Thưa các bạn, Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa ở bậc Lễ Kính, vì vậy, phụng vụ sắp đặt chỉ có hai bài đọc. Bài đọc I (Is 55, 1-11) và Bài Tin Mừng ( Mc 1, 7 -11).
Vậy tại sao Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa không là bậc Lễ trọng, mà là Lễ Kính, nằm ở ngày thường, nên Lễ nầy ít được chú ý, dễ bị lãng quên, xem như Lễ thường. nhưng, thật ra Lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa rất đáng chú ý. Vì :
• Chứng nhân Tiền Hô giới thiệu Đấng Cứu Thế ( c 7 -8)
• Khởi đầu sứ vụ rao giảng công khai của Đấng Cứu Thế. ( 9 -10)
• Sự tấn phong sứ vụ Đấng Cứu Thế có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ( c 11), đồng thời thiết lập Bí Tích Tửa Tội, phép Thánh Tẩy.
Theo Đoạn Tin Mừng ( Mc 1 , 7-8) hôm nay, chúng ta thấy có hai mạch văn chuyển tiếp, từ câu 7 -8 của phần trên nói về sự giới thiệu Đấng Cứu Thế của Gioan Tiền Hô, một nhân vật khiêm tốn, ẩn dật, một chứng nhân không tự nhận mình là ngôn sứ, chỉ nhận mình chỉ đáng xách quai dép cho Đấng Cứu Thế, tuy ngài đã được dân chúng mộ mến, nghe theo lời kêu gọi sám hối.
Nhưng, ngài không mạo nhận Đấng Cứu Thế, ngài làm phép rửa bằng nước, nhưng Đấng Cứu Thế làm phép Rửa bằng Thánh Thần.
Theo đó, chúng ta hiểu được phép Rửa của Gioan Tiền Hô không mang tính tha tội, chỉ mang tính ăn năn, sám hôi. Còn Phép Rửa của Chúa Giêsu là phép rửa nhờ Thánh Thần, vì vậy, phép rửa bởi Chúa Giêsu có sức tha tội.
Có một chi tiết đáng lưu ý là, thánh Gioan Tiền Hô chính tay ngài làm phép Rửa “ đổ nước “ trên đầu Chúa Giêsu, nhưng, chính lúc ấy Thánh Thần ngự xuống như hình chim bồ câu và có Tiếng Chúa Cha phán rằng : ” Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con “ ( c 11). Theo đó, Chúa Giêsu được tấn phong bởi Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Nhưng, Chúa Giêsu chính mình không làm phép rửa cho bất cứ ai. Chỉ trước khi về Trời, Người trối lại cho các Tông Đồ: “ Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân làm phép rửa cho họ, nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần … Và đây , Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”( Mt 28, 19 -20)
Theo đó, chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giêsu nói : “ Nếu ai không tái sinh bởi nước và Thánh Thần, thì không thể vào được Nước Thiên Chúa “ ( G a 3, 5). ( chỉ có ở Tin Mừng Ga, cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Ni-cô-đê-mô).
Như vậy, theo đó, Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Gioc-đan không phải là phép Rửa tôi để khỏi tội tổ tông, tội nguyên tổ như mọi tín hữu sau nầy, mà là phép Rửa để tấn phong Kitô, nghĩa là Đấng được xức dầu tấn phong, bởi vì, Chúa Giêsu. không “ mắc tội “ nguyên tổ. Điểm nầy cần chú ý, bởi vì, Đức Trinh Nữ Maria vô nhiễm nguyên tội trước khi mang thai Chúa Giêsu, chính khi Mẹ Maria đáp lời Sứ thần truyền tin, Mẹ thưa tiếng xin vâng lên Thiên Chúa và tức khắc uy quyền Đấng Tối Cao ngự xuống trên Mẹ, thì Mẹ hoàn toàn không vướng tội nguyên tổ.
Theo đó, Chúa Giêsu chịu phép Rửa không phải là để khỏi tội tổ tông, mà là để được tấn phong “KITÔ”, Đấng Messia Cứu Thế, khác với phép rửa của chúng ta.
Như lời nguyện lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa:
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan, và Thánh Thần Ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái, xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con . Amen
P. Trần Đình Phan Tiến