SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN, KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ, CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM B (11/2/2024) BÀN TAY QUYỀN NĂNG VÀ CHỮA LÀNH [Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 1, 10,31-11,1; Mc 1, 40-45]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Tuy ngày Mồng Hai Tết Giáp Thìn là ngày Tết Lớn của Việt Nam nhưng vì rơi vào ngày Chúa Nhật VI Thường Niên Năm B nên Phụng vụ Lời Chúa của ngày hôm nay là Lời Chúa của ngày Chúa Nhật VI TN/B.
Ý nghĩa của Ngày Mồng Hai Tết là kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ có nghĩa là mọi tín hũu Việt Nam được mời thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành là những người đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta và giáo dục chúng ta nên người và nên người Kitô hữu. Chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn đối với tất cả các đấng bậc ấy và dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ đầu năm và lời cầu xin cho các vị ấy được hưởng phúc Thiên Đàng.
Còn ý nghĩa của ngày Chúa Nhật VI Thường Niên Năm B được diễn tả trong các bài Thánh Kinh của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Ý nghĩa đó là tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với loài người khổ đau bệnh tật và vì yêu thương loài người mà Chúa Giêsu Kitô đã giơ bàn tay quyền năng trên người bị bệnh phong cùi khiến người ấy được chữa lành!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Lv 13,1-2.45-46): “Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại” Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.
“Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 10,31-11,1): “Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô” Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do-thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Đức Kitô.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,40-45): “Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch” Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa.
1o) Trong đoạn sách Lv 13,1-2.44-46 là những quy định mà Thiên Chúa truyền cho ông Môsê để ông phổ biến cho dân chúng tuân giữ: Người mắc bệnh phong bị coi là ô uế nên phải ở riêng một nơi, tách xa khỏi cộng đồng. Đi đâu người ấy cũng phải hô lớn tiếng (là mình ô uế) để mọi người tránh xa. Thật chẳng có gì đau đớn và tủi nhục cho bằng! Nếu người mắc bệnh phong được khỏi bệnh, thì người ấy phải tìm đến trình diện với tư tế để được vị này nhìn nhận là sạch bệnh và cho phép tái nhập vào cộng đồng. Hiển nhiên là trước mặt Thiên Chúa thì người bệnh phong chẳng ô uế hơn người khác và chẳng ô uế chỉ vì mắc bệnh phong là thứ bệnh vế thể lý. Điều làm cho con người thành ô uế trước mặt Thiên Chúa là tội lỗi chứ không phải là bệnh này bệnh nọ. Chúng ta có thể hiểu mệnh lệnh của Thiên Chúa ở đây có ý nghĩa “ngừa bệnh” cho cộng đồng và ám chỉ những người ô uế thực sự (là tội nhân) cần phải tách ra khỏi cộng đồng.
2o) Trong đoạn thư 1 Cr 10,31 – 11,1 Thánh Phaolô không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa, nhưng qua các lời khuyên của ngài, chúng ta hình dung ra được Thiên Chúa là Đấng nào, có vị trí ra sao trong cuộc sống của Phaolô và các tín hữu.
Trước hết Thiên Chúa của Phaolô là Đấng đáng được tôn vinh bằng/qua mọi việc làm của người tín hữu. Kế đến Thiên Chúa của Phaolô là Đấng làm cho mọi người có giá trị và đáng được người khác trân trọng và phục vụ. Sau cùng Thiên Chúa của Phaolô là mẫu mực mà Phaolô và mọi tín hữu (phải) noi gương bắt chước.
Nếu nối kết bài Thánh Thư này với bài Phúc Âm thì chúng ta có thể nói một cách cụ thể là Thánh Phaolô đã noi gương bắt chước Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết mọi người. Thánh Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu Con-Một-Thiên-Chúa-xuống-thế-làm-người là Đấng chạnh lòng thương người mắc bệnh phong khốn khổ. Người không chỉ chạnh lòng thương mà Người còn ra tay cứu vớt, còn đụng tay tới người phong mà không sợ bị lây cái ô uế. Thánh Phaolô đã bắt chước Chúa Giêsu là Đấng không tìm lợi ích hay vinh danh riêng cho mình mà chỉ tìm lợi ích hay vinh danh cho con người, nhất là cho những người bị khinh chê hay bị quên lãng trong xã hội. Vậy thì các tín hữu – trong đó có chúng ta – cũng hãy noi gương bắt chước Phaolô mà trở nên giống Thiên Chúa, giống Chúa Giêsu Kitô!
3o) Thiên Chúa mà Thánh Máccô muốn giới thiệu với chúng ta trong đoạn Mc 1,40-45 là Chúa Giêsu Nadarét với quyền năng đặc biệt là chữa lành bệnh tật của con người, kể cả những bệnh nan y (theo trình độ y tế thời bấy giờ) như bệnh phong. Chúa Giêsu chỉ cần muốn người bệnh được lành là người ấy được khỏi. Nhưng Chúa Giêsu đã có một cử chỉ hết sức dễ thương là đụng tay đến người bệnh phong. Cử chỉ này chẳng ai dám làm vì ai nấy đều sợ hãi, kinh tởm và tránh xa người bệnh.
Nhưng không chỉ có thế. Thánh Máccô muốn cho chúng ta nhìn sâu vào tâm hồn của Đức Giêsu để thấy tấm lòng của Người nhạy bén và rung cảm trước nỗi khổ của người bệnh như thế nào. Người bệnh phong vừa khổ vừa nhục cầu cứu Chúa đã khiến Chúa chạnh lòng thương và chạm tay vào anh để chữa lành anh.
Hơn nữa chúng ta còn thấy Chúa Giêsu là người tuân giữ những quy định của lể luật Môsê khi bảo người bệnh phong trình diện tư tế…. để được nhìn nhận là đã được khỏi bệnh (sạch) và được tái nhập vào cộng đồng con cái nhà Israel.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa.
Sứ điệp của Lời Chúa dành cho chúng ta hôm nay gồm 2 ý:
* Ý thứ nhất là dù yếu đuối, u mê, tội lỗi chúng ta hãy để cho bàn tay chữa lành của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Kitô đụng đến chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ, thông sáng và thanh sạch.
* Ý thứ hai là chúng ta hãy học cùng Thánh Phaolô mà noi gương bắt chước Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô mà yêu thương và cứu chữa những người đang đau khổ về tinh thần cũng như về thể xác ở chung quanh, trong cộng đồng chúng ta.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và giầu lòng xót thương; ngài đã chạm tay vào những con người bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ để chữa lành họ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa Chúa nhật VI Thường Niên Năm B này, chúng ta cần tiến hành những bước như sau:
– Trước hết, trước mặt Chúa và trước lương tâm mình, chúng ta tự hỏi:
* Trong tâm hồn và cuộc sống của riêng tôi, còn có những ngõ ngách nào tăm tối, nhớp nhơ cần được bàn tay chữa lành của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu Kitô đụng vào để tôi được hoàn toàn lành mạnh?
* Chung quanh tôi, bên cạnh tôi hiện nay, ai là người đáng được tôi yêu thương, chăm sóc chữa lành? Phải chăng đó là những bệnh nhân HIV-AIDS? Là những phụ nữ lỡ đường lạc lối? Là các cô gái mang thai mà không muốn giữ con? Là các cháu sơ sinh bị cha mẹ từ chối? Là các ông bà già không ai chăm sóc yêu thương? Là những anh chị em từ các tỉnh và nông thôn chạy về thành phố để lao động kiếm sống? Là chính người nào đó trong gia đình tôi?
* Trong giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ của tôi hiện nay có những công việc nào mà tôi coi thường và trốn tránh không muốn đụng tay vào, trong khi đáng lẽ ra tôi phải vén tay áo và nhúng tay đảm nhận những công việc ấy cho giáo phận, giáo xứ, cộng đồng, hội đoàn tông đồ lành mạnh và phát triển hơn nữa?
– Sau khi xác định được ngõ ngách nào còn tăm tối, nhớp nhơ trong tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đụng tay chữa lành chúng ta! Sau khi đã xác định được đối tượng cần được chăm sóc và công việc cần được làm rồi, chúng ta hãy hành động như Chúa Giêsu Kitô của chúng ta!

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch» Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Trí Toàn Năng; Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng chạnh lòng thương những con người khốn khổ, xin Chúa hãy dơ tay chạm đến những thân xác và tâm hồn tan nát vì đau khổ, bất công và tủi nhục để chữa lành họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Đức Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con xin Cha ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ nam nữ, một tấm lòng yêu thương con người, để các ngài dấn thân cứu giúp và chữa lành những người bệnh hoạn, tật nguyền và đau khổ xác hồn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thưa anh em, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con xin dâng lời cầu xin Cha ban ơn trợ giúp mọi giáo hữu thuộc cộng đoàn giáo xứ chúng con, nhất là những người tham dự Thánh Lễ này, để họ biết làm vinh danh Cha trong mọi công việc lớn nhỏ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Chúa Kitô» Lạy Thiên Chúa là Cha của Chúa Giêsu Kitô và là Cha của chúng con, chúng con cầu xin Cha cho tất cả các Kitô hữu dấn thân trên cánh đồng truyền giáo, để ai nấy biết noi gương bắt chước Chúa Giêsu Kitô như Thánh Phaolô Tông Đồ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

2 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.