Một thoáng suy tư về vị tôi tớ Chúa linh mục Phanxico Xavie TRƯƠNG BỬU DIỆP 1897 – 1946, nhân Lễ giỗ lần thứ 75 của ngài ( 1946 – 2021)

Thưa quý vị và các bạn, lễ giỗ là thứ 74 của cha Phanxico Xavie TRƯƠNG BỬU DIỆP năm 2020 không được tổ chức rộng rãi và tự do như lễ giỗ lần thứ 73 của ngài, bởi sự hạn chế của một con cô-vic 19. Năm nay, 2021, lễ giỗ lần thứ 75 của ngài cũng không được tổ chức trọng thể, rộng rãi, cũng bởi con cô-vic 19.

Ngày nay, sau khoảng 30 trở lại đây, “tiếng lành đồn xa”, sự linh hiển, nhờ lời cầu thay, nguyện giúp, tức sự bầu cử đắc lực của vị tôi tớ Chúa là Cha P.X Trương Bửu Diệp, một vị mục tử vì đoàn chiên thân yêu. Vì thế, tiểu sử và những hành trình sống Đạo và tử vì Đạo của cha đã lan rộng và được phổ biến khắp nơi trên thế giới. Tất cả và tất cả chỉ cần mở mạng là có, vì vậy, không cần thiết nói về tiểu sử và hành trình dương thế của cha.

Vậy thì nói về điều gì ? Thưa, nói về “Một thoáng suy tư”.

Vâng, một thoáng suy tư về “nhân đức tuyệt vời” của vị tôi tớ Chúa :TRƯƠNG BỬU DIỆP.

Vâng, chỉ trong phút chốc sẽ trở thành thánh nhân, nhưng, cũng trong phút chốc sẽ trở thành ác nhân.

– Cha P.X Trương Bửu Diệp sinh năm 1897
– Chịu chức linh mục năm 1924
– Chịu Tử Đạo năm 1946
– Được an táng lần thứ I, tại nhà thờ Khúc Tréo từ năm 1946 – 1969 ( 23 năm)
– Được cải táng lần thứ I , năm 1969 – 2010 ( 40 năm )
– Được cải táng lần thứ II, năm 2010 -2021 ( 11 năm) đến nay.

Theo đó, từ lúc đi tu đến khi được phúc Tử Đạo là 40 năm. Vâng, 40 năm , từ cậu bé mồ côi mẹ năm lên 07 tuổi đến khi được hoàn tất hành trình dương thế để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô Phục Sinh , tại một miền sông nước Miền Tây Việt Nam.

Giai đoạn mà tín ngưỡng, tâm linh còn mờ nhạt, phôi thai, sơ khởi, dù mấy trăm năm được khai phá, mở rộng lãnh thổ. Người dân còn bơ vơ, thú rừng, côn trùng, địa lý, thổ nhưỡng, linh khí, sinh khí, tạp khí, đủ thứ tại vùng miền tây sông nước thưa thớt.

Từ đó, người dân cũng tin và tự tìm đến nhiều chỗ dựa tâm linh cho mình. Trong đó, có Đạo Công giáo, vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Đạo Công giáo được truyền bá đến miền tây sông nước, sau biết bao gian khổ của các nhà truyền giáo.

Ngày nay, chiêm ngắm nhiều bức tượng của cha Diệp, chúng ta thấy có bức tượng, tay ngài cầm Thánh giá giơ cao, mặc áo thánh có dây Stola, trong giông y hệt tượng thánh Phanxicô Xavie, vị thánh truyền giáo lỗi lạc và vĩ đại của Dòng Tên 400 năm trước, đã ước ao truyền giáo tại Việt Nam, nhưng, chưa được toại nguyện, nhưng, thế hệ môn đệ của ngài đã thực hiện được điều ngài ao ước, là những vị thừa sai dòng Tên truyền giáo đến Việt Nam, chỉ khác là không có bộ râu quai nón.

Như vậy, ngày nay, sau 75 năm chịu Tử Đạo, cha Diệp đã hiển linh cách tuyệt diệu tại sứ sở Bạc Liêu, chính thức là Tắc Sậy – Gía Rai cách Bạc Liêu khoảng hơn 30 km.

Nhân đức anh hùng, xả kỷ, hy sinh của vị tôi tớ Chúa không cần bàn đến lúc nầy, ai cũng biết. Nhưng, điều gì đã thôi thúc cha, động lực nào giúp cha thực thi được điều ấy, thưa, chính là ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH, vâng, chính Đức Ki-tô Phục Sinh đã thôi thúc và Thần Khí Chúa đã đốt lửa nhiệt thành trong cha, để cha trở nên ngọn lửa tình yêu tự hiến như Vị Thầy Chí Thánh Giê-su.

Bảy mươi lăm năm, một hành trình Đức Tin siêu nhiên ngời sáng tiếp bước bốn mươi chín năm hành trình Đức Tin dương thế, đã làm nên một Phanxico Xavie TRƯƠNG BỬU DIỆP.

Lịch sử Đức Tin Công giáo Việt Nam, được gieo vãi của biết bao công khó của các thánh Tử Đạo truyền giáo thừa sai Dòng Tên. Vì vậy, họ đã viết lên khúc khải hoàn ca “bằng máu” của mình cho tràng sử “CÔNG GIÁO VIỆT NAM”.

Vâng, để hình thành nên bốn chữ ấy, sau bốn trăm năm, Đất Việt đã thấm đượm máu của các ngài. Cha Diệp, dù đến nay đã được 124 năm, nhưng, ngài cũng là con cháu các thánh Tử Đạo Việt Nam, dòng máu anh hùng Tử Đạo muôn đời bất khuất, trung kiên của muôn người gộp lại đã hình thành nên một vị tôi tớ Chúa hôm nay là cha TRƯƠNG BỬU DIỆP và một linh địa của những con người mến mộ cha từ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại.

Có một điều nổi bật và làm nên điều kỳ diệu nơi cha Diệp, đó là : Cha Diệp tự xây dựng nhà thờ, trung tâm hành hương, và tái cải táng cho ngài sau hai lần chôn cất như hiện nay. Vâng, điều ấy hoàn toàn sự thật, được chứng minh mà không ai có thể chối cãi được, có thể nói, một hiện tượng hy hữu trên thế giới, điều mà không phải thánh Tử Đạo nào cũng làm được.

Chúng ta thấy, đó là một hiện tượng siêu nhiên, nhưng hữu hình, sống động, đó là Trung Tâm hành hương Thánh Đường Tắc Sậy – Gía Rai –Bạc Liêu ngày nay. Ngay cả, hàng giáo quyền cao cấp của Việt Nam, các linh mục, tu sĩ cách đây khoảng 30 năm trở về trước. cũng bán tín, bán nghi, nói chi người ngoại giáo.

Hoàn toàn chuyện lạ có thật, không có vị nào dù thánh thiện đến đâu cũng không thể sánh với cha Diệp, tự xây nhà thờ và nơi chôn cất mình sau khi qua đời. Chúng ta thấy những đồ gỗ quý giá trong nơi thờ tự hiện nay, so với nơi chôn cất đầu tiên tại nhà thờ khúc treo cách đây 75 năm, đủ minh chứng cha Diệp hiển thánh như thế nào. Điều nầy, không phải mên tín, dị đoan, mà là : Một tình thương, vâng, “Tình thương đáp trả tình thương …” là như vậy.

Theo đó, đúng như Lời Chúa Giê-su nói : “… Có hạt được ba mươi, sáu mươi, nhưng có hạt được một trăm…”.

Từ ngữ “nhân quả”, chính là cách để thể hiện lời minh chứng, giảng dạy tâm linh, chứ từ ngữ “nhân quả” không phải là từ ngữ “nhà Phật”, theo đó, Lời dạy của Chúa Giê-su nói trên cũng là “NHÂN QUẢ” đó thôi, nhưng, Người không dùng từ ngữ “nhân quả” mà dùng “Gieo nhân nào, gặt quả đó ”.

Như vậy, cha P.X Trương Bửu Diệp, không phải là hiện tượng “nhân quả” đó sao?! Vì thế, xin đừng quan niệm “từ ngữ” mà phân biệt cho khó khăn.

Bảy mươi lăm năm, một lễ giỗ, bảy lăm năm, một cuộc đời, bảy lăm năm, một chặng đường, nếu ai được sinh ra năm 1946 , thì giờ đây đã bảy lăm tuổi rồi, một độ tuổi sẽ được về hưu, nghĩ dưỡng, nhưng, 75 năm lễ giỗ thật quý hóa biết bao ! Dù, cô- víc 19 cũng chỉ có hạn, nhưng, tình tri ân thì mãi muôn đời.

Đến nay, cha Diệp chịu Tử Đạo đã rõ, nhưng, ai giết cha Diệp còn “bỏ ngõ”, để cho lịch sử phán xét. Có bốn thành phần tham gia trong vụ án cha Diệp là :

– Người Pháp (bị oan, vì người Pháp không thể sát hại linh mục lúc đó)
– Người Nhật xâm chiếm.
– Việt Minh kháng chiến ( năm 1946 cũng là năm Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo mất tích bí ẩn cho đến nay).
– Cường hào ác bá, địa chủ bất lương, mưu đồ lợi lộc.

Chúng ta không dám lên án ai, để khỏi bị lên án.

Trong thời kỳ nhiễu nhương, chính quyền bất định, Nhật Pháp giao tranh, Việt minh kháng chiến, cường hào ác bá tranh giành lợi lộc. Lợi lộc lợi dụng chính trị, chính trị lợi dụng lợi lộc tranh giành nhiễu nhiêu gây đau thương cho xứ sở, con người đau khổ, thật tội nghiệp cho dân tộc Việt Nam, máu đỏ, da vàng.

Dân tộc nào cũng có lịch sử, sau 75 năm, xin tạ ơn Chúa, dân tộc Việt Nam còn chìm trong khổ đau hay không ? Câu trả lời, liệu hiện tại có đủ minh chứng chăng?Dù sao, mỗi năm Lễ giỗ cha Diệp, trong suốt 75 năm qua, chúng ta người Công giáo Việt Nam xin tri ân ngài đã không ngừng chuyển cầu lên Đấng Toàn Năng, vâng, chỉ có NGÀI, Đấng Toàn Năng, Toàn Trí, Toàn Gíác, Toàn Chân, Thiện, Mỹ, tắt một Toàn là TOÀN NĂNG, tạo thành, cứu chuộc vì tình yêu .

Xin cha tiếp tục chuyển cầu ơn bình an cho toàn thế giới . Amen

Nhân lễ giỗ thứ 75 của tôi tớ Chúa lm. P.X Trương Bửu Diệp.

Phê-rô Trần Đình Phan Tiến