I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Tin vào Đấng Thiên Chúa đã sinh ra làm người sống cách đây hơn hai ngàn năm đã là một chuyện vô cùng khó khăn, không thể nào nói cho hết. Tin vào Đấng Thiên Chúa làm người ấy đã phục sinh từ cõi chết và hiện đang sống giữa chúng ta trong thế giới này thì quả là một sự điên rồ, nhất là khi sức mạnh của sự dữ vẫn ngày đêm hoành hành như giữa chốn vườn hoang (điển hình lá dịch cúm Covid 19)!
Vì thế mà chúng ta rất cần củng cố Niềm Tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô Phục Sinh. Các Tông đồ (đặc biệt là Phê-rô) và hai môn đệ trên đường Emmaus giúp chúng ta trong việc hệ trọng này. Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi cũng là chỗ dựa cho niềm tin của chúng ta, vì giống như chúng ta hôm nay, cách đây hơn hai ngàn năm, họ cũng đã phải đương đầu với chuyện khó tin, chuyện không thể tin: Đức Giê-su Ki-tô đã sống lại thật vì Người là Đức Chúa!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 2, 14.22-33): “Không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong cõi chết” Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, hãy nghe những lời này: Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay những kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Sau khi bẻ gãy xiềng xích tử thần, Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng Đavít đã nói về Người rằng: ‘Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông: vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'”.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Pr 1,17-21): “Anh em được cứu độ bằng Máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền” Anh em thân mến, nếu anh em gọi Người là Cha, Đấng không thiên vị ai khi xét đoán mỗi người theo việc họ làm, thì anh em hãy sống trong sự kính sợ suốt thời anh em còn lưu trên đất khách. Anh em biết rằng không phải bằng vàng bạc hay hư nát mà anh em đã được cứu chuộc khỏi nếp sống phù phiếm tổ truyền, nhưng bằng máu châu báu của Đức Kitô, Con Chiên tinh tuyền, không tì ố. Người đã được tiền định trước khi tác thành vũ trụ và được tỏ bày trong thời sau hết vì anh em. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.
(3) Trong bài Tin Mừng (Lc 24,13-35): “Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh” Cùng ngày thứ nhất trong tuần, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Dọc đường, các ông nói với nhau về những việc vừa xảy ra. Đang khi họ nói truyện và trao đổi ý kiến với nhau, thì chính Chúa Giêsu tiến lại cùng đi với họ, nhưng mắt họ bị che phủ nên không nhận ra Người. Người hỏi: “Các ông có truyện gì vừa đi vừa trao đổi với nhau mà buồn bã vậy?” Một người tên là Clêophas trả lời: “Có lẽ ông là khách hành hương duy nhất ở Giêrusalem mà không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay”. Chúa hỏi: “Việc gì thế?” Các ông thưa: “Sự việc liên can đến ông Giêsu quê thành Nadarét. Người là một vị tiên tri có quyền lực trong hành động và ngôn ngữ, trước mặt Thiên Chúa và toàn thể dân chúng. Thế mà các trưởng tế và thủ lãnh của chúng ta đã bắt nộp Người để xử tử và đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu Israel. Các việc ấy đã xảy ra nay đã đến ngày thứ ba rồi. Nhưng mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi, quả thật, đã làm chúng tôi lo sợ. Họ đến mồ từ tảng sáng. Và không thấy xác Người, họ trở về nói đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng: Người đang sống. Vài người trong chúng tôi cũng ra thăm mồ và thấy mọi sự đều đúng như lời các phụ nữ đã nói; còn Người thì họ không gặp”.
Bấy giờ Người bảo họ: “Ôi kẻ khờ dại chậm tin các điều tiên tri đã nói! Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?” Đoạn Người bắt đầu từ Môsê đến tất cả các tiên tri, giải thích cho hai ông tất cả các lời Kinh Thánh chỉ về Người. Khi gần đến làng hai ông định tới, Người giả vờ muốn đi xa hơn nữa. Nhưng hai môn đệ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều, và ngày sắp tàn”. Người liền vào với các ông.
Đang khi cùng các ông ngồi bàn, Người cầm bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Đoạn Người biến mất. Họ bảo nhau: “Phải chăng lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong ta, khi Người đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Ngay lúc ấy họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và gặp mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp. Họ bảo hai ông: “Thật Chúa đã sống lại, và đã hiện ra với Simon”. Hai ông cũng thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên Chúa:
* Là Thiên Chúa Cha, Đấng chẳng hề thiên vị ai, nhưng xét xử công minh, kể cả với Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô: vì Người vô tội mà đã bị giết chết một cách oan uổng nên Chúa Cha đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết!
* Là Chúa Giê-su Na-da-rét,
– Đấng đã được Thiên Chúa phái đến với người Do Thái và nhân loại;
– Đấng đã được Thiên Chúa cho làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa những người đồng hương đương thời;
– Đấng đã bị các thượng tế và thủ lãnh của Đền Thờ (Do Thái giáo) nộp (cho người Rô-ma) để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.
* Là Chúa Ki-tô Phục Sinh mà các phụ nữ đã gặp khi sáng sớm ra mộ viếng xác Người; mà hai môn đệ trên đường Em-maus đã nhận ra khi Người bẻ bánh; mà Nhóm Mười Một và các bạn hữu đã tin là Người đã trỗi dậy; mà Phê-rô tông đồ trưởng đã gặp và đã làm chứng và rao giảng cách công khai trước đám đông.
3.2 Sứ điệp hay Giáo Huấn Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì hay muốn chúng ta làm gì?)
Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa là chúng ta hãy tin rằng Chúa Giêsu Nadarét đã phục sinh từ cõi chết và hãy thuật lại những gì đã xảy ra trong cuộc đời mình tức việc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện và hành động của Chúa Phục Sinh như thế nào (tương tự như hai môn đệ Em-maus thuật lại những gì xẩy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.)
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
Chúng ta đáp lại sự mạc khải và sứ điệp của Thiên Chúa bằng hai cách là sống với Thiên Chúa và thực thi ý Người (tức sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa):
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương nhân loại nên đã sai Con Một Người xuống thế, chịu nạn chịu chết bởi chính những những người lãnh đạo đền thờ là tôn giáo thờ phượng một mình Thiên Chúa.
Sống với Thiên Chúa là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được Cha sai đến để làm nhiều dấu lạ, điềm thiêng để chứng tỏ Người là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, để chịu nạn chịu chết trên thập giá và ba ngày sau trỗi dậy, như lời các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn năm trước.
Sống với Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện và hành động trong kế hoạch của Thiên Chúa Cha cũng như trong lời nói và việc làm của Chúa Giê-su Ki-tô, nhất là trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Người.
4.2 Thực thi Sứ Điệp hay Giáo Huấn Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, mỗi người tự xét mình nhờ ba câu hỏi sau:
(1) Tôi làm gì để củng cố và phát triển niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh của tôi? (nghe giảng? đọc sách? đọc và học hỏi Thánh Kinh? suy niệm và cầu nguyện? làm chứng? v.v…?)
(2) Tôi có nhận ra Chúa Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện và hành động trong cuộc đời tôi cũng như trong xã hội và thế giới hôm nay không? (trong các biến cố lớn nhỏ? các sự kiện quan trọng? trong những can thiệp tỏ tường? trong những người công chính? trong những nỗ lực bênh vực công lý hòa bình, nhân phẩm, nhân quyền?)
(3) Tôi có thuật lại những kỳ công mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đã làm cho tôi, cho gia đình và cộng đoàn tôi không? (tại sao không?) Tôi thuật lại cho ai? (người nhà, đồng đạo, đồng nghiệp?) bằng những cách nào? (lời nói, bài viết, tác phẩm nghệ thuật, chứng từ?)
V. CẦU NGUYỆN CHO HỘI THÁNH VÀ THẾ GIỚI
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho các dân tộc trong thế giới hôm nay để họ được ơn nhận ra Chúa Giê-su Ki-tô là Ngôn Sứ của Thiên Chúa.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Ki-tô, nhất là cho Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ để mọi Ki-tô hữu, theo gương các Tông Đồ, làm chứng về Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả giáo dân trong giáo xứ chúng ta để mọi người nhận ra Chúa trong cuộc đời của mình và can đảm làm chứng về sự hiện diện và hành động của Chúa Giê-su Phục Sinh và hiện đang sống giữa chúng ta (1).
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi Ki-tô hữu, nhất là cho những người đang gặp nghịch cảnh, khốn khó, bách hại để ai nấy hiểu và hiệp thông với Mầu Nhiệm Thập Giá của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ trần gian.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 20/04/2020
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.