SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 9 THƯỜNG NIÊN

minhthanhchua5Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
YÊU THƯƠNG XÓA HẬN THÙ
(Mc 12,1-12)
Vào thời Đức Giêsu, Dân Dothái đang bị đô hộ bởi đế quốc Lamã. Đất đai được chia thành nhiều vùng khác nhau. Chủ nhân của những vùng đất rộng lớn này chính là những người ngoại quốc.
Họ làm chủ đất đai, nhưng ít khi chính họ canh tác, nên thường cho nông dân là người Dothái thuê lại, hoặc cũng có thể họ trồng trọt, nhưng việc chăm sóc thì họ thuê. Đến mùa, những ông chủ chỉ đến để thu lợi nhuận từ chính những bàn tay lao động cực nhọc của những người làm công. Vì thế, những nông dân này căm thù sâu sắc đối với các chủ nhân ngoại quốc.
Khi sống trong thân phận nô lệ như vậy, cộng thêm sự kích động từ ngoại cảnh, nên những tá điền này sẵn sàng đang tay giết chết những người do ông chủ sai đến, bởi họ vẫn biết rằng pháp luật thừa nhận quyền sở hữu của những người chiếm giữ đất hoang.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chỉ ra sự nông nổi, nhẹ dạ của họ khi chủ mưu giết ngay cả người thừa tự để hy vọng chiếm giữ đất đai của ông chủ, bởi lẽ ông chủ sẽ đến và lấy lại đất đai để trao lại cho người khác, khi đó, họ sẽ trắng tay.
Khi kể dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn vạch trần những âm mưu của giới lãnh đạo Dothái đang tìm mọi cách để giết Đức Giêsu; đồng thời Ngài muốn gửi đi một thông điệp căn bản, đó là: yêu thương sẽ xóa đi hận thù. Còn hận thù sẽ dẫn đến chết chóc, bởi sự hận thù chẳng khác gì cái hố chôn kẻ hận thù trước rồi mới chôn đối phương.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống yêu thương nhau. Khi sống yêu thương, chúng ta đã hành động như chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Chỉ có tình yêu mới có thể biến thù thành bạn; cũng chỉ có tình yêu, chúng ta mới giúp nhau nên thánh ngang qua những yếu đuối, vụng về của thân phận con người. Hãy nhớ lời thánh vịnh 118 mà hôm nay Đức Giêsu đã lặp lại: “Tảng đá thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta hiểu rằng: Cái chết của Chúa là hệ quả của một sự thù hằn, ghen ghét, nhưng ngang qua cái chết vì tình yêu, Chúa đã biến nó thành quà tặng quý giá dâng lên Thiên Chúa Cha và trao tặng cho con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa khơi lên ngọn lửa yêu mến nơi tâm hồn chúng con, để chúng con cùng nhau xây dựng tình thương, công bình và chân lý trong cuộc sống của mình. Amen.
THỨ BA
GIAN DỐI KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI CUỐI CÙNG
(Mc 12, 13 – 17)
Ở đời người ta thường nói: “Thua keo này ta bày keo khác” để ám chỉ việc kiên trì trong suy tư hay hành động.
Hôm nay, những người Pharisêu đã không chịu thua Đức Giêsu, vì thế, họ đã tìm thêm dịp để hại Ngài. Không những vậy, họ còn kéo theo đồng minh là những người thuộc nhóm Hêrôđê nữa.
Câu chuyện được khởi đi từ một thái độ giả hình, nhằm che đậy sự gian xảo trong tâm hồn của những kẻ chuyên nghề nịnh hót. Họ không ngớt lời khen ngợi Đức Giêsu là người chân thật, công bằng trong cách giảng cũng như hành xử… Vì thế, nhân dịp này, họ đến để xin lời dạy khôn ngoan của Ngài về việc nộp thuế. Họ nói: “Có được phép nộp thuế cho César không?”. Đây lại là một trò chơi nguy hiểm mà họ giăng ra để gài bãy Đức Giêsu, và đây cũng là một thủ đoạn bỉ ổi nhằm trả thù Đức Giêsu vì những lần Ngài đã làm cho nhóm này bị lộ rõ chân tướng đê hèn của họ.
Đức Giêsu biết rõ đây là cái bẫy, nên Ngài rất bình thản hỏi ngược lại khi xin họ cho xem đồng tiền. Khi xem xong, Ngài hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai?”; họ đã nhanh nhảu trả lời: “Của César”.
Họ đưa ra cái bẫy này để xem Đức Giêsu xử trí ra sao? Họ thừa biết Ngài là con cháu thuộc dòng dõi Vua Đavít, thì mối thù dân tộc là không thể chấp nhận ngoại bang, vì thế, nếu Ngài nói không phải nộp thuế thì chắc chắn Đế Quốc sẽ xử Ngài. Còn nếu Ngài nói là phải nộp, thì dân chúng sẽ đứng lên tố cáo Ngài là tay sai cho địch, phản quốc, hại dân, và như một lẽ tất yếu, người dân không còn nghe theo những lời dạy dỗ của kẻ phản bội nữa!
Tuy nhiên, sự khôn ngoan của loài người lại trở nên ngu dại trước Thiên Chúa! Giải pháp đầy khôn ngoan của Đức Giêsu đã làm cho họ chưng hửng khi nói: “Của César, trả về César, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”.
Trong cuộc sống hôm nay vẫn còn đó những kẻ “đội trên, đạp dưới” để trục lợi hay che dấu những bỉ ổi, bất nhân ngầm sâu trong con người của họ. Những lời nói thật hay, những khen ngợi thật tuyệt vời, khiến cho đối phương bị thuyết phục và rồi thuận theo những chiêu thức ma ranh quỷ quyệt của họ mà làm nguy hại cho những người lương thiện.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chu toàn trách vụ trần thế, nếu những điều đó là đúng với lương tâm Kitô giáo; luôn biết đền ơn những người làm ơn cho chúng ta, nhất là Thiên Chúa, Đấng luôn ban phát mọi ơn lành cho mình.
Không được sống hai mặt, giả tạo nhân đức để làm hại người khác, vì đây là đường lối của ma quỷ chứ không phải đến từ Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khôn ngoan để lựa chọn những gì thuộc về Chúa và khước từ những gì thuộc về ma quỷ. Xin cho chúng con biết chu toàn bổn phận với Thiên Chúa và tha nhân. Amen.
THỨ TƯ
SỐNG LẠI RỒI SẼ RA SAO?
(Mc 12,18-27)
Đã có nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và nhóm này hay nhóm khác, nhưng với nhóm Xađốc thì đây là lần đầu tiên. Những người này được liệt vào hàng quý tộc có tiếng là tử tế, nhưng lại theo ngoại xâm.
Họ rất bảo thủ trong lãnh vực tôn giáo. Vì thế, họ chỉ công nhận bộ Ngũ Thư mà thôi. Tất cả các cuốn sách khác đều bị bãi bỏ cả. Vì thế, những lời dạy của các ngôn sứ xuất hiện sau đó thì đều bị họ khước từ và không tin.
Như vậy, chúng ta không lạ gì khi họ chất vấn Đức Giêsu về sự sống lại.
Họ đứng lên hỏi Ngài về việc sự sống lại sau cõi chết khi đưa ra một ví dụ: có một người lấy vợ, rồi chết không con, theo luật, người em kế phải lấy tiếp người phụ nữ ấy để có con nối dòng. Tuy nhiên, cứ lần lượt như vậy cho đến người thứ 7 lấy cô ta mà cũng chết không con, cuối cùng, chính người đàn bà này cũng chết. Vậy sau này, khi sống lại thì cô ta sẽ là vợ của ai trong 7 người chồng đã từng cưới nàng làm vợ?
Khi hỏi như vậy, Đức Giêsu thừa biết ý đồ thâm độc của nhóm này, nên Ngài đã làm cho họ cứng họng!
Trước tiên, Đức Giêsu đã làm họ lúng túng khi chỉ dẫn cho biết sự am hiểu Kinh Thánh của họ quá hời hợt.
Thứ hai, Ngài mặc khải cho họ biết rằng: sự sống con người sau khi chết hoàn toàn khác với sự sống hiện tại. Nếu sự sống hiện tại con người có bổn phận truyền sinh để lưu truyền nòi giống, thì sự sống sau cái chết không còn chuyện đó. Vì vậy, họ đâu còn lấy vợ gả chồng nữa, bởi vì sự sống của họ đã đạt tới sự viên mãn.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như sự sống thật đời sau. Cuộc sống đời đời là đích đến chứ không phải dừng lại ở nhu cầu thể xác như khi lưu trú nơi trần gian.
Chỉ có Thiên Chúa là chủ của sự chết lẫn sự sống, và chỉ trong Ngài, chúng ta mới được hạnh phúc đích thực.
Vì thế, hãy biết trân trọng nó và biết mua lấy Nước Hằng Sống bằng niềm tin, sự hy sinh và tinh thần dấn thân vì Nước Trời ngay trong cuộc sống thực tại trần thế này.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Lời Chúa và tha thiết thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hiện tại. Xin ban cho chúng con luôn biết tha thiết với những thực tại trên trời, nơi tràn đầy ân sủng, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.
THỨ NĂM
MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU CỦA TÔI LÀ GÌ?
(Mc 12,28-34)
Ngày nay, người ta thường hay nghe những lời lẽ như: sản phẩm này là tốt nhất; con người này là tốt nhất! Vậy mối quan tâm hàng đầu của bạn là gì…? Nói cách khác, với tư cách là người Công Giáo, mối quan tâm hàng đầu của đời sống Kitô hữu là gì?.
Đây chính là sự quan tâm và một vấn nạn mà người Luật Sĩ đã đặt ra cho Đức Giêsu trong hành trình đi tìm chân lý của ông.
Tin Mừng thuật lại: có một Luật Sĩ đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, trong các giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?”. Đức Giêsu đã thấy được lòng tốt và nhất là sự khao khát của ông ta, nên Ngài đã mạc khải cho ông Luật Sĩ này ngay tức khắc khi nói cho ông biết về giới luật quan trọng nhất chính là: yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu thương người thân cận như chính mình.
Phản ứng của Luật Sĩ này là hết sức thán phục những lời dạy khôn ngoan của Đức Giêsu. Thật vậy, vì lòng chân thành đi tìm kiếm chân lý, lẽ sống, nên Đức Giêsu đã khen ngợi ông và nói cho ông biết: ông không còn xa Nước Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta bị kinh tế thị trường làm cho đời sống đức tin bị trao đảo. Nhiều khi chúng ta đặt bậc thang giá trị của mình dựa trên tiền bạc, chức quyền, danh vọng… Vì thế, đã biết bao lần chúng ta rơi vào tình trạng lập lờ, bắt cá hai tay, chỉ còn biết cái lợi trước mắt mà không hề nghĩ đến cuộc sống đời sau. Giới răn mến Chúa, yêu người là cái gì đó không được chúng ta quan tâm nếu không muốn nói là coi thường!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cật vấn lương tâm chúng ta về những chọn lựa bấy lâu nay! Đồng thời, mời gọi chúng ta hãy yêu mến và trung thành giữ Luật Chúa thì chúng ta sẽ được hạnh phúc. Mặt khác, khi giữ luật Chúa, chúng ta có một cuộc sống bình an, thanh thản và luôn biết yêu thương, tôn trọng nhau để cùng nhau xây dựng Nước Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt lại bậc thang giá trị của cuộc đời, luôn biết tìm ý Chúa và giữ giới răn Chúa cho trọn. Amen.
THỨ SÁU
HIỂU ĐÚNG VỀ ĐẤNG KITÔ
(Mc 2, 35- 37)
Trong các bài Tin Mừng trước, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn bị chất vấn bởi các người Pharisêu, Kinh Sư, phe Hêrôđê, nhóm Sa Đốc… Nhưng hôm nay, thánh sử Máccô lại cho thấy một tình thế ngược lại. Chính Đức Giêsu là người đứng lên chất vấn họ.
Khởi đi từ chỗ Ngài đặt vấn nạn về thân thế, nguồn gốc của mình: các Kinh Sư bảo Đấng Kitô là con vua Đavít, thế thì tại sao vua Đavít lại gọi Đấng ấy là Chúa Thượng tôi? (x. Tv 110,1). Không ai trả lời được, vì thế đám đông dân chúng lấy làm thích thú!
Qua câu hỏi đó của Đức Giêsu, Ngài không phủ nhận thân thế, vai trò của mình. Ngài cũng không từ trối tước hiệu con Vua Đavít. Nhưng dần dần, Ngài muốn cho mọi người hiểu về một Đấng Kitô chịu đau khổ, là tôi tớ của Giavê chứ không phải là một Đấng Kitô với mũ mão cân đai và đứng lên để làm chính trị như họ vẫn lầm tưởng!
Chính sự hiểu nhầm và mong ước phiến diện về Đấng Kitô, nên họ không thể chấp nhận Đấng ấy nằm ngoài khuôn mẫu của sự uy nghi, lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, quyền lực phi thường… Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài sống nghèo khó, không nhà không cửa, dạy con người ta hướng thiện, bác ái, bao dung, tha thứ thì họ đã không thể chấp nhận, và lẽ đương nhiên, họ tìm cách loại bỏ vì coi đó như là cái gai trong mắt và hòn đá cản lối đi.
Trong cuộc sống hôm nay nơi con cái của Giáo Hội, vẫn không thiếu những con người đủ mọi tầng lớp, luôn thích một Giáo Hội quyền lực, giàu có, oai phong; thích một Giáo Hội được củng cố bằng quyền lực… Không những thế, mà nhiều người đã áp dụng quan điểm đó ngay trong suy tư, nơi hành vi và lối sống của mình.
Những lúc như thế, chúng ta hãy cẩn trọng vì đây không phải là đường lối của Thiên Chúa, mà là đường lối của những Pharisêu giả hình, của Luật Sĩ vụ luật, những Sa Đốc không niềm tin và phe Hêrôđê ham quyền…
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con hiểu được Lời Chúa dạy để biết sống điều Chúa muốn. Amen.
THỨ BẨY
ĐÂU LÀ GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA?
(Mc 12, 38-44)
Sống giả hình trong sự hào nhoáng bề ngoài là thứ mà con người luôn sử dụng và không ngừng trang điểm cho nó. Bởi xuất phát từ lối suy nghĩ rằng: nhờ những chuyện hình thức bên ngoài, nó sẽ che lấp sự xấu xa bên trong. Tuy nhiên, đây chỉ là điều vô lý và hão huyền khi đối diện với những chân lý Tin Mừng.
Hôm nay thánh Máccô trình thuật việc được Đức Giêsu vạch trần sự giả tạo của những Kinh Sư khi kể cho họ nghe câu chuyện lên đền thờ cầu nguyện.
Những người Kinh Sư luôn coi họ là người đạo đức, thánh thiện hơn mọi người khác. Sự tốt lành của họ được biểu hiện qua việc: nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Không những thế, họ còn mong muốn người ta thưởng cho mình những tiếng tốt và kính trọng khi đi ra đường bằng việc chào hỏi nơi công cộng…
Như thế, đối tượng bị họ khinh bỉ chính là người nghèo và tội lỗi… Thế nhưng, Đức Giêsu đã chỉnh sửa quan niệm sai lầm đó bằng việc khen ngợi một bà góa nghèo bỏ có hai xu vào đền thờ. Trong khi đó chê bác việc người giàu bỏ nhiều tiền nhưng lại là tiền dư thừa của họ chứ không phải như bà góa bỏ trọn vẹn những gì bà có.
Trong xã hội hôm nay, người giàu thường được tôn trọng. Chân lý thuộc về kẻ có quyền, có tiền. Người nghèo luôn nắm phần thua thiệt! Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Người giàu trước mặt Thiên Chúa là sự khiêm nhường thẳm sâu. Kẻ nghèo chính là người kiêu ngạo.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sống đạo thực tâm. Luôn có một cái tâm sáng, để những việc làm của mình được trong sạch. Cần có một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời sống trong tình yêu đó nơi những mối tương quan thì tốt hơn là những hình thức phô trương bên ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng tình yêu chân thành. Xin cho chúng con biết sống đạo với tâm hồn đơn sơ, tin tưởng, phó thác và yêu mến thay cho những sự giả tạo, man trá bề ngoài. Amen.