“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 1, 12-15)
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG
Vào Hoang Địa ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
‘Sám Hối’ Liên Quan Gì Tới ‘Tin Vào Tin Mừng’? Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Say Nắng Trong Tình Yêu Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Chiến Thắng Cám Dỗ Nhờ Chúa Giêsu Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Hồn Thanh Tịnh Hạt Nắng Trg 10
Hoang Địa Tình Yêu Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Sa Mạc Tình Yêu M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Sa Mạc Cuộc Đời Nắng Sài Gòn Trg 13
Hoang Địa Đời Con AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Vào Hoang Địa
Ai yêu bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế. Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể lực dẻo dai. Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.
Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ Abraham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.
Cuộc chiến đấu thứ hai mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỷ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ. Đức Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên Chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin. Adong và Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Đức Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỷ.
Cuộc chiến đấu thứ ba mà Đức Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.
Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Môsê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do Thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Êlia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Đức Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.
– Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.
– Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
– Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.
– Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.
Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Bạn có quen chấp nhận những điều khó chịu không?
2. Bạn đã bị cám dỗ bao giờ chưa? Bạn đã chống trả thế nào?
3. Mùa Chay này, bạn sẽ sống thế nào để thêm lòng mến Chúa yêu người?
4. Bạn có thường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa không?
ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
‘Sám Hối’ Liên Quan Gì Tới ‘Tin Vào Tin Mừng’?
Sứ điệp Mùa Chay xem ra đã rõ ràng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!”. Công việc phải làm trong thời gian này cũng đã từng được xác định từ thời xa xưa, là phải giữ chay tịnh trong suốt bốn mươi đêm ngày trước lễ Phục Sinh, noi gương đức Giêsu ‘được Thần Khí thúc đẩy, Người ở trong hoang điạ bốn mươi ngày’ [như Thánh Giáo hoàng Lêô (+461) đã viết: “ut apostolica institutio quadraginta dierum jejuniis impleatur” (P.L., LIV, 633)]. Ngày nay thì ‘apostolica institutio’ đó hầu như đã biến mất, đồng thời tôi cũng được nhắc nhở: sứ điệp nói trên không chỉ dành cho Mùa Chay, mà là cho toàn thể đời Kitô hữu. Chính vì thế mà tôi càng muốn tìm hiểu rõ, mình cần làm gì trong thời gian 40 ngày này (NB. Tiếng Anh gọi thời gian này là Lenten Season; trong ngôn ngữ Celt cổ nó có nghĩa là ‘spring time – mùa xuân’, không như các ngôn ngữ Âu Châu khác dùng các từ có gốc La tinh hay Hy lạp liên quan tới con số 40 như Carême hay Quaregima).
Nếu trong thời gian được gọi là ‘Mùa Chay’ mà giữ chay tịnh lại không phải là điều chính yếu, và nếu Tin Mừng không hệ tại ở việc hãm mình ép xác, giữ tiết độ hay diệt dục (Lc 5, 33-39), thì trong thời gian cao điểm này nói riêng và suốt đời Kitô hữu nói chung, điều gì mới thực là chính yếu? Nói cách khác, sứ điệp ‘hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ phải được hiểu theo nghĩa nào?
Thoạt tiên ta có thể hiểu sám hối và tin vào Tin Mừng như hai hành động song hành, hai điều cần làm để được cứu rỗi. Trước hết ‘hãy sám hối’ thường được hiểu như một lời kêu mời có nội dung luân lý, hãy từ bỏ con đường gian tà, hãy chỉnh đốn đời sống để làm cho mình lại được nên công chính như xưa. Hiểu như thế, và rất thường khi ta vẫn hiểu như vậy, nên quả thực ta cho sám hối là điều tối cần, thiết yếu tới độ chỉ cần sám hối chân thành đã đủ để một người có thể được lên thiên đàng. Đức Giêsu đến để kêu gọi sám hối , và trước Ngài, nhiều tiên tri – cao điểm là Gioan Tiền Hô – cũng đã từng kêu gọi như thế. Nếu vậy sứ điệp này có gì là quan trọng? Thứ đến ‘tin vào Tin Mừng’, nếu được hiểu là giữ đạo, là sống các điều răn để có thể được rỗi linh hồn, thì vai trò của đức Giêsu cũng lại rất mờ nhạt mà thôi. Đơn thuần Người chỉ đóng vai trò một ông thầy dạy đỗ những điều phải làm, chỉ bảo cho biết các điều phải giữ… rồi thì Người không còn cần thiết nữa; vì người ta có thể được cứu rỗi căn cứ vào các việc giữ và làm (tương tự như Môsê trong Cựu Ước, với bộ giới răn và lề luật của ông). Chắc hẳn sứ điệp không thể hiểu như thế, nếu không muốn Tin Mừng đức Giêsu trở thành điều gì quá tầm thường.
Sức mạnh của sứ điệp đưa ta tới thẳng Thiên Chúa thứ tha, và đặt niềm tin tuyệt đối vào đức Giêsu Kitô thập gía cứu độ. Trong nội dung đó, ‘hãy sám hối’ phải được hiểu là ‘hãy chân thành nhìn nhận mình thấp hèn trong tội lỗi, để cảm thấy khát vọng và nhu cầu được cứu vớt thứ tha. Lúc đó hối nhân sẽ không nhất thiết phải là người đã cải tà qui chính, cho bằng là người tuyệt đối tin tưởng đón nhận ơn cứu độ. Trong nội dung này hai vế ‘hãy sám hối’ và ‘tin vào Tin Mừng’ sẽ có liên hệ mật thiết với nhau. Một người càng khiêm tốn sám hối bao nhiêu thì càng tin vào Tin Mừng cứu rỗi bấy nhiêu, và ngược lại người tin vào Tin Mừng, trong bất kì hoàn cảnh nào cũng sẽ luôn trong tư thế khiêm nhường sám hối. Đồng thời cả hai hành động chỉ có một mục tiêu duy nhất là đón lấy ơn cứu độ nơi Thiên Chúa từ nhân được thực hiện trong thập giá Đức Kitô Giêsu. Tác giả Marcô quả thật có lý khi dành cho sứ điệp này một tầm quan trọng tuyệt đối vì nó gói ghém toàn bộ nội dung rao giảng và hành động của đức Giêsu. ‘Sau khi ông Gioan bị bắt, đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã viên mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối, và tin vào Tin Mừng”.
Trong tư cách là một tu sĩ – linh mục đã lớn tuổi, tôi có thật sự vẫn xác tín rằng mình cần phải khiêm nhường sám hối? Và tôi có đánh giá sự thánh thiện của mình theo thước đo của khát vọng đón nhận hồng ân cứu độ? Mùa Chay chính là thời gian dành cho tôi để kiểm điểm lại hai điều này.
Lạy Thiên Chúa cứu độ của con, Chúa kêu gọi con sám hối không phải để con được xứng đáng đến gần Chúa, nhưng để càng cảm thấy mình bất xứng và do đó khao khát đón lấy hồng ân cứu độ do lòng nhân lành thương xót Chúa trao ban. Xin cho sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’ luôn vang vọng ngày càng mãnh liệt hơn trong suốt đời Kitô hữu của con, và đặc biệt cấp bách và khẩn thiết hơn trong mỗi Mùa Chay thánh. Xin hãy luôn mở rộng tâm hồn con đón lấy tình thương vô biên Chúa. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Say Nắng Trong Tình Yêu
Có một Status Say nắng viết thề này:
“Số phận đã cho chúng ta vô tình lướt qua nhau nhưng lại không trao cho chúng ta quyền được yêu nhau. Em không trách anh, cơn say nắng của em. Vì tất cả là do lỗi của em dại khờ. Em sẽ nhớ đến anh, người đã làm cho em say nắng và chao đảo mọi thứ vì cơn say nắng đó. Chúc anh luôn vui và hạnh phúc. Chúc cho em sớm thoát khỏi mê cung do mình tự dựng nên.
Ai trong đời cũng từng có vài lần say nắng, rồi thời gian sẽ chữa lành vết thương. Ai cũng có một hiện tại đáng trân trọng, đừng để chút ngọt ngào giữa dòng đời cám dỗ. Vợ anh tốt, và chồng em cũng vậy. Chúng ta không thể có lỗi với họ. Say nắng thôi anh nhé! Tình yêu đích thực hay say nắng chỉ là cơn say nắng”
Lần đầu tiên tôi được nghe từ “say nắng” từ một cô gái kể chuyện chồng bị “say nắng”. Cô ta nghĩ rằng chồng cô khi tiếp xúc bên ngoài phải gặp nhiều người thì cũng có thể “say nắng” ai đó là chuyện bình thường. Nhưng rồi không phải vậy, chồng cô đã phản bội cô thật, chứ không chỉ là say nắng một chút rồi sẽ tỉnh lại để về với vợ con.
Hóa ra “say nắng” là căn bệnh của những người đã có gia đình nhưng lại đem lòng tương tư một ai đó. Tìm cách làm quen, nhắn tin, hẹn hò ăn tối, nghe nhạc . . . Dù có thể chưa đi tới sự phản bội nhưng nó cũng đủ làm cho người “say nắng” bỏ bê gia đình để đi tìm niềm vui riêng.
Vốn dĩ tình yêu là “mù quáng”. Bởi vậy khi yêu, ai cũng có thể trở nên “ngu muội”. Vì khi trong tim mình, trong mắt mình chỉ cần người mình yêu là đủ thì người ta dễ quên cả lối về. Khi yêu người ta không sống bằng lý trí mà là bằng con tim chỉ lao vào vòng tay của nhau và vượt qua mọi rào cản của đạo lý.
Xem ra trung thành tuyệt đối với tình yêu thật khó. Bởi vì hằng ngày ta phải tiếp xúc với bao nhiêu người rất đẹp, rất dễ thương, rất chiều chuộng khiến ta dễ bị say nắng. Nếu không hồi tỉnh và một lúc nào đó cơn say sẽ dẫn ta vào con đường lạc lối lúc nào chẳng hay.
Trong tương quan với Thiên Chúa càng khiến con người dễ “say nắng” bởi những cám dỗ trần gian. Có biết bao cám dỗ bởi tiền, bởi tình, và bởi quyền khiến ta say nắng chỉ nghĩ và tơ tưởng về nó. Có khi cơn say khiến ta quên cả luật Chúa để lao vào cơn say của danh lợi thú. Cơn say nào rồi cũng tỉnh nhưng hậu quả của nó đôi khi khiến ta mất hết tất cả: danh dự, gia đình và của cải. Khi tỉnh ngộ đôi khi đã quá muộn màng.
Trong năm 2017, dư luận như sôi lên sau khi một người phụ nữ ở Bình Dương khai nhận đã giết rồi chặt xác chồng thành nhiều mảnh. Đấy là một câu chuyện thực sự rùng rợn, nếu xét về tình tiết và hành động, nhưng xét cho cùng, thì với bất cứ lý do gì, đấy là một kết cục rất buồn, với sự tan nát của một gia đình, với cái chết của một người, và người kia đối diện với tù tội và tòa án lương tâm. Người phụ nữ này dám làm điều ác cũng từ cơn say tình dẫn đến chuyện gì cũng dám làm.
Hôm nay khởi đầu mùa chay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sám hối. Sám hối vì đã có những lần chúng ta «say nắng » mà bỏ nhà thờ, bỏ bê bổn phận với gia đình. Sám hối vì đã có những lần chúng ta chiều theo cám dỗ của ma quỷ mà hành động theo tính xác thịt, thiếu tự chủ bản thân. Sám hối là nhìn nhận sự yếu đuối của mình để trông cậy lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể chiến thắng cám dỗ, chiến thắng những yếu đuối của bản thân.
Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng cám dỗ ban ơn sức mạnh để chúng ta biết chế ngự cơn say của mình, dẫu biết rằng cám dỗ vẫn luôn có nhưng quan yếu là dám từ khước để sống trung thành với Chúa. Xin cho các gia đình trẻ đang khi phải bươn trải với cuộc sống mưu sinh nhưng luôn biết chế ngự cơn say của mình, để đừng vì «say nắng» ai đó mà phá vỡ hạnh phúc gia đình. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự phụ về khả năng tự chủ của mình nhưng luôn khiêm tốn trông cậy vào ơn Chúa giúp để nói không với sự xấu, với điều nghịch lại với lề luật của Chúa. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Chiến Thắng Cám Dỗ Nhờ Chúa Giêsu
Sói chết vì khát máu
Người Eskimo ở bắc cực nghĩ ra một cách bẫy chó sói rất độc đáo để lấy bộ da chúng làm y phục.
Người ta dùng một con dao cực bén và nhúng lưỡi dao ấy vào máu súc vật, rồi đem dang ra ngoài trời tuyết lạnh cho máu đông lại chung quanh. Họ lặp lại động tác đó nhiều lần cho đến khi con dao được bọc quanh bằng khối máu đông, lớn như quả xoài.
Đợi đến khi trời tối, thợ săn đem con dao bọc máu đó ra cắm giữa đồng hoang. Với tài đánh hơi bén nhạy, loài sói khát máu sẽ nhanh chóng phát hiện mùi máu tươi và sẽ chạy đến đua nhau liếm tới tấp vào cục máu đông đó cho đến khi lưỡi dao lộ ra cứa đứt lưỡi chúng. Một khi lưỡi của bầy sói bị cứa đứt nhiều đường, máu từ lưỡi ứa ra và chúng tiếp tục liếm cách điên cuồng hơn chính dòng máu của chính mình chảy ra mà không hay biết. Càng liếm hăng, lưỡi chúng càng bị cứa sâu hơn và nhiều hơn khiến máu chảy thành dòng… kết thúc cuộc đời lũ sói tham ăn.
Người chết vì cám dỗ
Có thể nói con người phải đương đầu với nhiều cơn cám dỗ nhất so với tất cả các loài thú khác. Cám dỗ của miếng ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, ma tuý, cần sa, cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, của địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác.
Người ta bị lôi cuốn vào các cơn cám dỗ như con sói tham lam lao vào liếm cục máu bọc lưỡi dao, như những con thiêu thân lao vào lửa và hậu quả là con người trở nên bạc nhược, bị lôi cuốn vào dòng thác dục vọng như cánh bèo nhỏ bé bị cuốn phăng phăng giữa dòng nước lũ hung tàn.
Không rõ con chó sói, một khi biết có lưỡi dao bén ẩn dấu trong cục máu đông, có còn dám tiếp tục liếm cục máu đó nữa không, nhưng đối với nhiều người thì dù biết chắc chắn rằng đằng sau những lạc thú đồi truỵ có ẩn dấu lưỡi dao thần chết thì họ vẫn cứ tiếp tục hưởng thụ những thứ đó đến cùng. Họ mượn lời thơ Xuân Diệu để tự biện minh rằng:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu).
Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như chúng ta.
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân (Philip 2, 6-7).
Vì trở nên người phàm như chúng ta, “Chúa Giêsu đã từng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta” (Dt 4,15).
Qua đoạn Tin mừng được trích đọc trong thánh lễ hôm nay, thánh sử Marcô cho biết Chúa Giêsu đã vào hoang địa bốn mươi ngày và Ngài đã thực sự bị Xatan cám dỗ. (Mc 1, 12-13)
Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện như chúng ta, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Ngài đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng.
Canh phòng tử huyệt
Trâu bò tuy to khoẻ nhưng dễ dàng bị chế ngự bởi một đứa bé cỏn con khi người ta xỏ mũi được chúng. Con người dù có hùng mạnh đến đâu, nhưng một khi bị “xỏ mũi” bởi các đam mê tội lỗi, thì cũng phải ngoan ngoãn lội xuống bùn, bị lôi xuống vực vì sức kéo của những đam mê và dục vọng đê hèn.
Mỗi người có một tử huyệt, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy, tử huyệt có thể là lòng tham lam bạc tiền danh lợi, nơi người khác là khoé nhìn háo sắc, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, kiêu căng…
Người đi câu luôn biết lựa mồi hợp sở thích của cá; cũng vậy, ma quỷ có thừa khôn ngoan để chọn những mồi bả phù hợp “khẩu vị” của từng người và nhắm tấn công vào đúng tử huyệt của chúng ta.
Trong mùa chay, Chúa Giêsu và Giáo Hội kêu mời chúng ta đi vào cõi thinh lặng của tâm hồn để nhìn lại lòng mình, rà soát tâm tư mình, xét xem những đam mê nào, những xu hướng tội lỗi nào đang chi phối đời ta mạnh nhất (đó là những tử huyệt cần canh phòng che chắn). Chính những đam mê và xu hướng đó là động cơ xô đẩy con sói tham ăn lao vào chỗ chết; và cũng chính những động cơ đó đã huỷ hoại cuộc đời ta, làm mất thanh danh phẩm giá cũng như giá trị cao đẹp của đời ta.
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi khi lâm trận, xin cho chúng con nhớ đến Chúa đang hiện diện trong mỗi người chúng con và xin Chúa cùng chiến đấu với chúng con chống lại những cơn cám dỗ xảy đến trong đời.
Xin ban ơn giúp sức để chúng con không bao giờ lùi bước trước bất kỳ cơn cám dỗ nào, nhưng kiên cường chiến đấu để khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và những đam mê xấu xa, đồng thời lập được nhiều chiến công vẻ vang như Chúa.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Hồn Thanh Tịnh
CN I MC.B – (Mc 1, 12 – 15)
Hoang địa cuộc đời phút tịnh tâm
Niềm tin thao luyện khúc tri âm
Đói nghèo, khốn khổ hồn vươn tới
Thiếu thốn, gian nan trí lặng thầm
Từ bỏ ý riêng nương thánh sủng
Vâng theo thánh ý nhận hồng ân
Thành tâm sám hối tâm linh sáng
Kết hiệp ân tình hướng thiện chân.
Hạt Nắng
Hoang Địa Tình Yêu
CN I MC.B – (Mc 1, 12 – 15)
Vào hoang địa tâm hồn thanh luyện,
quyết tẩy chay quyến luyến phù vân.
Hy sinh chấp nhận khó khăn,
chống trả cám dỗ tinh thần kiên trung.
Hồn tỉnh táo trước từng chiêu thức,
của quỷ ma mỗi lúc thâm sâu.
Thành tâm sám hối nguyện cầu
tìm thánh ý Chúa khấu đầu xin vâng.
Nương tựa Chúa nhân từ thương xót,
dẫu đời con bèo bọt điêu tàn.
Tình thương cứu độ trao ban,
hồng ân tuôn đổ bình an tâm hồn.
Dẫu cuộc đời dập dồn sóng gió,
vững tin yêu gian khó không sờn.
Dẫu đời còn lắm thê lương,
không làm nô lệ theo đường tà gian.
Vào hoang địa muôn vàn thử thách,
hồn tự do thân xác tinh tuyền.
Noi gương Chúa đã trung kiên,
bài học chiến thắng Ngài truyền cho con.
Dầu gian khổ, vững lòng son …
Bâng Khuâng Chiều Tím
Sa Mạc Tình Yêu
CN I MC.B – (Mc 1, 12 – 15)
Bao năm xác thân yếu hèn,
đường đời gian nan, bon chen.
Đam mê phù vân, lầm lạc,
vực sâu dục vọng tối đen.
Vinh hoa thế gian mọc mời,
hão huyền, hồn con chơi vơi.
Lắng nghe Tình Yêu diệu vợi,
lệ tình chát mặn tim côi.
Sa mạc cuộc đời, sa mạc cuộc đời, Chúa ơi!
Ngài gọi con, giao kết tình son,
giã từ bóng tối.
Sa mạc tình yêu, sa mạc tình yêu, Chúa ơi!
Sám hối tội tình,
ánh sáng Tin Mừng, rọi chiếu tâm linh,
tình Chúa yêu thương, nâng bước hành trình,
sức mạnh thần linh, hồng ân cứu độ đời con.
Tin yêu bước trong cuộc đời,
tâm hồn tự do, êm trôi.
Ý Cha, con xin đáp lời,
trung thành, tình yêu lên ngôi.
M. Madalena Hoa Ngâu
Sa Mạc Cuộc Đời
CN I MC.B – (Mc 1, 12 – 15)
Sa mạc cuộc đời, giữa những gian nan,
khó nghèo, cao sang, thách đố lòng người.
Giữa tiếng chào mời, đam mê yếu đuối,
vinh hoa cuộc đời, ray rứt tâm can.
Sa mạc cuộc đời, giữa những điêu linh,
thử lòng kiên trinh, cám dỗ giăng đầy.
Sám hối chân thành, niềm tin vững chí,
ơn Chúa phù trì, ngời sáng tâm linh.
Sa mạc hoang vu,
Chúa đã nêu gương, chiến đấu can trường,
khuất phục quỷ ma, thâm độc gian tà, không làm nao núng.
Tình yêu bền vững,
từ bỏ ý riêng, mối tình trung kiên
tìm thánh ý Cha, chiếu soi trần gian, ánh sáng chan hòa.
Sa mạc cuộc đời, thánh ý Cha ban,
giữa ngàn nguy nan, vững bước hành trình.
Phục vụ quên mình, vui đời nhân chứng,
ánh sáng Tin Mừng, vững bước bình an.
Nắng Sài Gòn
Hoang Địa Đời Con
CN I MC.B –(Mc 1, 12 – 15)
Quyến rũ ngọt ngào tình đời dâu bể,
danh vọng, bạc tiền trần thế vinh hoa.
Đam mê xác thịt mù lòa,
âm mưu ma quỷ chính ba giặc thù.
Chước cám dỗ ngục tù giam hãm,
đòi hỏi con can đảm đương đầu.
Khó khăn thách đố thâm sâu,
khả năng chiến đấu mưu cầu ơn thiêng.
Vùng hoang địa thiên nhiên tĩnh mịch,
giữa phố phường đối nghịch tâm linh.
Gian nan rèn luyện đức tin,
ý Cha tìm kiếm tâm tình hiến dâng.
Dầu đau khổ “Xin Vâng” thánh ý,
gặp khó khăn ý chí kiên cường.
Chống chọi cám dỗ, bất lương,
ý riêng từ bỏ, theo đường Chúa đi.
Đường khó nghèo, sợ gì thiếu thốn,
đường khiêm nhu, khốn đốn không màng.
Giữ hồn thanh thản bình an,
tình yêu kết hiệp ngập tràn niềm vui.
Hoang địa cảm xúc ngậm ngùi,
nơi con gặp Chúa ngọt bùi hàn huyên.
Cùng Ngài giao kết tình thiêng…
AP. Mặc Trầm Cung