SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY, CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM B (24/01/2021) SỨ MẠNG CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHỌN, [Gn 3,1-5.10; 1 Cr 7,29-31; Mc 1, 14-20]

I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nếu Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật II Thường niên năm B khẳng định rằng mỗi Ki-tô hữu đều được Thiên Chúa gọi và chọn để phục vụ Chương trình Cứu độ của Thiên Chúa thì Lời Chúa của Chúa Nhật III hôm nay tiếp tục và đào sâu chủ đề Ơn Gọi, nhưng với một xác định rõ hơn là mỗi Ki-tô hữu được gọi và được chọn để hoàn thành sứ mạng mà Chúa giao cho mỗi người chúng ta. Sứ mạng đó là kêu gọi tội nhân ăn năn trở lại (Gio-na), là giúp người ta hiểu điều quan trọng nhất của cuộc sống là gì (Phao-lô) và là chinh phục người đời như ngư phủ thả lưới bắt cá (An-rê, Si-mon, Gio-an và Gia-cô-bê). Vì sứ mạng này vừa hấp dẫn vừa khó khăn, nên rất cần chúng ta xác tín và tin tưởng vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy lắng chăm chú nghe các bài Sách Thánh và mở rộng tâm hồn đón nhận sứ mạng Chúa muốn giao cho chúng ta và hãy học cùng các môn đệ đầu tiên mà đáp lại sự mong đợi của Thiên Chúa.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gn 3,1-5.10): “Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay” Lời Chúa phán cùng Giona rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ninivê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giona chỗi dậy và đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy. Ninivê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giona tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr 7,29-31): “Bộ mặt thế gian này đang qua đi” Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 1,14-20): “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa:
3.1.1 Thiên Chúa mà Sách Gio-na tường thuật là một Đấng Thiên Chúa thánh thiện và yêu thương. Vì thánh thiện nên Chúa không thể chấp nhận được tội lỗi của dân thành Ni-ni-vê. Vì yêu thương nên Chúa muốn cứu dân thành ấy bằng cách giao cho ngôn sứ Gio-na sứ mệnh cảnh cáo và kêu gọi sám hối. Nếu dân Ni-ni-vê không thay đổi cách sống thì hình phạt sẽ giáng xuống. Còn nếu họ biết sám hối bỏ điều gian ác mà quay về nẻo chính đường ngay thì Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha cho tội lỗi của họ và không giáng hình phạt xuống nữa.
Ngôn sứ Gio-na đã thuyết phục được dân thành Ninivê bỏ đàng tội lỗi quả là một kỳ công đáng chúng ta cảm phục!
3.1.2 Thiên Chúa mà Thánh Phao-lô muốn cho tín hữu Cô-rin-tô và hết thẩy các tín hữu cảm nghiệm được là một Đấng Thiên Chúa siêu việt đến nỗi đối diện với Người thì mọi thứ trên đời này chẳng đáng kể là gì nữa: vợ/chồng, của cải, sung sướng/đau khổ đều chỉ là những thực tại tương đối. Cả thế gian này chỉ là chốn tạm bợ. Chỉ có Thiên Chúa mới là tuyệt đối! Chỉ có đời sau mới là vĩnh hằng, trường cửu và bất di bất dịch!
Thuyết phục được người ta tin và sống như Thánh Phao-lô dạy quả là vô cùng khó khăn! Ngay tự bản thân chúng ta tin và sống như Thánh Phaolô dạy cũng đã là khó khăn lắm rồi! huống chi thuyết phục người khác.
3.1.3 Thiên Chúa mà Thánh Mác-cô muốn giới thiệu với thế giới là Chúa Giê-su Na-da-rét, Đấng đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng Cứu độ. Tin Mừng ấy trước hết là chính Chúa Giê-su vì Người là Ơn Cứu độ của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy cũng là thông tin mà Người đem đến cho nhân loại: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”!
Để có người cộng tác với mình trong việc thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su tìm kiếm và chiêu mộ các môn đệ. Bốn vị đầu tiên được gọi và được chọn là hai cặp anh em: An-rê và Si-mon (tức Phê-rô), Gia-cô-bê và Gio-an. Cả bốn đều là dân chài lưới, sinh sống bằng nghề đánh cá. Nghề nghiệp của họ giúp họ hiểu ngay công việc mà Chúa Giê-su muốn giao cho họ: “Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói cách khác đó là những kẻ chinh phục lòng người cho Triều Đại và Vinh Quang Thiên Chúa!

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:
* Một là: Thiên Chúa muốn giao cho mỗi người Ki-tô hữu sứ mạng kêu gọi người có tội ăn năn sám hối bỏ đường tội lỗi để được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
* Hai là Thiên Chúa giao cho mỗi người Ki-tô hữu sứ mạng chinh phục người khác cho Triều Đại Thiên Chúa, cho Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giê-su Ki-tô!

IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
Để sống Sứ Điệp Lời Chúa của Chúa nhật III Thường Niên Năm B này, chúng ta cần thực hiện ba điều sau đây:
* Thứ nhất là xác tín mình được giao sứ mạng chinh phục lòng người trong thời đại hôm nay.
* Thứ hai là tha thiết cầu xin và để cho Chúa Thánh Thần huấn luyện và nhào nặn mình thành “những kẻ lưới người như lưới cá” mà Chúa Giêsu mong đợi.
* Thứ ba là biết tận dụng mọi cơ hội và hoàn cảnh để trau dồi những gì cần thiết cho sứ mạng chinh phục lòng người, nhất là vun đắp cho mình có một đời sống chứng tá hiệu quả. Vì “chứng tá Ki-tô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn các thày dậy” (Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông huấn “Giáo Hội tại Châu Á”, số 42).
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ.” Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ» Chúng ta hãy cầu nguyện cho hết mọi người trên thế gian để họ biết lắng nghe lời kêu gọi cải tà quy chính của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà ăn năn trở lại với Thiên Chúa là Đấng muốn cứu vớt họ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.2 «Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá» Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Ki-tô hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi người đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa mà làm công việc lôi kéo các tâm hồn về với Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.3 «Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng» Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, có được lòng sám hối chân thành và lòng tin sâu sắc vào Tin Mừng!
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

5.4 «Các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền, với những người làm công, mà đi theo Người» Chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho các linh mục và tu sĩ nam nữ biết hy sinh từ bỏ trong đời sống thánh hiến, để theo Chúa cách triệt để.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.

Sàigòn ngày 19 tháng 01 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.