Thứ Tư Tuần II MV
Bài đọc: Isa 40:25-31; Mt 11:28-30.
1/ Bài đọc I: 25 Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó?
26 Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó?
Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú,
Người gọi đích danh từng ngôi một,
khiến không thiếu vắng một ngôi nào.
27 Hỡi Gia-cóp, sao ngươi nói, hỡi Ít-ra-en, sao ngươi bảo:
“Đường tôi đi, ĐỨC CHÚA không nhìn thấy,
quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?”
28 Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa vĩnh cửu,
là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.
Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,
trí thông minh của Người khôn dò thấu.
29 Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi,
kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
30 Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn,
trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
31 Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA
thì được thêm sức mạnh.
Như thể chim bằng, họ tung cánh.
Họ chạy hoài mà không mỏi mệt,
và đi mãi mà chẳng chùn chân.
2/ Phúc Âm: 28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
________________________________________
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và săn sóc mọi người.
Con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn, cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.
Các Bài đọc hôm nay muốn chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa: “Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có thể gọi đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người một. Nói cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói: “Thiên Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.
1.1/ Chúa biết và yêu thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào.”
Nếu Thiên Chúa đã dựng nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng dựng nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên Tri chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi Jacob, sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: “Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.”
1.2/ Chúa săn sóc từng cá nhân: Vì Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan phòng con người. Những ai trông cậy vào Người, thì được Người ban sức mạnh: “Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo.
2/ Phúc Âm: Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những kinh nghiệm như Chúa Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn không gánh nổi những đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người chỉ muốn buông xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay vần đến đâu!” Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như chúng ta, và còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết bao nhiêu điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình Ngài đã vác Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính; và đã 3 lần gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một cái chết đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha ơi! Sao Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người, Ngài chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.2/ Chúa Giêsu giúp từng người giải quyết vấn đề của mình.
(1) Chúa không hứa con người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Tĩnh từ Hy-Lạp dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa vặn.” Bên Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để thợ mộc đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang tới để thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà không gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề làm ách khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người mang ách làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.
(2) Chúa giúp con người vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
– Bài học hiền hậu: Đây là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế, họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử bất công.
– Bài học khiêm nhường: Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc đời. Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay hơn người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và nhường cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với phong ba, bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.
(3) Chúa giúp con người vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần xác tín mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.
– Chúa biết chúng ta còn hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài đã biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
– Nhiều khi chúng ta cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài.
LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP