I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nói theo lô-gic bình thường thì Đức Giê-su Na-da-rét phải phục sinh, vì Thiên Chúa (Cha) làm cho Người trổi dậy từ cõi chết là cách tưởng thưởng xứng hợp nhất đối với sự vâng phục vẹn toàn mà Người đã thể hiện với Chúa Cha. Mặt khác nếu như Đức Ki-tô không sống lại từ cõi chết thì tất cả công trình Người xây dựng và rao giảng trở thành công cốc hết thẩy! Nhưng lô-gíc không phải là cơ sở của Niềm Tin Phục Sinh của Ki-tô giáo. Chúng ta tin Chúa Giê-su Ki-tô đã phục sinh là dựa vào lòng tin và lời chứng của Phê-rô, Gio-an và các Tông Đồ là những người đã được diễm phúc sống cùng Người trong một thời gian dài và đã gặp lại Người sau khi Người phục sinh từ cõi chết!
Niềm Tin Phục Sinh vừa là trung tâm điểm vừa là cao điểm của Niềm Tin Ki-tô giáo vì tất cả đời sống Ki-tô giáo được xây dựng trên và xoay quanh Niềm Tin ấy.
Chưa bao giờ chúng ta sống Tuần Thánh và đón chờ Lễ Phục Sinh trong bối cảnh đặc thù như năm nay, chúng ta hãy tha thiết van xin Thiên Chúa tăng thêm Niềm Tin Phục Sinh cho chúng ta. Và chúng ta hãy quyết tâm làm chứng và rao giảng Niềm Tin ấy một cách quyết liệt, bằng những việc làm cụ thể và giầu sức thuyết phục.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Cv 10, 34a.37-43): “Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 3, 1-4): “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự” Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Ga 20,1-9): “Người phải sống lại từ cõi chết” Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Chúa là Ai?)
Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá ra Thiên Chúa trong dung mạo của Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng mà Thánh Phê-rô đã mạnh dạn rao giảng và làm chứng về sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa nơi Người. Chính Thánh Phê-rô và Gio-an đã có mặt trong những phút giây lịch sử của Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su và đã tận mắt thấy ngôi mộ trống và những băng vải đã được dùng để khâm liệm Người trước khi chôn cất. Chính Thánh Phê-rô, Gio-an và các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh hiện ra, ăn uống với các ngài và dậy dỗ các ngài làm chứng và rao giảng cho mọi người biết và tin là Người đã thật sự phục sinh!
3.2 Sứ điệp hay Giáo huấn của Lời Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa gồm hai phần:
– Một là chúng ta tin vào lời chứng của các Thánh Phê-rô và Gio-an và các Tông đồ mà xác tín rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng đã được Thiên Chúa quyền năng làm cho trỗi dậy từ cõi chết và đặt làm thẩm phán muôn dân, muôn nước!
– Hai là chúng ta hãy noi gương các Thánh Phê-rô và Gio-an và các Tông Đồ mà làm chứng và rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh. Làm chứng và rao giảng bằng lời nói, chữ viết và việc làm.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa
– Là sống với Thiên Chúa Cha là Đấng đã làm cho Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh từ cõi chết và đã siêu tôn Người.
– Là sống với Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh và được Chúa Cha đặt làm thẩm phán xét xử kẻ sống và kẻ chết.
– Là sống với Thần Khí của Thiên Chúa là Sức Mạnh và Quyến Năng thần linh mà Chúa Cha đã dùng để phục sinh Đức Giê-su Na-da-rét.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay Giáo Huấn của Chúa,
– là xác tín vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, tức là tin Chúa Giê-su Ki-tô đã sống lại và cứu chuộc nhân loại.
– là làm chứng và rao truyền Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô, bằng lời nói, chữ viết và việc làm, nhất là bằng cách sống theo lời khuyên của Thánh Phao-lô là hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới và tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Đức Giê-su đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trong thế giới hôm nay, nhất là cho các nước đang bị dịch cúm coronavirus tàn phá và giết hại con người, để các dân tộc ấy nhận được ơn chữa lành của Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.” Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ là những người đã được Thiên Chúa sai đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu thuộc giáo xứ/cộng đoàn/cộng đồng chúng ta, để ai nấy phấn đấu vươn lên trong đời sống tâm linh của mình.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 “Chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết.” Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người không vô thần để những người ấy nhận ra Thiên Chúa đã giao quyền xét xử mọi người cho Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh, để họ hoán cải và được ơn tha thứ của Thiên Chúa!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 07 tháng 04 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.