SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM B (4/2/2024) TẤM LÒNG CỦA THIÊN CHÚA [G 7,1-4.6-7; 1 Cr 9, 16-19.22-23; Mc 1, 29-39]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Một trong những bài hát mà tôi ưa thích nhất là bài TRONG TRÁI TIM CHÚA, với những lời thật hay:
1. Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, như nước mưa tan trong biển khơi. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những ước mơ con có trong đời, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình Người.
ĐK.- Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim Người CHA. Mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca. Có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.
2. Trong trái tim Chúa như nôi hồng, con xin được như bé ngủ mơ, một giấc mơ, nghìn giấc mơ, những giấc mơ ấm êm tuổi thơ. Nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi, những giấc mơ con có trong đời, là sống vui, là hát vui, là trẻ thơ trong mái nhà Người. ĐK.
3. Trong trái tim Chúa bao ân cần, con xin được say nếm hồng ân, là trái ngon, là trái ngon, những trái ngon dưỡng nuôi đời con. Là bánh thơm, là sữa thơm giúp con mau chân bước lên trời, là đóa hoa, là tiếng ca, gọi lòng con mau bước về nhà. ĐK.
4. Trong trái tim Chúa bao dịu dàng, con xin được nghe Chúa bảo ban, dậy dỗ con, dậy dỗ con, dậy dỗ con biết sống sao thắm tươi tình son. Tìm bước theo đường mến yêu, biết dâng trao, biết thứ tha nhiều. Cùng Chúa đi, cùng Chúa đi, hòa niềm vui chung với mọi người. ĐK.
Bài hát trên rất phù hợp với đoạn Phúc Âm chúng ta đọc trong thánh lễ Chúa Nhật V Thường Niên B hôm nay: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, có một tấm lòng hết sức nhạy cảm trước nỗi đau của con người và vì thế mà Người rất quyết liệt khử trù cái ác và luôn ra tay cứu giúp những người yếu đau bệnh tật, những người bị xã hội khinh khi và gạt ra bên lề.
Chúng ta hãy đọc kỹ các bài Sách Thánh hôm nay để khám phá tấm lòng của Chúa Giêsu Kitô cũng là tầm lòng của chính Thiên Chúa trước những nỗi thống khổ của con người.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (G 7,1-4.6-7): “Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối” Bấy giờ Gióp nói rằng: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công. Cũng như người nô lệ khát khao bóng mát, như người làm công ước mong lãnh tiền công thế nào, thì tôi cũng có những tháng nhàn rỗi, có những đêm người ta bắt tôi làm việc cực nhọc. Nếu tôi đi ngủ, thì tôi lại nói: “Chừng nào tôi mới thức dậy, và chừng nào là đến chiều? Tôi phải buồn sầu mãi cho đến tối”. Ngày của tôi qua nhanh hơn chiếc thoi đưa, nó tàn lụn đi mà không mang lại tia hy vọng nào. Hãy nhớ rằng đời sống tôi chỉ là một hơi thở! Mắt tôi sẽ không nhìn thấy hạnh phúc”.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 9,16-19.22-23): “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” Anh em thân mến, nếu tôi rao giảng Tin Mừng, thì không phải để làm cho tôi vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu đối với tôi. Vô phúc cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Giả như nếu tôi tự ý đảm nhận việc ấy, thì tôi có công; nhưng nếu tôi bị ép buộc, thì tôi phải làm trọn nghĩa vụ đã giao phó cho tôi. Vậy thì phần thưởng của tôi ở đâu? Khi rao giảng Tin Mừng, tôi đem Tin Mừng biếu không, tôi không dùng quyền mà Tin Mừng dành cho tôi. Mặc dầu tôi được tự do đối với tất cả mọi người, tôi đã đành làm nô lệ cho mọi người, hầu thu hút được nhiều người hơn. Tôi đã ăn ở như người yếu đau đối với những kẻ yếu đau, để thu hút người yếu đau. Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả những việc đó, tôi làm vì Tin Mừng để được thông phần vào lợi ích của Tin Mừng. .
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,29-39): “Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau” Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
1o) Trong đoạn Sách G 7, 1-4.6-7, ông Gióp không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa nhưng là những lời ông than thở với Người, về những nỗi khổ đang tràn ngập cuộc sống và năm tháng ngày giờ của ông. Ông than thở với Thiên Chúa vì ông tin vào tình thương và quyền năng của Người: chỉ có Thiên Chúa mới cứu được ông khỏi cảnh khổ, mới làm cho những tháng năm của ông có ý nghĩa, mới đem lại hạnh phúc cho ông!
2o) Trong đoạn thư 1 Cr 9,16-19.22-23, Thánh Phaolô cũng không đề cập trực tiếp đến Thiên Chúa nhưng ngài thổ lộ tâm tư sâu thẳm của mình: Thánh Phaolô chỉ có một trách nhiệm, một sứ vụ, một mối quan tâm: đó là rao giảng Tin Mừng Cứu độ và giúp đỡ người khác đón nhận Tin Mừng ấy. Sứ vụ/trách nhiệm ấy là do chính Thiên Chúa đã giao cho ngài.
Để chu toàn việc rao giảng Tin Mừng và chinh phục các tâm hồn cho Thiên Chúa, Thánh Phaolô tự biến mình thành người nô lệ cho Tin Mừng và cho con người. Ngài sống hòa đồng, thậm chí đồng hóa với hết mọi hạng người, để Tin Mừng được loan báo và đón nhận. Tin Mừng mà Thánh Phaolô phục vụ quả thật là Tin Vui, là Tin Chiến Thắng! Đấng Thiên Chúa mà Thánh Phaolô phụng thờ quả là Vị Thần Linh cao cả và tuyệt diệu!
3o) Trong đoạn Tin Mừng Mc 1,29-39, Thánh Máccô muốn giới thiệu với chúng ta Chúa Giêsu Nadarét là Đấng làm việc không biết mệt mỏi, để rao giảng Tin Mừng và chữa lành những người ốm đau bệnh tật cũng như trừ quỷ ám hại làm nhiều người khốn khổ.
Sở dĩ Chúa Giêsu Nadarét làm như thế là vì Người đã được Thiên Chúa sai đến trần gian này để cứu độ chúng sinh và vì Người có tấm lòng của Thiên Chúa: xót thương con người bị hành hạ bởi đủ thứ khốn khổ trên đời. Cùng với tác dụng chữa lành những con người khốn khổ phần hồn phần xác, những phép lạ (hay dấu lạ) Chúa Giêsu đã thực hiện còn mang ý nghĩa khác là bộc lộ lòng xót thương của Thiên Chúa và loan báo Nước Trời đã có mặt, đang hình thành và lớn lên trong thế giới của loài người. Ở đâu có khổ đau ở đấy có Thiên Chúa tình thương. Ở đâu bệnh tật, ma quỷ bị đầy lui, ở đấy Nước Thiên Chúa ngự đến. Ở đâu có lời công bố Tin Mừng, có lời hay hành động công bố Tình Yêu của Thiên Chúa, ở đấy Nước Thiên Chúa hiện diện. Chúa Giêsu ở đâu, Nước Thiên Chúa và chính Thiên Chúa Cứu Độ ở đó!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa gồm 2 phần:
* Thứ nhất là các Kitô hũu hãy tìm đến với Chúa Giêsu Kitô để nghe Người giảng dạy và để được Người chữa lành tất cả những bệnh hoạn tật nguyền phần hồn phần xác đang hành hạ chúng ta!
* Thứ hai là các Kitô hũu hãy noi gương bắt chước Chúa Giêsu Kitô mà mở rộng tấm lòng trước nỗi khổ của người chung quanh và giúp đỡ phục vụ những người ấy.

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng không hề bỏ rơi hay trừng phạt người tôi tớ công chính là ông Gióp trong Cựu Ước, nhưng Người đây đã giao cho Con Một là Chúa Giêsu Kitô, bộc lộ tấm lòng yêu thương và quyền năng của Người trong việc chữa lành những người bệnh tật, đau khổ.

4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa, có ba việc chúng ta nên làm:
* Một là chúng ta thường xuyên chạy đến với Chúa Giêsu Kitô bằng những giây phút riêng tư sống một mình với Người, lắng nghe Lời Người. Chúa nói trong tâm hồn chúng ta và qua các trang Kinh Thánh và các biến cố cuộc đời.
* Hai là chúng ta để cho Chúa Giêsu Kitô chạm tới những bệnh hoạn tật nguyền là những tội lỗi, yếu đuối, đam mê của chúng ta để Người chữa lành chúng ta.
* Ba là chúng ta noi gương bắt chước Chúa Giêsu Kitô mà tích cực cứu giúp những người bị bệnh hoạn, tật nguyền phần hồn phần xác để họ được ơn giải thoát khỏi cảnh khốn khổ.

V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ» Chúng ta hãy cầu xin cho hết mọi người trên thế gian này, nhất là cho những người đang đau khổ phần hồn phấn xác, để ai nấy được Thiên Chúa ủi an nâng đỡ bằng Tình Thương và Quyền Năng vô biên của Người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người hăng say nhiệt thành việc tông đồ, hầu giúp nhiều người nhận biết Chúa là Thiên Chúa thật.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, được ơn nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho những người trong gia đình và khu phố/xóm!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngà.» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các bệnh nhân và các người già được Chúa chữa lành hoặc được ơn bình an chịu đựng bệnh tật hay tuổi già hầu sống đẹp lòng Chúa và hữu ích cho chính mình cũng như cho người khác.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sài gòn ngày 03 tháng 02 năm 2021- Biên tập lại ngày 31 tháng 1 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.