SUY NIỆM PHÚC ÂM, CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (12/01/2025) MỘT KHỞI ĐÂU VÔ CÙNG ẤN TƯỢNG

“Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Phụng vụ Mùa Giáng Sinh kết thúc với Lễ mừng biến cố hay sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả (hay Tiền Hô) trong dòng sông Giócđan. Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà dân Israel mong đợi. Chúa Giêsu là Đấng thánh, là Đấng chẳng những vô tội mà còn là Đấng xóa tội trần gian. Tại sao Chúa Giêsu lại đến xin Gioan làm phép rửa cho mình trong phép rửa của ông ấy chỉ có ý nghĩa là tỏ lòng thống hối? Hành động ấy của Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
Hơn nữa có một sự kiện hết sức lạ lùng, một sự kiện vô tiền khoáng hậu là sau khi Chúa Giêsu bước lên khỏi mặt nước và đang cầu nguyện thì: ”Trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”. Sự kiện này có ý nghĩa gì?
Chúng ta hãy dành thời gian và tâm trí để suy gẫm về ý nghĩa của hai sư kiện trên.
II. LẰNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Lc 3,15-16.21-22: Khi ấy,trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?”, Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha”.

III. SUY NIỆM LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:
3.1 Sự kiện hay biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan khởi đâu một giai đoạn mới trong cuộc đời Đấng Mêsia: đó là giai đoạn cuộc sống công khai của Chúa Giêsu mà trọng tâm là Chúa Giêsu rao giảng về Nước Trời và mặc khải về Thiên Chúa là Cha, là Tình Yêu cho Israel và toàn nhân loại. Sự kiện khởi đầu sứ mạng gồm hai việc trái ngược nhau: Chúa Giêsu hạ mình xuống và được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nâng lên.
3.2 Hai ý nghĩa của sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa từ tay Gioan:
a) Ý nghĩa thứ nhất: Chúa Giêsu hòa mình vào dòng người Do-thái ý thức mình có tội với Thiên Chúa và mong đợi Đấng Cứu Độ mà Thiên Chúa đã hứa sẽ gửi đến. Chúa Giêsu thể hiện tình liên đới của một Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người với dân Israel nói chung và với các tội nhân nói riêng. Nhiều người nhấn mạnh đến sự hạ mình của Chúa Giêsu trong biên cố Người chịu phép rửa từ tay Gioan. Nhưng điều đáng chúng ta quan tâm hơn là hành động hòa mình vào dòng tội nhân để thể hiện tình liên đới của D(ấng Mêsia với Israel nói riêng và với nhân loại nói chung.
b) Ý nghĩa thứ hai: Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gioan thì Thiên Chúa Cha và Thánh Thần đã long trọng xác nhận và công bố Chúa Giêsu Nagiaret: “là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” Sự kiện “Trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán” có nghĩa đây là khung cảnh của một cuộc thần hiện, giống như nhiều cuộc thần hiện khác trong lịch sử Thánh Kinh Kitô giáo.
IV. THỰC THI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:
4.1 Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu sống tình liên đới với mọi người nhất là với người nghèo: Là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu đã thành người và đã đảm nhận tất cả mọi hệ lụy của thân phận con người. Chúa Giêsu là người Do-thái nên đã sống niềm tin và khát vọng của dân Israel về Thiên Chúa, về ơn cứu độ. Chính từ hành động liên đới này của Chúa Giêsu mà Công Đồng Vatican II đã long trọng công bố: ”Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại1*.
Chúng ta hãy thể hiện tình liên đới của mình với con người, với dân tộc, với người nghèo, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn thử thách như dịch bệnh hiện nay.
4.2 Chúng ta hãy học cùng Chúa Giêsu mà sống đẹp lòng Cha: Chót điểm của đời sống Kitô hữu là sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, sống tình huynh đệ với mọi người. Chúa Giêsu đã đến trần gian để thực thi thánh ý Cha vá cứu độ nhân loại.
Chúng ta hãy học với Người để trở nên con cái yêu dấu của Cha, đẹp lòng Cha trong mọi sự.
V. CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA TRONG BÀI PHÚC ÂM Mt 2,1-12:
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, chúng con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Cha vì Cha đã ban cho chúng con Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô, là Đấng đã tỏ tình liên đới với các hối nhân khi chịu phép rửa bởi tay Gioan và đã được Cha công nhận là Con Yêu Dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha. Xin Cha nghe lời chúng con cầu xin.
Ý VÀ LỜI CẦU NGUYỆN
1.- «Trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Đấng Kitô không?» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người ơn khát khao tìm kiếm Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa gửi đến cho loài người.
Xướng: Chúng ta cùn g cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
2.- «Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Thiên Chúa cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để các vị ấy nhiệt thành giúp người khác tìm ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng xóa tội trần gian.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
3.- «Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta và trong các cộng đoàn giáo xứ khác, để mọi Kitô nhận mình là người có tội cần được Thiên Chúa đoái thương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
4.- «Và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Kitô hữu biết trân quý mạc khải mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong/qua Hội Thánh mà sống hiều thảo với Thiên Chúa là Cha theo gương Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
LỜI KẾT:
Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu và là Cha của chúng con, chúng con xin chúc tụng ngợi khen và cảm tạ Cha, vì Cha đã ban Con Một Cha là Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại chúng con. Người đã tỏ tình liên đới với dân Israel nói chung với các hối nhân nói riêng khi chịu phép rửa bởi tay Gioan.
Chúng con xin Cha ban sức mạnh cho chúng con để chúng con luôn sống đẹp lòng Cha, trở nên con cái yêu dấu của Cha. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu Kitô, Con Cha và Chúa chúng con Amen.
Sàigòn ngày 09 tháng 01 năm 2025
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

BÀI ĐỌC THÊM: CỬA TRỜI MỞ RA
(Suy niệm Tin mừng Lu-ca 3, 15-16. 21-22 Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa)

Sứ điệp: Nhờ sự vâng phục của Chúa Giê-su, cửa Trời được mở ra cho muôn người được vào.***

Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

1. Tại sao Chúa Giê-su vô tội mà lại chịu phép rửa?
Thánh Phao-lô cho ta biết rằng Chúa Giê-su vốn là “Đấng chẳng hề biết tội là gì” lại trở nên người gánh tội cho muôn dân (2 Cr 5, 21).
Và thánh Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian.
Như thế, Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy.
Thế rồi khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài… ” (Lc 3,21).

2. Tại sao trời mở ra?
Từ ngày A-đam và E-và phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và đắm chìm trong cõi chết…
Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Con đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”
Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng lại vì tội bất phục tùng của A-đam-cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su, cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Đấng vô cùng tốt lành thánh thiện đã mang tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa vì chúng con; Trong khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi nhưng chẳng biết nhìn nhận tội mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách.
Xin giúp chúng con khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi và thực lòng ăn năn sám hối, nhờ đó, cửa trời cũng sẽ mở ra để đón nhận chúng con vào chốn hồng phúc đời đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà