I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Sau hai năm bị dịch bệnh SARS-COV-2 hoành hành, người Công giáo Việt Nam chúng ta bước vào Mùa Vọng của Năm Phụng Vụ 2022 với một tâm trạng buốn vui lẫn lộn. Buồn vì chúng ta đã mất mấy chục ngàn sinh mạng và kinh tế bị suy giảm trầm trọng. Vui vì dịch bệnh đã thuyên giảm ở khắp mọi nơi và đời sống đang phục hồi. Vượt trên tất cả chúng ta hãy bước vào Mùa Vọng 2022 với hy vọng lớn lao là Tình Thương của Thiên Chúa sẽ được biểu hiện một cách rõ nét hơn trong đời sống cá nhân và cộng đoàn trong những ngày tháng sắp tới. Với niềm tin và hy vọng ấy chúng ta thực hiện ý nghĩa và mục đích chính của Mùa Vọng là chuẩn bị tâm hồn đón chào và tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại và mời gọi chúng ta bước theo Người.
Xét về lịch sử thì Thiên Chúa Ngôi Hai đã đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm, nơi Đức Giêsu Nagiarét; Xét về mặt tâm linh tức trong tương quan giữa Thiên Chúa nhập thể làm người và mỗi người chúng ta thì Thiên Chúa luôn ở đàng trước chúng ta, đang tiến lại gần chúng ta, sẵn sàng đến ngự vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
Vậy thì chúng ta hãy bước vào Mùa Vọng với khí thế mới để:
* nghe được bước chân của Thiên Chúa,
* nhận ra tiếng nói của Người và
* nhìn ra bóng dáng của Người,
mà chạy ra đón rước Người vào nhà là gia đình, khu xóm, cộng đồng xã hội và sống thân mật với Người.
Các bài Thánh Kinh hôm nay sẽ giúp chúng ta ý thức sâu sắc hơn về công việc hệ trọng này.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài đọc 1 (Gr 33,14-16): “Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính”
Ðây lời Chúa phán: Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa. Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn. Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.
2.2 Bài đọc 2 (1 Tx 3,12-4,2): “Xin Chúa làm cho lòng anh em nên dũng cảm khi Chúa Kitô đến”
Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với tất cả các Thánh. Amen.
Anh em thân mến, ngoài ra, tôi còn van nài anh em trong Chúa Giêsu điều này, là như anh em được chúng tôi bảo cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em.
2.3 Bài Tin Mừng: Lc 21,25-28.34-36: “Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 33,14-16) là sấm ngôn của Thiên Chúa về những điều tốt lành mà Người sẽ thực hiện cho dân riêng là Israel nói chung, cho chi tộc Giu-đa và cho thành thánh Yêrusalem nói riêng: Đó là việc Thiên Chúa cho mọc lên một mầm non, là cho xuất hiện một Đấng Công Chính nối nghiệp vua Đavít, cứu thoát Giuđa, tạo an cư lạc nghiệp cho Yêrusalem. Sấm ngôn trên đã được thực hiện khi Chúa Giêsu Kitô là Con Yêu Dấu của Cha xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và chết treo trên cây thập giá.
Qua đoạn văn Gr 33,14-16 này, gương mặt của một Thiên Chúa yêu thương, trung tín và quan phòng hiện rõ cho chúng ta chiêm ngưỡng, yêu mến và tin tưởng.
3.1.2 Bài đọc 2 (1 Tx 3,12-4,2) là những lời Thánh Phaolô Tông đồ viết cho các tín hữu Thêxalônica để nhắc nhở họ phải sống như thế nào cho phù hợp với ơn gọi của họ. Đó là sống bền tâm vững chí, thánh thiện và không có gì đáng trách trước thanh nhan Thiên Chúa trong ngày Chúa quang lâm. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã dày công dạy dỗ, khuyên bảo và khuyến khích họ xưa rày.
Qua những lời khuyên nhủ của Thánh Phaolô, chúng ta hiểu ra rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện và công minh. Người sẽ đến để phân xử loài người đâu vào đó.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 21,25-28.34-36) là những lời Chúa Giêsu nói về những gì sẽ xẩy ra trong ngày Chúa quang lâm (tức ngày Chúa đến lần thứ hai) và những lời khuyên dạy các môn đệ phải tỉnh thức và cầu nguyện để không bị bất ngờ và nghiền nát trong ngày quan trọng ấy.
Qua đoạn Phúc âm Lc 21,25-28.34-36 này, cũng xuất hiện gương mặt của một Thiên Chúa toàn trí và yêu thương. Người luôn chăm lo cho con cái loài người để chúng ta chiêm ngưỡng, yêu mến và thi hành lời khuyên của Người.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy:
* tỉnh thức để không bị bất ngờ và có thể đứng vững (không bị nghiền nát) trong ngày Chúa quang lâm,
* tỉnh thức đề phòng, không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời,
* luôn sẵn sàng tỉnh thức chờ đợi và cầu nguyện không ngừng.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng trung tín trong mọi lời hứa với tổ tiên loài người là sẽ ban Đấng Công Chính cho dân Người. Sống với Thiên Chúa là Ngôi Lời Nhập Thể và đồng hành với chúng ta chỉ đường dẫn lối cho chúng ta qua gương lành và lời giảng dậy của Người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Muốn thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay chúng ta có hai việc phải làm, là:
(1o) Tỉnh thức tức cảnh giác đề phòng trước hai nguy cơ khiến chúng ta bị bất ngờ và dễ bị nghiền nát:
* một là chè chén say sưa, không chỉ trong rượu bia mà còn trong nhiều thứ khác như danh vọng, chức quyền, của cải, lạc thú, sự an nhàn và hưởng thụ ích kỷ.
* hai là lo lắng sự đời: như chạy theo công danh, sự nghiệp, công ăn, việc làm, của cải, sức khỏe, sắc đẹp, chức quyền, địa vị, tiếng tăm…
(2o) Cầu nguyện không ngừng, vì cầu nguyện là như hơi thở của đời sống thiêng liêng và vì khi cầu nguyện, chúng ta sống trước tôn nhan Chúa, chúng ta ở trong trạng thái chờ mong đón đợi Chúa và múc được sức mạnh thần linh của Chúa.
V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Trong những ngày ấy, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho dân tộc Việt Nam, than yêu của chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô là Đấng Công Chính mà Thiên Chúa đã ban cho nhân loại.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện Hội Thánh, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y và Giám Mục, cho các Linh mục và Tu Sĩ Nam Nữ, để các vị ấy được ơn bền tâm vững chí theo đuổi lý tưởng Phúc Âm mà Chúa Kitô đã mời gọi.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta để mọi người biết sống yêu thương nhau và yêu thương mọi người xung quanh.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Các ngươi tự cảnh giác đề phòng, kẻo lòng các ngươi ra nặng nề bởi chè chén say sưa, bởi những lo lắng sự đời….» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người đang bị của cải, chức quyền và bạo lực làm cho tâm hồn u mê tăm tối, để họ sớm thức tỉnh và hoán cải theo Thánh Ý Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigon ngày 24 tháng 11 năm 2021
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.