I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu chúng ta đọc bài Phúc âm Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B (Mc 10,46-52) một cách hời hợt thì chúng ta chỉ thấy đó là câu chuyện chữa lành, vì trọng tâm của câu chuyện là anh chàng mù Báctimê ở Giêrikhô đã được Chúa Giêsu làm cho sáng mắt. Nhưng nếu chúng ta đọc bài Phúc âm Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B hôm nay một cách kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thấy đó không chỉ là câu chuyện chữa lành mà còn là câu chuyện của ơn gọi nữa.
Cách hiểu và chú giải mới này rất phù hợp với mạch văn của Phúc Âm Máccô, vì tác giả Tin Mừng thứ hai đặt song song câu chuyện này với tường thuật Chúa Giêsu và các Tông Đồ đang trên đường lên Giêrusalem trong hành trình ấy hai Tông Đồ Giacobê và Gioan xin Chúa Giêsu dành hai chỗ cao nhất (bên hữu và bên tả) trong vinh quang của Chúa.
Chúng ta hãy tha thiết nài xin Chúa Giêsu Kitô: “Xin cho con nhìn thấy” như anh chàng Báctimê, để chúng ta được thấy (tức nhận ra) Chúa Giêsu là Ai và để chúng ta bước theo Người trên con đường Người đi lên Giêrusalem đê chịu chết hầu cứu chuộc muôn người.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gr 31,7-9): Ta sẽ lấy lòng từ bi đẫn dắt kẻ đui mù và què quặt
Đây Chúa phán: Hỡi Giacóp, hãy hân hoan vui mừng! Hãy hò hét vào đầu các Dân ngoại, hãy cất tiếng vang lên, ca hát rằng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu dân Chúa là những kẻ sống sót trong Israel”.
Đây, Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về, sẽ tụ họp chúng lại từ bờ cõi trái đất: trong bọn chúng sẽ có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con đi chung với nhau, hợp thành một cộng đoàn thật đông quy tụ về đây.
Chúng vừa đi vừa khóc, Ta sẽ lấy lòng từ bi và dẫn dắt chúng trở về. Ta sẽ đưa chúng đi trên con đường thẳng, băng qua các suối nước; chúng không phải vấp ngã trên đường đi: vì Ta đã trở nên thân phụ dân Israel, và Ephraim là trưởng tử của Ta.
2.2 Trong bài đọc 2 (Dt 5,1-6): “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.”
Tất cả các vị thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế, cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi như Aaron.
Cũng thế, Đức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê”.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 10,46-52): “Lậy Thầy xin cho tôi được thấy”
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Đavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Được, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 31,7-9) là sấm ngôn của Giêrêmia về những kỳ công mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dân riêng Israel, để minh chứng Chúa là Cha của dân và dân là con của Chúa. Các việc Thiên Chúa làm cho Israel là cho họ hồi hương, là qui tụ họ thành một dân, ủi an khi họ sầu khổ và hướng dẫn họ từng li từng tí trong cuộc hành trình trần gian của họ.
Qua đoạn Sách Thánh này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng yêu thương, chăm sóc dân riêng của Người như thế nào. Dân riêng của Thiên Chúa không chỉ là dân Israel xưa mà là tất cả những ai đã chịu Phép Rửa để làm thành Israel mới là Hội Thánh Công Giáo.
3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 5,4-6) là những lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do thái, nói về vai trò trung gian, cảm thông, chia sẻ của các thượng tế trong đời sống tôn giáo của Israel. Ðứng đầu và vượt trội trên tất cả các thượng tế là Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế siêu phàm được Thiên Chúa đặt làm thượng tế từ muôn đời muôn thưở.
Qua đoạn Sách Thánh này, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng vì yêu thương, dân riêng của Người nên đã ban Con Một Yêu Dấu của Người cho nhân loại để Chúa Giêsu trở thành Đấng Trung Gian, Vị Thượng Tế tế lễ thay cho toàn dân và cảm thông với sự yếu đuối của dân.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 10, 46-52) là tường thuật của Thánh Máccô về câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người mù ở Giêrikhô. Nhiều tình tiết “trái ngược nhau” rất lý thú chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc. Trước hết anh chàng mù Bactimê
* chuyển từ tư thế của người ở bên ngoài và bị gạt ra ngoài lề xã hội (ngồi ăn xin bên vệ đường) đến tư thế của kẻ ở bên trong và của những người đi theo Chúa Giêsu (tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi).
Và
* chuyển từ tư thế của người mù (thể lý) đến tư thế của kẻ sáng (cả thể lý cả tâm linh), khi được chữa lành và nhận ra Chúa Giêsu và đi theo Người.
Có thể nói anh chàng mù Bactimê còn sáng hơn cả hai Tông Đồ Giacôbê và Gioan và mưòi Tông Đồ kia, vì đáp lại câu hỏi của Chúa Giêsu:
“Anh (các anh) muốn tôi làm gì cho anh (các anh)?”
thì hai Tông Đồ Giacôbê và Gioan đã không ngần ngại xin:
“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”
trong khi anh chàng mù lại chỉ xin: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”
Kế đến anh chàng mù Bactimê không chỉ được gọi đến gần Chúa Giêsu mà anh còn được (mời) gọi đi theo Người trên con đường cứu thế của Người: Những từ “GỌI” [“Gọi anh ta lại đây!” – “Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”] theo các nhà chú giải Thánh Kinh, không chỉ là “gọi đến” mà còn là và nhất là “gọi đi theo”.
Vì thế câu truyện chữa lành trở thành câu truyện ƠN GỌI (CALL) làm môn đệ Chúa Giêsu, tức đi theo Chúa Giêsu trên con đường tiến về Giêrusalem, là con đường Thập Giá Cứu Ðộ (đi trên con đường Người đi).
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp mà ba bài Sách Thánh dành cho chúng ta hôm nay là: Thiên Chúa, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành về thể lý mà còn chữa lành về tâm linh, để chúng ta nhận ra Chúa và tiếng GỌI của Người mà đáp lại tiếng GỌI ấy mà đi theo Người trên con đường cứu nhân độ thế.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Thiên Chúa cảm thông, quan tâm, chăm sóc, chữa lành và mời gọi những ai muốn được Người khai sáng về mặt tâm linh, – như anh chàng mù Báctimê trong Phúc âm Máccô – để trở thành môn đệ của Con Chúa là Chúa Giêsu Kitô. Bằng tâm tình cảm tạ, biết ơn, tin cậy, phó thác. Bằng cách đáp lại lời mời gọi của Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Ðể thực hiện sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm xem tình trạng tâm linh của chúng ta hiện ra sao?
– Nếu chúng ta không còn khả năng nghe tiếng Chúa gọi và bước theo chân Người thì chúng ta phải chạy đến với Chúa để xin Chúa chữa lành tâm hồn chúng ta.
– Nếu chúng ta còn khả năng nghe tiếng Chúa gọi thì hãy nhạy bén trước tiếng gọi của Chúa và mau mắn đáp lại tiếng gọi ấy mà gia nhập hàng ngũ những kẻ đi theo Chúa Giêsu, dù có phải theo chân Người đi vào con đường Thập Giá.
V. CẦU NGUYỆN CHO CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Đối với Israel, Ta là một người Cha, còn đối với Ta, Épraim chính là con trưởng.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả mọi người trong thế giới ngày nay, nhất là cho những người phải đau khổ buồn phiền vì cuộc sống khó khăn để họ cảm nghiệm được Thiên Chúa là Cha yêu thương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các Linh Mục và Phó Tế để các vị ấy luôn sống khiêm tốn và có tâm tình cảm tạ đối với Thiên Chúa là Đấng đã gọi và chọn các ngài làm tư tế của Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc Giáo xứ chúng ta để mọi người đón nhận lời Chúa Giêsu Kitô mời họ làm môn đệ Người mà can đảm đáp lại.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho chính chúng ta và cho những người còn sống trong u mê tăm tối về mặt tâm linh để những người ấy và chúng ta được ơn khai sáng mà nhận ra Chúa Giêsu Kitô mà bước theo chân Người như anh chàng mù Bactimê trong Phúc Âm.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 23 tháng 10 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.