SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C (30/03/2025) ĂN NĂN SÁM HỐI VÀ QUAY VỀ VỚI THIÊN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

“Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha,
con không đáng được gọi là con cha nữa”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Dụ ngôn được Phúc âm Thánh Luca (Lc 15,1-3.11-32) tường thuật đã có một thời gian dài được các tín hữu gọi là dụ ngôn “người con hoang đàng” vì các tín hữu chú trọng đến người con thứ đã đòi cha chia tài sản và đi hoang rối quay trở về với Cha. Thật ra dụ ngôn ấy phải được gọi là dụ ngôn “người cha nhân hậu” vì sứ mệnh chính yêu của Chúa Giêsu Kitô khi xuống trần gian là mạc khải cho loàai người về Cha là Đấng từ bi nhân hậu, luôn mong chờ và ngóng đợi những đứa con thống hối quay trở về.
Chúng ta hãy đọc và suy niệm bài Phúc âm nói trên một cách cẩn trọng để rút ra những bài học cần thiết cho đời sống đức tin của mình.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 15,1-3.11-32: Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa’. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: ‘Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ’. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: ‘Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó’. Nhưng người cha bảo: ‘Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy’ “

III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 13,1-9:
3.1 Hậu cảnh của dụ ngôn hay lý do khiến Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn: “Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng.” Vậy chúng ta phải hiểu là thái độ của những người biệt phái và luật sĩ khiến Chúa Giêsu khó chịu vì họ không hiểu gì về Thiên Chúa (là Tình Yều) và vế Đấng Thiên Sai của Người là Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian để cứu những người hư mất. Những người biệt phái và luật sĩ ấy cần nghe kỹ và hiểu dụ ngôn cùa Chúa Giêsu để thay đổi suy nghĩ và hành động.
3.2 Tội và sự sám hối của người con thứ, người con đã đi hoang: “Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con’. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: ‘Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha” ‘. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó.
Tội của người con thứ là bỏ nhà bỏ cha mình mà ra đi và phung phí hết tài sản mà người cha đã ban cho hắn. Người con thứ quyết định quay về không phải vì thấy mình tội lỗi mà vì hắn khổ quá chịu không nổi. Trước sau hắn chi nghĩ tới mình, chỉ quan tâm đến bản than mình. Lời hắn thú tội với cha đã cứu hắn nhưng thật ra người cha đã tha thứ và sẵn sàng đón nhận hắn từ khi hắn còn đi hoang.
3.3 Lòng nhân từ tha thứ của người Cha: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu… Người con trai lúc đó thưa rằng: ‘Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Nhưng người cha bảo đầy tớ: ‘Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy’. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
Tấm lòng từ bi nhân hậu của người cha thật tuyệt vời. Ngày đêm ông chờ ngóng đứa con hư trở về. Khi đứa con hư trở vế thì ông giang rộng hai tay đón nó, mặc quần áo đẹp cho nó, đeo nhẫn cho nó (là biểu trưng tư cách làm con), tổ chức tiêc mừng vì “em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”
3.4 Thái độ không đúng của người con cả: Trong diễn tiến của câu chuyện người con cả như đứng ngoài. Anh chẳng hiểu nỗi khổ của thằng em, cũng chẳng chia sẻ nỗi long cũa người cha, Anh so bì ghen tỵ : ”Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó” khiến người cha phải lên tiếng: ”Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 13,1-9:
4.1 Chúng ta là người con thứ hay người con cả? Có quá không nếu chúng ta nhận mình vừa là người con thứ vừa là người con cả của dụ ngôn. Cả hai người con đều sống vị kỷ như nhau. Cả hai chỉ biết có mình, chi lo cho quyền lợi của mình mà không quan tâm gì đến người cha cả! Là người con thứ khi chúng ta bỏ Cha di hoang và phung phí tiền bạc, sức khỏe, thời giờ, tài năng vào những chuyện vô bổ và có hại. Là người con cả khi chúng ta sống vô cảm với Thiên Chúa là cha (không cảm nhận ơn làm con) và sống ích kỷ với đồng loại là anh chị em của mình.

4.2 Chúng ta hiểu Thiên Chúa đến đâu? Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn này để giúp các người biệt phái và luât sĩ đương thời (và tất cả chúng ta ngày nay) hiểu Thiên Chúa là Cha từ bi thương xót, thứ tha và cứu vớt hết mọi người, hiều Chúa Giêsu có sứ mạng mạc khải về Cha và cứu chuộc mọi người. Chúng ta đã thấu hiểu những điều quan trọng đó chưa?
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 13,1-9:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha con thứ cũng như người con cả đều Cha sai đến để rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Chúa Giêsu Kitô đã mạc khải cho mọi người về Cha và về chính mình Người qua dụ ngôn ”người cha nhân hậu”. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho càng ngày càng có nhiều người biết về Chúa Giêsu Kitô mà yêu mến và tin theo Người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy quan tâm đến việc cứu giúp những đứa con hư của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết coi trọng ơn được làm con Thiên Chúa của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Kitô hữu được tự hào về tư thế và địa vị làm con Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con. Người đã dậy cho các môn đệ và cho chúng con. biết Cha là Đấng từ bi nhân hậu và sẵn sàng thú tha cho các tội nhân hối cải trở về.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con ánh sáng và sức mạnh của Thánh Thần để chúng con biết từ bỏ lối sống hư hỏng tội lỗi làm mất lòng Cha mà ăn năn hối cải trở về với Cha. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha và Chúa chúng con Amen.
Sàigòn ngày 28 tháng 3 năm 2025
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

BÀI ĐỌC THÊM: HÃY MAU TRỞ VỀ CÙNG CHÚA
(Suy niệm Tin mừng Luca (15, 1-3. 11-32) Chúa nhật IV Mùa Chay)

Sứ điệp: Khi phạm tội, chúng ta bị xa lìa Chúa như bàn tay tách lìa cơ thể.

Ngày 13/4 /2007, đài BBC đưa tin: Ông Chang Po – yu, một bác sĩ thú y làm việc tại vườn thú Shoushan, thành phố Cao Hùng, Đài Loan, bắn thuốc mê vào một cá sấu hung dữ, nặng 200 kg, để chữa bệnh cho nó. Yên trí cá sấu đã bị mê vì thuốc, ông chạm vào thân nó để chữa trị. Thình lình, con cá sấu quay đầu lại ngoạm luôn cẳng tay của ông.
Trước tình cảnh nầy, ông Chang đau đớn và tiếc nuối khôn cùng. Đây là nỗi đau thương khủng khiếp nhất đời.

Thiên Chúa rất đau lòng khi ta phạm tội
Nỗi đau thương của ông Chang nói lên phần nào nỗi đau thương khôn nguôi của Thiên Chúa khi Ngài đánh mất chúng ta là một chi thể rất yêu quý của Ngài.
Từ ngày lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân thể Chúa Giê-su và trở nên một chi thể sống động của Ngài (GLHTCG số 1267).
Thánh Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?” (I Cr 6, 15).
Thế nhưng, tội trọng như một nhát dao ác nghiệt cắt lìa chúng ta khỏi thân mình Chúa, gây ra một hậu quả kép rất đau thương: Về phía mình, chúng ta trở nên như cánh tay lìa cơ thể; về phần Chúa, Ngài vô cùng đau đớn vì mất một phần cơ thể rất thân thương!
Bàn tay lìa thân phải hư đi thế nào thì người tội lỗi tách lìa Thiên Chúa cũng mang hậu quả tương tự: Họ không còn phẩm chất cao đẹp và đánh mất sự sống thiêng liêng được Thiên Chúa thông ban từ ngày lãnh bí tích Thánh Tẩy.
Hậu quả nầy được Chúa Giê-su minh họa bằng hình ảnh đứa con hoang đàng trong tình trạng đói rách thảm hại, ngày ngày sống giữa đàn heo bẩn thỉu và cầu mong được ăn bớt phần của heo nhưng chẳng ai cho (Lc 15, 14-16).

Thiên Chúa rất mừng vui khi người tội lỗi trở lại với Ngài
Khi thấy ông Chang bị cá sấu đớp mất cẳng tay, người ta liền đưa ông đi cấp cứu, đồng thời giành lại cẳng tay từ miệng cá sấu để các bác sĩ nối lại cho ông.
Sau 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã thành công trong việc ráp nối lại cẳng tay bị đứt lìa cho nạn nhân và sức khoẻ của ông Chang Po – yu bình phục trở lại.
Giờ đây, ông cảm thấy hạnh phúc dâng đầy!
Niềm vui có lại được cẳng tay của ông Chang diễn tả đúng niềm vui của Thiên Chúa khi có người tội lỗi ăn năn hối cải trở lại với Ngài.
Niềm vui đó được Chúa Giê-su diễn tả qua Tin Mừng hôm nay như sau: Người cha sai bảo các tôi tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.”

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa vô cùng đau đớn khi chúng con phạm tội trọng xa lìa Chúa và Chúa quá đỗi mừng vui một khi chúng con sám hối, ăn năn trở lại với Ngài.
Khi phạm tội xa lìa Chúa, xin giúp chúng con mau mau quay lại với Ngài để Chúa khỏi đau buồn tiếc nuối vì mất đi một chi thể thân thương và để chúng con không trở thành “cánh tay chết” vì phải xa lìa Chúa là nguồn ban sự sống thiêng liêng cho chúng con. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà