I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Sau biến cố Chúa Giê-su cùng cha mẹ lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem khi 12 tuổi, không Phúc Âm nào viết về gần hai mươi năm Người sống ẩn dật ở Na-da-rét. Hôm nay chúng ta được đọc bài tường thuật của Thánh sử Lu-ca về câu chuyện Chúa Giê-su xuất hiện bên dòng sống Gio-đan để nhận phép rửa từ tay Gio-an Tẩy Giả. Xét theo một góc nhìn, thì Chúa Giê-su không cần phải chịu phép rửa, vì Chúa Giê-su là Đấng vô tội. Nhưng Chúa Giê-su đã hòa mình vào dòng người nhận thức mình là tội nhân, muốn thể hiện lòng sám hối và nóng lòng mong đợi ngày Cứu Độ của Thiên Chúa. Việc làm của Chúa Giê-su được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần chứng nhận một cách hết sức long trọng, khiến câu chuyện phép rửa mở đầu một trang sử mới trong kế hoạch mạc khải và thực hiện Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy chăm chú đọc các Bài Sách Thánh, nhất là Bài Tin Mừng của Thánh Lu-ca, để suy niệm và đi vào hiệp thông sâu đậm với Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, Đấng khai mở một Triều Đại Mới của Thiên Chúa.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 40, 1-5. 9-11): “Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người”.
Đây là lời Chúa phán: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm”.
2.2 Trong bài đọc 2 (Cv 10,34-38): “Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người.”
Trong những ngày ấy, Phê-rô mở miệng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Is-ra-el, loan tin bình an, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đa, khởi đầu từ Ga-li-lê-a, sau khi Gio-an đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giê-su thành Na-da-rét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 3,15-16. 21-22): “Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra.”
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gio-an có phải là Đấng Ki-tô không?”, Gio-an lên tiếng bảo mọi người rằng: “Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!”
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giê-su cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.”
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Is 40, 1-5. 9-11) là những lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-a về những công việc cần chuẩn bị để đón chào Chúa Cứu Thế là Đấng được Thiên Chúa gửi đến khi tới ngày vinh quang của Thiên Chúa được tỏ bày cho toàn nhân loại.
Trong trích đoạn Is 40,1-5.9-11 này, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng thực hiện lời hứa của mình là sẽ ban Chúa Cứu Thế cho dân. Trước khi vị sứ giả của Thiên Chúa xuất hiện thì có các ngôn sứ được giao công tác dọn đường cho phẳng phiu.
3.1.2 Bài đọc 2 (Cv 10,34-38) là những lời của Thánh Lu-ca thuật lại giáo huấn của Thánh Phê-rô về việc Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong và giao sứ mạng cứu nhân độ thế cho Chúa Giê-su Na-da-rét.
Qua đoạn Cv 10-34-38 trên, chúng ta nhận ra chính Chúa Giê-su Na-da-rét là Đấng đã được đẹp lòng Thiên Chúa và được giao sứ mạng ban phát ân sủng của Thiên Chúa cho loài người.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 3,15-16.21-22) là bài tường thuật của Tin Mừng Lu-ca về công việc của Gio-an Tẩy Giả và sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay Gio-an. Gio-an khẳng định ông không phải là đấng Mê-si-a mà toàn dân Ít-ra-en mong đợi; ông chỉ là người dọn đường cho một Vị Cao Trọng sẽ đến sau ông là Đức Giê-su Na-da-rét. Đấng ấy sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa!
Qua đoạn Phúc Âm Lc 3,15-16.21-22 này, chúng ta khám phá ra chân dung và quyền năng của Chúa Giê-su: “Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu… có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” là những lời hùng hồn làm chứng hay xác nhận về thân thể và nguồn gốc thần linh của Chúa Giê-su Na-da-rét!
3.2 Sứ điệp Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm 2 phần.
* Phần thứ nhất là Chúa Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, chịu phép rửa bởi tay Gio-an trong dòng sông Gióc-đan là sứ giả của Thiên Chúa và là Con của Thiên Chúa hằng sống. Người đến trần gian để gánh tội dương thế và đem ơn cứu độ cho muôn người!
* Phần thứ hai của sứ điệp là Thiên Chúa muốn chúng ta đón nhận Chúa Giê-su với tư cách Người là sứ giả, là Con của Thiên Chúa bằng việc vâng theo lời Người mà từ bỏ tội lỗi và đam mê trần tục để sống từ bi, nhân hậu và thánh thiện theo gương của Người!
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa Cha là Đấng lên tiếng xác nhận Đức Giê-su chịu phép rửa là Con Yêu Dấu của Ngài. Sống với Chúa Thánh Thần là Đấng chứng nhận phép rửa của Chúa Giê-su trong dòng sông Gióc-đan. Sống với Chúa Giê-su là Đấng đã hòa mình vào dòng người mong đợi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.!
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi có hai việc để làm:
* Thứ nhất là tôi nhìn nhận Chúa Giê-su là Cứu Chúa và đón nhận Người vào tâm hồn và cuộc sống của tôi.
* Thứ hai là tôi cố gắng tránh xa tội lỗi, từ bỏ các đam mê trần tục và sống yêu thương bác ái và lành thánh.
V. CẦU NGUYỆN CHO LOÀI NGƯỜI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho những ai đang khát khao và tìm kiếm Chúa, để họ sớm được quy tụ trong đoàn chiên của Chúa và được Chúa ấp ủ yêu thương.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Giám Mục và linh mục, để các ngài luôn tích cực mở đường cho Thiên Chúa đến với mọi người, mọi dân.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả các Ki-tô hữu là những người đã được rửa trong Thánh Thần và Lửa, để mọi tín hữu từ bỏ tội lỗi và đam mê trần gian mà sống từ bi, nhân hậu và thánh thiện.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho chính chúng ta, để chúng ta càng ngày càng xác tín hơn về Chúa Giê-su Ki-tô là Con Một Thiên Chúa và là Cứu Chúa của chúng ta mà đón nhận và vâng theo lời Người và sống giáo huấn của Người.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 05 tháng 01 năm 2019
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.