SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B (1/9/2024) «CĂN CƯỚC CÔNG DÂN» CỦA CÁC KITÔ HỮU [Đnl 4,1-2.6-8; Gc 1,17-18.21b-22.27; Mc 7,1-8a.14-15.21-23]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Xét về mặt xã hội, người Công giáo ở hầu hết các nước trên thế giới, chỉ là thiểu số; ở nhiều quốc gia người Công giáo còn bị coi là những công dân hạng hai hạng ba; thậm chí tại một vài nước người Công giáo còn là thành phần bị xem thường, ghét bỏ, đàn áp và bách hại nữa.
Nhưng Thánh Kinh mạc khải cho mọi người nói chung và cho các Kitô hữu nói riêng biết rằng: Không có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, là Thiên Chúa của Kitô giáo? Không có dân tộc vĩ đại nào có được những thánh chỉ và quyết định công minh, như Lề Luật và giới răn mà Môsê và Chúa Giêsu Kitô truyền lại cho các Kitô hữu.
Vậy thì các Kitô hữu chẳng có gì phải mặc cảm. Trái lại họ có quyền hãnh diện về nhân thân hay căn cước công dân (identity card) của mình mà hiên ngang và tự tin sống với thiên hạ.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Đnl 4,1-2.6-8): “Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm” Môsê nói với dân chúng rằng: “Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”
“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Gc 1,17-18.21b-22.27): “Anh em hãy thực thi lời đã nghe” Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật.
Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 7,1-8a.14-15.21-23): “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhânKhi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.
Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Đnl 4,1-2.6-8) là những lời ân cần của Ông Môsê nói với dân riêng của Thiên Chúa là Israel: Dân Chúa thật hạnh phúc vì họ được có Thiên Chúa ở gần, họ có thánh chỉ của Thiên Chúa hướng dẫn, nên được sống trong chân lý và bình an và được coi là “khôn ngoan và thông minh”.
Trong bài đọc 1 này, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng ở cùng/với dân và Thiên Chúa là Đấng đem hạnh phúc cho dân.
3.1.2 Bài đọc 2 (Gc 1,17-18.21b-22.27) là những lời khuyên của Thánh Giacôbê Tông đồ, gồm hai ý:
(1o) Mọi ơn lành và phúc lộc, nhất là Lời chân lý, đều do Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng cũng là Cha yêu thương ban cho chúng ta.
(2o) Hãy đón nhận Lời có sức cứu độ của Thiên Chúa và đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.
Trong bài đọc 2 này, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành và phúc lộc, nhất là lời chân lý là lời có sức mạnh cứu độ.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) là tường thuật của Thánh Máccô về một trong những cuộc “xung đột” giữa Đức Giêsu và các Pharisêu và kinh sư, xoay quanh vấn đề người ta phải tuân giữ điều răn của Thiên Chúa hay truyền thống của cha ông chỉ là phàm nhân?
Cơ hội thuận lợi là một số Pharisêu và kinh sư bắt gặp vài môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Rửa tay trước khi ăn chỉ là một tập tục, một truyền thống mà người Do-thái giữ gìn rất cặn kẽ, chứ không phải là giới luật của Thiên Chúa, trong khi họ lại xem thường giới răn của chính Thiên Chúa.
Động cơ của người Pharisêu và kinh sư là tìm dịp, tìm cách bắt bẻ Chúa Giêsu và các môn đệ Người. Nguyên nhân sâu xa là những người ấy thích sống giả hình và nuôi ảo tưởng cho mình là đạo đức, thánh thiện mà coi khinh, coi thường và kết án người khác. Chính thái độ và cách sống giả trá này của các kinh sư, luật sĩ đã bị Chúa Giêsu vạch trần và lên án.
Theo nhận định lành mạnh của mọi người, cũng là của chính Chúa Giêsu, thì cái cần phải thanh tẩy là tâm hồn, là tư tưởng, là các suy nghĩ của con người chứ không phải là bàn tay hay chén bát. Bởi vì một khi tâm hồn con người bất chính, tư tưởng con người tội lỗi, suy nghĩ con người lầm lạc thì con người sẽ gây đại họa, không những cho chính bản thân mình mà còn cho cả gia đình và cộng đồng xã hội nữa.
 Trong bài Phúc âm này, chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Đấng truyền dậy chân lý một cách trung kiên và dũng cảm.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy sống theo Thánh Chỉ hay Mệnh Lệnh hay Giáo Huấn của Thiên Chúa thì sẽ được hạnh phúc, vì:
* Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành Vô Cùng Vô Tận nên Thiên Chúa chỉ có thể làm những điều tốt lành cho chúng ta mà thôi.
* Thánh Chỉ hay Mệnh Lệnh hay Giáo Huấn hay Giới Răn gì của Thiên Chúa cũng chỉ nhằm giúp chúng ta có được hạnh phúc đích thật mà thôi.

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là có những tâm tình/lời/hành động chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa là Đấng luôn ở với chúng ta, luôn có mặt bên cạnh chúng ta. Nếu Thiên Chúa ở với chúng ta thì tại sao chúng ta lại không ở với Người? Vì thế điều đáng làm nhất là chúng ta sống với/bên Chúa.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là chúng ta hiên ngang sống tư cách là con dân của Thiên Chúa và thực thi thánh chỉ, mệnh lệnh của Thiên Chúa là những giới răn mà Môsê và Chúa Giêsu đã truyền lại cho chúng ta. Cụ thể là “hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn” và “hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em.”

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ CHO HỘI THÁNH
5.1 «Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân, các nước trên thế giới này, để mọi dân mọi nước nhận ra giá trị thật của họ không phải là ở chỗ giầu mạnh về kinh tế hay có nhiều vũ khí tối tân hiện đại mà là ở chỗ có Thiên Chúa ở cùng hay không.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 «Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các Đức Hồng Y, Giám Mục, cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ, để cac vi ấy biết trân trọng nhân thân của mình mà nghiêm chỉnh thực thi các thánh chỉ, các mệnh lệnh của Thiên Chúa được các ngôn sứ và nhất là được Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, truyền lại.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.3 «Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng ta, để ai nấy biết sống khiêm tốn và biết ơn, đối với Đấng ban phát mọi ơn lành và phúc lộc hoàn hảo cho con người và vũ trụ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 «Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người yếu đuối, đam mê, tội lỗi, để họ nhận được sức mạnh của Thánh Thần mà hoán cải và thay đổi cuộc sống.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

Sàigòn ngày 28 tháng 8 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.