Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC
(Mt 5, 1-12)
Xem lại CN 4 TN A, CN 6 TN C,
Thứ Sáu tuần 23 TN, lễ Các Thánh 1/11.
Là con người, từ cổ chí kim, từ Đông chí Tây, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, ai ai cũng đều mong muốn mình được hạnh phúc hoặc sờ chạm thấy hạnh phúc dù chỉ một chút. Thánh Tôma Aquinô cũng đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc”. Chính vì thế, nhiều người chấp nhận đánh đổi rất nhiều để cầu mong được hạnh phúc. Ngày nay, cũng đã có nhiều người tìm ra cho mình những kỹ năng để nâng niu và nắm giữ được hạnh phúc lâu dài.
Tuy nhiên, điều họ mong muốn và tìm kiếm đó có đúng không hay chỉ là một sự mơ tưởng hoặc bị hiểu sai về hạnh phúc? Vậy, hạnh phúc đích thực là gì và ở đâu?
Hôm nay Đức Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là: tinh thần nghèo khó; hiền lành; chịu đau buồn vì Chúa; khao khát điều công chính và sẵn sàng chấp nhận bị bách hại vì điều công chính đó; hãy thương xót người; có lòng trong sạch; ăn ở thuận hoà. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng đang mời gọi mỗi người chúng ta đi trên con đường Chân Phúc đó để được cứu độ, hạnh phúc và bình an. Tuy nhiên, con đường đó chẳng mấy ai đi! Bởi vì nó là con đường “hẹp”, con đường của từ bỏ, của chông gai. Nhưng để đạt được niềm hạnh phúc thực sự, chúng ta không còn con đường nào khác là đi trên chính con đường mà Đức Giêsu đã đi, bởi lẽ đường rộng và lối thênh thang sẽ dẫn đến đau khổ, bất hạnh và diệt vong.
Lạy Chúa Giêsu, đã biết bao lần chúng con khước từ con đường Chúa vạch ra cho chúng con để được hạnh phúc. Ngược lại, chúng con lại lựa chọn con đường dễ dãi, thênh thang hầu thỏa mã tính xác thịt nơi mình, mà bán rẻ lương tâm, nhân phẩm của chúng con để rồi mất đi hạnh phúc thật.
Xin cho chúng con biết tìm về nguồn cội của hạnh phúc là chính Chúa, biết đi trên con đường “các mối phúc” để dẫn tới hạnh phúc đích thực. Amen.
THỨ BA
MUỐI PHẢI LÀ MUỐI
(Mt 5, 13-16)
Xem lại CN 5 TN A.
Khi nói đến muối, người ta nghĩ ngay đến vai trò quan trọng của chúng trên sức khỏe của con người, bởi vì: muối có thể làm dung hòa, điều chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng). Các hoạt động của cơ thể sẽ bị xáo trộn nếu thiếu muối, triệu chứng rối loạn điện giải, co bắp thịt, đau cơ, uể oải, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, phù thũng… là do thiếu muối. Muối còn có tác dụng xát trùng cao, bảo quản thức ăn cho khỏi hư thối… Tục ngữ ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn”.
Hôm nay, Đức Giêsu phán cùng các môn đệ: “Chính anh em là muối cho đời”. Nhưng liền sau đó, như một sự cảnh báo trước: “Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó?”.
Thật vậy, đời môn đệ chỉ có giá trị khi trong mình có vị mặn của tình yêu Giêsu, để làm toát lên hương vị của khiên nhường, yêu thương, tự hủy, vâng phục, xóa mình ra không để sống và sống cho người khác. Nếu không có vị mặn này, phải chăng đời môn đệ của chúng ta trở nên nhạt nhẽo, bèo bọt và vô tác dụng. Khi ấy, sự hiện diện của chúng ta trở nên dị hợm… thay vì ướp cho đời thì lại làm cho đời trở nên hư thối vì bị lây nhiễm bởi những lề thói xấu xa tục tĩu của chúng ta.
Muốn được như thế, như những hạt muối, chúng phải chịu hòa tan trong nước thì mới có giá trị, người Kitô hữu muốn trở nên chứng nhân, thì cũng phải tan hòa cuộc đời như những hạt muối, chấp nhận từ bỏ cái tôi ích kỷ để trở thành hữu dụng cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vẫn mãi là muối mang vị mặn của Chúa, để chính Chúa ướp chúng con và cũng để chúng con cùng Chúa ướp cho đời khỏi bị hư thối bởi những trào lưu tục hóa trong thế gian này. Amen.
THỨ TƯ
GIỮ LUẬT THEO TINH THẦN CỦA CHÚA
(Mt 10, 7-13; hoặc Mt 5, 17-19)
Xem lại CN 6 TN A,
Thứ Tư tuần 3 MC
Chuyện cổ Đông phương kể rằng: ngày xưa, có một vị đạo sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ kim loại quý hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh: nó kỳ diệu ở chỗ nếu người đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở nên đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có một chiếc nhẫn thần là Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chiếc nhẫn thần đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc hay đau khổ là do thái độ của chúng ta với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc?
Hôm nay, khi thấy Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabát, giới lãnh đạo Dothái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Đức Giêsu bất chấp Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Đức Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Pharisêu: “Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các ngôn sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề Luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người trong sự vô nhân đạo.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con tuân giữ Lề Luật của Chúa trong sự ép buộc, nhưng là trong lòng mến, để qua đó, nhờ Lề Luật mà làm cho chúng con được gần Chúa và anh chị em chúng con hơn. Amen.
THỨ NĂM
HÃY TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH HƠN
(Mt 5, 20-26)
Xem lại thứ Sáu tuần 1 MC
Cuốn sách: “Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công Giáo tại Việt Nam”, ở phần dẫn nhập, tác giả kể một câu chuyện đại khái thế này: có một người giàu có, cuộc sống sung túc, và ông ta có rất nhiều vợ. Mỗi người đều có cơ ngơi riêng. Khi gần qua đời, ông ta tin vào Chúa, theo đạo Công Giáo và được Rửa tội…
Khi nghe câu chuyện ấy, một người Công Giáo đã thốt lên ngay: “Ông này hên thật, được cả đời này lẫn đời sau!”
Điều ấy cho thấy khá rõ hiện trạng đời sống đức tin của người Kitô hữu Việt Nam: đạo không phải là một hồng phúc, nhưng là một sự may rủi, đôi khi trở thành gánh nặng!
Hôm nay, Đức Giêsu muốn giúp cho các môn đệ đi một bước xa hơn trong việc giữ Luật. Ngài nói: “Nếu các con không công chính hơn các Luật Sĩ và Kinh Sư, các con sẽ chẳng thể vào được Nước Trời” (Mt 5,20).
Nước Trời không thể có cho những người “bắc nước trực gạo người” hay “há miệng chờ sung rụng”. Nước Trời cũng không dành cho những người vụ Luật và chỉ biết sống cho chính mình mà không cần quan tâm đến anh chị em đồng loại.
Vậy, để như điều kiện cần cho được vào Nước Trời, đó chính là phải sống thật tâm, sống hết mình với Chúa và với nhau. Tức là tất cả phải được xây dựng trên tình yêu. Nếu có tình yêu, thì đâu còn chuyện giết hại lẫn nhau; đâu còn mắng chửi nhau là ngu là ngốc; và làm sao đến dâng lễ vật mà trong lòng còn căm ghét anh chị em mình… Hãy sống với giây phút hiện tại và thánh hóa chúng, vì đối với Thiên Chúa, Người không tính thời gian hay công việc, mà Người nhìn tận sâu thẳm của tâm hồn con người nơi công việc hay suy nghĩ của họ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã chỉ ra cho chúng con con đường để được cứu độ, đó là con đường yêu thương. Xin cho chúng con biết đi trên con đường đó cho đến hết đời. Amen.
THỨ SÁU
HÃY SỐNG TRONG SẠCH TỪ TƯ TƯỞNG
(Mt 5, 27-32)
Trên các trang mạng xã hội gần đây có đăng tải câu chuyện của một quan tham, ông ta là Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ông này có ý đồ dâm đãng với nhiều phụ nữ. Ông ta trở thành điển hình cho thói ăn chơi sa đọa và bệnh hoạn. Giấc mơ mà ông này đeo đuổi chính là được “qua đêm” với 1.500 người phụ nữ. Kết cục ông đã bị bắt (xc. http://www.tienphong.vn/the-gioi/quan-tham-trung-quoc-dat-muc-tieu-ngu-voi-1500-nguoi-phu-nu-711861.tpo).
Hôm nay Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học về sự thanh bạch, khiết tịnh từ bên trong, Ngài nói: “Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi”. Sau đó, Ngài đã nói lên tính cẩn trọng, dứt khoát với tội để có sự toàn vẹn trong cuộc sống mai hậu: “Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục”.
Trong đời sống thực tế, có nhiều người bên ngoài tỏ ra rất đạo đức, thánh thiện, nhưng bên trong luôn đi tìm muốn sự bất khiết.
Lời Chúa hôm nay nhắc cho mỗi chúng ta hãy tránh xa những dịp tội, nhất là tội dâm dục, để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc trên Thiên Quốc mai sau.
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con và ban cho có tự do, đồng thời Chúa cho phép chúng con sử dụng sự tự do đó để làm điều thiện hay xấu. Xin Chúa ban ơn trợ lực, để chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban mà làm việc tốt, hầu sinh ích cho phần hồn chúng con. Amen.
THỨ BẨY
KHÔNG ĐƯỢC THỀ!
(Mt 5, 33-37)
Có những lần chúng ta đã nghe thấy những câu thề thốt đáng sợ như: “Tôi thề có đất trời chứng dám, sự việc xảy ra đúng như vậy, nếu không thì cho tôi bị chết bất đắc kỳ tử”. Như vậy, theo quan niệm của con người, lời thề thông thường là nối liền với sự tự rủa bản thân mình để chứng thực điều quả quyết. Khi đã thề, đòi buộc người thề không được bội ước.
Tuy nhiên, hôm nay, Đức Giêsu lại dạy các môn đệ rằng: “Đừng thề chi cả […]. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Thực ra, thề có độc địa đến đâu, thì lời thề đó cũng khó có thể thành hiện thực. Như một lời nhắc nhở, Đức Giêsu cho biết, những lời thề đó là những điều phạm thánh, nếu cố tình vi phạm, không ăn năn hối cải sẽ bị Chúa phán xét nặng trong ngày diện kiến với Chúa.
Trên thực tế, con người ta có nhiều điều bất hảo. Thử hỏi có ai làm cho tóc hóa đen, hay kéo dài tuổi thọ của mình trên trần gian? Nếu điều đó cũng không làm được, thì nói chi đến những chuyện động địa như trong lời thề!
Hôm nay, Lời Chúa dạy cho chúng ta bài học về sự chân thật. “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Chúng ta không được phép thêm bớt để rồi làm cho người khác bất hạnh. Hãy sống thật với lòng mình thì sẽ được Chúa chúc phúc. Đừng sống kiểu: “Khẩu Phật, tâm xà”; hay: “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý đến với mỗi người chúng con, để chúng con biết sống ngay thẳng, công tâm, hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.