“Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả”
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Năm Phụng Vụ mới của Hội Thánh Công Giáo bắt đầu với Chúa Nhật I Mùa Vọng. Lời Chúa nhấn mạnh đến việc ngóng đợi ngày Chúa Giêsu Kitô Quang Lâm, vì đó là lần thứ hai Chúa Giêsu Kitô đến trần gian để tập hợp tất cả nhân loại dưới Vương Quyền của Người. Những người tốt thì được Chúa Giêsu Kitô chúc phúc và ban thưởng. Những người xấu thì bị Chúa Giêsu Kitô quở trách và giáng phạt (xem Mt 25). Đề các Kitô hữu chuẩn bị tốt cho Ngày Quang Lâm trọng đại ấy thì mỗi Mùa Vọng là thời gian thích hợp cho việc thực tập nghênh đón Chúa Giêsu Kitô.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 21,25-28.34-36:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 21,25-28.34-36::
3.1 Thiên Chúa đã đến trong lịch sử: Đọc lịch sử dân Israel là dân được Thiên Chúa chọn làm dân riêng thì điều nỗi bất nhất là lời hứa và việc thực hiện lời hưa của Thiên Chúa. Lời hứa của Thiên Chúa với các tổ phụ và với toàn dân Israel là Thiên Chúa sẽ ban cho họ Đấng Mêsia tức Đấng Cứu Thế. Việc thực hiện lời hứa của Thiên Chúa là sự xuất hiện của Đức Giêsu Nazarét là con của Đức Maria nhưng cũng là Con của Thiên Chúa. Sự kiện “có một không hai” ấy đã được ghi chép lại trong sách sử, nhất là trong các Sách của các Ngôn Sứ và của Tân Uớc.
3.2 Thiên Chúa sẽ đến trong ngày Quang Lâm: Đọc Phúc âm độc giả sẽ bị cuốn hút bởi ý niệm Cánh Chung và Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô. Cánh Chung là sự kiện kết thúc kế hoạch hay chương trình cứu độ Cứu Độ của Thiên Chúa. Nói cách khác là ngày Nước Trời được hàn thành. Đọc Phúc âm độc già còn bị đánh động bởi nhiều lời cảnh báo về những việc phải làm hay không được làm để tránh cảnh ngày ấy ập tới cách bất ngờ và không chuẩn bị. Nhưng Phúc âm cũng hé mở cho chúng ta biết những việc Chúa Giêsu Kitô sẽ thực hiện trong ngày ấy (đọc Mt chương 25). Tuy Phúc âm không cho biết ngày đó là ngày nào (chính Chúa Giêsu cũng đã nói với các tông đồ là Con Người cũng không biết khi nào ngày ấy xẩy ra) nhưng Phúc âm nhiều lần quả quyềt là ngày ấy sẽ xẩy ra. Vậy thì chúng ta chỉ cần chuẩn bị sằn sàng cho ngày ấy mà không cần phải quan tâm đến việc khi nào ngày ấy sẽ xẩy ra.
3.3 Thiên Chúa hằng đến với những ai ngóng chờ Người: Để không bị bất ngờ và thiếu chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm của Chúa Giêsu Kitô thì tkhông gì tốt bằng là ngày nào chúng ta cũng ngóng đợi và sẵn sàng đón rước Chúa Giêsu Kitô. Thật ra Chúa Giêsu Kitô không chỉ đến lần thứ nhất và lần thứ hai mà Chúa Giêsu Kitô còn đến nhiều lần khác với những người Chúa thương, vì Người là Đấng Phục Sinh và luôn ở cùng chúng ta. Trong sách Khải Huyền Thánh Gioan diễn tả một cách hết sức thơ mộng hành động của Chúa Giêsu Kitô: Ngài đứng chờ ở ngoài cửa. Sẽ có lúc Ngài gõ cửa và ai mở cửa cho Ngài vào thì Ngài sẽ ăn tối với người ấy. (Bữa tối là bữa ăn quan trọng với người Phương Đông. Bữa tối của Chúa Giêsu Kitô với người đón Người vào nhà là bữa ăn Hiệp Thông). Vậy thì chúng ta phải luôn tỉnh thức để chạy ra mở cửa ngay cho Chúa Giêsu Kitô sau tiếng gõ cửa đầu tiên. Đó là việc chính yếu của đời sống nội tâm, của đời sống cầu nguyện.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 21,25-28.34-36:
4.1 Chúng ta hãy chuẩn bị đón Chúa Giêsu Hài Nhi: bằng việc sám hối và xưng tội rước lễ cho được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa. Chúng ta hãy chuẩn bị đón Chúa Hài Nhi bằng cách dọn tâm hồn và gia đình mình thành máng cỏ Bêlem. Cách cụ thể là chúng ta xa lánh tội lỗi, khử trừ gian dối, đam mê và giữ lòng mình trong trắng và ngay thẳng.
4.2 Chúng ta chuẩn bị đón Chúa Giêsu Quang Lâm: bằng cách giữ mình, không để lòng ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời. Danh vọng, quyền lực, tiền của và sắc dục là những kẻ thù không đội trời chung của người Kitô hữu vì chúng làm chúng ta xa Chúa, thù nghịch với Chúa.
4.3 Chúng ta mở rộng tâm hồn đón Chúa Giêsu Kitô khi Người gõ cửa nhà chúng ta: Đó là việc quan trọng nhất của đời sống Kitô hữu chúng ta. Muôn nghe được tiếng gõ cửa thì chúng ta phải tỉnh thức và luôn trong tư thế sẵn sàng. Lời kinh mà chúng ta phải lặp đi lặp lại là “Lạy Chúa, xin mau đến! Maranatha!”
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 21,25-28.34-36:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã đến trần gian để ở với chúng con và đưa chúng con về với Cha. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa tất cả mọi người có được sự tỉnh táo trong cuộc sống để có thể đọc được ý nghĩa của các sự kiện xẩy ra trong xã hội và trên thế giới này
Xướng: Chúng ta cùn g cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy luôn nhiệt thành rao giảng Ngày Chúa Giêsu Quang Lâm cho các tín hữu.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất » Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô hữu biết giữ mình mà sống thánh thiện chờ ngày Chúa Giêsu Kitô đến.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Kitô hữu trên thế giới này sống tỉnh thức và cầu nguyện chờ đón ngày Chúa Giêsu Kitô xuất hiện.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con.
Chúng con xin Cha ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần để chúng con tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng chờ ngày Chúa Giêsu Kitô Quang Lâm. Chúng con cầu xin nhân danh Chúa Giêsu Kitô Con Cha Chúa chúng con. Amen.
Sàigòn ngày 29 tháng 11 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
BÀI ĐOC THÊM: TỈNH THỨC ĐỂ TỰ KHỎI HẠI MÌNH
(Suy niệm Tin mừng Luca (21, 25-28. 34-36) Chúa nhật I Mùa Vọng năm C)
Sứ điệp: Đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…
Theo Kinh Thánh, Sam-son là vị thủ lãnh của Dân Do-thái, có sức mạnh phi thường, trở thành nỗi kinh hoàng cho quân Phi-li-tinh.
Ngày nọ, với hai bàn tay không, Sam-son anh dũng chống cự lại một con sư tử gấm và quật chết nó ngay khi nó bất thần lao vào tấn công ông (Thủ lãnh 14,5).
Có lần bị quân Phi-li-tinh xông tới vây bắt, trong tay không một tấc sắt, Sam-son chộp lấy một chiếc xương hàm của con lừa gần đó và chỉ với chiếc xương nầy thôi, Sam-son quật chết cả ngàn đối thủ xông vào tấn công ông (sđd 15,15). Sức mạnh kinh hồn của Sam-son làm cho quân Phi-li-tinh vô cùng khiếp sợ.
Khi không thắng được Sam-son bằng sức mạnh, người Phi-li-tinh tìm cách diệt ông bằng mưu kế. Một chiếc bẫy được giương ra: đó là nàng Đa-li-đa, một thiếu nữ Phi-li-tinh có nhan sắc mặn mà và lôi cuốn. Cô nàng đến với Sam-son và chiếm lấy trái tim anh. Đa-li-đa gạn hỏi Sam-son do đâu anh có sức mạnh phi thường. Được Sam-son tiết lộ cho biết sức mạnh có liên hệ đến mái tóc, khi nào tóc bị cắt đi thì sức lực anh không còn.
Biết thế, Đa-li-đa lén cắt tóc Sam-son trong khi anh ngủ rồi báo tin cho các thủ lĩnh Phi-li-tinh. Quân Phi-li-tinh xông đến tóm lấy anh, xiềng anh lại bằng những sợi xích đồng, tàn nhẫn khoét đôi mắt anh và bắt anh ngày ngày kéo cối xay như một con trâu ngoan (sđd 16,21).
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu! Chỉ vì không sáng suốt tỉnh táo trước mưu độc của quân thù, vì thiếu tỉnh thức nên Sam-son đã sa vào cạm bẫy và lãnh lấy hậu quả vô cùng đau thương.
Điều đáng buồn là con người tuy là loài thụ tạo thượng đẳng nhưng rất mỏng dòn yếu đuối, dễ thối dễ hư!
Mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ngay cả một số những người có địa vị cao trong xã hội cũng như trong các tôn giáo vì thiếu tỉnh thức nên cũng bị sa ngã, bị lún sâu xuống bùn.
Người ta thường bảo: “khôn ba năm, dại một giờ”, nhưng có khi khôn đến năm mươi, bảy mươi năm rồi cũng hoá dại trong một giờ!
Cá thì dễ ươn, thây ma mau thối, con người dễ hư. Đáng sợ thay!
Lời Chúa hôm nay nhắc bảo chúng ta: “Anh em hãy tỉnh thức và hãy cầu nguyện luôn! … hãy đề phòng, đừng để cho lòng trí mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Còn thánh Phao-lô thì cảnh báo: “Những ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” trong nay mai (I Cor10,12).
Vì lúc nào con người cũng mê muội và dễ chìm đắm, thế nên lời nhắn nhủ “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!… Hãy đề phòng chớ để lòng mình ra nặng nề u tối… là một tiếng chuông cảnh tỉnh luôn luôn cần.
Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết ghi khắc Lời Chúa dạy để giữ cho tâm hồn luôn tỉnh táo hầu khỏi bị lôi kéo bởi những dục vọng xấu cũng như sa vào các cơn cám dỗ bủa vây. Nhờ đó, chúng con bảo toàn được phẩm chất cao đẹp của mình. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà