I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm B giúp chúng ta nắm bắt được quan điểm và nhận định của Chúa Giêsu về “mặt trái” hay sự nguy hiểm của tiền bạc của cải. Còn Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B hôm nay cho chúng ta thấy quan điểm và nhận định của Chúa Giêsu về một trở ngại khác của những người muốn theo Chúa: Đó là danh vọng thế gian và sự kiêu căng ẩn sâu trong trái tim con người, điển hình là nơi 12 Tông đồ là những người đã đi theo Chúa Giêsu và được Người đào tạo mấy năm trời.
Để có thể sống siêu thoát từ bỏ của cải và chia sè những thứ ấy với người nghèo cũng như xem thường danh vọng thế gian và sống khiêm nhường, các Kitô hữu cần học theo chính Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng “đã không đến (trần gian) để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 53,10-11): “Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn”
Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ.
2.2 Trong bài đọc 2 (Dt 4,14-16): Chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng”
Anh em thân mến, chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có vị Thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Vậy chúng ta hãy cậy trông vững vàng mà tiến đến trước toà ân sủng, ngõ hầu lãnh nhận lòng từ bi và tìm kiếm ân sủng để gặp được ơn phù trợ kịp thời.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 10,35-45): “Con Người đến để ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Is 53,10-11) là Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia nói về thân phận và vai trò của người Tôi Trung của Thiên Chúa. Áp dụng sấm ngôn trên vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy các điều ấy đều đã được thực hiện một cách trọn vẹn. Bằng hy sinh đau khổ và hiến tế của mình, Chúa Giêsu Kitô đã cứu độ muôn dân. Qua bài đọc 1 này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương không bờ không bến và có Kế Hoạch cứu độ nhiệm mầu.
3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 4,14-16) là những lời của Thánh Phaolô nói với các tín hữu Do-thái về hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng tế siêu phàm. Vị Thượng tế này đã sống kiếp người trần và đã kinh qua nỗi khổ đau của thập giá, nên “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta”. Vì thế “chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin” và “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 10,35-45) là tường thuật của Thánh Máccô về giáo huấn lần thứ 3 của Chúa Giêsu về người môn đệ. Ba lần giáo huấn đi liền sau 3 lần Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương khó và Phục sinh. Những giáo huấn ấy rất khó lọt tai các môn đệ. Bằng chứng là hai ông Giacôbê và Gioan đã “cả gan” xin với Thầy cho một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả. Xin như thế chứng tỏ hai ông chẳng hiểu gì về đường lối của Thầy. Mà không chỉ có hai ông, cả 10 tông đồ khác cũng chẳng hiểu gì hơn.
Nhẫn nại và chịu đựng Chúa Giêsu giúp các môn đệ hiểu rằng theo Người không phải để làm vương làm tướng, ăn trên ngồi chốc, thống trị dân chúng mà là hạ mình xuống làm kẻ hầu hạ mọi người và hy sinh cho mọi người.
Qua bài Tin Mừng này chúng ta thấy Thiên Chúa chọn con đường tự hạ, tự hiến với cuộc thương khó và cái chết thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi bất trung và yếu đuối.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh hôm nay là:
“Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Thần Linh Chân Lý, là Đấng thấu suốt mọi sự, hiểu biết giá trị đích thực của mọi kế hoạch, mọi con đường. Vì thế mọi giáo huấn và cách chọn con đường cứu độ của Người đáng chúng ta suy gẫm và noi theo bắt chước.
4.2 Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta kiểm điểm xem tư tưởng, quan niệm về cách sống và cách phục vụ của chúng ta xem có phù hợp với Lời Chúa Giêsu dạy không?
* Nếu cách suy nghĩ, hành động và phục vụ của chúng ta đã ít nhiều phù hợp với sứ điệp của Lời Chúa thì chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng tiếp tục duy trì và phát triển nếp sống ấy.
* Còn nếu cách suy nghĩ, hành động và phục vụ của chúng ta chưa phù hợp với sứ điệp của Lời Chúa thì chúng ta hãy cầu xin Ơn Chúa giúp sức và cố gắng điều chỉnh tư tưởng, quan niệm, cách sống và cách phục vụ của chúng ta cho phù hợp với Lời Chúa Giêsu dạy.
V. CẦU NGUYỆN CHO CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi Trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người bị đàn áp bóc lột trong thế giới nói chung, trong đất nước Việt Nam nói riêng, để mọi hy sinh đau khổ của họ được liên kết với những hy sinh đau khổ vô giá của Con Thiên Chúa hầu đem lại lợi ích cho con người và xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Con Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Linh Mục để các vị lãnh đạo của Hội Thánh luôn noi gương bắt chước cách sống khiêm tốn và phục vụ của Chúa Giêsu Kitô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ chúng ta, để mọi người sống khiêm tốn phục vụ quên mình vì lợi ích thiêng liêng của cộng đoàn giáo xứ và xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các tông đồ giáo dân để họ được ơn nhận thức sâu sắc về tư cách là môn đệ của Đấng đã bị treo trên cây gỗ mà chọn con đường tự hạ và tự hiến, khi muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 16 tháng 10 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.