I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Năm Phụng Vụ tức chu kỳ Phụng Tự một năm của Hội Thánh Công Giáo bao giờ cũng kết thúc với Lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ. Sắp đặt như thế, Hội Thánh muốn các tín hữu hiểu rằng điều cốt yếu nhất của đời sống Đức Tin là nhìn nhận Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Vua Vũ Trụ vạn vật và loài người và quy phục Người.
Tuyên xưng và tôn vinh một Đấng “bị đóng đinh thập giá” là Vua, là Chúa của mình và của muôn loài muôn vật quả là một điều lớn lao vượt sức tưởng tượng của con người. Nhưng đó lại là mạc khải tỏ tường của Thánh Kinh.
Vì thế các bài Sách Thánh hôm nay phải được các Ki-tô hữu đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ thật sâu thật kỹ, để hiểu rõ ý nghĩa, sứ điệp mà nhìn nhận và suy phục Vương Quyền của Chúa Giê-su Ki-tô.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (2 Sm 5,1-3): “Họ xức dầu phong Đa-vít làm vua Is-ra-el” Trong những ngày ấy, toàn thể chi tộc Is-ra-el đến cùng Đa-vít tại He-bron mà nói rằng: “Đây chúng tôi là cốt nhục của ngài. Nhưng từ trước đến giờ, khi Sao-lê đang làm vua chúng tôi, thì chính ngài đã dẫn dắt Is-ra-el. Và Chúa đã nói với ngài rằng: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Is-ra-el dân Ta, và sẽ trở nên thủ lãnh Is-ra-el'”.
Vậy tất cả các vị kỳ lão Is-ra-el đều đến tìm nhà vua tại He-bron, và tại đó, vua Đa-vít ký kết với họ một giao ước trước mặt Chúa. Họ liền xức dầu phong Đa-vít làm vua Is-ra-el.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Cl 1,12-20): “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người” Anh em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa Cha, Đấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Chúa, trong Người chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Người, và được ơn tha tôi.
Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật; vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người.
Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 23,35-43): “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi” Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giê-su mà rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Ki-tô, người Thiên Chúa tuyển chọn”. Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi”. Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái I.N.R.I nghĩa là: “GIÊ-SU NA-DA-RÉT VUA DÂN DO THÁI”.
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: “Nếu ông là Đấng Ki-tô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”. Đối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa Chúa Giê-su rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giê-su đáp: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh
3.1.1 Bài đọc 1 (2 Sm 5,1-3) nói về việc vua Đa-vít lập giao ước với đại diện các chi tộc Ít-ra-en, để họ được ông cai trị và dẫn dắt theo đường lối của Thiên Chúa.
Trong đoạn Sách 2 Sm 5,1-3 chúng ta thấy Thiên Chúa đã dùng vua Đa-vít để cai trị và lãnh đạo dân Ít-ra-en là dân riêng của Thiên Chúa, cho hợp với Thánh Ý của Thiên Chúa. Vua Đa-vít là hình ảnh của Chúa Giê-su Ki-tô mà Thiên Chúa sẽ đặt làm người hướng dẫn và lãnh đạo Ít-ra-en mới là Hội Thánh Công Giáo toàn cầu trên con đường phụng thờ Thiên Chúa.
3.1.2 Bài đọc 2 (Cl 1,12-20) là những lời Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Cô-lô-xê để giảng giải cho họ hiểu những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa Cha đã ban cho họ trong/qua Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. Thánh Phao-lô cũng dậy cho họ biết Con Thiên Chúa là Đấng nào, có quyền uy gì và đóng vai trò nào trong công cuộc Tạo Dựng và Cứu Chuộc nhân trần.
Nhờ đoạn của thư Thánh Phao-lô gửi các tín hữu Cô-lô-xê (Cl 1,12-20) chúng ta nhận ra chân dung, bản tính và sứ mạng của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu nạn chịu chết để cứu chuộc nhân loại và dẫn đưa mọi người về với Chúa Cha.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 23,35-43) là bài tường thuật về những giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá. Chúa Giê-su chẳng những bị người Do-thái đóng đinh treo trên Cây Gỗ như một tên tội phạm, mà Người còn bị họ chế diễu, nhạo báng, khiến phải nhuốc nha xấu hổ trước mặt bàn dân thiên hạ. Những sự việc ấy thật mâu thuẫn với chức danh mà họ phong cho Người: “Đây là vua người Do-thái.”
Trong đoạn Phúc âm Lc 23,35-43 chúng ta khám ra Chúa Giê-su chính là Vua, chẳng những của người Do-thái mà của cả nhân loại. Người làm vua không theo cách vua chúa trần gian, mà theo cách riêng của Đấng Mê-si-a đau khổ, của Người Tôi Trung của Gia-vê. Sự nhìn nhận và lời cầu xin của một trong hai tên gian phi (tức người trộm lành) tượng trưng cho sự nhìn nhận và lời cầu xin của cả nhân loại tội lỗi và gian ác, dâng lên “Đấng bị treo trên Cây Gỗ“ để được Người cho vào Vương Quốc của Người cũng là Vương Quốc của Chúa Cha.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chính là lời cầu xin của một trong hai tên gian phi cùng bị treo trên cây gỗ với Đức Giê-su Na-da-rét:
“Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! “
Cầu xin như người trộm lành là chúng ta nhìn nhận “Đấng bị treo trên Cây Gỗ“ chính là Vua của tâm hồn mình và của cả vũ trụ. Người thiết lập Vương Quốc bằng chính cái chết hiến tế và máu cực thánh của Người trên Thập Gíá!
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng cai trị muôn dân, muôn nước bằng tình thương và công lý; là Chúa Giê-su chết treo trên thập giá để đền tội thế nhân và mở cửa Thiên Đàng cho tất cả những ai tin và chạy đến với Người như người trộm lành trong Phúc Âm.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay
– Là chúng ta nhìn nhận Vương Quyền Tối Cao cùa Chúa Giê-su Ki-tô trên toàn thể vũ trụ vạn vật và loài người.
– Cũng là làm cho Vương Quốc của Chúa mỗi ngày một mở rộng trong các tâm hồn và trong các cơ cấu xã hội, quốc gia và quốc tế.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.» Cùng với các Thánh và các Đẳng, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người trên thế gian này được ơn nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Vua vũ trụ vạn vật và loài người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh.» Cùng với các Thánh và các Đẳng, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa luôn biết cách thể hiện là chi thể của Hội Thánh trong đó Chúa Ki-tô là đầu và mọi người là chi thể của nhau.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!» Cùng với các Thánh và các Đẳng, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người được Chúa Ki-tô đón vào Nước hằng sống của Người khi lìa đời.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.» Cùng với các Thánh và các Đẳng, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những anh chị em Ki-tô hữu đang bị bách hại, tù đầy, tra tấn… vì Công Lý và Tin Mừng, để họ được ơn bình an và cứu độ của Đấng đã chết treo trên thập giá.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 18/11/2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.