Mùa Chay luôn mang một bầu khí đặc biệt, thấm đượm tinh thần cầu nguyện, được thể hiện qua cách trang trí nhà thờ, những nghi thức ngắm nguyện, những buổi tĩnh tâm dành cho các hội đoàn và các giới. Bầu khí đạo đức của Mùa Chay phù hợp với lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”
Mùa Chay được gọi là “thánh” vì mang một ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người tín hữu, đồng thời là điểm nhấn quan trọng trong đời sống đức tin. Tại các giáo xứ truyền thống, Mùa Chay luôn mang một bầu khí đặc biệt, thấm đượm tinh thần cầu nguyện, được thể hiện qua cách trang trí nhà thờ, những nghi thức ngắm nguyện, những buổi tĩnh tâm dành cho các hội đoàn và các giới. Bầu khí đạo đức của Mùa Chay phù hợp với lời khẳng định của thánh Phaolô: “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (Bài đọc II).
Dĩ nhiên, Thiên Chúa không chỉ tha thứ và ban ơn cứu độ trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng ơn cứu độ của Ngài tràn trề, mênh mông như biển cả. Tuy vậy, như lời kinh nguyện ngắm của Mùa Chay còn được đọc nơi một số giáo phận đã diễn tả: “Như con chim biết mùa làm tổ…”. Mùa Chay đối với tín hữu là thời điểm nhận ra lòng thương của Chúa thật mênh mông cao vời, mà chúng ta vô tình tệ bạc trước tình thương ấy. Tội lỗi chính là sự tệ bạc, bội nghĩa vong ân đối với Thiên Chúa. Câu chuyện người cha nhân hậu trong Tin Mừng thánh Luca đã phản ánh rõ giáo huấn về tội lỗi và ân sủng, về tình thương của Thiên Chúa và sự lầm lạc của con người, về sự cần thiết phải trở về để nối lại tình xưa giữa Thiên Chúa với tâm hồn mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu, trong Tin Mừng hôm nay đã đề cập đến ba thực hành quan trọng: Làm phúc, cầu nguyện và ăn chay. Dựa trên giáo huấn của Lời Chúa, ba thực hành này đã trở nên cốt lõi của đời sống đức tin nói chung và của Mùa Chay nói riêng. Tuy vậy, điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh, đó là tâm tình và ý thức của người tín hữu thể hiện qua những thực hành này. Ai trong chúng ta đã không có lần làm phúc và cầu nguyện? Ai chúng ta mà không ăn chay mỗi khi Mùa Chay về? Mùa Chay là thời điểm để chúng ta xét lại những thực hành này, để rồi, chúng không chỉ được thực hành một cách chiếu lệ, nhưng được thúc đẩy bởi đức tin, đức cậy, đức mến. Ý thức mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, Đấng ngự nơi bí ẩn, đó là điều Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta. Vì chỉ như thế, những gì chúng ta làm mới mang tinh thần siêu nhiên. Xung quanh chúng ta, có rất nhiều người làm từ thiện. Trong xã hội hôm nay, có nhiều người ăn chay vì lý do sức khỏe hoặc để tạo một đời sống thanh tịnh. Điều khác biệt nơi người Kitô hữu, đó là làm phúc, ăn chay, cầu nguyện với ý thức về một Đấng Vô Hình, đang hiện diện trong tâm hồn họ, để rồi những gì họ làm cho những người bất hạnh khó nghèo là làm cho Chúa, Đấng đã hóa thân nơi người cùng khổ đang hiện diện hàng ngày xung quanh chúng ta.
Vì vậy, khi thực hành những đạo đức kể trên, người tín hữu không chờ mong lời khen của người đời. Chúa Giêsu đã diễn tả qua việc xức dầu thơm khi ăn chay và mang bộ mặt vui vẻ hòa nhã. Chúa cũng dặn, đừng khoe khoang việc từ thiện mình đã làm, hoặc đừng phô diễn khi cầu nguyện. Giáo huấn này hoàn toàn khác với thói quen nơi một số người biệt phái trong xã hội đương thời. Qua những chỉ dẫn trên, Chúa muốn chúng ta đi vào tinh thần nội tâm của đời sống Kitô hữu, ở những lãnh vực khác nhau, nhằm diễn tả một đức tin trưởng thành và một đời sống chân chính.
Giữa dòng đời trôi nổi ồn ào, chúng ta có nguy cơ bị lạc hướng, để mình trôi theo những tham vọng trần tục. “Mùa thuận tiện” đưa chúng ta trở về với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Về với Chúa để nhận ra thân phận hèn yếu lỗi lầm, tái lập mối tương giao cha-con với Ngài; về với tha nhân để nhận ra họ là hồng ân Chúa ban tặng (Sứ điệp Mùa Chay 2017); về với chính mình để nhận ra mình đang ở đâu trong cơn lốc cuộc đời, để không bị đánh mất mình trong biển đời hỗn độn mênh mông.
Lời kêu gọi trở về, được ngôn sứ Giôen diễn tả, vừa đanh thép quyết liệt, vừa tha thiết dịu dàng. Đây là một lời “hiệu triệu” thôi thúc con tim mỗi người hãy gác lại những bận rộn âu lo của cuộc sống để thành tâm trở về với Chúa, như một ưu tiên quan trọng của cuộc đời. Lời kêu gọi sám hối được gửi đến mọi người, già trẻ, gái trai, tân lang tân nương, tư tế phục dịch trong Đền thờ. Mùa Chay là mùa thuận tiện đối với hết mọi người chúng ta.
“Hãy xé lòng, đừng xé áo”. Lời ngôn sứ mời gọi chúng ta hãy sống Mùa Chay cách chân thành và hiệu quả, chứ không dừng lại ở những nghi lễ bên ngoài. Hãy can đảm và trung thực đặt mình trước mặt Chúa, nhận ra những thiếu sót của mình để sám hối canh tâm. Đây là mùa thuận tiện giúp chúng ta đến gần Chúa và đến gần anh chị em mình hơn. Mùa Chay cũng giống như mùa cây thay lá, cởi bỏ những tán lá đã già cỗi để nhường chỗ cho những mầm non sẽ mọc lên. Sau mùa lá rụng là mùa đâm chồi nảy lộc. Màu tím của Mùa Chay không chỉ diễn tả lòng sám hối đau buồn, mà còn mang sứ điệp hy vọng vào tình thương của Chúa, Đấng không vui gì khi con người phải trầm luân, nhưng muốn cho mọi người được ơn cứu độ và được sống muôn đời.
Lễ tro năm nay trùng với ngày 1-3, là tháng kính Thánh Cả Giuse, vị Thánh luôn khiêm tốn âm thầm, lo chu toàn thánh ý Chúa. Xin Thánh Nhân cầu bầu cho chúng ta, được noi gương Người, sống đời nội tâm sâu xa, để được kết hiệp với Chúa, tận hưởng hạnh phúc Nước Trời ngay tại cuộc sống trần gian hôm nay. Amen.
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên