I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trong ba năm rao giảng và chữa lành khắp các nẻo đường Palestin, Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm đến việc giúp các môn đệ và dân chúng hiểu về Nước Trời (hay Nước Thiên Chúa) mà Người thiết lập trong trần gian. Người đã dùng nhiều hình ảnh, nhiều dụ ngôn -là một hình thái văn chương bình dân và cách trình bày quen thuộc với người đương thời- để nói về Nước Trời hay Nước Thiên Chúa
Trong bài Tin Mừng theo Thánh Máccô chúng ta đọc hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu dùng 2 dụ ngôn:
Dụ ngôn thứ nhất là Nước Trời được ví như một hạt lúa được gieo vào lòng đất tự nó nầy mẩm, thành cây và trỗ bông nặng chĩu hạt lúa mới cho mùa gặt bội thu.
Dụ ngôn thứ hai là Nước Trời giống như hạt cải bé nhỏ, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi mọc lên cây cải lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ ở đó.
Hai dụ ngôn trên có ý nghĩa gì với những người nghe Chúa giảng ngày xưa và với chúng ta hôm nay?
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ed 17,22-24): “Ta cho cây thấp mọc lên” Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Chính Ta sẽ chặt ngọn cao nhất cây hương nam; Ta sẽ bẻ một chồi non từ ngọn mọc ra, và sẽ đem trồng nó trên núi cao chót vót. Ta sẽ trồng nó trên đỉnh núi Israel, nó sẽ đâm chồi, kết quả, và trở thành cây hương nam vĩ đại; các thứ chim trời đều đến ẩn náu dưới thân cây và làm tổ dưới tàn nó. Tất cả những cây rừng đều biết Ta là Thiên Chúa, Ta đã hạ cây cao xuống và cho cây thấp mọc lên. Ta đã làm cho cây tươi ra khô héo, và làm cho cây khô trở nên xanh tươi. Ta là Chúa, Ta đã phán và đã hành động”.
2.2 Trong bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10): “Dù ra đi hay ở lại trong thân xác, chúng ta hãy sống đẹp lòng Chúa” Anh em thân mến, chúng ta hằng bạo dạn, vì biết rằng bao lâu sống trong thân xác này, là chúng ta lưu lạc xa Chúa, vì chưng nhờ đức tin, chứ không phải vì đã thấy, mà chúng ta tiến bước. Chúng ta cũng bạo dạn và ao ước thà lìa xa thân xác để ở cùng Chúa. Và vì thế, dù ở trong xác hay ra khỏi xác, chúng ta hãy cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Bởi tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước toà án của Đức Kitô, để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình, tuỳ mình đã làm lành hay đã làm dữ.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 4,26-34): “Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.
Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
1o) Bài đọc 1 (Ed 17,22-24) là một đoạn sách của ngôn sứ Êdêkiel trong đó Thiên Chúa khẳng định Người là Đức Chúa, Người là Thiên Chúa vì Người “sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non từ ngọn cây, từ ngọn hương bá cao chót vót và sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en. Nó sẽ trổ cành và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng.” Đó là hình ảnh của công trình vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử Israel cũng là lịch sử cứu độ nhân trần.
2o) Bài đọc 2 (2 Cr 5,6-10) là một đoạn của thư thứ 2 của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô trong đó Thánh Phaolô mời các tín hữu hãy noi gương bắt chước ngài mà sống đức tin cách mạnh dạn, can trường để làm đẹp lòng Thiên Chúa.
3o) Bài Tin Mừng (Mc 4,26-34) là hai dụ ngôn mà Chúa Giêsu dùng để nói về Nước Trời (hay Nước Thiên Chúa) trong Sách Phúc Âm theo Thánh Máccô. Trong dụ ngôn thứ nhất Nước Trời được ví như hạt lúa được gieo vào lòng đất và tự nó phát triển thành cây và đơm hoa kết trái. Trong dụ ngôn thứ hai Nước Trời được ví như hạt cải bé nhỏ, nhưng khi nó thành cây thì nó “lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Cả hai dụ ngôn mang chung ý nghĩa là Nước Trời có sức mạnh nội tại khôn lường, vì đó là công trình của chính Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa
Là tin tưởng vào Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là một thực tại xem ra nhỏ bé, nhưng ẩn chứa một sức mạnh phát triển phi thường.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã ban tặng cho chúng ta Nước của Người (là Nước Trời hay Nước Thiên Chúa) và mời gọi chúng ta trở thành công dân của Nước ấy và làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh chung quanh chúng ta.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay là
a) Tin vào Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là thực tại siêu hình nhưng có thật đang được
b) Gia nhập vào Nước ấy bằng sự dấn thân phục vụ Thiên Chúa và đồng loại
c) Làm cho Nước ấy phát triển lớn mạnh.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho hết mọi người được ơn nhận ra hành động của Thiên Chúa trong trần gian và đón nhận Nước Trời hay Nước Thiên Chúa.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.2 «Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các linh mục và phó tế, để các vị ấy chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa như Thánh Phaolô.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.3 «Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các tín hữu thuộc giáo xứ chúng ta để mọi người ý thức mạnh mẽ về thực tại Nước Thiên Chúa đang lớn lên chung quanh họ.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
5.4 «Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các Tông đồ giáo dân chuyên lo việc mở mang Nước Trời, để họ biết tin tưởng phó thác mọi sự cho quyền nằng của Thiên Chúa.
Hát: Chúa ơi, xin nghe lời chúng con nguyện cầu!
Sàigòn ngày 09 tháng 06 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.