Thưa quý vị và các bạn, hình ảnh tiên tri Giê-rê-mi-a xưa (Gr 1, 4 -5 ; 17 -19) là hình bóng Đức Giê-su – Ki-tô, Vị tôi tớ của Gia- vê. Ngôn sứ là người mang tiếng nói của Thiên Chúa đến với dân của Người. Ngôn sứ là sứ giả được sai đi nói Lời của Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa khác với ý của dân, dân của Người, hoặc dân ngoại. Vì thế, sự chống báng là điều tất yếu xảy ra. Nhưng, Thiên Chúa sai ai thì Người ở cùng người ấy. Vậy, dù có vất vả, hy sinh, đầy gian nan thử thách, nhưng có Thiên Chúa ở cùng thì ai chống lại chúng ta được.
Vâng, từ xưa đến nay và mãi mãi điều ấy không sai, đến thời buổi sau hết nầy, Thiên Chúa vẫn giữ Lời giao ước yêu thương với những ai thành tín. Người đã sai chính Con Một đến để gieo Lời của Thiên Chúa cho họ. Nhưng, vẫn có những thành phần chống đối.
Vì vậy, khí nghe đây đó có những người chưa tin nhận Thiên Chúa qua Ngôi Lời làm Người, mà có người dùng những ngôn từ khó nghe, thì người nghe bực tức, hay căm giận. Nhưng, ngay khi thời của Chúa Giê-su,vẫn có những người chống đối, ngay cả họ là người biết Thiên Chúa, dân tộc Israel, như Trang Tin Mừng ( Lc 4, 21 -30 ) hôm nay.
Có người xưng là luật sư, muốn theo Đạo Công giáo, nhưng khi đọc Kinh Thánh thấy Thiên Chúa”ác quá”, giết người, thì không theo nên ông ta xin theo Đạo Phật. Rồi có sư thầy nói :” Con chiên là bỏ vào chảo mà chiên lên ăn”.
Những lời lẽ ấy, khi nghe thật tội nghiệp cho họ, vì họ chưa hiểu Kinh Thánh, đọc mà không hiểu, nhìn mà không thấy, thì nói chi hiểu.
Chúng ta thấy, ngay Trang Tin Mừng (Lc 4, 21 -30) hôm nay , thật ứng nghiệm cho những người như vậy, vì, ơn cứu độ không phải do ý muốn của con người, và ngườii đó tự muốn hay không. Người luật sư nọ nói như vậy, thì ông ta cần gì xin theo Đạo, bởi vì, ông ấy là ”chúa“ rồi, cần gì nhờ đến ơn cứu độ nữa mà xin theo Đạo. Như, Đoạn Tin Mừng hôm nay , Chúa Giê-su nói :” Tôi nói cho các ông hay: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” ( c 24). Và , Người nói tiếp từ câu 25 -27 , rất chí lý :
”Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà góa ở trong Israel thời ông Elia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rep-ta miền Xi-đon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, nhưng không có người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man , người xứ Xy-ry-a thôi.”
Điều ấy có nghĩa là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không do ý muốn của con người, nhưng, do bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Người muốn ban cho ai tùy ý Người. Chứ không phải nói, tôi muốn theo Đạo là theo đâu.Đạo Công giáo là “Con Đường “ bao la, vô biên, vô tận, là con đường cứu độ do bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, không do bởi ý muốn của phàm nhân. Và hơn nữa, không phải là “con chiên “ bỏ vô chảo chiên lên ăn.
Định nghĩa Đạo Công giáo là:” Con đường cứu độ chung cho hết thảy mọi người không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, màu da, hay chủng tộc.”
Theo đó, ai muốn được cứu độ khỏi trầm luân thì xin theo Đạo Công giáo. Theo Đạo Công giáo nói riêng, theo Ki-tô giáo nói chung là “bước theo” một mầu nhiệm Cứu Độ bởi Thiên Chúa giàu lòng yêu thương, và Lòng yêu thương đó đã cụ thể hóa qua chính Một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người là Đức Giê-su – Ki-tô. Ngôi Vị Thiên Chúa ấy đã yêu thương nhân loại hết lòng, hết sức, đến độ không còn gì để lại cho Người.
Vâng, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là “Lòng trắc ẩn” của Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi.
Lòng người thật bao la, mênh mông như vũ trụ, lòng người chính là tâm của con người, tâm được hiểu là điểm ở giữa của nơi sâu thẳm của lòng người. Lòng người không đo lường được. Người ta nói :”Dò sông, dò biển dễ dò, nhưng không ai lấy thước mà đo lòng người.” vâng, lòng người là cái gì đó sâu thẳm vô định, mênh mông. Vì thế, lòng người không có bến bờ, vô định dễ theo điều phi nghĩa, vô nghĩa, bất chính. Biết được điều ấy, thế lực gian ác, gian tà, tà đạo xâm nhập vào, nếu như lòng người không có một ”bến bờ” của sự thánh thiện, đó là Thiên Chúa.
Vâng, sự thánh thiện của Thiên Chúa đó là ”LÒNG TRẮC ẨN”, Trắc ẩn , đó là Thương Xót. Khi , một hình hài được sinh ra, tức một con người xuất hiện, một nhân vị được hình thành, gọi là chào đời, Thiên Chúa đặt vào một tâm hồn đó một hạt “bụi” của lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn ấy lớn lên, hay nhỏ đi, hoặc tan biến mất theo thời gian năm tháng mà thân xác trưởng thành, lớn lên theo thể lý, là tùy vào sự hấp thu, truyền thụ, của một nền tảng thánh thiện bởi Thiên Chúa, gọi là nhân đức. Con người phàm nhân ấy nếu không có Thiên Chúa Cứu Độ, không có một Con Đường, gọi là Đạo, thì làm “lòng trắc ẩn” tự nhiên lớn lên được , gọi là trưởng thành.
Thiên Chúa không tạo dựng đau khổ, vì đau khổ bởi tội lỗi, tức sự phản nghịch là Thiên Chúa. Nhưng, Thiên Chúa vẫn cho phép đau khổ tồn tại, vì Thiên Chúa muốn “lấy độc trị độc”, Thiên Chúa muốn dùng đau khổ để tiêu diệt tội lỗi. Đó là lý do đau khổ tồn tại, và từ đó đau khổ trở thành một Mầu Nhiệm. Theo đó, Thiên Chúa đã biến sự dữ thành sự lành là như vậy. Vâng, qua sự chia sẻ đơn sơ , ngắn gọn về đau khổ, phần nào hy vọng quý vị cảm nghiệm để hiểu về đau khổ. Giống như một người bị phong hủi, bệnh cùi, cùi có nghĩa là cụt,do con vi trùng Hansen nó ăn phần thân thể của bệnh nhân, cả xương, thịt, da, nó ăn hết,do vị bác học tên là Hansen tìm ra, vì vậy, người ta đặt tên cho con vi trùng cùi là ”Hansen”.
Theo đó, người bệnh nhân cùi, họ đâu muốn mình bị bệnh đó, Thiên Chúa càng không muốn cho người đó mang bệnh phong cùi. Hình dạnh, hình thể, hình thức của một bệnh nhân cùi nói lên sự đau khổ tột cùng về thể xác, thể lý, tức sự hữu hình của một nhân vị. Họ phải mang một hình hài dị dạng, không còn đúng như bản chất ban đầu. Như vậy, hình thể bị cùi ấy phải bị xã hội xa lánh, xa cách, họ đành phải chịu đau khổ về mặt tinh thần nữa.Như vậy, bệnh nhân bị phong cùi họ phải đau khổ gấp đôi, vì bị kỳ thị, xa lánh của thế nhân, những người không mắc bệnh cùi ngoài thân xác. Nhưng, tội lỗi chính là hình ảnh của bệnh cùi tâm hồn, cùi tâm hồn là ”CÙI TÂM LINH”.
Vâng, thời Cựu Ước đến thời Tân Ứơc và đến ngày tận thế, bệnh cùi thể lý và cùi tâm linh vẫn tồn tại, khi bao lâu phàm nhân còn thiếu đi “Lòng trắc ẩn”, chính là ”LÒNG THƯƠNG XÓT” của Thiên Chúa. Thiên Chúa vì yêu phàm nhân, nên đã ban Con Một của Người để cứu chuộc phàm nhân dưới thế lực sự ác, sự dữ, vì thế , ngay cả dân tộc của Người cũng chống đối , phản nghịch lại Người.
Trắc : Đo lường, đánh giá, có nghĩa là: Độ. Ẩn : Chứa , giấu bên trong, chưa tỏ hiện.
Theo đó, “LÒNG THƯƠNG XÓT” là sự “TRẮC ẨN” của Thiên Chúa. Như vậy, tự sâu thẳm bên trong lòng người, Thiên Chúa gieo vào “lòng trắc ẩn”, và như vậy , tâm hồn nhân thế có trách nhiệm làm cho lòng trắc ẩn đó “lớn lên” và trưởng thành, muốn vậy, tâm hồn phàm nhân cần đến Thiên Chúa , đó là THIÊN CHÚA PHẢI Ở CÙNG chúng ta là như vậy: ” EMMANUEL.”
Tại giáo phận Kontum, thuộc Tổng Giáo Phận Huế,cách Sài Gòn khoảng 500km có một địa chỉ không phải du lịch, tương đối ít người biết, nhưng có Chúa Giê-su đang ở cùng. Đó là làng phong cùi toàn là người dân tộc thiểu số, không có người Kinh, cách thành phố Kontum 06 km, có tên gọi là Đakia, được thành lập từ năm 1959, cách đây 63 năm, do các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Chúng ta thử tưởng tượng cách đây 63 năm, trong một môi trương như thế, mà được duy trì đến nay, hoàn toàn tự túc, không có kinh phí riêng, hay chính phủ tài trợ. Hiện tại đang do 13 nữ tu phụ trách, trong đó có hai dì là dì Hạnh và dì Tân đại diện tiếp tân. Riêng dì Hạnh, mới được cử đến 2018, trước đây dì ở Sài Gòn, là nhân viên y tế của bệnh viện Gia Định. Bệnh viện nầy trước năm 1975 là cơ sở của Dòng Bác Ái Thánh vinh Sơn. Năm nay, dì Hạnh tầm 70 tuổi, một người phụ nữ Sài Gòn chính hiệu, có gương mặt thật phúc hậu, con liên tưởng dì là một vị thiên sứ mà Chúa gởi đến cho các bệnh nhân. Mặc nhiên một con én không làm nên mùa xuân, chỉ báo hiệu mùa xuân về. Từ Sài Gòn, tọa lạc gần chợ Bà Chiểu, Hoàng Văn Thụ nối dài, gần Đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh, bên cạnh là ngôi trường và bệnh viện là cơ sở của Dòng Bác Ái Thánh Vinh Sơn.Các nữ tu đã đáp lại tiếng gọi của Chúa Giê-su, từ bỏ đô thành Sài Gòn phồn hoa, để đáp lại tiếng gọi của tình yêu tận hiến vì Nước Trời, và vì LÒNG THƯƠNG XÓT, tức LÒNG TRẮC ẨN để đến với những bệnh nhân phong cùi tại Kontum, nơi mà Chúa Giê-su đang hiện diện.
Hình ảnh của các nữ tu nầy khi tiếp xúc không lúp, không áo dòng, không tu phục, nhưng, nơi họ đang mặc “chiếc áo Giê-su” trong tâm hồn , đó là “LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT”, vâng, nếu không có tu phục nầy chắc chắc các dì không thể vượt qua. Con biết được tin tức nầy do kênh youtuber
“Phi một chân”. Xin quý vị có lòng trắc ẩn mà con đã chia sẻ ở trên, xin liên hệ để biết rõ.
Hiện nay tại Việt Nam có nhiều trại phong, như Bến Sắn Bình Dương, trại phong Thái Bình, Quy Hòa, Quy Nhơn , Bình Định, Daklak, Di Linh Lâm Đồng… Nhưng, làng Phong Dakia –Kontum dường như còn khiêm tốn nép mình.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương nhân loại, lòng yêu thương ấy chính là “LÒNG XÓT THƯƠNG”, “LÒNG TRẮC ẨN” của Thiên Chúa. Xin cho chúng con cùng những người tận hiến cho Chúa là các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn đang chăm sóc những anh chị em bệnh nhân phong tại Kontum luôn ý thức rằng là đang chăm sóc cho chính Chúa, để nhờ đó, qua lòng trắc ẩn của Chúa luôn sống nơi chúng con, hầu luôn sinh sôi, nảy nở, để có sức xoa dịu nỗi đau của nhân loại . Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su –Ki-tô, Chúa Chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần muôn đời./. Amen
Lạy Chúa Giê-su xin thương xót chúng con. Vì, Chúa băng qua giữa họ mà đi.
Phê-rô Trần Đình Phan Tiến