I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Cây nho, vuờn nho là những thực tại rất gần gũi, thân thiết với dân Israel xưa. Vì thế mà cây nho, vườn nho, ông chủ vườn nho và thợ làm vườn nho được nhắc đến nhiều lần trong Thánh Kinh. Theo quan điểm của Thánh Kinh Ki-tô giáo, thế giới này là vườn nho của Thiên Chúa, một vườn nho khổng lồ, mà mọi người lớn/bé, già/trẻ, nam/nữ, tài ba/vụng về, trí thức/ít học, giầu/nghèo, lương/giáo… đều được Thiên Chúa là Chủ vườn nho mời vào làm trong vườn nho ấy.
Nều đọc báo hay xem truyền hình hằng ngày chúng ta phải bức xúc với những chuyện tồi tệ xẩy ra tràn lan trong xã hội ta cũng như trên toàn thế giới. Vì thế điều quan trọng và cấp bách là mỗi Kitô hữu phải đem hết khả năng, nhiệt huyết và thời gian của mình vào việc xay dựng và canh tân thế giới là Vườn Nho của Thiên Chúa để thế giới này và xã hội của chúng ta trở nên công bình và bác ái hơn.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 55,6-9): “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi” Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.
Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
2.2 Trong bài đọc 2 (Pl 1,20-24.27a): “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Đức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Đức Kitô. .
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 20,1-16a): “Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.
Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
– Là Đấng vô cùng cao siêu, tuyệt đối và khôn lường đối với khả năng trí tuệ của loài người, vì chính Người đã phán dậy rằng «tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi» và «đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta.»
– Là Chúa Giê-su, Đấng đã dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho để mời gọi hết mọi người không phân biệt sắc tộc/ngôn ngữ, lớn/bé, già/trẻ, nam/nữ, sớm/muộn, lương/giáo vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa là thế giới này. Kế hoạch của Thiên Chúa là giao cho con người quyền bá chủ vũ trụ vạn vật để con người tổ chức điều hành theo Ý Thiên Chúa: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” (St 1, 28).
– Là Chúa Thánh Thần, Thần Khí Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Đấng đã cùng với Chúa Cha tạo dựng vũ trụ vạn vật, đã cùng với Chúa Con cứu nhân độ thế. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng đang thúc đẩy và hướng dẫn mọi người làm việc cho Vườn Nho của Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho.”
Làm việc cho/trong vườn nho là xây dựng các mối tương quan giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng và giữa cộng đồng này với cộng đồng kia. Mối tương quan ấy phải đậm tính nhân đạo, tôn trọng, tương thân tương ái và hổ trợ lẫn nhau. Mục đích là xây dựng một môi trường, một xã hội và một thế giới đầy tính nhân văn, công bình và văn minh giống như những người thợ chăm sóc vườn nho để cây nho cho trái ngọt và rượu ngon vậy.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, nhất là ơn được làm hòa, được xóa tội và thứ tha và ơn được tham gia vào việc xây dựng thế giới tốt đẹp cho loài người. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và biết ơn sâu sắc.
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa là mỗi người chúng ta kiểm điểm xem mình đã dấn thân vào công trình xây dựng Vườn Nho của Thiên Chúa là thế giới hôm nay, là xã hội Việt Nam hiện giờ như thế nào. Cụ thể là mỗi người hãy tự hỏi:
(a) Tôi đã dành bao nhiêu thời gian, tiền của, công sức và tài năng, [mà Thiên Chúa đã ban cho tôi] cho Vườn Nho của Thiên Chúa là môi trường và xã hội trong đó tôi đang sống?
(b) Tôi đã và đang làm những gì để giúp Giáo hội tốt lành, thánh thiện hơn?
(c) Tôi đã và đang làm những gì để giúp thế giới và xã hội hiện nay bớt bất công và tội ác?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới hôm nay, để họ sớm nhận ra Thiên Chúa là Đấng cao sang, thánh thiện và siêu việt, vượt trên mọi trí khôn của loài người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho” Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng y, Giám mục, Linh mục và Tu sĩ nam nữ và mọi tín hữu, để mọi người hăng say nhiệt thành với việc làm cho vườn nho của Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu trong giáo xứ/cộng đoàn chúng ta, để mọi người biết sống xứng đáng với Tin Mừng của Chúa Ki-tô mà họ đã được Thiên Chúa ban tặng cách nhưng không.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người vi phạm nhân quyền, coi thường sự thật và chà đạp công lý để họ nhận ra tội lỗi của mình mà cải tà quy chính.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sài-gòn ngày 15/09/2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.