I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Năm C của Phụng Vụ đã kết thúc vào chủ nhật tuần trước để tuần nay Giáo Hột bước vào Mùa Vọng của năm A. Vọng trong ngôn ngữ Việt có 2 nghĩa là ngóng đợi và hy vọng; nhưng theo nguyên ngữ la-tinh thì Mùa Vọng hay Adventus có nghĩa là “việc xẩy đến” hay “biến cố”, tức sự việc Thiên Chúa đã đến trần gian và đã đi vào lịch sử của nhân loại. Thật vậy Thiên Chúa đã đến trong lịch sử nhân loại qua giao ước với các Tổ Phụ và dân riêng là Ít-ra-en và nhất là Thiên Chúa đã đến nơi Đức Giê-su Na-da-rét là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra ở Bê-lem, để giải thóat nhân loại khỏi mọi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là đau khổ và cái chết!
Chính Đấng Thiên Chúa ấy sẽ đến một cách long trọng trong Ngày Quang Lâm, để thực thi công lý một cách triệt để và trọn vẹn tức thưởng phạt cách công minh mọi người và mọi vật trên thế gian này. Nhưng Đấng Thiên Chúa ấy cũng thường đến với mỗi người/cộng đoàn chúng ta trong/qua các biến cố cuộc sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta.
Đế gặp được Chúa và đón rước Người vào nhà là tâm hồn và cuộc sống của mình, chúng ta cần phải tỉnh thức và sẵn sàng. Đó chính là lời kêu gọi tha thiềt của Chúa Ki-tô trong Bài Phúc âm hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH (1)
2.1 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 1 (Is 2,1-5): “Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời” Điềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Điềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.
Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà †Thiên Chúa‡ của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người”; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.
Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.
2.2 Lắng nghe Lời Chúa trong bài đọc 2 (Rm 13,11-14): “Phần rỗi chúng ta gần đến” Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.
2.3 Lắng nghe Lời Chúa trong bài Tin Mừng (Mt 24,37-44): “Hãy tỉnh thức để sẵn sàng” Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.
“Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa hay Thiên Chúa là Ai?
– Là Đấng ngự trên (núi) cao và dạy con người biết đường lối của ngay thật. Người cũng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân muôn nước. Nghe Lời Chúa, các dân tộc sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
– Là Chúa Giê-su Ki-tô với danh hiệu là Con Người – nghĩa là người và đồng thời là nhân vật huyền bí đã được Đấng Lão Thành (Thiên Chúa) giao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, trong thị kiến của tiên tri Đa-ni-en (7,13-14). Người đã đến trần gian và trong lịch sử loài người, sẽ đến trong ngày Quang Lâm, nhưng vẫn hằng đến trong cõi tâm linh của mỗi con người, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là Đấng Phục Sinh.
3.2 Sứ Điệp hay Giáo Huấn của Chúa (Chúa dậy gì hay Chúa muốn chúng ta làm gì?):
Qua ba bài Sách Thánh hôm nay, sứ điệp hay giáo huấn của Lời Chúa là:
– “Hãy lên núi Đức Chúa, vào Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết đường lối của Người, và để ta bước theo Người” (Ngôn sứ I-sai-a).
– “Hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Thánh Phao-lô).
– “Hãy canh thức… Hãy sẵn sàng chờ đón giờ phút Con Người (Chúa Giê-su) đến”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là có tâm tình thờ phượng, tin tưởng và phó thác, với
– Đấng ngự trên (núi) cao và dạy con người biết đường lối của ngay thật. Người cũng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân muôn nước. Nghe Lời Chúa, các dân tộc sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.
– Chúa Giê-su Ki-tô với danh hiệu là Con Người – nghĩa là người và đồng thời là nhân vật huyền bí đã được Đấng Lão Thành (Thiên Chúa) giao quyền thống trị, vinh quang và vương vị, trong thị kiến của tiên tri Đa-ni-en (7,13-14). Người đã đến trong lịch sử, sẽ đến trong ngày Quang Lâm, nhưng vẫn hằng đến trong cõi tâm linh của mỗi con người, vì Người vừa là Thiên Chúa vừa là Đấng Phục Sinh.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Câu hỏi được nêu lên là làm sao chúng ta thực thi được sứ điệp của Lời Chúa hôm nay? Từ kinh nghiệm cá nhân và cộng đoàn, chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta thật rất khó mà sống kết hiệp mật thiết với Chúa Ki-tô, với Thiên Chúa, và càng khó hơn việc chúng ta mỗi ngày mỗi nên giống Chúa Ki-tô hơn. Gợi ý của các bài Thánh Kinh hôm nay là chúng ta phải lánh xa cảnh chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương, chiều theo tính xác thịt, thỏa mãn các dục vọng (mặt tiêu cực) và chiến đầu bằng vũ khí của sự sáng, sống tỉnh thức, sẵn sàng và chờ đón Chúa như bề tôi chờ đón ông chủ, như cô dâu chờ đón chàng rể (mặt tích cực). Nhưng dường như những việc ấy mới chỉ là khởi điểm chứ thật ra chưa đủ. Vậy phải làm gì hơn nữa?
Tôi xin phép được chia sẻ một kinh nghiệm: Phong Trào Cursillo có một phương cách rất hữu hiệu trong việc giúp các thành viên nên giống Thầy Giê-su Chí Thánh: mỗi ngày/tuần/tháng anh chị em Cursillo kiểm điểm đời sống của mình nhờ/qua phương châm: “mộ đạo, hiều đạo và hành đạo”, được cụ thể hóa bằng 3 câu hỏi:
(1o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để tăng thêm lòng mộ/sùng Đạo [tức yêu mến Thiên Chúa/ yêu mến Chúa Giê-su/ yêu mến Hội Thánh]?
– Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã tham dự các Thánh Lễ, lần chuỗi Mân Côi, đi Đàng Thánh Giá, chầu Thánh Thể, đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, hy sinh, hãm mình v.v….. để lòng mộ/sùng Đạo của tôi được tăng triền tức để tôi yêu mến Thiên Chúa/ yêu mến Chúa Giê-su/ yêu mến Hội Thánh hơn]
(2o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để tôi có thêm sự hiểu biết về Đạo [tức về Thiên Chúa/về Chúa Giê-su/về Hội Thánh]?
– Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã tham dự các buổi học hỏi Thánh Kinh, đã đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện mỗi ngày, đã đọc sách thiêng liêng, sách thần học, đã nghe thuyết trình, dự tọa đàm v.v….. để tôi hiểu biết hơn về về Thiên Chúa/về Chúa Giê-su/về Hội Thánh].
(3o) Hôm nay/tuần này/tháng này tôi đã làm những gì để truyền bá Đạo [tức giới thiệu Thiên Chúa/ giới thiệu Chúa Giê-su/ giới thiệu Hội Thánh] cho những người xung quanh?
– Câu trả lời có thể là: Hôm nay/tuần này/tháng này, tôi đã dành thời gian đi thăm người già cô đơn trong khu xóm, thăm bệnh nhân trong bệnh viện, cúng tiền hoặc tham gia chuyến cứu trợ đồng bào bị bão lũ Miền Trung, dậy Giáo Lý cho dự tòng, viết/gửi bài diễn giải hay suy niệm Phúc Âm cho một số người hay trang nhà (web), nói về Chúa và Hội Thánh cho những người tôi gặp, đã hy sinh, hãm mình cầu nguyện cho Công cuộc Loan Báo Tin Mừng v.v.….. để truyền bá Đạo Chúa.
Xin các bạn hãy thực hành phương châm hay cách xét mình này của Phong Trào Cursillo. Trả lời 3 câu hỏi trên một cách trung thực, các bạn sẽ thấy mình thay đổi.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho mọi người được ơn Chúa soi sáng để họ nhận biết đường ngay lối thẳng mà bước đi trong cuộc sống trần gian này.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và Giáo Dân để mọi thành phần Dân Chúa biết mặc lấy Chúa Ki-tô là thấm nhuần tinh thần Phúc Âm và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, để mọi người già trẻ lớn bé đều sống tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» Cùng với Đức Mẹ và các Thánh, chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những người đang sống trong đau khổ, nghèo đói, thiếu thốn và tuyệt vọng, để họ nhận được sự giúp đỡ và an ủi.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sài-gòn ngày 23 tháng 11 năm 2022
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.