I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong bất cứ xã hội, quốc gia nào cũng có những người không biết sợ là gì, dù là nghèo đói, vất vả, đòn roi, ngục tù, thậm chí cả cái chết. Họ quả là những con người dũng cảm, đáng kính phục. Trong khi đó, đại đa số con người ta thường bị cái sợ chế ngự cả tâm trí lẫn hành vi. Có người sợ đói, sợ rét. Có người sợ bệnh tật và tuổi già. Có người sợ mất của cải, địa vị, chức quyền. Có người sợ tù tội, giam cầm. Có người sợ ma, sợ quỉ là các thế lực vô hình độc ác.
Tin Mừng Mát-thêu kể lại câu chuyện các môn đệ của Chúa Giê-su đang phải chống chọi với sóng gió trên biển, lại thấy một bóng người đi trên mặt nước tiến lại gần thuyền của các ông nên các ông hoảng sợ vì tưởng là ma. Nhưng Chúa Giê-su đã trấn an họ “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ý nghĩa của bài Phúc âm hôm nay là Chúa Giê-su muốn bảo chúng ta là hãy tin tưởng vào sự hiện diện yêu thương và quyền năng cũng như vào sự can thiệp đúng thời đúng lúc của Thiên Chúa để không còn sợ hãi trước những mối hiểm nguy của cuộc sống! Vậy chúng ta hãy tập phó thác cậy trông vào Chúa.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (1 V 19,9a.11-13a): “Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa” Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 9,1-5): “Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi” Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt 14,22-33): “Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy” Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
* Là Thiên Chúa, Đấng đã hiện ra với ngôn sứ Ê-li-a trong tiếng gió hiu hiu, nhẹ nhàng thổi qua sườn núi. Lời Thánh Kinh nói rằng Thiên Chúa không có mặt trong giông bão. Người cũng không có mặt trong động đất hay trong ngọn lửa bừng bừng mà Người lại có mặt trong tiếng gió hiu hiu. Phải chăng Lời Kinh Thánh có ý nói rằng Thiên Chúa đến với chúng ta trong/qua những cảnh huống bình thường mà chúng ta ít ngờ tới.
* Là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã không để cho sự cuồng nhiệt của đám đông lôi cuốn mà luôn tìm cách kết hiệp mật thiết với Chúa Cha trong những khoảnh khắc thanh tịnh mặt đối mặt với Thiên Chúa. Người còn là Đấng có toàn quyền thống trị trên biển nước mênh mông và trên những cơn sóng dữ (tượng trưng cho thế lực của sự dữ và ác thần). Chúa Giê-su mời các môn đệ tin tưởng và phó thác mạng sống của mình cho Người.
* Là Chúa Thánh Thần, Đấng hiện diện và cùng hành động với Chúa Cha khi Thiên Chúa xuất hiện với ngôn sứ Ê-li-a, trong tiếng gió hiu hiu. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện và cùng hành động với Chúa Giê-su khi Người thức đêm cầu nguyện, khi Người đi trên mặt biển đến với các môn đệ và cho Phê-rô bước trên mặt nước đến với Người cũng như khi Người hạ lệnh cho biển yên gió lặng.
3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?): Qua ba bài Sách Thánh, chúng ta khám phá ra sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa hôm nay
– Một là chúng ta hãy chờ đón Thiên Chúa là Đấng muốn tỏ mình ra cho chúng ta. Thường thì chúng ta có khuynh hướng tìm gặp Thiên Chúa trong những biến cố kinh thiên động địa (bão táp, động đất, lửa) trong khi Thiên Chúa lại ưa xuất hiện trong những cảnh huống bình thường, giản dị (như tiếng gió hiu hiu).
– Hai là chúng ta hãy hoàn toàn tin cậy phó thác vào Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng có quyền năng trên tất cả vũ trụ vạn vật, kể cả thế lực ác thần và sự dữ. Tín thác vào Chúa trong khi chúng ta được sống yên ổn, bình an thì tương đối dễ. Nhưng tín thác vào Chúa khi chúng ta gặp đủ mọi thứ khó khăn, thử thách, bách bại, chống đối mới thực sự là tín thác.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn kính và tuyệt đối tin cậy !
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa hôm nay
– là noi gương ngôn sứ Ê-li-a mà mong chờ Chúa đến, và luôn tỉnh thức để nhận ra Chúa khi Người xuất hiện.
– là giao phó cuộc sống hiện tại và tương lai của cá nhân và gia đình chúng ta cho Chúa Giê-su Ki-tô vì chúng ta tin Người là Chúa Tể vũ trụ vạn vật trên trời dưới đất.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Chúng ta hãy cầu nguyện cho thế giới loài người hôm nay, nhất là cho những người phải sống thường xuyên trong lo âu, sợ hãi, để họ cảm nhận được lòng yêu thương của Thiên Chúa là Cha nơi Chúa Giê-su Ki-tô và nơi các cộng đoàn Ki-tô hữu.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô – nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và mọi giáo dân -, để mọi Ki-tô hữu vững tin vào sự hiện diện liên lỉ và sự can thiệp kịp thời của Chúa Giê-su trong con thuyền của Người là Giáo Hội.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người trong gia đình và giáo xứ/cộng đồng chúng ta, để mọi người được thêm lòng tin/cậy/phó thác đối với Thiên Chúa và Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Người, để sống tín thác cho quyền năng và tình thương của Người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Chúng ta hãy cầu nguyện cách đặc biệt cho những người đang lớn tiếng kêu cầu sự bênh vực và cứu giúp từ Đấng Tối Cao hay từ đồng loại, để họ sớm nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong cơn nguy khốn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sài-gòn ngày 04 tháng 08 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.