SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B (04/04/2021) TỪ NGÔI MỘ TRỐNG, ĐẾN TIN CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ PHỤC SINH

“Các ông còn chưa hiểu rằng,
theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Về cuộc đời của Chúa Giêsu Nagiaret chúng ta có thể dễ dàng nói về nhiều chuyện đã xẩy ra: gia phả, dòng dõi tổ tiên, cha mẹ, nơi chào đời, nơi lớn lên, công việc lao động kiếm sống, lời giảng dậy. nhiều phép lạ, bị bắt, bị kết án và bị giết, nơi được mai táng…. Duy có một chuyện khó nói là sự kiện Chúa Giêsu Phục Sinh. Khó nói vì không có ai chứng kiến, không có sách nào nói về giây phút Chúa Giêsu Phục Sinh Kitô. Chúng ta chỉ có những bằng chứng hoặc gián tiếp của sự kiện trọng đại ấy, trọng đại đến mức mà Thánh Phaolô đã khẳng địmh là nếu không có nó thì niềm tin của những người Kitô hữu sẽ ra vô ích. Sự kiện gián tiếp đáng kể đầu tiên là ngôi mộ trống của bài Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,1-9: Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,1-9:
3.1 Ngôi mộ trống: Nguyên sự kiện ngôi mộ trống không chứng minh được là Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh từ cõi chết, mà chỉ chứng minh là xác Chúa Giêsu không còn ở trong ngôi mộ ấy khi mấy người phụ nữ đến mộ vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần tức lúc kết thúc thời gian ngày sabát. Nhưng điều đó lại hé mở cho một cuộc tìm kiếm: Chúa Giêsu không còn ở đây thì hiện Người ở đâu?
3.2 Những lời loan báo trước: Sau khi được Maria báo tin, Gioan và Simon-Phêrô cùng chạy đến mộ. Gioan đến trước nhưng đứng chờ Phêrô. Cả hai cùng vào và đểu không thấy Chúa Giêsu ở đó, Họ chỉ thấy khăn liệm được xếp ngăn nắp ở một góc mộ. Gioan nhanh trí hiểu ngay là Thầy mình đã sống lại vì trong ba năm thi hành sứ vụ rao giáng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã nhiều lần báo trước Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người cho các môn đệ. Nhớ những lời loan báo ấy mà Gioan có ngay liên hệ giữa ngôi mộ trống và khăn liệm còn đó với Đấng đã Phục Sinh.
3.3 Những lần Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hiện ra: Ngay trong đoạn tiếp theo thì Tin Mừng Gioan đã tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra với Maria Madalena ngay bên ngôi mộ trống [Ga 20,11-18], với các môn đệ (Ga 20,19-23), vơi ông Tôma ((Ga 20,24-29).
Trong bài giảng đầu tiên Tông Đồ Trưởng Phêrô đã nhắc đến việc Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã hiện ra với các tông đồ: “… và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội” (Bài đọc 1: Cv 10, 34a.37-43).
3.4 Ý nghĩa của sự kiện/mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh: Có nhiều ý nghĩa: Một là Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết; Hai là Chúa Giêsu Kitô đã hòan thành sứ vụ Chúa Cha giao nên được Chúa Cha tôn vinh và tưởng thưởng; Ba là Chúa Giêsu Kitô nhận lại mọi danh dự và uy quyền của Con Một Thiên Chúa; Bốn là mọi lời nói và việc làm của Chúa Giêsu Kitô đều có gía trị cứu độ; N8an là mọi điều răn mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô đều là chân lý và đem lại sự sống nên đáng được các tín hữu tuân giữ và thi hành.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,1-9:
4.1 Tin Chúa Giêsu Kitô đã Phục Sinh: Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là Mầu Nhiệm nền tảng của Kitô giáo. Thánh Phaolô đã viết đại ý như sau: nếu Chúa Giêsu không Phục Sinh thi Niềm Tin của chúng ta không là gì cả, tức không có giá trị gì, không đem lại cho chúng ta điều gì. Niềm Tin Phục Sinh có nền tảng vững chắc là chứng tá sống động của các Tông Đồ tức lời nói, việc làm và những cái chết tử đạo của các Tông Đồ và nhiều tín hữu thời Giáo Hội sơ khai và các chứng nhân mọi thời đại từ ngày Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh cho đến ngày nay.
4.2 Làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh: Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã giao sứ mạng làm chứng cho các Tông Đồ và cho tất cả các Kitô hữu chúng ta. Làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh bằng lời nói, việc làm và bằng cả đời sống. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy tìm kiếm những điều cao cả, những giá trị của thượng giới (tức thế giới của Thiên Chúa).
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,1-9
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã làm cho Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh từ cõi chết và đã ban Người cho chúng con để chúng con cùng được sống với Người sau khi chúng con đã cùng chết với Người. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin:
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho ngày càng có nhiều người sốt sáng tìm Chúa Giêsu, tìm Thiên Chúa nhu Maria Madalêna.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy gắn bó mặt thiết với Chúa Giêsu Kitô và với mầu nhiệm của Người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết nhạy bén trước những kỳ công của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin” Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính bản thân chúng ta và những người thân của chúng ta để mọi người vững tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và làm chứng cho Người trong đờii sống cá nhân gia đình và cộng đồng xã hội..
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã làm cho Con rất yêu dầu của Cha sống lại từ cõi chết để Người đưa chúng con vào Mầu Nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Người.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Thần Khí để chúng con cùng chết và cùng sống với Chúa Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.
Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chết trên thập giá và đã Phục Sinh để muốn người được cứu. Amen.
Sàigòn ngày 02 tháng 04 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội