Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta gỡ mình khỏi mọi ràng buộc để tự do bước theo Đức Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, kể cả những người không phải là Kitô hữu đều được Chúa gọi.
Con người thời nay thường mệnh danh tự do để hành động theo ý mình muốn, nhưng thực ra, họ đang làm nô lệ cho đủ thứ trên đời. Nền kỹ nghệ hiện đại làm cho con người lười suy nghĩ và thiếu sáng tạo. Họ bị lệ thuộc vào máy vi tính, điện thoại di động, phương tiện đi lại hoặc những cuộc giải trí. Không phủ nhận giá trị của những phương tiện hiện đại này, nhưng nếu không biết sử dụng một cách quân bình, chúng sẽ biến chúng ta trở thành nô lệ và cản trở chúng ta trên con đường theo Chúa. Những phương tiện này làm cho chúng ta thành những người khô khan lạnh lùng trong mối tương quan với đồng loại. Một hình thức nô lệ nghiêm trọng hơn, đó là con người bị lệ thuộc vào những tham vọng hay ảo tưởng của chính mình và bị chúng chi phối. Trong thực tế, những tham vọng này thay vì đem lại cho con người hạnh phúc, lại dẫn họ đến đau khổ, có khi là tù tội và ly tán.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta gỡ mình khỏi mọi ràng buộc để tự do bước theo Đức Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, kể cả những người không phải là Kitô hữu đều được Chúa gọi. Bởi lẽ những lời mời gọi thực thi công bình, sống quang minh chính đại đều từ Chúa mà đến. Bất kể ai, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, mà sống theo lương tâm ngay chính, lo làm việc thiện là người đó đang hướng về Chúa là nguồn Chân, Thiện, Mỹ. Trong thực tế, lời mời gọi của Chúa được con người đáp trả nhiều cách khác nhau. Các thánh là những người đã quảng đại đáp trả tiếng Chúa gọi và trung thành với Ngài suốt đời.
Thánh Luca kể lại ba trường hợp xin theo Chúa để làm môn đệ của Người. Xin lưu ý là Chúa không từ chối bất cứ trường hợp nào. Câu trả lời của Chúa “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” có thể được hiểu như là một điều kiện Chúa đưa ra để người đó suy nghĩ và quyết định. Ba trường hợp được kể lại trong Tin Mừng như muốn nói với chúng ta, con người luôn bị ràng buộc và cản trở trong hành trình theo Chúa. Để trung tín với Ngài, người môn đệ phải dành cho Chúa một chọn lựa ưu tiên. Chọn lựa ấy là một lý tưởng sống, vượt lên mọi tình cảm và mọi mối liên hệ khác. Khi dốc quyết theo Chúa, chúng ta trở thành người tự do, thanh thản nhẹ nhàng trong niềm tin yêu và tín thác.
Xin đừng vội kết luận là những ai muốn theo Chúa phải đoạn tuyệt mọi mối dây liên hệ gia đình và họ hàng thân thuộc. Những câu trả lời của Chúa Giêsu nhằm nhắc tới sự quyết tâm và hy sinh để theo Người, đồng thời đừng để cho những mối liên hệ đó trở hành vật cản trong bước đường theo Chúa. Ta có thể thấy điều này được minh họa bởi bài đọc I. Khi kể lại những trường hợp xin theo Chúa trong tác phẩm của mình, chắc chắn thánh Luca liên tưởng đến trường hợp của ông Êlisa được nhắc tới trong sách Các Vua. Cử chỉ “ném áo choàng” cho ai, có ý chọn và gọi người đó làm môn sinh. Vào thời xa xưa, chiếc áo choàng hay các đồ vật thuộc về một người nào được coi như chính con người sở hữu chúng. Ông Êlisa đã hiểu điều đó và đã chấp nhận làm môn đệ cho ngôn sứ Êlia.
Chúa Giêsu là mẫu mực cho chúng ta về sự hy sinh và lòng trung thành với chọn lựa của mình. Thánh Luca đã diễn tả điều đó khi ngài viết: “Người nhất quyết đi lên Giêsusalem”. “Đi lên Giêsusalem” đồng nghĩa với việc đi vào chốn đầy nguy hiểm chống đối, thậm chí là bước vào cái chết. Vì cớ Người đi Giêsusalem mà dân làng người Samari khước từ việc đón tiếp Người. Chúa Giêsu đã can đảm bước đi, trong niềm phó thác nơi Chúa Cha. Trong hành trình lên Giêrusalem, trước sự khước từ của người đời, Chúa không hành xử theo đề nghị của anh em ông Giacôbê và Gioan muốn “xử” người dân Samari theo luật giang hồ. Như thế, cùng với sự can đảm trung thành, Đức Giêsu còn nhắc nhở những ai muốn trở thành môn đệ phải kiên nhẫn và bao dung trước những lập trường và quan điểm khác biệt với mình.
Ngỏ lời với tín hữu Galát, Thánh Phaolô phân tích đâu là tự do đích thực của những người yêu mến Chúa. Giáo huấn của vị Tông đồ vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta hôm nay. Bởi lẽ giữa các cá nhân cũng như cộng đoàn, đây đó vẫn còn những khuynh hướng loại trừ nhau. Sự chia rẽ này đã gây biết bao hậu quả tiêu cực đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Chăm chú lắng nghe và để cho Thần Khí hướng dẫn đời mình, đó là bí quyết để đạt được sự bình an và tự do đích thực. Một cách cụ thể, hãy đón nhận những gì là “hoa quả của Thần Khí”, tức là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22). Thực hiện được những điều ấy, chúng ta không còn là nô lệ nữa, nhưng được tự do, sự tự do đích thực của những con cái Thiên Chúa.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên