CHÚA GIÊSU KITÔ THEO KINH THÁNH
“Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Càng suy nghĩ chúng ta càng thấy câu nói nổi tiếng của Thánh Giêrônimô: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” có ích như thế nào cho việc tìm hiều về Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa nhập thể làm người, mà cao điểm và trọng điểm là Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Muốn biết Chúa Giêsu Kitô thì các tín hữu phải biết và hiểu Kinh Thánh. Mà muốn am hiều Kinh Thánh thì các Tông Đồ và các tín hữu cần được chính Chúa Giêsu Kitô mở lòng mở trí. Chúa Giêsu Kitô mở lòng mở trí bằng/nhờ Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ Mới mà chính Người đã hứa sẽ xin Chúa Cha ban cho các Tông Đồ và các môn đệ.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 24,35-48: Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 24,35-48:
3.1 Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và đã chết trên thập giá: Vế thứ nhất của Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô là Chúa Giêsu đã bị đóng đinh và chết trên thập giá.. Đóng đinh trên thập giá là hình phạt dã man tàn bạo nhất của nhà cầm quyền Roma dành cho những người Do-thái chống lại sự thống trị của họ và những tội phạm tầy trời. Chúa Giêsu không chống lại nhà cầm quyền Roma nhưng vẫn bị quan Philatô kết án tử nhình trên thập gía vì ông nhát sợ dưới áp lực ghê gớm của các thượng tế và dân chúng Do-thái. Chúa Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá cũng có nghĩa là Chúa Giêsu là người thật trong khi Chúa Giêsu là Thiên-Chúa-làm-người cách trọn vẹn!
3.2 Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại: Vế thứ hai của Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô là Chúa Giêsu Kitô đả từ cõi chết sống lại. Chúa Giêsu đã sống lại (không ai chứng iến) và đã hiện ra với bà Maria Magdala, với các Tông đồ (nhiều lần), với hai môn đệ làng Emmaus. Các Tông đồ khó khăn lắm mới chịu tin là Chúa Giêsu đã sống lại (nhớ lại câu chuyện của Tông đồ Toma). Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với nhiều người có nghĩa là Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là người thật. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể sống lại từ cõi chết.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 24,35-48:
4.1 Các Kitô hữu không thể không học Thánh Kinh: Chúa Giêsu Kitô đã được Thánh Kinh loan báo từ nhiều thế kỷ trước: Từ nguồn gốc, nếp sống, sứ mạng, cái chết và sự sống lại … của Người đều đã được Thánh Kinh tiên báo đầy đủ chi tiết. Khi chúng ta đọc Thánh Kinh Cựu và Tân Ước chúng ta sẽ thấy được sự ăn khớp kỳ diệu và nhịp nhàng giữa loan báo và thực hiện. Nói theo ngôn ngữ thế kỷ XXI thì chúng ta nói: Cuộc sống và công trình Cứu Chuộc của Chúa Giêsu Kitô đã được Thiên Chúa (Cha) lập trình cách hoàn hảo.
4.2 Các Kitô hữu phải cá nhân hóa cuộc/cách sống của Chúa Giêsu Kitô: Tất cả nhiệm vụ của các Kitô hữu là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh thập giá và Phục Sinh. Nói cách khác là các Kitô hữu phải họa (vẽ) lại cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô trong cuộc sống của mình. Nghĩa là các Kitô hữu phải bước vào con đường thập giá để đi tới vinh quanh, phải hy sinh từ bỏ để được sống thật, sống dồi dào, sống có ý nghĩa.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 24,35-48:
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã làm cho Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh từ cõi chết và đã ban Người cho chúng con để chúng con cùng được sống với Người sau khi chúng con đã cùng chết với Người. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin:
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho thế giới và loài người ngày hôm nay được sống trong bình an.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn được sống vững tin vào Mầu Nhiệm Chúa Kitô chết và phục sinh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Đoạn Người phán: “Đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu ý thức về tầm quan trọng của việc học biết Thánh Kinh để am hiều về Chúa Giêsu Kitô bị đóng dinh thập gía và phục sinh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- ”Người lại nói: “Có lời chép rằng: Đấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy” Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính bản thân chúng ta và những người thân của chúng ta để mọi người trở thành các chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh và Đời Sống Kitô hữu chân chính.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã làm cho Con rất yêu dầu của Cha sống lại từ cõi chết để Người dậy chúng con con đường cứu độ của Người.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần để chúng con mạnh dạn đi vào con đường thập giá hầu cùng được phục sinh với Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con.
Chúng con cầu xin, nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô Con Cha, Chúa chúng con, là Đấng đã chết trên thập giá và đã Phục Sinh để muốn người được cứu. Amen.
Sàigòn ngày 16 tháng 04 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội