“Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân,
liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu
cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. “
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Từ mấy năm trở lại đây một số giáo xứ ở Việt Nam tổ chức lại các buổi ngắm đứng trong Mùa Chay. Mục đích là để giúp người giáo dân thấy được (bằng tai/mắt/trí tưởng tượng) những đau đớn hay cực hình trên thân xác và trong tâm hồn Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó. Việc đó rất tốt để người giáo dân nhận thức được tội lỗi khủng khiếp như thế nào. Nhưng suy niệm về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu không chỉ để khơi gợi một tình cảm tôn giáo nơi tâm hòn các Kitô hữu mà còn có mục đích giúp chúng ta biết tại sao mà Chúa Giêsu Con Thiên Chúa đã bị giết? Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là kết quả của một vụ án vừa có tính tôn giáo vừa có tính chính trị của các nhà lãnh đạo Đền Thờ của Do-thái giáo và đại diện đế quốc Rôma cấu kết với nhau để giết hại Chúa Giêsu Chúa chúng ta.
Từ cái nhìn lịch sử về vụ án của Chúa Giêsu trong Phúc Âm và lịch sử nhân loại, chúng ta sẽ nhận ra hiện có rất nhiều vụ án bất công mà những người thấp cố bé miệng trong thế giới hôm nay là nạn nhân.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mc 15,1-39: Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng!” Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng: “Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!” Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi: “Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?” (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng: “Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?” Nhưng chúng lại kêu lên: “Đóng đinh nó đi!” Philatô đáp lại: “Người này đã làm gì nên tội?” Song chúng càng la to hơn: “Đóng đinh nó đi!” Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Đoạn chào Người rằng: “Tâu Vua dân Do-thái”. Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.
Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói: “Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!” Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau: “Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Đấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!” Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng: “Eloi, Eloi, lema sabachtani!” Nghĩa là: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!” Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng: “Kìa, nó gọi Elia!” Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng: “Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?” Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng: “Đúng người này là Con Thiên Chúa!”
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 3,14-21:
3.1 Vai trò và trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Đền Thờ trong bản án của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu bị các nhà lãnh đạo Đền Thờ bắt không phải vì Người đả xưng là vua. Nếu vì tội xưng vương thì nhà cầm quyền Rôma mới là người bắt giữ Chúa Giêsu. Các nhà lãnh đạo Đền Thờ cho lính đi bắt Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu là vì họ ghen tương với Người. Phúc âm Mác-cô ghi rõ “vì quan (Philatô) đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người.” Các thượng tế Do-thái ghen tương với Chúa Giêsu vì họ thấy mình thua kém Chúa Giêsu từ cách sống và cách giảng dậy đến quyền năng và uy tín trước dân chúng. Họ sợ bị dân chúng Do-thái rời bỏ để theo Chúa Giêsu thì họ mất hết quyền lực và quyền lợi. Nên họ quyết định loại trừ Chúa Giêsu khỏi đời sống tôn giáo và xã hội. Nhưng các thương tế Do-thái không muốn hay không dám chịu tránh niệm một mình mà muốn lôi kéo chính quyền Rôma vào vụ án. Vì thế họ tố Chúa Giêsu đã xưng mình là vua. Xưng mình là vua là tội chính trị. Mặt khác nếu các thương tế kết án Chúa Giêsu phải chết thì Chúa sẽ bị họ ném đá cho đến chết (như Thánh Têphanô). Còn nếu chính quyền Roma kết án Chúa Giêsu phải chết thì chính quyền ấy sẽ đóng đinh Người trên Cây Gỗ. Đóng đinh trên Cây Gỗ là hình phạt ghê tởm nhất của đế quốc Roma văn minh và hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ!
3.2 Vai trò của đại diện chính quyền Rôma trong vụ án của Chúa Giêsu: Rõ rang quan Philatô biết Chúa Giêsu vô tội và bị các nhà lãnh đạo Đền Thờ ghen tương, nên mới tố cáo Người. Ông còn bị các nhà lãnh đạo Đền Thờ và dân chúng làm áp lực để thực hiện ý đồ xầu xa của họ. Ông không đủ chính trực và dũng cảm để trả tự do cho Chúa Giêsu là Người vô tội. Ông còn một lý do khác, đó là loại được Chúa Giêsu ra khỏi đời sống xã hội, nhà cầm quyền Rôma cũng bớt đi nỗi lo của một cuộc nổi dậy “tiềm năng” từ người Do-thái.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 3,14-21:
4.1 Trách nhiệm của nhà/người cầm quyền: Trong vụ án của Chúa Giêsu, cả các nhà lãnh đạo Đền Thờ, cả đại diện chính quyền Roma đều không làm tròn trách nhiệm của người có quyền. Trong ngôn ngữ Phương Tây nhà cầm quyền được gọi là autoritas hay authority hay autorité. Theo nguyên ngữ thì những từ này xuất phát từ động từ tiếng la tinh là augere. Augere là tăng thêm, là làm cho có nhiều hơn. Thế có nghĩa là nhà cầm quyền (đạo cũng như đời) có trách nhiệm làm cho tín đồ của mình đạo đức thánh thiện hơn, làm cho người dân của mình giầu có, tự do, hạnh phúc hơn. Đàng này các thượng tế Do-thái và quan tổng trấn Philatô đã để cho tình cảm và quyền lợi cá nhân chi phối quyết định của mình mà làm hại người vô tội là Chúa Giêsu Kitô Con Đức Chúa Trời: “Đúng người này là Con Thiên Chúa!”
4.2 Lòng tham và đời sống bất chính: Sâu xa trong tâm hồn các thượng tế Do-thái và quan Philatô (những người có tiếng nói quyết định trong vụ án của Chúa Giêsu) là lòng tham và lối sống bất chính.
Nhìn vào những tội mà chúng ta phạm chúng ta cũng sẽ thấy lòng tham và sự bất chính là hai yếu tố quyết định. Vì thế Mùa Chay mới cần thiết để giúp chúng ta buông bỏ lòng tham và hoán cải đời sống từ bất chính thành công chúinh, từ nhát gan thành dũng cảm.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 3,14-21:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con để Người chịu chết cho chúng con được sống.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền các quốc gia để họ chu toàn trọng trách của người có quyền mà không bắt bớ những người vô tội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Philatô hỏi Người: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy chu toàn trách nhiệm của những người được Thiên Chúa chọn để phục vụ Dân Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Philatô bảo dân chúng rằng: “Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?” Nhưng chúng lại kêu lên: “Đóng đinh nó đi» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu sáng suốt và dũng cảm trước mọi sự việc xẩy ra trong cuộc sống.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người phài sống trong cô đơn vì bị lãng quên vì bị ruồng bỏ để họ biế chạy đến kêu cầu sự trợ giúp và ủi an của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban cho chúng con Con rất yêu dầu của Cha để Người chết cho chúng con được sống.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Thần Khí để chúng con buông bỏ lòng tham và lối sống bất chính.
Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chết trên thập giá để muốn người được cứu. Amen.
Sàigòn ngày 27 tháng 03 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội