“Thưa Thầy, chúngg con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Cả nhân loại đang lao đao khốn khổ vì Covid-19. Dịch bệnh quái ác này không những đã giết hại nhiều người mà còn làm tê liệt cả đời sống xã hội và kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Nêu chúng ta muốn thiết lập mối quan hệ giữa hiện trạng dịch bệnh Covid-19 với câu chuyện được kể trong Phúc Âm Máccô 4,35-40 (Chúa Giêsu đẹp tan sóng gió trên biển hồ), thì chúng ta sẽ tìm ra ánh sáng và sức mạnh cần thiết không chỉ cho hoàn cảnh bi đát của dịch bệnh hiện nay mà cho mọi hoàn cảnh bất trắc của cuộc đời con người của chúng ta nữa.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40: Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
Ý nghĩa của câu chuyện trong Mc 4,35-40: Câu chuỵện Chúa Giêsu thị uy với sóng biền khi Người ngồi trên thuyền với các Tông Đồ khiến các ông thán phục mà thốt lên: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” có nhiều ý nghĩa:
Ý nghĩa thứ nhất (first level) là Chúa Giêsu có quyền năng thống trị trên các sự kiện của tự nhiên. Sóng gió trên biển hồ có thể được hiểu là những khó khăn chướng ngại như bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh.
Ý nghĩa thứ hai (second level) là Chúa Giêsu có quyền năng thống trị sức mạnh của ma quỉ và các thế lực làm tôi cho chúng. Theo quan niệm phổ biến của người Do-thái thời Chúa Giêsu thì núi là ngai tòa Thiên Chúa ngự (Chúa Giêsu giảng trên núi, hiển dung trên núi, chịu chết trên núi, thăng thiên trên núi), còn sông biển là thế giới của ma quỉ thống trị.
Áp dụng ý nghĩa trên vào hoàn cảnh của Giáo Hội thời sơ khai và là dụng ý của Thánh Máccô khi ghi lại câu chuyện trên là dù con thuyền Giáo Hội lúc bấy giờ (khoảng năm 60-70) đang bị các thế lực chính trị và quân sự tấn công và bách hại thì con thuyền Giáo Hội vẫn vững vàng vượt qua sóng gió, các tín hữu vẫn bằng an vô sự chẳng có gì phải âu lo vì có Chúa Giêsu ở cùng.
Áp dụng 2 ý nghĩa trên vào hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội hay của các tín hữu thì là dù có bị dịch bệnh hay các thế lực của ma quỉ tấn công Giáo Hội và các tín hữ chúng ta cũng không phải lo sợ gì, miễn là chúng ta có Chúa Giêsu ở cùng trong con thuyền của mình (tức là trong tâm hồn, trong gia đình và trong cộng đoàn) và chúng ta biết chạy đến cầu cứu với Người như các Tông Đồ xưa: “Thưa Thầy, chúngg con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
4.1 Đời là bể khổ, sống là cuộc chiến: Bất cứ ai cũng có trải nghiệm ấy. Ngoài bệnh tật, tai nạn, xui rủi xẩy ra thường xuyên, mọi người còn phải cuộc vật lộn vì cơm áo gạo tiền hay quyền chức danh vọng khiến cuộc sống ngạt thở. Ngày nay sống tư tế lương thiện không phải là chyện dễ. Nếu là Kitô hữu chúng ta còn phải chiến đấu với ba thù là xác thịt, thế gian và ma quỉ. Đó là những gì xẩy ra cho mỗi người trên bình diện cá nhân.
4.2 Giáo Hội là con thuyền mong manh trên dòng nước: Còn trên bình diện tập thể thì Giáo Hội được ví như con thuyền mong manh trên dòng nước, thường là nước dữ. Ngay từ khi mới khai sinh cho đến ngày nay Giáo Hội của Chúa Kitô hữu luôn là tập thể/cộng đoàn bị ghen ghét và bách hại nhiều nhất. Thời nào Giáo Hội cũng có những vị thánh Tử Đạo. Ở quốc gia nào Giáo Hội cũng bị phân biệt đối xử và vu khống tội này tội nọ.
4.3 Giáo Hội và các Kitô hữu luôn cần có Chúa Giêsu ở cùng và phải biềt chạy đến cầu cứu với Người: Đó là thông điệp chính của Bài Phúc Âm Chúa Nhật XII Thường Niên Năm B hôm nay. Chúng ta dừng quên là Danh Xưng xinh đẹp nhất của Chúa Giêsu Kitô là EMMANUEL = THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA. Vậy thì tại sao chúng ta lại không làm hết sức mình để có Chúa ở cùng? Tại sao chúng ta lại không chạy đến cầu cứu với Chúa khi chúng ta đang phải gian nan khốn khó vì Covid-19?
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 4,35-40:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô là Đấng làm chủ tư nhiên và chiến thắng thần dữ là ma quỉ và các thế lực đên tối. Chúng con xin tha thiềt dâng lên Cha lời cầu nguyện của chúng con.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho ngày càng có nhiều người được nghe nói về Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công giáo, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để Hội Thánh và các vị ấy luôn có Chúa Giêsu ở cùng.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu tin tưởng chạy đến cầu cứu với Chúa Giêsu trong mọi cơn gian nan khốn khó, nhất là trong cơn dịch bệnh Covid-19 hiên nay.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính chúng ta và những người thân của chúng ta để mọi người được chứng kiến quyền uy của Chúa Giêsu trên dịch bệnh và ma quỉ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.- «Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các bác sĩ điều dưỡng y tá và những người tham gia chống dịch để mọi người thấy được quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con rất yêu dầu của Cha cho chúng con để Người thể hiện cho chúng con thấy quyền năng và tình thương của Người đối với chúng con và Giáo Hội.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con lòng trông cậy phó thác để chúng con được Chúa Giêsu Kitô Con Cha giải thoát khỏi cơn địch bênh Covid-19 này. Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chu toàn sứ mạng Cha giao phó.
Sàigòn ngày 18 tháng 06 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội