mấy ai đem tiền để mua lấy tình thân? Tình người dường như không được mua và càng không thể cho không!
Xin Chúa giúp chúng ta biết đi vào tuần thương khó trong sự hy sinh hãm mình để đồng cảm với Chúa Giêsu. Xin cho chúng ta cũng đừng bao giờ lấy lợi nhuận để mà cân đo đong đếm tình yêu. Vì tình yêu luôn phải cho không, biếu không mới là tình yêu đích thực. Ước gì chúng ta luôn là người môn đệ trung tín với Chúa dầu phải bước đi trong khổ giá vẫn trung kiên. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Vác Thập Giá Với Chúa Giêsu
Trong Mùa Chay và đặc biệt trong Tuần Thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta thông hiệp sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu và cùng vác thập giá với Ngài. Việc này có ý nghĩa gì và có mang lại lợi ích gì không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua mấy điểm sau đây:
Chúa Giêsu không vác thập giá một mình
Khi vác thập giá lên đồi Canvê, Chúa Giêsu muốn cho ông Simon cùng vác thập giá với Ngài, muốn có Mẹ Maria, thánh Gioan cùng đồng hành, cùng thông phần đau khổ với Ngài từ lúc bắt đầu cuộc thương khó cho đến lúc Ngài nhắm mắt tắt hơi.
Chúa Giêsu mời ta vác thập giá với Ngài
Và hôm nay, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta cùng vác thập giá với Ngài. Ngài nói: “Ai muốn theo tôi thì hãy vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Để thực hiện việc này, Ngài lập nên Bí tích Thánh Tẩy (Rửa tội) để tháp nhập chúng ta vào Thân mình Ngài, trở thành một chi thể trong Thân thể Ngài . Rồi Ngài lại cho trao cho chúng ta chức linh mục (vai trò tư tế) của Ngài để chúng ta cùng hiến tế với Ngài mọi lúc mọi nơi.
Thế là từ đây,
Vì đã trở nên vai của Chúa Giêsu, gánh nặng chúng ta đang mang cũng chính là thập giá mà Chúa Giêsu đang vác;
Vì đã trở nên bàn tay, bàn chân… của Chúa Giêsu, những đau thương ta chịu hôm nay cũng chính là những mũi đinh nhọn đâm thâu tay chân Ngài… và máu của các thánh tử đạo đổ ra hôm nay cũng chính là máu của Chúa đổ ra cho nhiều người được tha tội.
Như thế, Chúa Giêsu cần có chúng ta vác thập giá với Ngài, chịu khổ nạn với Ngài để đền tội cho vô vàn tội nhân đang phạm đủ mọi thứ tội lỗi khắp nơi trên thế giới.
Vác thập giá cách nào?
Vác thập giá theo Chúa Giêsu không phải là vác cây gỗ hình chữ thập đi lui đi tới, nhưng là kết hợp với Chúa Giêsu để làm những việc bổn phận hằng ngày.
Trước hết chúng ta hãy nhớ rằng hôm nay, Chúa Giêsu đang sống trong ta như lời thánh Phaolô dạy: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là chính Chúa Giêsu đang sống trong tôi” (Galat 2, 20).
Vì có Chúa Giêsu đang sống trong ta và ta là chi thể của Ngài, nên những việc ta làm không còn là việc ta làm nữa, mà là “chính Chúa Giêsu đang làm” việc đó trong ta.
Vậy thì khi tôi quét rác, “không còn là tôi, mà là Chúa Giêsu” đang quét trong tôi… Khi tôi vất vả cực nhọc, “không còn là tôi, mà là Chúa Giêsu” đang chịu vất vả cực nhọc trong tôi…
Như thế, nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, thì chính Chúa Giêsu đang tiếp tục cuộc thương khó của Ngài trong thân mình chúng ta, qua mỗi công việc ta làm, và khi ta làm bất cứ việc gì với Chúa, là cùng vác thập giá với Chúa.
Vác thập giá hằng ngày với Chúa
Đề nghị: Mỗi sáng, chúng ta hãy thưa với Chúa một câu: “Lạy Chúa Giêsu, xin cùng làm việc với con suốt ngày hôm nay.”
Và mỗi tối trước khi đi ngủ, cũng nhớ thưa với Chúa một câu: “Con xin dâng mọi việc con làm cho Chúa.”
Thế là có Chúa Giêsu làm việc với ta suốt ngày. Đời ta ý nghĩa biết bao!
Thế là ta đang vác thập giá với Chúa Giêsu suốt ngày. Biết bao nhiêu là công phúc!
Như vậy, những công việc ta làm hằng ngày “sẽ trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa” như lời thánh Công đồng Vatican II dạy:
“Người giáo dân, vì đã được hiến dâng cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu, nên họ được mời gọi và được ban ơn cách lạ lùng để Thánh Thần sinh hoa trái nơi họ ngày càng phong phú hơn. Thực vậy, mọi hoạt động, kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần… tất cả những việc đó đều trở nên của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô…”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con cùng vác thập giá với Chúa mỗi ngày bằng cách kết hợp với Chúa mà làm mọi việc bổn phận của chúng con, qua đó, chúng con thi hành vai trò linh mục (tư tế) của mình, đồng thời tham gia vào công trình cứu độ của Chúa.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Vua Tình Yêu
CN Lễ Lá.B – (Mc 11, 1 – 10)
Đức Vua hiền hậu viếng thăm dân
Ngự giá lừa con tỏa thánh ân
Khiêm tốn công bình tình khắng khít
Đơn sơ chính trực nghĩa thêm gần
Xót thương cứu vớt người lầm lỗi
Tha thứ ấp ôm kẻ bạc ân
Thập giá hiến mình hy lễ mới
Tình yêu mạc khải cứu nhân trần.
Hạt Nắng
Vua Tình Yêu
CN Lễ Lá.B – (Mc 11, 1 – 10)
Vua Hòa Bình uy linh cao cả,
thăm dân người từ giã cung son.
Vui mừng thiếu nữ Sion,
Đức Vua ngự giá lừa con khiêm nhường.
Vua hiền hòa soi đường mở lối,
giải thoát dân bóng tối u mê.
Con đường “Vâng Phục” nhiêu khê,
khiêm nhường đón nhận tràn trề tình yêu
Đường Thập Giá liêu xiêu nghiêng ngả,
chén đắng tình trọn dạ tín trung.
Tình yêu đi đến tận cùng,
ý Cha nên trọn gánh từng nỗi oan.
Đường khổ nạn vai mang thập giá,
gánh tội tình của cả nhân gian.
Hiến dâng hy lễ nồng nàn,
hoa Tình Yêu nở vinh quang cho đời.
Cây Thập Giá sáng ngời vương miện,
mở Trái Tim Thánh Điện Tình Yêu.
Máu rơi hòa quyện nắng chiều,
vương quyền Thiên Chúa huyền siêu nhiệm mầu.
Toàn dân chúc tụng, khẩn cầu,
tung hô vạn tuế, khấu đầu tri ân.
Đức Vua chúc phúc muôn dân …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Bước Chân Trần Trên Đá
Chúa Nhật Lễ Lá – B
“Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra,
mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi
đóng đinh vào thập giá.”(Mc 15, 20)
Có bàn chân trần đi trên sỏi đá,
phiến đá cuộc đời từng giọt máu rơi.
Có bước chân trần vai mang thập giá,
xác thân tàn tạ tình nồng thiết tha.
Có bàn chân trần trung kiên tiến bước,
vững bước đường tình trọn trái tim yêu.
Nắng soi đường chiều nghiêng nghiêng thập giá,
Trái tim đền tạ tình thắm dâng Cha.
Đường tình Can-vê gập ghềnh nhiêu khê,
Chúa đã bước đi nhục nhã ê chề.
Yêu – trọn niềm tin yêu,
lễ vật toàn thiêu – chu toàn Thánh Ý.
*
Đường tình Chúa đi nhọc nhằn gian nguy,
chén đắng Cha trao – Chúa quyết uống cạn.
Vâng, trọn tình xin vâng,
lễ vật Chiên Con máu đào hiến dâng.
Đáp lại ân tình con xin tiếp bước,
nối bước đường tình Chúa đã đi qua.
Vác lấy thập hình giữa bao thách đố,
hiến dâng đền tạ thập giá đơm hoa.
M. Madalena Hoa Ngâu
Ngài Hấp Hối Đến Bao Giờ
Chúa Nhật Lễ Lá – B
“Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta” (Is 53, 4)
Hấp hối đến bao giờ, Chúa ơi! Ngài hấp hối đến bao giờ?
Vườn Dầu năm xưa mồ hôi máu chảy,
nhục hình chua cay đòn roi trút đổ,
cười chê báng bổ mạo gai đâm thâu.
Giết nó đi, giết nó đi,
từng cánh tay đưa lên, ngàn cánh tay đưa lên.
Hấp hối đến bao giờ, Chúa ơi! Ngài hấp hối đến bao giờ?
Vườn Dầu hôm nay trần gian khổ lụy,
hàng triệu thai nhi thịt tan máu đổ,
niềm đau thống khổ lệ rơi đêm thâu.
Ngàn nỗi đau, vạn nỗi đau,
người sống trong oan khiên, tình chết trong con tim.
Sống cho tình yêu, chết cho tình yêu,
tủi nhục đắng cay vây kín quanh Ngài,
sầu thương tê tái lòng người trắng đen,
hôm nay tung hô, ngày mai loại trừ,
ảo vọng, thực hư phản bội, vong ân.
Hiến dâng tình yêu chết cho trần gian,
bệnh tật, khổ đau gánh lấy tội đời,
dâng hy lễ mới tình nồng thiết tha,
tình yêu dâng Cha, ý Cha thiện toàn,
đồi cao thập giá nghẹn ngào “Xin Vâng”.
Hấp hối đến bao giờ, Chúa ơi! Ngài hấp hối đến bao giờ?
Lời Ngài kêu van trần gian hững hờ,
lầm lạc, ngu ngơ dập vùi Chân Lý,
màn đêm thống trị gieo bao thương đau.
Ngài vẫy con, Ngài réo con,
vững bước trong tin yêu, ôm thập giá trong yêu thương.
Nắng Sài Gòn
Tình Yêu Xôn Xao
CN Lễ Lá.B – (Mc 11, 1 – 10)
Đầy nhiệt huyết bừng bừng khí thế,
tiếng hò reo vạn tuế tung hô.
Nhân tình thế thái ai ngờ,
hôm sau gào thét vỡ bờ sục sôi.
Đường đau khổ luyện tôi chí khí,
Chúa bước theo Thánh Ý nhiệm mầu.
Vì yêu chấp nhận khổ đau,
vì yêu gánh chịu nỗi sầu nhân gian.
Chúa cam chịu muôn vàn nhục nhã,
chịu hành hình, xỉ vả, khinh chê.
Đớn đau thân xác ê chề,
trái tim rướm máu não nề xót xa.
Tình yêu Chúa bao la, cao quí,
truyền dạy con dũng khí can trường.
Đau khổ, thử thách nêu gương,
con đường Thập Giá là đường Vinh Quang.
Gây chia rẽ, dẫn đàng hủy diệt,
sống bất hòa, lạc bước cô liêu.
Ngắm nhìn Thiên Chúa Tình Yêu,
giang tay tự hiến nắng chiều đồi cao.
Tình yêu vẫy gọi xôn xao…
AP Mặc Trầm Cung