I. DẨN VÀO PHỤNG VỤ
Lễ Thánh Thần Hiện Xuống là biến cố có một không hai trong lịch sử Kitô giáo. Sự chuyển giao sứ mạng được thực hiện cách trơn tru và hiệu quả vì Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh vẫn còn đó mà Hội Thánh lại có thêm Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ mới bên các tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Lệnh truyền ra đi loan báo Tin Mừng không chỉ dành cho 12 người mà dành cho cả tỷ người Kitô hữu. Quả đúng là LỄ HIỆN XUỐNG ĐÁNH DẤU KHỞI ĐẦU SỨ MỆNH GIÁO HỘI như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói với các tín hữu trong buổi gặp chung ngày 20 tháng 9 năm 1989 tại quảng trường Thánh Phêrô (Roma).
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG GIO-AN 20,19-23: Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
III. LỄ HIỆN XUỐNG ĐÁNH DÂU KHỞI ĐẦU SỨ MỆNH GIÁO HỘI
Thành Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Trong Hiến Chế Ad Gentes (Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội) của Công Đồng Vatican II, biến cố Lễ Hiện Xuống nối kết chặt chẽ với khởi đầu lịch sử Giáo Hội: “Vào ngày Lễ Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên các môn đệ … Và chính từ Lễ Hiện Xuống khởi đầu ‘mọi hành động của các tông đồ'” (AG 4). Bởi thế, từ giây phút khai sinh của mình, do việc đi vào thế giới trong ngày Lễ Hiện Xuống, Giáo Hội biểu hiện là “nhà truyền giáo,” việc này thể hiên nhờ hành động của Chúa Thánh Linh. Chúng ta cũng có thể nói thêm rằng Giáo Hội luôn như thế: Giáo Hội vẫn ở “trong tình trạng truyền giáo” (in statu missionis). Đặc tính truyền giáo này là bản chất chính của Giáo Hội. Đây là đặc tính tạo thành Giáo Hội Chúa Kitô, vì Chúa Thánh Linh đã làm cho Giáo Hội trở thành truyền giáo từ lúc khai sinh.
Đoạn văn Công Vụ Tông Đồ ghi lại biến cố Lễ Hiện Xuống (Cv 2:1-13) cho thấy sự thực về điều khẳng định này của Công Đồng gắn liền với sản nghiệp chung của Giáo Hội.
Chúng ta biết các tông đồ và môn đệ khác, tụ họp cùng với Đức Maria trong căn phòng trên lầu, đã nghe “một âm thanh tựa như cơn gió mạnh,” và xuất hiện “những lưỡi lửa, tỏa ra trên đầu mọi người” (tc. Cv 2:2-3). Theo truyền thống Israel lửa là biểu hiệu sự hiển lộ đặc biệt của Thiên Chúa, Đấng nói lời chỉ dạy, hướng dẫn và cứu độ dân Ngài. Ký ức về kinh nghiệm kỳ diệu tại Núi Sinai vẫn còn sống động trong tâm hồn người Israel và giúp họ hiểu ý nghĩa việc hiệp thông mới bao gồm trong biểu tượng đó, và cũng như là bằng chứng hiển nhiên trong “Sách Huấn giáo Jerusalem” (Jerusalem Tamud) (tc. Hag 2, 77b, 32; đọc thêm Mildrash Rabbat 5, 9 về Xuất hành 4:27).
Cũng truyền thống Jerusalem Tamud của người Israel đã chuẩn bị các tông đồ hiểu “lưỡi” có nghĩa sứ mệnh rao giảng, làm chứng nhân và giảng dạy mà chính Chúa Giêsu đã trao cho các ngài. “Lửa” không phải chỉ liên quan với luật của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu đã xác quyết và kiện toàn, mà còn liên quan tới chính Chúa Giêsu, “con người” của Ngài, cuộc đời Ngài, tử nạn và phục sinh, vì chính Ngài là tân Huấn Chỉ (Torah ) phải được loan truyền khắp thế giới. Nhờ hành động của Chúa Thánh Linh, những “lưỡi lửa” đã trở thành lời nói nơi miệng các tông đồ: “Các ngài được tràn đầy Chúa Thánh Linh và bắt đầu nói những ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh làm cho các ngài nói được” (Cv 2:4).
Trong lịch sử Cựu Ước đã có những cuộc hiển lộ tương tự mà trong đó thần khí của Chúa được ban cho việc nói tiên tri (tc. Mic 3:8; Is 61:1; Zech 7:12; Neh 9:30). Ngôn sứ Isaiah cho biết một luyến thần (seraphim) bay đến bên ngài, “trong tay cầm cục than đỏ lửa mà thiên thần đã dùng cái kẹp gắp lấy từ bàn thờ.” Thiên thần chạm cục than đỏ lửa đó vào môi ngôn sứ Isaiah để thanh tẩy ông khỏi mọi tội lỗi, trước khi Chúa trao cho ông sứ mệnh nói với dân Ngài (tc. Is 6:6-9 ff.). Các tông đồ biết biểu tượng truyền thống này nên nắm được ý nghĩa sự việc xảy ra với các ngài vào ngày Lễ Hiện Xuống. Thánh Phêrô minh chứng điều này trong bài giảng thuyết đầu tiên, nối kết ơn nói nhiều ngôn ngữ với lời ngôn sứ Joel đã nói về việc tuôn đổ Thánh Linh làm cho các môn đệ có khả năng nói tiên tri (Cv 2:17 ff; Joel 3:1-5).
Qua “lưỡi lửa” (Cv 2:3) mỗi tông đồ nhận được đặc sủng đa dạng của Thánh Linh, như những người tôi tớ trong dụ ngôn tin mừng, tất cả đều đã nhận được một số vốn để sinh lợi (tc. Mt 25:14ff.). “Lưỡi lửa” là biểu hiệu ý thức mà các tông đồ có và luôn nhớ liên quan tới sứ mệnh truyền giáo các ngài được kêu gọi và cống hiến. Ngay khi được “tràn đầy Chúa Thánh Linh, các ngài bắt đầu nói những ngôn ngữ khác lạ, mà Thánh Linh ban cho các ngài nói được.” Thánh Linh ban cho các ngài sức mạnh, khả năng, và thúc đẩy trong lòng, để các ngài thi hành sứ mệnh được trao phó.
Việc này xảy ra trong căn phòng trên lầu, nhưng ngay sau đó sứ mệnh loan báo tin mừng và nói nhiều ngôn ngữ đã vượt ra khỏi nơi các ngài ở. Hai biến cố đặc biệt đã xảy ra và được mô tả trong Công Vụ Tông Đồ. Trước nhất, Sách Công Vụ mô tả ơn ngôn ngữ mà nhờ đó những lời các ngài nói có tính cách đa ngôn ngữ và dùng để hát ca chúc tụng Thiên Chúa (tc. Cv 2:11). Đám đông gồm “những người Israel sùng đạo” dịp này đang ở Jerusalem mừng Lễ Vượt Qua đã nghe tiếng động mạnh (khi Chúa Thánh Linh ngự xuống căn phòng Tiệc Ly) kêu gọi tụ tập lại và ngỡ ngàng trước sự việc này. Họ thuộc “mọi quốc gia dưới gầm trời” (Cv 2:5) “và nói ngôn ngữ dân địa phương họ ở, mặc dầu theo sắc tộc thì họ vẫn là người Israel.” Lúc này đám đông tụ tập chung quanh các tông đồ “bỡ ngỡ lạ lùng, vì mỗi người này đã nghe các tông đồ nói thổ ngữ của họ. Họ ngỡ ngàng và ngạc nhiên, nói, ‘Không phải những người này đang nói tiếng miền Galilee sao? Và làm cách nào mà mỗi người chúng tôi nghe thổ ngữ của mình?'” (Cv 2:6-8).
Ở điểm này Thánh Luca không ngần ngại vạch ra bản đồ thế giới miền Địa Trung Hải mà từ đó những người Israel sùng đạo đã tới Jerusalem. Chẳng khác gì ngài đặt thế giới những người trở lại theo Chúa Kitô đối nghịch với việc phân chia ngôn ngữ từ tháp Babel và các sắc dân như Sách Sáng Thế đã ghi lại (11:1-9). Thánh Luca cũng không quên kể, trong số đó, “những người từ Roma, người Parthian và Medes và Elamites và cư dân ở Mesopotamia, Judea và Cappadocia, Pontius và Tiểu Á, Phrygia và Pamphylia, Aicập và những miền thuộc Libya thuộc Cyrene, và các du khách từ Roma, cả người Israel và người tòng Do Thái giáo, người Cretan và Ả Rập” (Cv 2:11-19). Thánh Sử, qua miệng tất cả những người đó, dường như làm sống lại biến cố đã xảy ra tại Jerusalem và được trao lại theo truyền thống Kitô hữu tiên khởi bằng những lời sau đây: “Chúng tôi nghe (từ các tông đồ, người gốc từ Galilee) nói bằng ngôn ngữ của địa phương chúng tôi về những việc lạ lùng của Thiên Chúa” (Cv 2:11).
Sự kiện ngày Lễ Hiện Xuống hiển nhiên là huyền nhiệm và quan trọng. Chúng ta có thể khám phá được trong đó một dấu chỉ phổ quát của thế giới Kitô Giáo và đặc tính truyền giáo của Giáo Hội. Người viết Sách Thánh cho chúng ta thấy điều này và biết rõ thông điệp Lễ Hiện Xuống được gửi tới cho cả nhân loại thuộc mọi dân tộc. Chính Chúa Thánh Linh can thiệp để bảo đảm mọi người đều hiểu ít nhất điều gì đó bằng ngôn ngữ của mình: “Từng người chúng tôi nghe hiểu bằng tiếng địa phương của mình” (Cv 2:8). Ngày nay chúng ta có thể nói về chuyển dịch ngôn ngữ và các nền văn hóa đã sản sinh ra ngôn ngữ đó. Vì thế người ta có thể nhìn thấy nơi toàn thể sự việc này một hình thức sơ khởi của hội nhập văn hóa, nhờ Chúa Thánh Linh đem lại.
Một sự kiện đặc biệt khác là lòng can đảm mà thánh Phêrô và mười một tông đồ “đã đứng lên” bắt đầu giải thích ý nghĩa thiên sai và thánh linh của sự việc đang xảy ra trước mắt đám đông ngỡ ngàng đó (Cv 2:14ff). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này khi đến lúc. Ở đây chúng ta có thể thực hiện một suy nghiệm cuối cùng về điểm tương phản (một thứ loại suy từ những điểm đối nghịch) giữa điều xảy ra ngày Lễ Hiện Xuống và điều chúng ta đọc trong Sáng Thế Ký về Tháp Babel (tc. St 11:1-9). Trong chuyện lịch sử Tháp Babel chúng ta chứng kiến sự phân tán ngôn ngữ, bởi thế nên người ta không thể hiểu nhau, vì nói những ngôn ngữ khác nhau. Trái lại, vào Lễ Hiện Xuống, dưới hành động của Thánh Linh Đấng là “Thần Linh chân lý” (tc. Jn 15:26), sự phân tán ngôn ngữ không còn cản trở người ta hiểu điều đang được loan báo nhân danh và vì vinh danh Thiên Chúa. Vì thế có sự liên hệ trong việc kết hiệp nhân loại, vượt qua ranh giới ngôn ngữ và văn hóa, và việc hiệp nhất này được Chúa Thánh Linh thể hiện trong thế giới.
Đây là việc thành toàn đầu tiên những lời Chúa Giêsu hứa với các tông đồ trước khi về với Chúa Cha: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Linh đến trên anh em; và anh em sẽ làm chứng về Thầy ở Jerusalem và khắp miền Judea và Samaria và toàn thế giới” (Cv 1:8).
Công Đồng Vatican II bình luận: “Chúa Thánh Linh thông đạt cho Giáo Hội toàn thể chân lý. Ngài thống nhất Giáo Hội bằng kết hiệp và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng” (LG 4), Ngài “là linh hồn làm sống động những định chế trong Giáo Hội và đổ vào lòng các tín hữu cùng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô” (LG 4). Từ Chúa Kitô, đến các tông đồ, đến Giáo Hội, đến toàn thế giới: dưới hành động của Chúa Thánh Linh tiến trình hợp nhất toàn cầu trong chân lý và yêu thương có thể và phải trải rộng ra.
Nguồn: Buổi gặp chung ngày 20 tháng Chín, 1989
[Giêrônimô Nguyễn Văn Nội sưu tầm]