I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Làm môn đệ Thầy Giê-su có nghĩa là đi theo Người, là đi con đường chính Thầy đã đi. Con đường Thày Giê-su đã đi là con đường tự hạ và phục vụ tha nhân như kẻ tôi tớ.
Đi con đường ấy chẳng dễ chút nào, vì mỗi con người chúng ta đều có xu hướng muốn đưa mình lên, muốn là người được phục vụ chứ không muốn là kẻ phục vụ. Và vì thế gian ma quỷ luôn tìm cách lôi kéo và rình rập gài bẫy chúng ta.
Vì thế mà hành trình theo Thầy Giê-su là một cuộc chiến nội tâm quyết liệt giữa được và mất, giữa sống và chết.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Kn 2,12.17-20): “Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã” (Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”
2.2 Trong bài đọc 2 (Gc 3,16 – 4,3): “Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình” Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 9,30-37): “Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết” Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 2,12.17-20) là những lời của sách Khôn Ngoan, về âm mưu thâm độc mà phường vô đạo sẽ thực hiện để thử thách và ám hại người công chính. Qua đó chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng phù trợ, bênh đỡ và cứu giúp con cái Người khỏi tay phường vô đạo.
3.1.2 Bài đọc 2 (Gc 3,16 – 4,3) là những nhận xét và phân tích chí lý của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ về con người và xã hội: một bên là thế giới của người công chính với những hoa thơm trái ngọt của Đức Khôn Ngoan; còn bên kia là thế giới đối nghịch, thế giới của ghen tương và tranh chấp giữa con người với con người. Thánh Gia-cô-bê rất chính xác khi chỉ ra nguyên nhân của chiến tranh, xung đột giữa người với người, giữa các nhóm người và các dân tộc với nhau: Dục vọng và khoái lạc là nguồn gốc sinh ra mọi rắc rối và hỗn loạn trong nội tâm cũng như trong tương quan xã hội. Trong bài đọc 2 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Công Chính, Khôn Ngoan và là Vua Hòa Bình.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 9,30-37) là tường thuật tiếp theo của Thánh Mác-cô về những khó khăn mà các môn đệ của Chúa Giê-su gặp phải sau khi Người loan báo về Cuộc Thương Khó. “Các ông không hiểu nhưng sợ không dám hỏi lại Chúa.”
Vì không hiểu mà lại không dám hỏi, nên trên đoạn đường tiến về Ca-phác-na-um các ông tranh cãi với nhau khá quyết liệt xem ai là người lớn nhất. Suy nghĩ của các ông khác xa với quan điểm của Chúa Giê-su: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người.”
Trong Bài Tin Mừng này Chúa Giê-su muốn mạc khải cho chúng ta biết/thấy Thiên Chúa là Đấng hạ mình như thế nào để gần gũi và phục vụ con người.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: Những ai muốn
– sống như người công chính (bài đọc 1),
– sống theo Đức Khôn Ngoan (bài đọc 2),
– sống theo Chúa Giê-su (bài Tin Mừng) thì phải biết
(a) vượt thắng cám dỗ và thử thách của ma quỷ, thế gian,
(b) dẹp bỏ dục vọng và ham muốn khoái lạc,
(c) và chấp nhận sống tự hạ và bỏ mình để trở thành kẻ tôi tớ phục vụ mọi người theo gương Chúa Giê-su Ki-tô.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là dành những giây phút thinh lặng chiêm ngắm Thiên Chúa, phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời Người đã hứa với con cái loài người. Sống với Thiên Chúa là nhìn vào cách sống của Chúa Giê-su Ki-tô mà noi gương bắt chước.
4.2 Thực thi Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là làm những việc sau đây:
* Trước hết là phải cảnh giác và tỉnh thức trước những dụ dỗ, thử thách đến từ bên ngoài là thế gian và ma quỷ. Chúng tinh khôn, xảo quyệt, nhiều mưu mô lôi kéo chúng ta sống theo chúng.
* Kế tiếp là phải đề phòng với chính bản thân mình, cụ thể là với dục vọng và ham muốn khoái lạc là gốc rễ của ghen tương, tranh chấp và mọi điều xấu xa khác.
* Sau cùng là hãy nhìn vào các Tông Đồ để thấy việc đi theo Chúa Giê-su khó khăn vất vả như thế nào! Nên chúng ta phải không ngừng khẩn cầu, xin Chúa Giê-su ban ơn phù giúp để chúng ta hiểu và dũng cảm sống khiêm nhường, từ bỏ, chấp nhận làm tôi tớ phục vụ mọi người theo gương Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Chúa chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian này biết quý trọng và sống theo sự chỉ dậy của đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, để mọi người trở nên thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, từ bi, công minh, chân thật và sinh nhiều hoa thơm trái tốt cho mình và cho người khác.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các Vị Lãnh Đạo Hội Thánh toàn cầu và Hội Thánh ở Việt Nam, để các ngài sống khiêm hạ và phục vụ vô vị lợi theo gương của chính Chúa Giê-su Ki-tô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dan thuộc giáo xứ chúng ta, để mọi người biết dẹp bỏ ghen tương và tranh chấp là mầm mống của xáo trộn và mọi thứ xấu xa và cùng nhau kiến tạo bình an và hạnh phúc cho mọi thành phần xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người bị cô-vit 19 và những người đang đau khổ vì mất người thân vì côvit-19, để họ được Chúa chúc lành và an ủi vì những đau khổ mà họ đang phải chịu.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 15 tháng 09 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.