SUY NIỆM TIN MỪNG – Số 571, CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – B, 11/02/2018

6tnb“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi”. (Tv 119, 105)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô. (Mc 1, 40 – 45)
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch.
Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”.
Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Đó là lời Chúa.
Mục lục:

SUY NIỆM TIN MỪNG
Bệnh Phong Tâm Hồn ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Trg 2
Giơ Tay Đụng Vào Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB Trg 4
Cúi Xuống Với Người Khổ Đau Lm. Jos Tạ Duy Tuyền Trg 6
Hậu Quả Đáng Sợ Của Tội Lỗi Lm. Inhaxiô Trần Ngà Trg 8
THƠ TIN MỪNG
Hồi Sinh Hạt Nắng Trg 10
Hồi Sinh Bâng Khuâng Chiều Tím Trg 11
Khúc Hát Tạ Ơn M. Madalena Hoa Ngâu Trg 12
Khúc Hát Tạ Ơn Nắng Sài Gòn Trg 13
Khúc Yêu Thương AP. Mặc Trầm Cung Trg 14
Bệnh Phong Tâm Hồn

Thời xưa, bệnh phong là một bệnh nan y, bị mọi người kinh tởm xa lánh. Trong đạo Do thái, người mắc bệnh phong bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ không được sống chung với thân nhân trong xóm làng, nhưng bị xua đuổi ra ngoài đồng ruộng, vào trong rừng núi hay trong sa mạc. Họ phải ăn mặc rách rưới. Đi đến đâu cũng phải kêu to lên: “Ô uế, ô uế”, cho mọi người biết mà xa tránh. Ai tiếp xúc với người bệnh phong đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người bệnh phong bị con như mắc tội rất nặng. Chẳng ai dám đến gần người bệnh phong. Người bệnh như thế, không những bị những vết thương trên thân xác hành hạ đau đớn mà còn bị những nỗi đau, nỗi nhục trong tâm hồn dằn vặt khổ sở. Họ bị xã hội khinh khi loại trừ. Họ bị một mặc cảm chua chát dày vò. Nhân phẩm không được tôn trọng, họ sống mà bị coi như đã chết. Nhưng chưa chết được, họ vẫn phải tiếp tục sống để chịu những nỗi đau đớn còn hơn cả cái chết gặm nhấm, thiêu đốt.

Một lần nữa, Đức Giêsu lại vượt qua những biên giới cấm kỵ khi dám đến gần người bệnh phong. Không những Người đến gần mà còn đưa tay chạm vào thân mình bệnh nhân. Lòng thương yêu đã khiến Đức Giêsu dám làm tất cả. Vì thương người bệnh, Đức Giêsu đã bất chấp nguy hiểm bị lây nhiễm, đã bất chấp những điều bị coi là cấm kỵ của đạo Do Thái.

Khi chữa khỏi bệnh phong, Người đã giải thoát người bệnh khỏi những đau đớn phần xác. Từ nay anh không còn bị những vết thương hành hạ. Thân thể anh trở nên lành lặn. Da dẻ anh trở lại hồng hào tươi tắn. Khuôn mặt anh rạng rỡ. Giọng nói anh thanh tao. Anh cũng là một người như bao người khác.
Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khi chữa anh khỏi chứng bệnh nan y, Đức Giêsu đồng thời cũng giải phóng anh khỏi những mặc cảm đè nặng tâm hồn anh bao năm tháng qua. Khi Đức Giêsu vuốt ve thân thể bệnh tật của anh. Người đã vuốt ve tâm hồn anh. Trước kia anh cảm thấy bị mọi người xa lánh. Nay anh cảm thấy qua Đức Giêsu mọi người gần gũi anh hơn bao giờ. Trước kia anh cảm thấy bị khinh miệt. Nay anh cảm thấy được trân trọng. Trước kia anh cảm thấy bị bỏ rơi. Nay, dưới bàn tay dịu hiền của Đức Giêsu, anh cảm thấy được yêu thương vỗ về. Những vết thương sâu thẳm trong trái tim anh đã liền da lành lặn. Đức Giêsu đã hồi sinh tâm hồn lạnh giá của anh.

Muốn cho mọi người chấp nhận anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Đức Giêsu bảo anh đi trình diện với thày cả theo như luật định. Trước kia anh bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Nay anh được bàn tay âu yếm ân cần của Đức Giêsu đón nhận anh trở lại xã hội loài người. Qua vị thượng tế, anh được công khai đón nhận. Nhân phẩm anh được phục hồi. Danh dự anh được tôn cao. Giờ đây anh có thể tự tin, vui sống giữa mọi người, như mọi người.

Chúng ta ai cũng có những mặc cảm đè nặng tâm hồn, những vết thương sâu kín, những niềm đau khôn nguôi, những nỗi buồn hầu như không ai thông cảm được. Hãy noi gương người bệnh phong chạy đến với Đức Giêsu. Người sẽ xóa đi những mặc cảm đè nặng hồn ta. Người sẽ chữa lành những vết thương bao năm gặm nhấm trái tim ta. Người sẽ xoa dịu những nỗi đau vò xé tâm tư. Người sẽ an ủi những nỗi buồn phủ kín hồn ta.

Phần ta, hãy biết noi gương bắt chước Đức Giêsu, đừng loại trừ anh em mình ra khỏi đời sống xã hội. Hãy biết đến với những anh em bị bỏ rơi. Hãy biết an ủi những anh em đang buồn khổ. Hãy biết tránh cho anh em những mặc cảm nặng nề. Hãy hàn gắn những vết thương trong tâm hồn anh em. Hãy tôn trọng danh dự và nhân phẩm của anh em. Hãy giúp cho anh em mình được hòa nhập vào đời sống cộng đoàn, đời sống xã hội. Nước ta đang quyết tâm thanh toán bệnh phong vào cuối năm nay. Xứ đạo ta cũng hãy quyết tâm thanh toán bệnh phong trong tâm hồn. Hãy diệt trừ bệnh phong chia rẽ. Hãy tẩy chay bệnh phong loại trừ. Hãy xóa đi bệnh phong phân biệt. Hãy phá tan bệnh phong nghi kỵ. Hãy bài trừ bệnh phong kết án. Nếu ta thanh toán được bệnh phong tâm hồn, thân thể xứ đạo ta sẽ liền da liền thịt, khuôn mặt xứ đạo ta sẽ hồng hào, rạng rỡ vui tươi phản ảnh được khuôn mặt đích thực của Đức Kitô.

Lạy Đức Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý:
Cha Đa-miêng và Đức cha Cát-xe đã sống với người phong và lây bệnh của họ. Có lần nào bạn đã tiếp xúc với người bị bệnh hay bị bỏ rơi chưa? Bạn có phải trả giá về hành động này không?
1- Có bao giờ bạn đã là nạn nhân bị người khác loại trừ chưa? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn rút ra được bài học gì từ kinh nghiệm đó?
2- Bạn đã có kinh nghiệm về sự được Chúa an ủi, được Chúa cứu chữa, được Chúa tha thứ bao giờ chưa?
3- Bệnh phong tâm hồn là gì?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Giơ Tay Đụng Vào

“Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo…”
Kể từ sau cái trải nghiệm nhỏ bé nhận được trong khóa học BISA VIII tại Bangkok – Thái Lan đúng vào mấy ngày Tết Nhâm Thìn, tôi đã có một cái nhìn rất khác về ‘phép lạ’ Đức Giêsu chữa người bị phong hủi.
BISA (Bishops’ Institute for Social Action) là khóa học dành cho các giám mục Á Châu về các đề tài liên quan tới phát triển con người theo Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội, do OHD (Office of Human Development) thuộc FABC (Federation of Asian Bishops’ Conferences) tổ chức. Khóa VIII năm đó có sự tham dự của khoảng 30 giám mục, 10 đại biểu linh mục, giáo dân đại diện cho 18 Hội Đồng Giám Mục và 06 tổ chức quốc tế. Tôi được mời tham dự trong tư cách đại diện cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì đề tài học tập liên quan đến các di dân và thổ dân là lãnh vực tôi đang phụ trách. Khóa học được chia làm hai phần: bốn ngày dành cho chương trình thực nghiệm (immersion program) và bốn ngày cho hội nghị thuyết trình và thảo luận. Trong phần thực nghiệm, các tham dự viên được chia thành từng nhóm 4-5 người đi thực tế trong một môi trường xã hội cụ thể; nhóm tôi gồm 04 người trong đó có 03 giám mục, đi làm việc tại một trung tâm PCU-AIDS (Palliative Care Unit for AIDS Patient Center) tại tỉnh Sayong miền đông nam Bangkok – Thái Lan, gần biên giới Kampuchia. Công việc của nhóm chúng tôi là: cùng với các y công và y tá của trung tâm chăm sóc các bệnh nhân AIDS trong giai đoạn cuối. Một trong các công việc tôi được trao là thay tã (tampers) và chùi rửa các bệnh nhân AIDS không còn sức để tự lo cho mình.

Việc phục vụ và đụng chạm trực tiếp tới những con người này (một thứ phong hủi ghê tởm thời hiện đại?) trong trạng thái dơ bẩn nhất của thân xác họ, đã để lại nơi tôi một ấn tượng khó quên: mọi cảm xúc tự nhiên trong người như muốn nổi loạn, buộc tôi phải gồng mình kiềm chế. Cảm nghĩ lóe lên nhiều lần trong đầu tôi lúc đó chính là: “Ôi tình yêu nhập thể, khủng khiệp quá!” Phải, Thiên Chúa trong mầu nhiệm nhập thể đã đụng chạm trực tiếp tới tình trạng kinh tởm dơ dáy tột cùng của thể xác, nhất là của tinh thần con người, mà trường hợp Người giơ tay đụng vào người mắc bệnh phong cùi ghê tởm chỉ là một chút điển hình. Và Người làm hành đông đụng chạm này không có bất kỳ một thiết bị bảo hộ nào như tôi lúc đó, nào là khẩu trang, bao tay cao su, nào là các thiết bị y tế, nước sát trùng… và cả những tấm tã cực kỳ tiện lợi. Điều duy nhất Người được trang bị và sở đắc tới độ siêu đẳng, đồng thời cũng là điều mà tôi hoàn toàn kém cỏi, đó là: ‘Người chạnh lòng thương’. Thế đấy, tình yêu nhập thể quả thực quá cụ thể khi nó đụng chạm tới những ngõ cùng ngách tận và tăm tối nhất của kiếp người! Điều mà Đức Giêsu đã làm với người phong hủi xưa, Người sẽ còn tiếp tục làm mãi với từng con người nhân loại chúng ta, đặc biệt những ai cùng khổ bất hạnh, bệnh tật kinh tởm nhất, cả về mặt thể lý lẫn luân lý; bất cứ ai Người cũng chạm tới được miễn là họ biết ‘quỳ xuống và van xin…’ như người phong hủi xưa.

Và cũng từ trải nghiệm này, tôi còn học được thêm một điều khác nữa, đó là: việc chữa lành (hay phép lạ) không phải là điều quan trọng cần được nhấn mạnh nhất. Khi phục vụ tại CPU-AIDS tôi được cho biết: bệnh nhân nào tìm lại được ý chí muốn sống, người đó mới có cơ may kéo dài cuộc sống, ngược lại bệnh nhân sẽ tàn lụi vô phương cứu chữa. Tác động lớn nhất trong việc điều dưỡng không phải là thuốc men hay phương tiện y tế, mà chính là trả lại cho bệnh nhân niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Tôi đã thấy vài trường hợp điển hình ngay nơi các bệnh nhân AIDS mà tôi phục vụ (thay tã, đút cơm hay nắn bóp), một số họ đã bắt đầu tỏ ra có các dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Một bệnh nhân AIDS-TB (lao phổi) nặng, bị mọi người xa tránh vì dễ lây nhiễm và nhầy nhụa, nhưng khi được tôi ân cần đút cơm và trò truyện, anh đã nở được nụ cười thật tươi sau nhiều ngày vật vã…; và bác sĩ cho biết: bệnh tình của anh đã có dấu hiệu khả quan hơn.

Thế đấy, tác giả Marcô viết: ‘Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch…’ ôi sao mà xác thực quá! ‘Chạnh lòng thương’ còn quan trọng hơn nhiều việc Đức Giêsu lấy quyền năng mà làm phép lạ…; nói cách khác, chính ‘chạnh lòng thương’ mới là phép lạ lớn hơn hết vì nó đáp ứng trực tiếp nỗi khát vọng thâm sâu nhất của bệnh nhân phong hủi bị xã hội loại trừ; với ‘chạnh lòng thương’ anh này đã thoát khỏi tình trạng bị mọi người hắt hủi; và kể từ lúc đó, trong niềm tin tưởng, chứng phong hủi của anh khởi sự tiến trình hoàn toàn biến mất.

Ôi, sức mạnh của lòng thương xót thật vô song, và mong sao mọi linh mục của Đức Kitô không những hiểu được điều này, mà còn tham gia tích cực vào quyền năng này nữa!

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết cảm tạ Chúa không ngừng, không phải vì các phép lạ hoặc các ơn trọng đại con nhận được, nhưng vì đã biết tín thác vào lòng Chúa xót thương. Cho dầu không thể sửa trị được hết các yếu đuối phần hồn phần xác của mình, vì điều này là không thể đối với bất cứ ai, con vẫn mừng vui khôn xiết vì Chúa đã chạnh thương chạm tới sự ghê tởm, thấp hèn và tội lỗi của con, qua đó trả lại cho con niềm hy vọng tràn trề và một sức sống bất tận. Amen

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB
Cúi Xuống Với Người Khổ Đau

Người xưa có câu: “ngước lên chẳng bằng ai nhưng cúi xuống vẫn còn hơn nhiều người”. Câu này không hàm ý để tự an ủi mình và xem thường người hèn yếu hơn mình. Câu này cha ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta được như vậy là tốt lắm rồi, hãy cúi xuống mà chia sẻ với những anh em nghèo khó hơn ta.

Trong hạnh các thánh ta thấy một con người đã sống như thế, đó là thánh Martino. Ngài sinh ra trong một hoàn cảnh chẳng bằng ai, một người da mầu trong một xã hội kỳ thị chủng tộc, một đứa con bị bỏ rơi, một hoàn cảnh gia đình khó khăn… thế nhưng thay vì nhìn lên để phẫn uất vì hoàn cảnh “đen đủi” của mình, Martino lại biết nhìn xuống những người nghèo khó hơn mình, và luôn thể hiện một tấm lòng bác ái, quảng đại. Nhiều lần được mẹ sai đi mua đồ lặt vặt hay đi chợ, cậu bé Martino đã giữ lại một ít tiền để bố thí cho những người nghèo khổ; cũng thế, khi là một người giúp việc trong nhà Dòng, một vị thế rốt bét nhất trong một tập thể, Martino lại vẫn biết nhìn xuống để khám phá thấy có nhiều người nghèo khổ cần giúp đỡ, nhiều người bệnh tật cần được chữa trị và chăm sóc…

Martino đã cúi xuống để khám phá ra sứ vụ của đời mình chính là chăm sóc cho những người nghèo khổ hơn. Chính vì thế mà cuộc đời của Martin trở thành cuộc đời của một người sống lòng bác ái, lòng bao dung với thái độ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

Martino đã họa lại chân dung đầy yêu thương nơi Thầy Chí Thánh Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã luôn cúi xuống mọi phận người khổ đau. Ngài thấy và chạnh lòng thương xót. Ngài cúi xuống để xoa dịu nỗi đau cho họ. Phúc âm hôm nay tường thuật việc Ngài cúi xuống với người phong hủi với lòng thương cảm sâu xa. Ngài đưa tay chạm vào thân thể lở loét của anh. Một thân thể hôi hám và dơ bẩn mà người đời đã xa tránh. Hành động này không chỉ nhằm mục đích chữa bệnh cho anh mà còn xoa dịu nỗi đau trong lòng của anh. Anh bị người đời khinh chê. Anh bị xã hội loại trừ. Người đời xếp anh vào hàng tội nhân bị Thiên Chúa giáng hoạ. Khi chạm đến thân thể anh, Chúa Giêsu cũng chạm đến tâm hồn anh. Anh được chữa lành cả hồn lẫn xác. Thân xác anh khoẻ mạnh. Danh dự của anh cũng được phục hồi. Tâm hồn anh cũng bình an và tươi vui. Từ nay anh không bị người đời xa lánh, khinh chê. Từ nay anh không còn tủi hổ vì phận số bất hạnh của mình. Qua Chúa Giêsu, anh được cộng đồng đón nhận. Nhờ Chúa Giêsu, anh được xã hội nhìn nhận. Xã hội không còn lý do để khinh chê hay loại bỏ anh ra bên lề xã hội. Giờ đây anh có thể sống tươi vui như bao con người khác trong xã hội. Anh không còn mặc cảm về bệnh tật. Anh không còn mặc cảm bị khinh chê. Anh được quyền sống như bao con người khác, được tôn trọng và yêu thương.

Trong thời đại hôm nay người ta đang nói đến hiệu ứng cách sống của Đức Thánh Cha Phanxicô. Nơi Đức Thánh Cha ta thấy dường như ngài không thích ngồi trên ngai tòa của mình mà lại thích cúi xuống, đến với những con người nghèo. Ngài không ngại tiếp xúc với những người khổ đau bởi bệnh tật, nghèo đói. Ngài cúi xuống ôm hôn từng phận người bất hạnh lầm than.

Chúa Giêsu năm xưa đã đưa tay chạm đến người bệnh để chữa lành cho anh. Ngài có thể phán một lời thì bệnh tật có thể tan biến. Thế nhưng, Chúa đã sử dụng đôi tay để trao ban tình yêu và sự quan tâm trìu mến dành cho anh. Ước gì từng người chúng ta hãy biết dâng tặng cho nhau những nghĩa cử yêu thương, những lời nói dịu dàng, những hành vi bác ái và vị tha. Ước gì người Kitô hữu luôn ân cần cúi xuống để xoa dịu mọi nỗi đau cho anh em qua việc phục vụ, bác ái dấn thân đến mọi hoàn cảnh cuộc sống, hầu xây dựng một thế giới tràn đầy tình yêu và hạnh phúc. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Hậu Quả Đáng Sợ Của Tội Lỗi

Tội lỗi dưới mọi hình thức (như kiêu căng, tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, gian dối…) là những thứ bệnh tật của tâm hồn, làm cho con người ra nhơ uế, khả ố, đáng khinh…
Thông thường, khi mắc phải tội lỗi mà chưa bị người ngoài phát hiện, chúng ta vẫn thanh thản như không có chuyện gì xảy ra và cũng không cảm thấy cần phải ăn năn hối cải.
Khi đó, việc cần phải làm là cố gắng che đậy những tội lỗi xấu xa của mình đi, không để cho ai nhìn thấy; mà vì che đậy kỹ quá, khéo quá nên dần hồi, ngay cả bản thân ta cũng không còn nhận ra những tội lỗi và thói xấu của mình.

Thế rồi, khi ai đó phát hiện được những thứ tội ta mắc phải và rêu rao với người chung quanh rằng ta là người kiêu căng, tham lam, ích kỷ, ganh tỵ, gian dối … thì ta cảm thấy thanh danh của mình bị xúc phạm, phẩm giá bị tổn thương nặng nề. Ta giận điên lên; ta oán ghét thậm tệ người đã vạch áo ta cho người khác xem lưng.

Giả như chúng ta mắc bệnh phong cùi và cố tình che giấu không cho ai biết, lại có người tiết lộ chuyện này ra cho mọi người biết, có lẽ ta sẽ không buồn, không giận cho bằng kẻ đã phơi bày tội lỗi của chúng ta ra trước mặt người khác.
Thế là cho đến lúc này, ta mới thấy được những tội lỗi mà lâu nay mình ra sức che đậy, giấu giếm, gây hại cho ta hơn cả bệnh phong cùi, vì chúng hạ thấp phẩm giá của ta, làm tổn thương danh dự ta, làm mất mặt ta!

Tội lỗi tai hại và đáng ghê tởm hơn bệnh phong cùi
Tội lỗi tai hại hơn bệnh phong cùi vì ba lý do sau đây:
Thứ nhất: Bệnh phong chỉ làm hại thân xác người bệnh mà thôi, trong khi đó, có nhiều thứ tội không chỉ làm hỏng cuộc đời của người mang tội mà còn gây thiệt hại nặng nề cho bao người chung quanh.
Tội tham lam (tham của, tham tiền, tham quyền…) đã gây ra biết bao thiệt hại về người và tài sản vì chúng gây ra chiến tranh, tham ô, cướp của, giết người, lừa đảo…
Tội ganh tỵ nơi Ca-in khiến anh đang tâm sát hại đứa em vô tội của mình là A-ben (Sáng Thế 4, 1-8); Tội tà dâm trong lòng vua Đa-vít khiến nhà vua cướp vợ người khác, đồng thời giết hại tôi tớ trung thành của mình là Urigia (2 Samuen 11,1-16).

Thứ hai: Bệnh phong có thể được chữa trị dứt điểm cách dễ dàng sau chừng 6 đến 12 tháng điều trị, trong khi nhiều thứ tội lỗi ăn sâu vào tâm khảm con người rất khó điều trị dứt điểm và nhiều người đành mang tội xuống mồ.

Thứ ba: Tội lỗi đáng ghê tởm hơn bệnh phong cùi, vì bệnh phong không làm mất thanh danh của ta, không làm cho ta nên khả ố trước mặt mọi người, không làm cho phẩm chất của ta bị sa sút trầm trọng, trong khi đó, tội lỗi gây nên tất cả những hậu quả đáng tiếc đó.
Chỉ khi nào chúng ta thấy tội lỗi gây ra nhiều điều tai hại và còn tệ hại hơn cả bệnh phong cùi, làm cho ta trở nên khả ố, mất phẩm chất cao đẹp… thì ta mới quyết tâm tìm thầy chạy thuốc để cứu lấy mình.
Chúa Giêsu là đấng đã từng chữa lành bệnh phong hủi như thánh sử Marcô thuật lại sau đây:
Hôm ấy “có người bị phong hủi đến gặp Chúa Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc 1, 40-45).
Vậy, chúng ta cũng hãy đến với Chúa Giêsu, cầu xin Ngài ban ơn cứu chữa, nhổ sạch cội rễ của mọi thứ tội lỗi là thứ “bệnh” đáng sợ hơn cả phong cùi, để chúng ta được trở nên người thánh thiện, xứng tầm người con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu. Như người phong hủi năm xưa đến gặp Chúa và xin Chúa chữa lành, chúng con cũng tha thiết nài xin Chúa cứu chữa chúng con khỏi tội lỗi và thói hư tật xấu đang thống trị đời mình.
Xin cho chúng con thấy rằng tội lỗi tai hại và đáng sợ hơn cả bệnh phong cùi để quyết tâm xa lánh.
Xin cho chúng con biết vận dụng lời Chúa như phương dược diệu kỳ, để thanh tẩy mình khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, để tâm hồn được trở nên trong sáng, cho phẩm chất được nâng cao.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Hồi Sinh
CN VI TN.B – (Mc 1, 40 – 45)
Cành nho tách biệt khỏi thân nho

Sức sống lụi tàn nhựa héo khô

Nhục nhã tâm hồn sầu khốn khổ

Đớn đau thân xác tủi dày vò

Thanh danh bảo trọng thuyền căng gió

Nhân phẩm phục hồi sóng vỗ bờ

Lòng Chúa nhân từ thương cứu chữa

Cộng đồng hòa nhập hết sầu lo.

Hạt Nắng
Hồi Sinh
CN VI TN.B – (Mc 1, 40 – 45)
Chúa nhân hậu, chạnh lòng thương xót,
thương đời con đắng đót tâm can.
Xác thân riệu rã, điêu tàn,
tâm tư mờ tối hoang mang kiếp người.

Lòng ích kỷ, nụ cười giả dối,
ham nổi danh, chống đối, triệt tiêu.
Âm mưu chia rẽ, đặt điều,
tâm linh bệnh hoạn lắm chiêu hại người.

Đời lạc hướng, giữa trời cô độc,
kiếp lang thang, ngang dọc vô thân.
Nỗi đau gặm nhấm muôn phần,
như hoa thiếu nước lìa cành héo khô.

Niềm hy vọng, nương nhờ tình Chúa,
tình bao dung, cứu chữa đời con.
Băng bó thân xác héo mòn,
tăng nguồn sức mạnh tâm hồn vươn cao.

Đường hy vọng ngọt ngào, nồng ấm,
đường yêu thương sâu đậm nghĩa tình.
Đời con đã được hồi sinh,
danh dự, nhân phẩm, tự tin yêu đời.

Tụng ca Danh Chúa rạng ngời …
sống đời nhân chứng gieo Lời Yêu Thương
Dung mạo Thiên Chúa tỏ tường …

Bâng Khuâng Chiều Tím
Khúc Hát Tạ Ơn
CN VI TN.B – (Mc 1, 40 – 45)
Dâng lời Tạ Ơn,
lòng Chúa thương xót bao phủ đời con.
Tình thương chứa chan,
phận con yếu đuối, đắng cay ngập tràn.
Tình Ngài chạm đến,
đời con tội lỗi, giữa ngàn truân chuyên,
Trái tim tật nguyền,
Tình Yêu Cứu Rỗi, cho hồn sáng trong.

Dâng lời ngợi khen,
Tình Yêu Thiên Chúa bao phủ trần gian,
Tình thương ủi an,
kiếp người lạc bước, lang thang thân tàn.
Tình Ngài chạm đến,
chữa người phong hủi, giữa đàng kêu van.
Trái tim nồng nàn,
tình yêu dâng hiến, cứu độ trần gian.

Khúc hát Tạ Ơn,
con kính dâng lên Thiên Chúa khoan nhân,
tán tụng Danh Ngài, với trọn niềm tin kính.
Khúc hát Tạ Ơn,
tình Chúa vô biên, nhân ái, bao dung,
chạnh lòng thương xót, giải phóng kiếp nhân trần.

Dâng lời Tạ Ơn.
Tình Yêu Thiên Chúa, con nguyện tri ân.
Tình thương chứng nhân,
theo đường lối Chúa, dấn thân vào đời.
Tâm hồn đổi mới,
Yêu thương, bác ái, phục vụ tha nhân.
Trái tim ấm nồng,
dịu dàng, khiêm tốn, tình người thắm tình xuân.

M. Madalena Hoa Ngâu
Khúc Hát Tạ Ơn
CN VI TN.B – (Mc 1, 40 – 45)
Tạ ơn, ngàn lời Tạ ơn,
Tình yêu Thiên Chúa bao dung.
Tạ ơn, triệu lời Tạ ơn,
Lòng Chúa Thương Xót vô cùng.

Bao năm sống xa tình Ngài,
con lê bước chân miệt mài,
chua cay, nỗi đau nhục nhằn, mờ tối tương lai.
Đua tranh thế gian, bạc tiền,
tâm tư đắng cay, tật nguyền,
bàn tay nhân ái của Chúa chạm đến hồn con.
Xua tan nỗi đau, muộn phiền,
tim con lắng nghe, lệnh truyền,
đoạn tuyệt tội lỗi, tâm hồn con hồi sinh.

Hân hoan sống theo Lời Ngài,
yêu thương, sẻ chia, quảng đại,
tha nhân, sát vai chung lòng, bước tới tương lai.
Trung kiên bước theo đường Ngài,
phong ba, bão giông đường dài,
niềm tin phó thác vào Chúa, từng bước trung trinh.
Hy sinh, lễ dâng ân tình,
như xưa Chúa đã hiến mình,
tình yêu thập giá, suốt đời con ngân vang.

Nắng Sài Gòn

Khúc Yêu Thương
CN VI TN.B – (Mc 1, 40 – 45)
Trái tim yêu sáng điều chân lý,
xót thương đời khổ lụy bệnh phong.
Tủi sầu, nhục nhã, long đong,
Chúa thương giải phóng thoát vòng gian truân.

Người bệnh phong trăm phần đau khổ,
bị rẻ khinh, tủi hổ, thê lương.
Đớn đau thân xác khôn lường,
nỗi đau nhục nhã vết thương tâm hồn.

Lòng xót thương bồn chồn lửa mến,
Chúa đưa tay chạm đến bệnh nhân.
Tình yêu bất chấp lụy thân,
vượt mọi biên giới phúc ân cứu đời.

Chúa âu yếm phục hồi nhân phẩm,
chữa vết thương gậm nhấm trong tim.
Xua tan bóng tối im lìm,
hồi sinh sự sống tự tin yêu đời.

Tình yêu Chúa rạng ngời tươi sáng,
Chữa hồn con năm tháng đi hoang.
Vết thương thầm kín bẽ bàng,
nỗi đau xâu xé nhẹ nhàng cuốn trôi.

Noi gương Chúa đắp bồi cuộc sống,
sống chan hòa ước vọng tình yêu.
Thương người bệnh hoạn cô liêu,
tẩy chay phân biệt, tự kiêu, nghi ngờ.

Yêu Thương rạng rỡ trời mơ…

AP. Mặc Trầm Cung