SUY NIỆM PHÚC ÂM CHÚA NHẬT, CHÚA NHẬT X THƯƠNG NIÊN NĂM A (05/06/2020) HUYỀN NHIỆM BA NGÔI

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người
để tất cả những ai tin ở Con của Người,
thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời”

I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ
Chỉ cần quan tâm một chút chúng ta sẽ thấy các lễ của Phụng Vụ được sắp xếp một các rất lô gích: Sau Cuộc Khổ Nạn là Sự Phục Sinh và Thăng Thiên của Chúa Giêsu Kitô. Rồi đến biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ khai sinh Hội Thánh Kitô giáo. Lễ Chúa Ba Ngôi là tột đỉnh và là điểm kết thúc của lô-gích ấy. Nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần) là một huyền nhiệm chứ không phải là chuyện dễ hiểu đối với trí khôn loài người.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 3,16-18: Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”.
III. HUYỀN NHIỆM BA NGÔI (BÀI VIẾT CỦA BẢO LỘC)

Bạn thân mến,
Trong mặc khải Thánh Kinh, có lẽ các bản văn trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ rất khiêm tốn. Câu văn nổi tiếng nhất nói về Thiên Chúa Ba Ngôi được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêu đoạn 28, câu 19 mà chúng ta vừa nghe: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Và phụng vụ đã không ngần ngại chọn lời chúc lành trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô làm lời chào nhân danh Chúa Ba Ngôi đầu Thánh lễ : “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13:13).
Tín điều Một Chúa Ba Ngôi là cách người Kitô chúng ta hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa. Cũng như anh em Do thái giáo và Hồi giáo, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất, chứ không phải là ba Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa này được mạc khải cho chúng ta trong quan hệ ba chiều của yêu thương giữa ngôi Cha, ngôi Con, và Thánh Linh. Ba Ngôi đồng hình đồng dạng thành một đơn vị yêu thương duy nhất, nhưng lại có sự khác biệt: Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Linh. Trong tương quan giữa Ba Ngôi, cả ba không phải là các cá vị đơn lẻ, nhưng là mối tương quan hài hoà – hiệp nhất trong khác biệt, đấy chính là bản thể của Thiên Chúa.
Thánh I-nhã thành Loyola đã cảm nghiệm Ba Ngôi như ba nốt nhạc của một hợp âm – hài hoà nhưng không đơn điệu. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ không phải là một vị Thượng Đế cô độc ở một cõi xa xăm nào đó, nhưng là một cộng đoàn hiệp thông yêu thương.
Đã có thời người ta cho rằng khoa học và tôn giáo không đi đôi với nhau. Nhiều người cho rằng với óc quan sát và phương pháp thực nghiệm, khoa học có thể giải thích tất cả những hiện tượng trên cõi đời này. Một số người cực đoan hơn thì cho rằng khoa học có thể thay thế tôn giáo. Tin vào khoa học thì không cần phải mê tín dị đoan, đi theo những tín điều lỗi thời không thể kiểm chứng. Chẳng hạn như làm sao Ba lại bằng Một! Phản logic!
Thực ra về bản chất, khoa học thực nghiệm không mâu thuẫn với tôn giáo. Càng khám phá sâu xa về vũ trụ bao la, con người càng thấy mình nhỏ bé hơn, khiêm tốn hơn trong chiều sâu tri thức của mình. Ngay cả trong đời sống con người, không phải điều gì cũng có thể giải thích được bằng khoa học thực nghiệm. Tình yêu chẳng hạn. Ai có thể cân đong đo đếm được tình yêu bằng những phương pháp khoa học thực nghiệm? Ngay cả khoa tâm lý học cũng chẳng định nghĩa được tình yêu. Chỉ có ai đang yêu mới thực sự biết tình yêu là gì. Thế nên Một Chúa Ba Ngôi không phải là điều gì có thể giải thích hoặc nghiên cứu thấu đáo. Con kiến không thể nghiên cứu về con người một cách trọn vẹn được. Những gì con kiến biết được về loài người chỉ thích hợp với ngôn ngữ của loài kiến mà thôi.
Đứng trước huyền nhiệm Thiên Chúa, cách hay nhất là thinh lặng khiêm tốn biết ngôn ngữ của chúng ta có giới hạn. Đối với mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, không một hình ảnh, một ngôn từ nào có thể diễn tả cách chính xác, rõ ràng và đầy đủ được. Tuy vậy, chúng ta có thể tạm dùng một vài hình ảnh từ cuộc sống để diễn tả ảnh hưởng của mầu nhiệm Ba Ngôi trong cuộc đời mình.
Khi nhìn vào mặt trời chẳng hạn, chúng ta có thấy được ánh sáng, sức nóng, và sức cháy. Cả ba đan quyện lấy nhau, đến đỗi không thể tách biệt được đâu là ánh sáng, đâu là sức nóng, và đâu là sức cháy của mặt trời. Nguồn năng lượng cháy bỏng là hình ảnh của Chúa Cha, ánh sáng mặt trời là hình ảnh của Chúa Con, sức nóng bức xạ mặt trời là hình ảnh của Chúa Thánh Thần. Ai nhìn thấy ánh sáng mặt trời thì biết mặt trời. Ai cảm nghiệm được sức nóng của mặt trời thì biết mặt trời. Mặt trời mang lại sự sống cho muôn loài muôn vật. Không có mặt trời thì sự sống trên trái đất này không thể tồn tại như chúng ta đang thấy.
Ba Ngôi cũng có thể ví như một dòng sông mang sự sống đến cho con người và muôn vật. Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông. Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Con là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy. Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Tách ra khỏi dòng sông, con cá sẽ chết. Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Lẩy ra một nốt nhạc, nó chỉ là một âm thanh trơ trọi, không còn là một bài ca. Đó chính là những hình ảnh sống động giúp ta hiểu phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bạn thân mến,
Chuyện kể rằng: Ngày kia, để bắt đầu viết một thiên khảo luận về Chúa Ba Ngôi “De Trinitate”, thánh Augustine thành Hippo đã đi dạo trên bờ biển để suy nghĩ và cầu nguyện. Bỗng chốc ngài nhìn thấy một em bé đang dùng một chiếc vỏ sò múc nước và đổ vào một chiếc lỗ nhỏ trên bãi cát. Augustine dừng chân hỏi: “Em làm gì thế?” Em bé trả lời: “Tôi muốn tát hết nước biển vào trong chiếc lỗ này.” Augustine mỉm cười và nói: “Làm sao tát hết được?” Nhưng cậu bé nghiêm nét mặt và nói: “Tôi làm việc này còn dễ hơn ngài đang ảo vọng muốn trình bày cặn kẽ về Chúa Ba Ngôi.”
Nói đoạn, em bé biến mất. Augustine hiểu rằng đó chính là một thiên thần được Chúa sai đến để nhắc nhở: trí khôn con người thì quá nhỏ bé để hiểu về mầu nhiệm này. Thế nhưng, con tim của chúng ta lại đủ to lớn để yêu mến Ngài. Thực vậy, mạc khải về Ba Ngôi đã tỏ lộ không phải để chúng ta hiểu thấu, nhưng để chúng ta yêu mến.
Mầu nhiệm Ba Ngôi không chỉ là lời nói xuông, nhưng cần được đưa vào cuộc sống. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ chết khô. Bởi đó, sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Đấng Sáng Tạo, Cứu Rỗi và Thánh Hóa.
Mỗi khi chúng ta cùng với Thiên Chúa sáng tạo thế giới này, hàn gắn, chữa lành, và thăng hoa nó là chúng ta đang đi sâu vào mầu nhiệm Ba Ngôi. Mỗi khi chúng ta tập sống trong mối tương quan yêu thương và hiệp nhất trong sự khác biệt là chúng ta đang tuyên xưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, mừng kính lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy cầu nguyện để được ơn cảm nghiệm và sống mầu nhiệm ấy. Có như thế đời sống chúng ta ngày càng triển nở hơn, hạnh phúc hơn.
Bảo Lộc
Sài-gòn ngày 05 tháng 06 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội sưu tầm