I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Phụng Vụ ngày Chúa Nhật II Phục Sinh năm B dành cho việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót. Vì thế chúng ta phải đọc và hiểu bài Phúc âm theo cái nhìn của Phụng Vụ. Tin mừng theo Thánh Gioan (Ga 20,19-31) tường thuật Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra hai lần với các Tông đồ: lần thứ nhất chỉ có 11 ông vì Tôma vắng mặt; lần thứ hai có đây đủ 12 ông, kể cả Tôma. Dường như Chúa Giêsu đã ưu ái và chiều lòng Toma nên Chúa đã được Toma đáp lại một cách tuyệt vời bằng lời tuyên xưng bất hủ: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”
Nhưng mục đích chính và trọng tâm của sư kiện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ là Chúa Giêsu Phục Sinh sai các Tông đồ đi rao giảng, tiếp nối sứ mạng mà Người đã nhận từ Chúa Cha là được sai đến vói muôn dân để giúp họ tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và được cứu độ!
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHU1C ÂM Ga 20,19-31: Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,19-31:
3.1 Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu thương với các Tông Đồ, cách riêng với Toma: Sự việc Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ là cách Chúa Giêsu thể hiện tình yêu thương và quan tâm tới các ông đang vô cùng lo lắng sợ hãi và hoang mang. Hơn nữa Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh còn ban bình an cho các ông để các ông lấy lại sự bình tĩnh và niềm tin. Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh còn cho các ông xem những dấu đinh trên thân thể Người để các ông thấy Ngài chính là Đấng đã chịu tử nạn mấy ngày trước. Vì cứng lòng không tin chuyện các tông đồ khác kể lại và đòi phải được thây tận mắt, chạm tận tay nên Toma đã được Chúa ưu ái cách riêng: ”Tôma, hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”.
3.2 Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi rao giảng Lòng Chúa Thưong Xót: a) Đó mới là mục đích và trọng tâm của việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ: Chúa Giêsu Giêsu Phục Sinh long trọng tuyên bố: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Phúc âm Gioan không nói (và không cần nói) là các Tông đồ được Chúa sai đi đâu, đến với ai và để làm gì vì các Tông đồ (và các bạn đọc) đều hiểu là các Tông đồ được Chúa sai đi đâu, đến với ai và để làm gì. Nói rõ là các Tông đồ được Chúa sai đi khắp thế gian, đến muôn dân, đến với dân ngoại và để loan báo Ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ cân người ta tin vào Con Thiên Chúa, tin vào lòng Chúa thương xót và chịu phép rửa là người ta được cứu.
b) Để giúp các Tông đồ chu toàn sứ mạng được sai đi, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các ông làm hành trang: “Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Ga 20,19-31:
4.1 Chúng ta cũng dược Chúa Giêsu Phục sinh yêu thương và an ủi: Đó là việc đẩu tiên mà chúng ta phải nhớ. Chúng ta sẽ không thấy Chúa Giêsu Phục sinh bằng xương bằng thịt như các Tông đồ xưa, nhưng chúng ta có thể thấy Người, cảm nhận Người bằng đức tin. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh đã nói với Toma và mọi người chúng ta: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.
4.2 Chúng ta cũng Chúa Giêsu Phục Sinh sai đi: Đó là vinh dự lớn lao và là trách nhiệm nằng nề của mỗi tín hữu. Chúng ta được tham dự vào sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa, rao giảng Ơn Cứu độ, rao giảng lòng Chúa thương xót cho mọi dân/nước như chính Chúa Giêsu và như các Tông đồ. Chúng ta rao giảng bằng lời nói, việc làm và cách sống của chúng ta theo gương Chúa Giêsu và các Tông đồ và những người con ưu tú của Hội Thánh qua các thời đại. Loài người ngày nay rất cần các nhà truyền giáo là chính chúng ta.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
KHAI MỞ: Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho chúng con. Người đã sống lại (trỗi dậy) từ cói chết đúng như lời Thánh Kinh và đã hiện ra với các Tông đồ. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin
1.- «Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”» Chúng ta hãy dâng lời cấu xin cho càng ngày càng có nhiều người gặp/thấy được Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh..
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả giáo dân để mọi Kitô hữu ý thức mình được Chúa Giêsu Phục Sinh sai đi
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi giáo dân trân quý quà tặng của Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh làThánh Thần.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cho tất cả các Kitô hữu, nhất là cho các tân tòng, vững tin vào mầu nhiệm Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu cho chúng con, Người đã trỗi dậy từ cõi chết đúng như lời Thánh Kinh và đã hiện ra với các Tông đồ và sai các ông đi. Chúng con cũng được sai đi như các Tông đồ. Chúng con xin Cha sức mạnh và Thánh Thần cho chúng con để chúng con ra đi rao giảng Nước Trời, rao giảng Ơn Cứu Độ, rao giảng Lòng Chúa Thương Xót cho mọi người ở mọi nơi. Chúng con cầu xin Cha vì danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 6 tháng 4 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐỌC THÊM
CÁI CHẾT VÔ CÙNG KINH KHỦNG CỦA CHÚA GIÊSU THEO KHOA HOC
Năm 33 tuổi, Chúa Giêsu bị kết án tử hình.Vào thời đó, đóng đinh là cái chết “tệ” nhất. Chỉ có những người phạm tội nặng nhất, mới bị kết án đóng đinh.
Ðối với Chúa Giêsu thì án này còn dễ sợ hơn, vì không như những tử tội bị xử án đóng đinh khác, Chúa Giêsu bị đóng đinh tay và chân vào thánh giá.
Mỗi cái đinh dài từ 6 cho tới 8 inches.
Ðinh được đóng vào cổ tay Chúa. Không phải nơi bàn tay như thường được minh họa. Ở cổ tay, có gân vươn tới vai.
Lính La Mã biết điều đó khi những chiếc đinh được đóng vào cổ tay, gân bị xé ra và đứt, khiến Chúa phải dùng bắp thịt ở lưng để nâng mình dậy, như thế, Ngài mới có thể thở.
Cả hai bàn chân được đóng đinh dính vào nhau. Như thế, Ngài buộc phải chống đỡ mình trên chiếc đinh xuyên qua hai bàn chân và Thánh Giá. Chúa Giêsu không thể chống đỡ với hai chân vì đau đớn, như thế, Ngài buộc phải luân phiên uốn cong lưng và dùng hai chân để tiếp tục thở.
Hãy tưởng tượng đến sự vật lộn, đau đơn, thống khổ, cam đảm của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu đựng trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Phải, trong hơn 3 tiếng đồng hồ! Bạn có thể tưởng tượng được sự đau đớn này không?
Vài phút trước khi chết, Chúa Giêsu bị ngưng chảy máu. Ngài chỉ chảy nước từ những vết thương.
Trong những hình ảnh, chúng ta thường thấy những vết thương trên bàn tay và chân và vết thương ở cạnh sườn do lưỡi đòng…nhưng chúng ta có nhận thức được rằng những vết thương đó thật đã được làm nơi thân thể của Chúa Giêsu không?
Một cái búa đóng những chiếc đinh dài xuyên qua cổ tay, và chiếc đinh lớn xuyên qua hai bàn chân chồng lên nhau và qua miếng gỗ chêm, rồi người lính canh đâm cạnh sườn Ngài với ngọn giáo.
Trước khi bị đóng đinh và bị ngọn giáo đâm, Chúa Giêsu đã bị quất bằng roi và bị đánh. Cú đánh bằng roi khủng khiếp đến nỗi xé thịt từ thân thể Ngài ra. Cú đánh ghê rợn đến nỗi mặt Ngài bị đứt và râu bị xé toạt trên mặt Ngài.
Mão gai đâm vào tận xương sọ của Chúa Giêsu.
Hầu như con người của Chúa Giêsu không thể sống sót được với cuộc tra tấn này!
Chúa Giêsu không còn máu để đổ ra nữa, chỉ có nước tuôn ra ở những vết thương. Cơ thể con người chứa chừng 3,5 lít máu (ít hơn một gallon). Chúa đã đổ hết 3,5 lít máu.
Ba chiếc đinh quyên qua tứ chi; một mão gai trên đầu, và bên cạnh đó, người lính La Mã đâm ngọn giáo vào ngực. Tất cả những điều này, không kể đến sự nhạo cười Chúa Giêsu đã trải qua khi vác thập giá trên đoạn đường dài 2 cây số, trong lúc đó, đám đông vả vào mặt Ngài và ném đá.
Thập giá nặng cỡ 30 ký, chỉ có thanh ngang.
+++
Chúa Giêsu đã chịu đựng tất cả để cho Bạn được tự do đến với Chúa, để tội lỗi của Bạn được tẩy sạch. Tất cả tội lỗi, không trừ tội nào! …
CHÚA GIÊSU ÐÃ CHẾT CHO BẠN!… Ðừng nghĩ rằng Ngài chết cho ai khác… Ngài chết cho Bạn! … Chúa có chương trình cho Bạn.
Bạn hãy tỏ cho tất cả bạn bè của mình biết kinh nghiệm của Chúa Giêsu để cứu Bạn…Xin Chúa Giêsu chúc bình an cho Bạn!
Linh mục Phạm Văn Dũng