I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Người con hiếu thảo là người con biết được cha mẹ mình mong muốn gì, chờ đợi gì ờ người con và tìm hết cách để đáp ứng sự mong muốn và chờ đợi ấy. Người môn đệ tốt là người môn đệ biết được suy nghĩ, kỳ vọng của thầy mình. Người Ki-tô hữu đích thực là người Ki-tô hữu hiểu được lòng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Thầy của mình.
Có hiểu được lòng Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta mới có thể hiểu được lòng Thiên Chúa là Đấng Thần Linh vô hình và siêu việt. Có hiểu được lòng Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta mới có thể yêu mến Người và gắn bó với Người một cách sâu sắc và xác tín. Chân lý ấy xem ra quá đơn giản nhưng không phải người giáo dân nào cũng đã nắm bắt. Vì thế mà rất nhiều người thờ ơ, chểnh mảng với việc tìm hiểu về Chúa Giê-su Ki-tô trong Thánh Kinh nói chung và trong Phúc Âm nói riêng.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Gr 38,4-6.8-10): “Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ” Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: “Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sê-đê-ci-a phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giê-rê-mi-a và quăng xuống giếng của Mel-ki-a con A-mê-lec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giê-rê-mi-a xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giê-rê-mi-a sa xuống bùn.
Ab-đê-mê-lech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: “Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giê-rê-mi-a, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn”. Vậy vua truyền dạy Ab-đê-mê-lech người Ê-thi-ô-pi rằng: “Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giê-rê-mi-a ra khỏi giếng trước khi ông chết.”
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Dt 12,1-4): “Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta” Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giê-su, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Lc 12,49-53): “Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ” Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa trong 3 bài Thánh Kinh
3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 38,4-6.8-10) là tường thuật về việc ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị các thủ lãnh tố cáo với vua Xít-ki-gia-hu là ông đã làm nản lòng binh sĩ vì các sấm ngôn của ngôn sứ cảnh báo về chiến tranh làm cho họ khó chịu. Nhà vua đã chiều lòng các thủ lãnh dân Do-thái mà để cho họ đem nhốt ngôn sứ trong hầm nước. Nhưng sau đó ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã được ông E-vét Me-léc giải oan và giải thoát khỏi cảnh ngục tù.
Trong đoạn sách trên của ngôn sứ Giê-rê-mi-a chúng ta thấy thân phận của vị ngôn sứ: vì tuyên sấm cách trung thực nhằm cảnh báo dân Ít-ra-en nói chung và giới lãnh đạo tôn giáo nói riêng mà ngôn sứ bị ngục tù.
3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 12,1-4) là một đoạn Thư của Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Do-thái. Ngài trình bày cuộc sống Ki-tô như một cuộc thi đấu thể thao. Trong cuộc thi thố tài năng và sức mạnh ấy, ai nấy đều nỗ lực hết sức mình để chiến thắng. Thánh Phao-lô khuyên các Ki-tô hữu hãy kiên trì trong cuộc đua để dành chiến thắng như các vận động viên trong thao trường. Động lực hay sức mạnh của họ là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.
Trong đoạn thư gửi tín hữu Do-thái (12,1-4) chúng ta được Thánh Phao-lô chỉ bảo về cách sống của người có lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô: kiên trì trong thử thách và cậy dựa hoàn toàn vào Đấng Cứu Độ.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 12,49-53) là tường thuật của Lu-ca vể những lời đầy tâm huyết của Chúa Giê-su với các môn đệ. Trước hết Chúa Giê-su khẳng định “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa mà Chúa Giê-su đã ném vào trần gian là lửa yêu thương bác ái. Lửa mà Chúa Giê-su đã ném vào trần gian là Thánh Thần Ngôi Ba Thiên Chúa. Kế đến Chúa Giê-su nói cho các môn đệ biết là Người sẽ chịu cuộc Thương Khó để cứu chuộc loài người và sau cùng Chúa Giê-su quả quyết sự có mặt của Người không đem lại sự bình an (theo nghĩa yên thân an phận) mà sẽ khiến mỗi một người phải chọn lựa hoặc tin nhận Người, hoặc chối từ Người (do đó có sự chia rẽ).
Trong Bài Phúc Âm Lc 12,49-53 Chúa Giê-su như mở trái tim của Người ra cho chúng ta nhìn thấy tâm can của Người để chúng ta đón nhận tình yêu và sứ mạng của Người và tiếp sức với Người mà làm cho ngọn lửa tình yêu và Thánh Thần lan tỏa và đốt cháy mọi tâm hồn và thực tại trần thế này.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã dùng Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a, Thánh Phao-lô và Con Một là Chúa Giê-su Ki-tô mà dậy dỗ, nâng đỡ chúng ta.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Gồm 2 việc:
* Một là để ngọn lửa mà Thầy Giê-su đã ném vào mặt đất cháy lên trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
* Hai là đem ngọn lửa ấy đến những người chung quanh, đến môi trường gia đình, thôn xóm, trường học, công ty, xí nghiệp của chúng ta.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho nhân loại ngày nay được ngọn lửa mà Chúa Giê-su Ki-tô đã ném vào mặt đất thiêu đốt và biến đổi.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế và cho hết mọi Ki-tô hữu được ơn khao khát được rửa bằng lửa của Chúa Giê-su Ki-tô là Thánh Thần Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi giáo dân nam nữ, già trẻ, lớn bé biết chọn sống theo Chúa Giê-su Ki-tô.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người tham gia các hội đoàn/phong trào tông đồ của Giáo Hội để họ tích cực hoán cải và kiên trì trong việc loan báo Ơn cứu độ của Thiên Chúa cho đồng bào.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 11/08/2016
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.