I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nhiều người lo ngại rằng Lễ Giáng Sinh và Tết (dương lịch và nguyên đán) năm nay không vui bằng các năm trước vì đồng bào ta còn chịu những hậu quả của các trận mưa lũ, lụt lội và bão tàn phá tan hoang nhiều thôn làng, thị trấn, thị xã của Việt Nam và dịch bệnh corona virus quái ác làm bao người mất việc làm, mất thu nhập mất cuộc sống an bình (chưa kể trên thế giới đã có rất nhiều người chết).
Nhưng với các Kitô hữu chúng ta thì Lễ Chúa Giáng Sinh vẫn nguyên vẹn ý nghĩa và hoàn cảnh càng khó khăn thì ý nghĩa của Lễ ấy càng sâu sắc hơn. Điều quan trọng đối với chúng ta là hiểu biết ý nghĩa cốt yếu của Lễ Chúa Giáng Sinh và sống ý nghĩa ấy một cách tích cực. Ý nghĩa của Lễ Chúa Giáng Sinh là Thiên Chúa mạc khải KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ của Người để mời chúng ta đón nhấn và hợp tác. Thiên Chúa là Đấng Em-ma-nu-en, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, ở cùng loài người, thì chúng ta được mời sống mật thiết với Thiên Chúa và cộng tác đắc lực với Người.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
(1) Trong Bài đọc 1: 2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16: “Nước Đavít sẽ tồn tại muôn đời trước mặt Chúa” Khi ấy vua Đavít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: “Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?” Nathan trả lời với vua rằng: “Điều vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua”. Nhưng xảy ra là, đêm ấy, có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy nói với Đavít tôi tớ Ta rằng: ‘Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?’
“Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ, lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù, và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
(2) Trong bài đọc 2 (Rm 16, 25-27): “Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày” Anh em thân mến, kính chúc Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc Âm tôi loan truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin.
Kính chúc Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn đời! Amen.
(3) Trong bài Tin Mừng (Lc 1,26-38): “Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai” Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?): Trong 3 Bài Sách đọc hôm nay chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng, vì yêu thương nhân loại, đã có kế hoạch cứu độ nhân loại và thực hiện kế hoạch ấy một cách hoàn hảo qua từng giai đoạn lịch sử.
– Ngay sau khi A-đam và E-va phạm tội, Thiên Chúa đã hé mở cho Tổ Tông loài người một tia hy vọng trong lời Người nói với con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3,16).
– Đến thời Vua Đa-vít là vị vua đã xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem và vương quốc Ít-ra-en hùng mạnh, Thiên Chúa nhắc lại sự chăm lo và lời hứa của Người: “Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.” (2 Sm 7, 11-16).
– Và sau cùng, khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa đã sai sứ thần đến truyền tin và đề nghị với Đức Ma-ri-a, một thôn nữ Na-da-rét, đón nhận và cộng tác vào kế hoạch cứu độ ấy: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vị nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1,31-33). Và Đức Ma-ri-a đã ưng thuận thánh ý của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38).
3.2 Giáo Huấn của Thiên Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?) – Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm 2 phần:
(*) đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa với tâm tình biết ơn sâu sắc và
(**) tích cực cộng tác vào việc thực hiện kế hoạch ấy trong điều kiện và hoàn cảnh sống riêng của chúng ta ngày hôm nay. Mẹ Ma-ri-a là gương mẫu cho chúng ta trong việc đón nhận và cộng tác vào việc thực hiện kế hoạch diệu kỳ của Thiên Chúa.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn sống với Đấng ban ơn, như tạo vật sống với Đấng Tạo Hóa, như Vua Đa-vít và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã và đang sống với Thiên Chúa.
4.2 Thực thi sứ điệp (hay giáo huấn) của Lời Chúa
(1) Tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận và cộng tác vào việc thực hiện kế hoạch cứu độ chúng sinh của Người? – Có ba lý do:
(a) Lợi ích của chính bản thân chúng ta: Thánh Au-gút-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa không cần đến chúng ta khi dựng nên chúng ta; nhưng Thiên Chúa cần đến chúng ta khi cứu độ chúng ta”. Nói cách đơn giản là nếu chúng ta không muốn được Thiên Chúa cứu độ thì Người cũng đành chịu vì Thiên Chúa không thể ép buộc chúng ta nhận điều chúng ta không muốn. Muốn được cứu độ, chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa.
(b) Lợi ích của tha nhân: Thiên Chúa có thể cứu vớt con người mà không cần sự hợp tác của con người nhưng Thiên Chúa đã không làm như thế. Người luôn muốn nhờ con người để cứu vớt con người.
(c) Vinh danh Thiên Chúa: Thiên Chúa là Tình Yêu nên không gì làm Chúa hài lòng cho bằng việc Tình Yêu của Thiên Chúa được bộc lộ và đón nhận một cách trân trọng và biết ơn.
(2) Chúng ta cộng tác với kế hoạch cứu độ chúng sinh của Thiên Chúa bằng cách nào? – Có ba cách:
(a) Cầu nguyện, hy sinh cho nhiều người được nghe giảng, đón nhận và sống theo Tin Mừng như chúng ta,
(b) Đóng góp trí tuệ, tài năng, của cải, thời giờ và các phương tiện sẵn có vào Công Cuộc Truyền Giáo của Giáo hội,
(c) Sống Sứ Mạng “Tiền Hô” và “Chứng Nhân” cho Chúa Giê-su Ki-tô – như Gio-an Tẩy Giả – trong môi trường sống của mình.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các dân tộc chưa nhận biết Mầu Nhiệm và Kế Hoạch Cứu Độ nhân loại của Thiên Chúa, để họ sớm được nghe và đón nhận Tin Mừng.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là cho các vị trong hàng giáo phẩm và giáo sĩ, để mọi Ki-tô hữu biết noi gương bắt chước Đức Ma-ri-a mà đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và cộng tác với Người trong kế hoạch cao trọng ấy.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 «Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho các tín hữu già trẻ lớn bé trong giáo xứ chúng ta để mọi người vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa và cảm nghiệm được quyền năng ấy trong đời sống cá nhân và cộng đoàn mình.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 «Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa» Chúng ta hãy hiệp dâng lời cầu cho những người bé nhỏ, nghèo khó, thiếu thốn, bệnh tật, tù tội… trong xã hội, để những người kém may mắn ấy cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương họ mà vững lòng tin cậy phó thác nơi Người.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 15 tháng 12 năm 2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.